Bài 2: Gay gắt chuyện gộp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán
Những năm gần đây, cứ mỗi khi Tết đến Xuân về, bên cạnh không khí háo hức mong chờ, người ta lại mang câu chuyện Tết cổ truyền nên giữ hay bỏ để tranh luận. Mặc dù đây là đề tài đến Tết người ta lại lập diễn đàn, nhưng tranh luận giữa bên ủng hộ và bên phản đối Tết chưa bao giờ hết gay gắt.
Bài 1: Tết âm lịch - di sản văn hóa lễ hội
Tư tưởng cấp tiến
14 năm trước, GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường ĐH Nam Cần Thơ đã làm dấy lên một cuộc tranh luận quyết liệt về quan điểm bỏ Tết cổ truyền. Nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình với GS Võ Tòng Xuân vì cho rằng văn hóa và thuần phong mỹ tục không chỉ ở cái Tết. Hơn thế nữa, hàng loạt những hệ lụy kéo theo như bài bạc, rượu chè, tai nạn ngày Tết luôn khiến Nhà nước phải đau đầu.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra xã hội học (Viện Xã hội học Việt Nam) bày tỏ, mỗi năm vào dịp Tết khi Bộ Y tế đưa ra con số người chết, người bị thương vì tai nạn giao thông hay đánh nhau khiến ông đau lòng. Bởi vì, quá nửa nguyên nhân các vụ việc này bắt nguồn từ rượu chè ngày Tết. “Việc nhiều người đánh nhau trong dịp Tết đến Xuân về thật sự là câu chuyện đáng quan ngại” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ.
Ngoài những hệ lụy từ việc ăn chơi Tết quá đà, nhiều ý kiến cho rằng việc giữ Tết cổ truyền khi cả thế giới vẫn đang trong guồng quay công việc thì một nước hãy còn "nghèo" như Việt Nam lại chọn cách "nghỉ ngơi" dài hạn khiến kinh tế suy giảm. Nếu sáp nhập Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán thành một, chúng ta có thể tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và cả giảm bớt các hậu quả khác. Một số nhà kinh tế học cũng nhận định Tết là thủ phạm của sự đình trệ kinh tế. Theo các chuyên gia này, nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động “lệch pha” so với các nước phương Tây: Khi họ nghỉ Giáng sinh, năm mới thì chúng ta làm việc; còn khi chúng ta ăn Tết cổ truyền thì họ lại quay trở lại guồng quay công việc. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế những tháng đầu năm.
Chưa kể, dù nhiều năm nay, từ Chính phủ đến các cấp, các ngành đều vào cuộc, kêu gọi tinh thần làm việc ngay từ những ngày đầu Xuân, tránh tình trạng tư tưởng tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tuy nhiên, hình ảnh người dân rồng rắn đi lễ hội qua rằm tháng Giêng ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến việc tăng gia sản xuất. Những người theo luận điểm này đều có tư tưởng cần gộp Tết Dương lịch với Tết Nguyên đán để giảm thiểu những hệ lụy của một kỳ nghỉ kéo dài.
Tết Nguyên đán - sức mạnh mềm của văn hóa
Khác với những quan điểm cấp tiến ở trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: Năm 2005, công ước Bảo vệ phát huy sự đa dạng của các biểu đạt của văn hóa do Liên Hợp quốc định nghĩa các quốc gia có chủ quyền về văn hóa (đó là nhấn mạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tránh sự xâm lăng văn hóa). Vì tinh thần của công ước, các nước tìm nhiều cách để bảo vệ phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Các quốc gia nhấn mạnh văn hóa là sức mạnh mềm của dân tộc. Và Tết cổ truyền chính là sức mạnh mềm của văn hóa.
Trải qua diễn trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt cũng như một số dân tộc khác như Mường, Tày, Nùng… qua các thế hệ đã không ngừng giữ gìn, trao truyền và bồi đắp các lớp văn hóa thông qua thực hành sinh hoạt lễ tiết. Để rồi, Tết Nguyên đán trở thành công đoạn sinh hoạt văn hóa đầu tiên và quan trọng nhất trong một năm của hệ thống lễ hội/ lễ tiết Việt Nam, góp phần tô đậm cho bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh một cách sinh động nhất cho tinh thần hòa điệu giữa con người và tự nhiên, theo chu kỳ ứng xử với vận hành vũ trụ. Theo ngôn ngữ cổ truyền của người Việt, Tết Nguyên đán được khởi đầu từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết), kéo dài đến mồng 7 Tết, trong đó 3 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên thuộc về năm mới được coi là Nguyên đán - Tết đầu năm mới. Cũng từ khoảng thời gian nằm trong chu trình được coi là Tết đó, hàng loạt “thủ tục” - cách nói của GS Trần Quốc Vượng - được diễn ra thông qua các hình thức thực hành văn hóa của cộng đồng người dân đã tạo thành một nếp văn hóa mang những ý nghĩa nhân văn cực kỳ gần gũi nhưng sinh động, được các thế hệ bảo lưu, gìn giữ và tuân thủ như một lẽ tự nhiên, trở thành những mỹ tục trong đời sống văn hóa dân tộc.
“Nếu đến cội nguồn truyền thống chúng ta còn không thể giữ thì làm sao dám trông mong những điều lớn hơn? Rõ ràng, họ có lý khi khẳng định Tết cổ truyền hoàn toàn không phải là nguyên nhân khiến nền kinh tế trì trệ mà ngược lại, thậm chí nó còn là đòn bẩy để các DN và thương nhân thu về lợi ích nhờ vào việc buôn bán, mua sắm dịp Tết” - TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa –- Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội bày tỏ. Bởi vì, đã có thống kê cho rằng sức mua mùa Tết 2020 ước tính đạt trên 50 nghìn tỷ đồng cho thị trường Việt Nam, gần gấp đôi giá trị mỗi tháng thường, tương đương với 1% tổng GDP 2019. Đó là chưa kể đến các dịch vụ như du lịch, ăn uống... cũng theo đó mà đi lên.
Ông Joe Buckley, học giả người Anh chuyên nghiên cứu về lao động và phát triển tại Việt Nam, cho rằng: “Phát triển kinh tế và ăn Tết cổ truyền luôn có thể song hành cùng nhau. Rất nhiều quốc gia vẫn phát triển thịnh vượng và vẫn ăn Tết Nguyên đán”. Ông Buckley phân tích: Trung Quốc, cũng như Việt Nam, rất coi trọng Tết Nguyên đán và người lao động thường được nghỉ ít nhất 7 ngày trong dịp lễ này. Mọi hoạt động kinh tế trong thời gian này coi như “đóng băng”. Nhưng 30 năm qua, chúng ta thấy rõ nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và giờ đã lớn thứ hai thế giới. Hàn Quốc cũng là một ví dụ tiêu biểu khác, theo ông Buckley. Những năm 1950, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng hiện nay nền kinh tế Hàn Quốc nằm trong top 20 thế giới và đã công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công mà vẫn không cần bỏ Tết cổ truyền.
“Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore, Malaysia vẫn phát triển rất ổn định mà không hề bỏ Tết Nguyên đán. Phát triển kinh tế và ăn Tết cổ truyền luôn có thể song hành cùng nhau” - ông Buckley cho biết. Những người từng có thời gian sống và làm việc gần 10 năm tại Việt Nam như ông Buckley luôn hiểu rằng, phương Đông tôn trọng kỳ nghỉ Giáng sinh, Tết dương của người phương Tây, thì không có hà cớ gì để người có sự tôn trọng ngược lại về văn hóa của nhau. Chính vì vậy, không cần nhiều bàn cãi để giữ hay bỏ Tết Nguyên đán, nó vẫn tồn tại song hành cùng với sự phát triển của đất nước, tạo nên một vẻ đẹp riêng cho Việt Nam.
"Tết Việt góp phần không nhỏ gìn giữ các giá trị văn hóa, gắn kết con cháu với bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Tết là năm mới, là dịp sum họp, chúc những gì tốt đẹp cho từng thành viên trong gia đình. Đó là nét văn hóa của dân tộc. Còn ăn nhậu say sưa, cờ bạc, chểnh mảng việc làm, chỉ là số ít. Không vì những tiêu cực này mà đánh mất tết ta." - PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam
"Theo quan điểm của tôi, lấy lý do tốn kém về chi tiêu và lãng phí tiền bạc hay lỡ cơ hội kinh doanh để đòi bỏ Tết Nguyên đán là bất hợp lý, là góc nhìn thiển cận, hạn hẹp về truyền thống văn hóa này." - Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về các vấn đề chính trị xã hội
(còn nữa)