Bài 2: Đến hiện thực hóa ở Thủ đô
'Muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ…' là một trong những câu đầu tiên của pho sử thi huyền thoại 'Đẻ đất, đẻ nước' nhằm truyền tải thông điệp rằng, muốn hưởng thành quả thì phải biết cách làm nên thành quả. Với công tác luân chuyển cán bộ cũng vậy, muốn có kết quả tốt thì phải có những 'hạt giống' tốt và quy trình chăm sóc tốt.
Gieo những "hạt giống" để "ươm" mầm xanh
Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước, Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 Đảng bộ trực thuộc và trên 475.000 đảng viên. Do đó, những thuận lợi và khó khăn của đất nước trong quá trình đổi mới nói chung, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về hệ thống chính trị nói riêng cũng chính là thuận lợi khó khăn đặt ra với Hà Nội. Thực tiễn phong phú, sinh động về hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội của Thủ đô không chỉ là chất liệu hình thành từ đường lối đổi mới của Đảng mà còn là nơi kiểm nghiệm rõ nét tính đúng đắn, hiệu quả của đường lối đổi mới.
Nhìn từ Hà Nội có thể dễ dàng thấy nhiều hạt giống tốt được gieo trồng đã bước đầu vươn mình, đơm trái. Nằm ở nơi hợp lưu của 3 con sông lớn gồm: Sông Hồng, sông Đà và sông Lô, xã Tản Hồng (huyện Ba Vì, Hà Nội) có xuất phát điểm khá thấp khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Ở Tản Hồng, đồng chí Phương Văn Liểu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng được biết tới là người truyền cảm hứng trong phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng-xanh-sạch-đẹp, an toàn”.
Tại đây, trong thời gian công tác, đồng chí Phương Văn Liểu đã phát huy được vai trò của người đứng đầu, luôn gần dân, sát dân, tích cực đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình thực tế địa phương trên các lĩnh vực; cùng tập thể Đảng ủy chỉ đạo giải quyết được nhiều việc lớn trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, hoàn thành những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới của xã, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm, ủng hộ cao.
Theo quan niệm của đồng chí Phương Văn Liểu, đã là đảng viên phải luôn xông pha đi đầu trong các hoạt động và phải biết quan tâm, lo lắng cho nhân dân địa phương nơi mình quản lý. Chẳng thế mà, trong những ngày mưa lớn, người ta lại thấy vị cán bộ địa phương một mình khoác áo mưa, đi ủng ra đồng xem mương nước có tiêu thoát thông thuận hay không. Có những khi người dân bức xúc, đồng chí lại kiên nhẫn lắng nghe và đưa ra những phương cách giải quyết hợp tình hợp lý.
Những “quả ngọt” từ sự cố gắng của đồng chí Phương Văn Liểu và Đảng bộ và chính quyền xã Tản Hồng cũng đã được đền đáp. Tính đến hết năm 2022, Tản Hồng là một trong bốn xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, Tản Hồng phấn đấu tới mục tiêu là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của cán bộ, chiều ngày 28/7, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với các xã. Trong đó, điều động đồng chí Phương Văn Liểu đến công tác tại xã Vạn Thắng và chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thắng nhiệm kỳ 2020 – 2025. Nhiệm vụ trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn song đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thắng vẫn nêu cao tinh thần không nề hà việc khó. Đồng chí đã xây dựng kế hoạch, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với đảng viên, người dân; chủ động nắm tư tưởng, dư luận của từng chi bộ thôn để tranh thủ quy tụ được sức mạnh trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong địa phương. Từ đó, đưa ra các chủ trương phù hợp thực tiễn và phát huy được thế mạnh của địa phương, nhất là được nhân dân đồng thuận ủng hộ tích cực.
Gần hơn với Thủ đô, hơn 2 năm trở lại đây, thị xã Sơn Tây như "bừng tỉnh" với nhiều hoạt động sôi nổi về văn hóa, dần từng bước thay đổi đời sống của người dân nơi đây theo một cách rất riêng. Đó là nhờ sự thay đổi trong nhận thức và cách thức lãnh đạo của cấp ủy địa phương. Khi mới được Thành ủy điều động về làm Bí thư Thị ủy Sơn Tây, đồng chí Trần Anh Tuấn đã bắt tay ngay vào triển khai ý tưởng về Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây.
Dù thời điểm đó vẫn còn một số ý kiến trái chiều mang tính phản biện khoa học, rằng thị xã ít dân cư không đông, khách du lịch không nhiều, triển khai phố đi bộ liệu đã hợp lý? Song với quyết tâm của Ban Thường vụ và sự nhất trí, thống nhất cao của tập thể, cuối cùng ý tưởng cũng thành hiện thực.
Giờ đây, vào các tối cuối tuần, hàng vạn người dân đổ về tuyến phố đi bộ. Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây không chỉ góp phần phát huy tiềm năng, giá trị của di tích Thành cổ Sơn Tây mà còn góp phần xây dựng và duy trì không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, sống động, nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật của Thị xã. Thành công đầu tiên này là tiền đề, bệ phóng để thị xã Sơn Tây tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa. Qua đây cũng cho thấy dấu ấn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thị ủy Sơn Tây.
Không chỉ có thị xã Sơn Tây, đến nay, hầu hết các địa phương thuộc Hà Nội đều có những chuyển biến tích cực: Nội bộ ổn định, đoàn kết, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện. Nhiều đồng chí từ các cơ quan của thành phố Hà Nội được luân chuyển về làm Bí thư, Phó Bí thư Quận ủy, Huyện ủy, Chủ tịch UBND quận, huyện đã tiếp tục gắn bó với địa bàn, được cấp ủy tín nhiệm tiếp tục bầu vào các vị trí chủ chốt. Đây là những minh chứng cho công tác cán bộ của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội trong thời gian qua, vừa công khai, vừa bài bản, dân chủ.
Chủ trương đúng tạo sức mạnh tổng thể
Luân chuyển, điều động là phép thử đối với sự phấn đấu, trưởng thành của cán bộ. Hà Nội luôn nhất quán quan điểm rằng việc đưa cán bộ luân chuyển về cơ sở phải “đúng người, đúng việc, đúng thời điểm”. Cùng đó, công tác luân chuyển cán bộ cũng được triển khai bài bản, công khai, minh bạch với tinh thần vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố thực hiện có hiệu quả Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ do Bộ Chính trị ban hành.
Tham luận chuyên đề về vấn đề này tại Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn các chức danh Ủy viên Ban chấp hành, Ủy biên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối; Trưởng các Ban, Văn phòng Đảng ủy khối; Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2025 – 2030, đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy nhấn mạnh: Thành ủy xác định luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức là một chủ trương lớn, quan trọng trong công tác cán bộ. Do đó, đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, bài bản, nghiêm túc.
Thành ủy đã ban hành Quy định số 07-QĐ/TU, ngày 17/11/2021 và Kế hoạch số 56-KH/TU ngày 28/12/2021 về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý giai đoạn 2022-2025.
Cần phải khẳng định, Hà Nội là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Từ khi thực hiện Quy định số 07-QĐ/TU đến nay, Thành ủy đã rà soát, thông báo đối với 199 trường hợp thuộc đối tượng để xem xét, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; Ban Thường vụ Thành ủy đã luân chuyển, điều động 36 đồng chí, chuyển đổi vị trí công tác 50 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Thực hiện quyết liệt chủ trương bố trí cán bộ không phải người địa phương; đến nay có 28/30 Bí thư Quận, Huyện, Thị ủy và 12/30 chủ tịch UBND Quận, Huyện, Thị xã không phải người địa phương.
Qua đánh giá, việc các địa phương trên địa bàn Hà Nội làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ diện luân chuyển và với cấp ủy, chính quyền nơi có cán bộ thực hiện điều động, luân chuyển đã tạo hiệu quả hai chiều: Vừa giúp tăng nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, vừa tạo môi trường để cán bộ rèn luyện từ thực tiễn.
Thực tế cho thấy, với công tác này, trong các cuộc làm việc với cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đều nhấn mạnh: Hà Nội xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng. Do vậy, Thành ủy Hà Nội đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.
Điểm nổi bật của Hà Nội trong công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ là tất thảy đều được tổ chức thực hiện một cách thận trọng, có kế hoạch rõ ràng, công khai, khách quan và có sự chuẩn bị chu đáo, kết hợp luân chuyển với điều động và chuyển đổi vị trí công tác cán bộ.
Hà Nội cũng luôn coi trọng công tác tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên, cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan đơn vị thông suốt, nhờ đó mối quan hệ giữa luân chuyển, điều động với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ được giải quyết tốt; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-2-den-hien-thuc-hoa-o-thu-do-163545.html