Bài 2: Doanh nghiệp sử dụng thủ đoạn 'tinh vi' gian lận hoàn thuế GTGT
Để chiếm đoạn tiền hoàn thuế của nhà nước, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã thực hiện các hành vi vi phạm về hoàn thuế GTGT với thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Bài 1: Doanh nghiệp kêu khó vì chậm hoàn thuế GTGT
Gian lận tại khâu trung gian
Cục Thanh tra Kiểm tra, Tổng cục Thuế cho biết, thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian (F1, F2) mua bán hàng hóa. Các doanh nghiệp (DN) trong khâu trung gian sau khi xuất hóa đơn cho DN F1 thì tạm dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn, việc kê khai doanh thu và thuế giữa các DN trung gian không khớp đúng, DN bán (F2) kê khai doanh thu nhỏ nhưng DN mua (F1) kê khai khấu trừ lớn; việc thanh toán qua Ngân hàng được Cục Thuế xác minh thì thanh toán tiền đều được thực hiện qua ngân hàng, tuy nhiên việc thanh toán tiền hàng và rút tiền từ ngân hàng đều diễn ra trong cùng 1 ngày và cùng tên một người rút tiền.
Bên cạnh đó, DN hoàn thuế GTGT sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (mua của các DN không có hoạt động sản xuất kinh doanh) hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh, thay đổi trạng thái hoạt động liên tục tại nhiều địa phương khác nhau để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT.
DN hoàn thuế lập chứng từ, hồ sơ xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh (từ 1/7/2022 trở về trước).
Tổng cục Thuế cho hay, bên cạnh những nhóm vi phạm chung trong hoàn thuế GTGT, trong quá trình thanh tra, kiểm tra vi phạm về nhóm ngành hàng, lĩnh vực hàng xuất khẩu, Tổng cục Thuế còn phát hiện các DN có hàng hóa nhập khẩu là linh kiện điện tử nâng khống giá trị lô hàng xuất khẩu, khi nhập khẩu các DN nhập khẩu khai báo giá trị nhập khẩu rất thấp, nhưng khi DN khác xuất khẩu thì khai báo giá trị rất cao so với giá nhập khẩu và chênh lệch nhau trên 50 lần, nguồn gốc hàng hóa thì không rõ ràng...
Trong đó, các DN kinh doanh mặt hàng nông sản, thu mua nguyên liệu tại các cơ sở kinh doanh trong nước rồi xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới sang Trung Quốc, Lào, Campuchia... khi cơ quan Thuế Việt Nam thực hiện xác minh hóa đơn với cơ quan thuế nước ngoài theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để thu thập thông tin củng cố hồ sơ hoàn thuế, thì cơ quan Thuế nước ngoài trả lời không có thông tin người nộp thuế, không liên lạc được và không tìm thấy địa chỉ trụ sở của các cá nhân và DN mua hàng nhập khẩu cần xác minh phía bên nước ngoài...
Chuyển cơ quan công an vi phạm
Đáng chú ý, đối với việc hoàn thuế GTGT mặt hàng gỗ, Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 17/5/2023, số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn 61 hồ sơ, tương ứng số tiền đã được hoàn: 163,34 tỷ đồng.
Số hồ sơ doanh nghiệp hủy đề nghị hoàn là 13 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn 67,59 tỷ đồng do doanh nghiệp sau khi gửi hồ sơ đề nghị hoàn thì tự rà soát đối chiếu với quy định về hoàn thuế nhận thấy hồ sơ của doanh nghiệp bị thiếu, kê khai sai, cần điều chỉnh số liệu... cần thời gian để xem xét lại hồ sơ, sổ sách chứng từ.
Số hồ sơ cơ quan thuế từ chối đề nghị hoàn là 3 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn: 2,71 tỷ đồng. Do cơ quan thuế rà soát đối chiếu theo quy định của pháp luật thì thấy doanh nghiệp nộp hồ sơ thiếu, sai mẫu hồ sơ đề nghị hoàn, hồ sơ đề nghị hoàn không đủ thủ tục...
Số hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT chưa được cơ quan thuế giải quyết (chưa hoàn tính đến ngày 17/5/2023) là 28 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn là 110,33 tỷ đồng, tỷ lệ 45,9% so với tổng số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn (28/61 hồ sơ) do nhiều nguyên nhân như do hồ sơ đang trong thời gian giải quyết theo quy định; doanh nghiệp đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác minh; do doanh nghiệp xin tạm dừng, hoãn thời gian kiểm tra; do doanh nghiệp chưa cung cấp đủ hồ sơ tài liệu số liệu, do đang chờ kết quả xác minh...
Bộ Tài chính cho hay, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, đối với các hồ sơ cần thực hiện xác minh, cơ quan thuế chủ yếu xác minh đến doanh nghiệp trung gian bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp hoàn thuế (doanh nghiệp F1).
Trong 58 hồ sơ cơ quan thuế thực hiện xác minh các doanh nghiệp trung gian, có 50 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F1 (chiếm tỷ lệ 86% trên tổng số hồ sơ thực hiện xác minh), 8 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F2 (chiếm tỷ lệ 14% trên tổng số hồ sơ thực hiện xác minh.
Đáng chú ý, qua công tác xác minh phát hiện 48 doanh nghiệp trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Cụ thể có 30 doanh nghiệp F1 tạm dừng hoạt động, 13 doanh nghiệp F1 bỏ địa chỉ kinh doanh, 4 doanh nghiệp F2 tạm dừng hoạt động, 1 doanh nghiệp F2 bỏ địa chỉ kinh doanh.
Bài 3: Ngành thuế thực hiện loạt giải pháp đẩy nhanh hoàn thuế GTGT, chống trục lợi