Bài 2: Gỡ khó trong bố trí nhân sự ở địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
Nếu sáp nhập địa giới hành chính là nhập cơ học, thì việc sắp xếp tổ chức bộ máy lại là 'bài toán' khó, khó từ việc lựa chọn, bố trí đội ngũ CB,CC để bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả, đến bảo đảm quyền lợi chính đáng cho những cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách (CB,CC,NHĐKCT) đã có thời gian công tác, cống hiến cho địa phương.
Chủ động sắp xếp cán bộ để tinh gọn bộ máy
Giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh có 20 cặp xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố phải sắp xếp, sáp nhập bộ máy. Sáp nhập 2 - 3 ĐVHC thành 1 ĐVHC mới, đồng nghĩa với việc sẽ dôi dư 1 - 2 bộ máy hành chính cấp xã. Theo tổng hợp của Sở Nội vụ, tổng số CB,CC,NHĐKCT của 42 xã, phường, thị trấn sáp nhập bộ máy hành chính là 1.251 người (không tính xã Liên Phương do chỉ tiếp nhận 0,05km2 đất canh tác của xã Phương Chiểu). Trong đó, có 793 CB,CC và 458 NHĐKCT. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì sau sắp xếp, 20 ĐVHC cấp xã mới sẽ sử dụng 781 người (474 CB,CC; 307 NHĐKCT), dư 470 người.
Trên cơ sở Công văn số 12-HD/TU ngày 7/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn một số nội dung thực hiện sắp xếp tổ chức, CB,CC cơ quan Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 – 2030, UBND huyện Khoái Châu đã xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế CB,CC cấp xã gắn với sắp xếp ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, huyện giảm từ 25 ĐVHC xuống còn 20 ĐVHC. Trên nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ, khách quan, công bằng và dưới sự giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, huyện cùng với các xã, thị trấn xây dựng phương án sử dụng biên chế CB,CC cấp xã gắn với sắp xếp ĐVHC cấp xã trên cơ sở rà soát thực trạng đội ngũ CB,CC, dự kiến nhu cầu nhân lực làm việc trong hệ thống chính trị ở địa phương. Ngoài số CB,CC đến tuổi nghỉ hưu ở các đơn vị thực hiện sắp xếp từ năm 2024 đến năm 2029 là 8 người, thì huyện lên phương án dự kiến tinh giản biên chế đối với những trường hợp không đáp ứng yêu cầu về năng lực, chuyên môn, ngay trong năm 2025 là 21 người, gồm 15 CB, 6 CC.
Giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư
Sau sắp xếp, toàn tỉnh có 20 ĐVHC cấp xã mới với số biên chế dự kiến 781 người, dôi dư hơn 400 người. Để giải quyết số CB,CC dôi dư, ngày 7/2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Công văn số 12-HD/TU Một số nội dung thực hiện sắp xếp tổ chức CB,CC cơ quan Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, việc bố trí CB,CC cấp xã sau khi sắp xếp ĐVHC phải được tiến hành đồng bộ, liên thông giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ưu tiên bố trí, sắp xếp CB,CC cấp xã có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn vào các chức danh tương đương hoặc ưu tiên giới thiệu bầu chức danh cán bộ ở ĐVHC cấp xã khi có nhu cầu hoặc ưu tiên tuyển dụng làm công chức (cấp huyện, cấp xã) nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn. Đồng chí Phạm Văn Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy bày tỏ quan điểm: Bên cạnh việc bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh và tùy điều kiện thực tế, các địa phương chủ động cân nhắc, lựa chọn việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ bảo đảm khoa học, hiệu quả nhất. Về chính sách hỗ trợ CB,CC,NHĐKCT cấp xã dôi dư, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng. Chính sách hỗ trợ của tỉnh đã có, việc bố trí, sắp xếp, tinh giản CB,CC,NHĐKCT đòi hỏi sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, vì lợi ích chung, lâu dài của các địa phương.
Về giải quyết CB,CC cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC, đồng chí Vũ Văn Kiên, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Trước mắt, các địa phương hợp nhất nguyên trạng bộ máy. Sau đó, với cán bộ gần đến tuổi nghỉ hưu, sẽ bố trí cho nghỉ chế độ theo quy định của pháp luật; cán bộ có nguyện vọng nghỉ hoặc chuyển công tác sẽ được giải quyết kịp thời. Theo quy định của Trung ương, lộ trình sắp xếp CB,CC dôi dư do sắp xếp ĐVHC được thực hiện trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành.
Thực hiện các quy định của Trung ương và chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 1/8/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND về sử dụng biên chế gắn với sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Việc giải quyết số cán bộ dôi dư sẽ được thực hiện đến 2029. Đối với chế độ tinh giản biên chế, ngoài các chế độ đãi ngộ của Trung ương tại Nghị định số 29/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, các đối tượng dôi dư do sắp xếp ĐVHC của tỉnh sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết số 489/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành ngày 28/10/2024 Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với CB,CC,NHĐKCT ở cấp xã dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp ĐVHC cấp xã; NHĐKCT ở thôn, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố, thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự dôi dư, nghỉ công tác do sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Theo đó, CB,CC cấp xã nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ được hỗ trợ bằng 1,0 lần mức lương cơ sở/tháng nghỉ hưu trước tuổi và tối đa không quá 100 triệu đồng/người. Trường hợp thôi việc theo chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng làm việc có đóng bảo hiểm xã hội và tối đa không quá 60 triệu đồng/người. Trường hợp thôi việc theo nguyện vọng (không theo chính sách tinh giản biên chế), hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng làm việc có đóng bảo hiểm xã hội; mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/người. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã đã được hưởng chế độ hưu trí, mất sức khi nghỉ công tác do sắp xếp ĐVHC được hỗ trợ 20 - 50 triệu đồng/người tùy theo thời gian còn lại của nhiệm kỳ công tác…
Lệ Thu
Sắp xếp đơn vị hành chính, tạo động lực phát triển mới, góp phần xây dựng Hưng Yên trở thành tỉnh giàu, mạnh