Bài 2: Hệ thống bài bản trong nghệ thuật Đờn ca tài tử
Hệ thống bài bản là nền tảng và đôi cánh giúp cho các nghệ nhân, tài tử thể hiện được sáng tạo và'chất phiêu'của mình trong nghệ thuật Đờn ca tài tử. Hệ thống đó gồm 20 bài bản tổ - vốn là tinh hoa của bộ môn nghệ thuậtđộc đáo này.
Các bài bản khác tuy cũng rất hay nhưng nói chung đều không thoát khỏi hơi điệu, cấu trúc câu cú, nhịp phách của các bài bản tổ. Ngoài ra còn có 10 loại bài bản cổ nhạc Việt Nam và 72 bài bản cổ nhạc Miền Nam. Người ta nói rằng bậc thầy đờn, ca nếu chỉ am tường 20 bài bản tổ thì mới đạt ở mức cơ bản; muốn đạt trình độ cao siêu phải thông suốt nhiều hơn đến 72 bài bản.
Bài bản giai đoạn đầu chỉ là một số bản của nhạc lễ đưa sang như: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung. Nhạc lễ là loại khí nhạc, chuyên dung trong các buổi lễ phong quan, tiếp rước long trọng ở triều đình hay trong các đám ma chay, lễ bái ngoài dân gian.
Vào thể kỷ XIX, nhạc lễ ở Nam bộ gọi là nhạc ngũ âm, trong đó chia ra hai nhóm nhạc gọi là phe văn và phe võ. Phe văn dùng nhạc cụ bằng gỗ có âm lượng nhỏ nhẹ, êm ái như đàn cò hoặc đàn gáo, song lang, ống sáo trong vào dàn nhạc. Nhóm nhạc đờn cây này dần tách hẳn khỏi dàn nhạc lễ chuyển sang chơi trong các buổi hội hè, cưới hỏi hoặc phục vụ trong tư gia của các nhà giàu có, quyền quý và tính chất âm nhạc cũng nghiêng về phong cách thính phòng, trở thành một thú chơi tao nhã của những người phong lưu tài tử. Bên cạnh đó, dần dà còn có việc đặt lời ca vào một số bản nhạc lễ và sáng tác các bài bản mới để đờn ca giải trí, phục vụ người mộ điệu, tri âm. Như vậy, từ tính chất ban đầu hoàn toàn là khí nhạc, giờ đây dòng âm nhạc này đã có thêm tính chất thanh nhạc, nghĩa là có đàn (đờn) và có ca.
Từ khoảng năm 1885 trở đi, nhóm nhạc phe văn phổ biến trong nhân dân trở thành phong trào ở Nam bộ. Họ chơi nhạc ở bất cứ nơi đâu, từ nông thôn đến thành thị, trong không gian của ấm cúng của phòng khách hay ngoài vườn, ruộng, thuyền ghe, sông nước. Để phân biệt phe văn dùng nhạc cụ bằng gỗ với nhạc lễ, nhạc hát bội đang thịnh hành lúc bấy giờ, người ta gọi nhạc nó là “Đờn ca tài tử”.
Đầu thể kỷ XX, phong trào Đờn ca tài tử phát triển rộng khắp Nam bộ, trong đó có một số nhóm nhạc nổi tiếng ở nhiều địa phương như: Bạc liêu, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long An, Sài Gòn, Rạch Giá vv…
Lúc này Đờn ca tài tử lại tiếp tục chia thành hai khối là khối tài tử miền Đông người đứng đầu là ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi ở Cần Đước và khối tài tử miên Tây do ông Trần Quang Quờn ở Vĩnh Long đại diện.
Cả hai khối đề có những cố gắng lớn trong việc cải soạn, sáng tác mới bài bản, giảng dạy và truyền bá nền âm nhạc tài tử theo cách thức riêng của mình. Cho đến lúc này, số lượng bài bản tài tử đã rất phong phú và đa dạng. Nhạc mục tài tử ngoài số bản của nhạc lễ đưa sang còn có rất nhiều bài bản khác được cải soạn theo phong cách tài tử một số bản nhạc cổ truyền của Huế, hoặc là những sáng tác mới của các tài tử bậc thầy vv…
Tuy nhiên, khi hệ thống lại, người ta chỉ nói đến 20 bài bản tổ (còn gọi là nhị thập truyển tổ bản) được cho là ông Ba Đợi đúc kết mà ngày nay trong giới nhạc đều công nhận là tinh hoa của nền âm nhạc tài tử. Các bài bản khác tuy cũng rất hay nhưng nói chung đều không thoát khỏi hơi điệu, cấu trúc câu cú, nhịp phách của các bài bản tiêu biểu này.
Hệ thống 20 bài bản tổ do Ba Đợi đúc kết có 6 bài Bắc (gồm có Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn, Tây thi trường) 7 bài Hạ (gồm có Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc) 3 bài Nam (gồm Nam xuân, Nam ai, Đào ngũ cung) 4 bài Oán (gồm có Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam, Phụng cầu)
Ngoài hệ thống 20 bài bản tổ nói trên còn có một hệ thống bài bản khác được cho là của cụ Huỳnh Thúc Kháng đúc kết (giai đoạn 1938-1943), đó là mười loại bài bản cổ nhạc Việt Nam cũng được nhiều người lưu truyền trong giới như sau: Nhứt lý, Nhì ngâm, Tam nam, Tứ oán, Ngũ điểm, Lục xuất Sơn Kỳ, Thất chinh, Bát ngự, Cửu nhĩ, Tháp Thủ Liên Hườn. Trong mỗi loại bài bản cổ nhạc vừa nêu lại hàm chứa nhiều loại nhỏ hơn. Ví dụ như trong Tam nam có : Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Hạ giang nam (nam chiến), Vọng giang nam (nam bình), Ai giang nam (nam ai) vv…
Hệ thống bài bản thứ 3 có từ năm 1957, dựa vào cách hệ thống mười loại bài bản của cụ Huỳnh Thúc Kháng và qua thực tế một số loại bài bản không được các tài tử khối miền Đông sử dụng, ông Nguyên Văn Thinh đã đúc kết lại và phổ biến một hệ thống gọi là 72 bài bản cổ nhạc Miền nam, còn gọi là “Thất thập nhì huyền công”. Nó bao gồm: 36 bản Bắc, 7 bản lễ, 3 bản nam, 6 bản oán, 8 bản ngự, 2 bản nhĩ, 10 bản khách. Theo đó, người được công nhận là bậc thầy nếu chỉ am tường 20 bài bản tổ thì mới đạt ở mức cơ bản; muốn đạt trình độ cao siêu phải thông suốt nhiều hơn đến 72 bài bản. Vì vậy nên mới có câu:
“Tối thiểu lão thông nhị thập huyền cổ bản,
Thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công”
Từ năm 1954 cho đến 1975 tuy đất nước có chiến tranh nhưng vẫn có một số bài bản sáng tác mới để lại dấu ấn lưu truyền đến hiện nay thuộc thể điệu vọng cổ nhịp 16 và nhịp 32 (sáng tác tập thể của các soạn giả, nhạc sĩ, nghệ sĩ tài tử cải lương dựa vào bản tiền thân là bài Dạ cổ hoài lang của ông Cao Văn Lầu tức Sáu Lầu ở Bạc Liêu).
Sau năm 1975, phong trào Đờn ca tài tử từng bước khôi phục và phát triển mạnh ở nhiều địa phương Nam bộ. Nhiều bài bản mới đã được sáng tác và phổ biến trong giới, như: “Nam Âm Ngũ Khúc”, của ông Nguyên Văn Thinh, “Khúc hận Nam Quan” của ông Nguyễn Thành Vinh, “Ngũ Khúc Long Phi” của ông Võ Văn Phú vv… đều là các nhạc sư tên tuổi ở Sài Gòn xưa.
Có thể nói hệ thống bài bản trong nghệ thuật Đờn ca tài tử rất phong phú đa dạng chứa đựng nhiều nét tinh hoa của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đây là hạt ngọc quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam và đã được USESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.