Bài 2: Cuộc 'xâm lăng' của bụi mịn
Dựa trên mức đo về lượng bụi siêu mịn PM2.5/m3, thống kê gần nhất của Tổ chức Thông tin về Chất lượng Không khí Toàn cầu (IQAir AirVisual) thì Việt Nam đứng thứ 17. Trong đó, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nằm trong top những thành phố bị ô nhiễm nặng.
Khí thải, khói bụi trong hoạt động giao thông đang mở đường cho cuộc “xâm lăng” của bụi mịn, biến nó thành nỗi ám ảnh của người dân ở các thành phố đông đúc...
* Thiếu khí sạch, thừa bụi mịn
Vấn đề môi trường được người dân quan tâm nhất hiện nay chính là sự “xâm lăng” của bụi mịn và siêu mịn. Hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã có những ngày u ám khi bầu khí quyển ô nhiễm được cảnh báo ở mức “rất xấu”, khiến người dân ngán ngại mỗi khi phải ra đường.
Chị Phạm Thùy Hương, một công chức ở thành phố Hà Nội cho biết, mỗi sáng chị phải dậy rất sớm, dùng khẩu trang, áo khoác, nón kính che chắn kín hết cả người để đưa con đi học và mình đi làm, bởi muốn tránh đi vào giờ cao điểm kẹt xe, tắc đường và bụi bặm trong thành phố bị xới tung lên bởi hàng ngàn xe cơ giới lưu thông.
“Dù bây giờ đang mùa thu, thời tiết rất đẹp, rất dễ chịu nếu được đi tập thể dục hay thong thả tản bộ trên những con đường đầy lá vàng. Nhưng trước vấn nạn môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là xuất hiện của bụi mịn, các nhà chuyên môn đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường. Cho nên, nếu không có việc thật cần thiết, mình cũng ngại ra đường” – chị Thùy Hương cho biết.
Để đối phó với tình trạng ô nhiễm bụi mịn, nhiều người dân ở các thành phố lớn – nơi có mật độ giao thông lớn cũng như hoạt động sản xuất công nghiệp đã phải tìm cách đối phó bằng cách “săn” những loại khẩu trang đặc biệt, ra đường áo váy trùm kín mít và nhất là tải cho được cái app thông báo tình trạng ô nhiễm.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang sống ở phường Long Bình Tân (TP. Biên Hòa) - khu vực có mật độ xe lưu thông rất lớn và đặc biệt là mỗi ngày có hàng trăm xe tải, xe ben chở đất chạy rùng rùng suốt ngày đêm, cho biết: “Hôm nào mở app thấy báo không khí ở mức có hại cho sức khỏe là tôi rất hạn chế ra ngoài, không có việc gì gấp thì ở nhà, cửa cũng không mở lớn, thậm chí những hôm thời tiết quá xấu, tôi cho các con nghỉ học ở nhà. Trước đây, lo bụi làm dơ mặt, nổi mụn nhưng đọc báo giờ biết bụi mịn còn nguy hiểm hơn rất nhiều khi gây ra các bệnh về phổi, tim, não... thậm chí có thể gây một số bệnh ung thư”.
Bụi mịn sinh ra từ khí thải trong hoạt động giao thông, phát tán từ các công trường xây dựng hay xung quanh các khu công nghiệp. Tuy nhiên, thông tin xác nhận từ Bộ Tài nguyên và môi trường, bụi mịn ở Việt Nam gia tăng có nguyên nhân xuất phát từ khí thải của hoạt động giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hay ở các khu vực có nhiều khu công nghiệp như ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hải Dương, Vĩnh Phúc...
Lo ngại trước tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn dẫn đến bệnh tật bủa vây, TS.Trần Ngọc Đăng, giảng viên Bộ môn Sức khỏe môi trường, khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh đã thông tin, bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt li ti trong không khí, có kích thước 2,5 micromet trở xuống được hình thành từ các chất như: Cacbon, Sulfua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Bụi mịn xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, qua da thông qua lỗ chân lông. Bụi kích thước càng nhỏ sẽ xâm nhập càng sâu vào cơ thể và tác động lên nhiều hệ cơ quan khác nhau, gây ra nhiều chứng bệnh khác nhau. Bụi mịn và siêu mịn đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.
Bụi mịn, “sát thủ thầm lặng”
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bụi mịn là “sát thủ” âm thầm gây những biến đổi về tâm lý và gây nhiều bệnh lý. Đó là tình trạng ngột ngạt, khó thở, sinh hoạt bị ảnh hưởng dẫn đến tâm lý thay đổi bất thường. Ngoài ra, bụi mịn còn là tác nhân gây hàng loạt các bệnh về hô hấp, nhồi máu cơ tim, giảm trí nhớ nghiêm trọng, tăng nguy cơ đột quỵ, rối loạn chức năng gan, tăng biến chứng tiểu đường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thần kinh. Bụi mịn và siêu mịn là nguyên nhân gây ra cái chết cho khoảng 3,2 triệu người trên thế giới mỗi năm.
Hiện nay Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là hai khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ bụi mịn. Theo công bố của Trung tâm Phân tích và Quan trắc môi trường Việt Nam, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội trong ngày 26-8-2019 vượt ngưỡng trung bình và dao động trong khoảng 151 – 200 (cảnh báo mức độ không khí ô nhiễm nghiêm trọng). Chỉ số AQI cho thấy, nồng độ bụi mịn PM 2.5 tăng lên đột biến cùng với sự gia tăng đột ngột của các thành phần khác như NO2, SO2, O3, CO và một số kim loại nặng. Đến sáng ngày 26-9-2019, chỉ số không khí tại Hà Nội vượt ngưỡng 204 (chỉ số được đo bằng ứng dụng quan trắc không khí Airvisual). Chỉ số này cảnh báo không khí ô nhiễm ở mức nghiêm trọng và khả năng gây ảnh hưởng cao đến sức khỏe, nhất là với người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Còn tại TP.Hồ Chí Minh, chỉ số không khí trong ngày 26-9-2019 cũng vượt ngưỡng báo động (173). Ô nhiễm bụi mịn khiến bầu trời tại thành phố này thường xuyên bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc kéo dài từ sáng sớm đến trưa chiều. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn hạn chế tầm nhìn và gây khó khăn trong quá trình lưu thông.
Riêng tại Đồng Nai, thủ phủ công nghiệp với 32 khu công nghiệp đang hoạt động, mật độ dân cư 554 người/km2, bà Đặng Thị Thùy Dương, Chi cục phó Chi cục bảo vệ môi trường cho biết, kết quả quan trắc môi trường không khí trong 3 năm liên tục và 10 tháng của năm 2019 cho thấy, chỉ số AQI trên địa bàn tương đối ổn định, các thông số ở hầu hết vị trí quan trắc đều đạt quy chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, tại một số khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, mật độ dân cư cao, giao thông dày đặc vào giờ cao điểm như TP. Biên Hòa và khu vực nhiều khu công nghiệp tại các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch... chỉ số không khí quan trắc đo được từ 95-101. Tuy ở mức trung bình nhưng cũng thuộc mức có khuyến cáo nhóm nhạy cảm nên hạn chế ra ngoài.
* Gia tăng hiệu ứng nhà kính
Với lượng khí thải trên 30 triệu tấn CO2 mỗi năm, hoạt động giao thông vận tải tại Việt Nam là nguyên nhân chủ yếu phát thải khí nhà kính (tác nhân gây sự nóng lên toàn cầu), là hoạt động lớn thứ 3 sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% trong tổng lượng khí nhà kính phát thải vào bầu khí quyển hàng năm.
Theo thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông - Vận tải (Bộ Giao thông – Vận tải), trong giai đoạn 2013- 2018, các hoạt động giao thông vận tải ở Việt Nam tiêu thụ một lượng lớn năng lượng, chiếm 30% tổng nhu cầu năng lượng toàn quốc gia, chiếm 60% tổng nhiên liệu tiêu thụ và tăng 10% mỗi năm.
Trong đó, vận tải đường bộ tiêu thụ năng lượng lớn nhất, chiếm khoảng 68% tổng nhiên liệu của ngành; 90% nhiên liệu cho giao thông vận tải là xăng và dầu diesel (chỉ 0,3% nhiên liệu sạch). Với việc tiêu thụ số lượng lớn nhiên liệu như trên, hàng năm tại Việt Nam, các phương tiện giao thông đã thải ra trên 30 triệu tấn CO2; 61 ngàn tấn CO; 35 ngàn tấn NO2; 12 ngàn tấn SO2 và hơn 22 ngàn tấn CmHn; riêng SO2 cao gấp 2-3 lần so với ngưỡng cho phép đã làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, góp phần làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu.
Với trên 30 triệu tấn CO2 phát thải mỗi năm từ hơn 4 triệu chiếc ô tô và 60 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, Việt Nam là một quốc gia có lượng phát thải CO2 trong hoạt động giao thông cao nhất châu Á. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lượng phương tiện giao thông dày đặc không chỉ thải ra CO2 mà còn có một lượng lớn các chất như: bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… thường xuyên ở mức vượt ngưỡng cho phép từ 3-5 lần với bụi, vượt tiêu chuẩn từ 1,2 - 1,5 lần với Co, NO2, góp thêm sự gia tăng khí hiệu ứng nhà kính, tác động mạnh hơn đến quá trình biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu khác cũng của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, sự phát thải của các phương tiện cơ giới đường bộ phụ thuộc nhiều vào chất lượng các loại xe. Hiện nay, có rất nhiều phương tiện như ô tô, xe máy cũ, nát, hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại trong khí thải cao… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng môi trường ô nhiễm thêm nghiêm trọng, trong đó xe máy là nguồn đóng góp chính các loại khí ô nhiễm như khí thải CO, còn xe tải và xe khách các loại lại thải ra nhiều NO2.
Các nguồn phát thải chứa nhiều CO2 liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu. Do đó những nỗ lực cải thiện không khí bị ô nhiễm cũng đồng thời giảm thiểu các tác động biến đổi khí hậu và ngược lại. Mới đây, Hội đồng liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) tại COP 21 (năm 2015 tại Pháp) đã cảnh báo, nếu các quốc gia không giảm 50% lượng khí CO2 từ hoạt động giao thông và kết thúc quy trình sản xuất điện nhiệt than vào năm 2050, nhiệt độ của trái đất sẽ tăng hơn 1,5 độ C và chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng khí hậu lớn trong vòng 20 năm tới.