Bài 2: Hình thành các vùng động lực phát triển Thủ đô

Theo các chuyên gia Trường ĐH Xây dựng, quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập nhằm đáp ứng các quy định có liên quan đến Nghị định số 91/2021/NĐ-CP, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:

Các chuyên gia trường ĐH Xây dựng cho rằng, trong 10 lĩnh vực trọng tâm nêu trên, cần xem xét bổ sung thêm 3 nội dung. Ảnh: Khánh Huy

Các chuyên gia trường ĐH Xây dựng cho rằng, trong 10 lĩnh vực trọng tâm nêu trên, cần xem xét bổ sung thêm 3 nội dung. Ảnh: Khánh Huy

Cần xem xét bổ sung thêm 3 nội dung

Trong đó, có quy định về vai trò và thẩm quyền của Thủ đô Hà Nội trong vùng Thủ đô; quy định về nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong vùng Thủ đô và lĩnh vực phối hợp của vùng Thủ đô, trong đó ưu tiên 10 lĩnh vực trọng tâm là: quy hoạch xây dựng; bảo tồn, phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch; y tế, giáo dục; khoa học công nghệ; môi trường; đất đai; nhà ở; hạ tầng kỹ thuật; giao thông vận tải; xây dựng đô thị thông minh.

Các chuyên gia trường ĐH Xây dựng cho rằng, trong 10 lĩnh vực trọng tâm nêu trên, cần xem xét bổ sung thêm 3 nội dung: Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số (nội dung này sẽ làm rõ vai trò tiên phong, chủ đạo, hình mẫu của Thủ đô hiện đại trong vùng Thủ đô, cũng như vai trò khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước); Tạo lập các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không kết nối với các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu; Chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài để tạo thành một mạng lưới đô thị, kết nối không chỉ các đô thị trong vùng Thủ đô, mà còn với các đô thị đặc biệt tại Việt Nam, thủ đô của các quốc gia Đông Nam Á, châu Á và thế giới.

Cùng với định hướng 2 vùng động lực phát triển Thủ đô đó là vùng động lực tại khu vực TP Bắc sông Hồng và vùng động lực tại khu vực TP phía Tây, đề xuất xem xét bổ sung thêm một vùng động lực phát triển tại khu vực phía Nam Hà Nội, đó là khu vực huyện Phú Xuyên - Thanh Oai - Thường Tín, đô thị vệ tinh Phú Xuyên, sân bay phía Nam Thủ đô. Nếu xây dựng thêm cầu qua phía Nam sông Hồng sẽ là đầu mối giao thông vận tải lớn, kết nối quốc tế, các tỉnh phía Nam và Đông Nam Hà Nội. Trong các đô thị vệ tinh còn lại, đô thị vệ tinh Phú Xuyên cần được định hướng tăng cường tính chất kinh tế công nghiệp, mở rộng quy mô để tạo thành một cực phát triển quan trọng ở phía Nam Thủ đô Hà Nội.

Cấu trúc không gian vùng Thủ đô sẽ dịch chuyển từ cấu trúc đô thị có 5 đô thị vệ tinh sang cấu trúc đô thị đa cực. Do đó, đối với định hướng tổ chức không gian phát triển ngành dịch vụ đang ưu tiên khu vực nội đô lịch sử và khu vực nội đô phát triển mở rộng là đúng đắn. Tuy nhiên, cần bổ sung các khu trung tâm thương mại - tài chính - dịch vụ tại khu vực ven đô với vai trò là các cực trung tâm mới, cụ thể: đẩy mạnh chức năng thương mại, tài chính, dịch vụ cho khu vực trung tâm của vùng động lực phía Bắc (hiện nay chủ yếu tập trung vào du lịch - vui chơi - văn hóa - lịch sử) và phu vực phía Tây (hiện nay chủ yếu tập trung vào khía cạnh khoa học, công nghệ) nhằm hình thành đô thị đa cực/đa hạt nhân phục vụ cho sự phát triển của các khu dân cư mới tại vùng ven đô, giảm sự quá tải tại khu vực nội đô, tránh tình trạng phát triển theo mô hình đơn cực.

Phát triển đô thị theo hành lang xanh

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh mô hình các TP thuộc TP Hà Nội (TP trong TP), đô thị vệ tinh, đô thị mới, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)…, cần bổ sung các mô hình phát triển đô thị theo hướng hành lang xanh dọc sông gắn với cảng hàng hóa, du thuyền trên sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Nhuệ… Ảnh: Khánh Huy

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh mô hình các TP thuộc TP Hà Nội (TP trong TP), đô thị vệ tinh, đô thị mới, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)…, cần bổ sung các mô hình phát triển đô thị theo hướng hành lang xanh dọc sông gắn với cảng hàng hóa, du thuyền trên sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Nhuệ… Ảnh: Khánh Huy

Bên cạnh mô hình các TP thuộc TP Hà Nội (TP trong TP), đô thị vệ tinh, đô thị mới, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)…, cần bổ sung các mô hình phát triển đô thị theo hướng hành lang xanh dọc sông gắn với cảng hàng hóa, du thuyền trên sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Nhuệ…

Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ cho việc cân bằng với tự nhiên của hệ sinh thái đô thị, giảm bớt mật độ xây dựng, hình thành thêm các không gian mở. Từ đây có thể tạo lập được nội dung “Rừng trong thành phố” mà có nhiều quy hoạch đô thị tại các nước văn minh đang hướng tới.

Sức sống của một đô thị luôn gắn với sự chuyển vận của ba dòng chảy: hàng hóa và nhân lực; tài chính và công nghệ; tri thức và văn hóa. Vì vậy, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội không phải chỉ gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD), một điểm nút trên tuyến dòng chảy hàng hóa và nhân lực, mà còn phải hình thành: khu công nghiệp, khu công nghệ, trung tâm tài chính, điểm nút trên tuyến công nghệ và tài chính; trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp văn hóa, điểm nút trên tuyến tri thức và văn hóa.

Bên cạnh việc xây dựng các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, cần chú ý đến nội dung cân bằng giao thông.

Cân bằng giao thông nhấn mạnh đến việc hình thành hệ thống giao thông tích hợp và cân bằng giữa phương thức đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô, xe buýt, tàu điện. Cân bằng thông qua việc phân chia tuyến hàng lang vận chuyển hàng hóa và tuyến không có xe cơ giới tiếp cận cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đô thị. Quy hoạch các khu chức năng, kiến trúc cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh hiện đại gắn liền với các phương thức giao thông kể trên.

Phương thức đi bộ (bên cạnh phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng - TOD) phải được chú ý tại khu vực trung tâm. Từ đây mới có thể hình thành hệ thống các quảng trường (quảng trường chính trị, quảng trường văn hóa, quảng trường thương mại…); các tuyến phố gắn với kinh tế về đêm; các di tích lịch sử, di sản trở thành các điểm nhấn thị giác, thể hiện tính văn hiến của Thủ đô Hà Nội.

TP hiện còn có nhiều quỹ đất và điều kiện sinh thái cảnh quan ven sông Hồng trong nhiều năm chưa được khai thác hợp lý. Do đó, cần nghiên cứu tháo gỡ các chính sách về đê điều, phòng, chống lũ để có thể khai thác hiệu quả hơn các quỹ đất này cho phát triển du lịch, tạo cảnh quan và môi trường sinh thái.

Đối với 4 con sông chính trong nội đô (bao gồm: sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét), bên cạnh các giải pháp giải quyết dứt điểm nạn ô nhiễm môi trường sông, hồ và các điểm úng lụt cục bộ, cần nghiên cứu các giải pháp phục hồi và phát triển các dòng sông, kết hợp lòng sông với quỹ đất dọc bờ sông và các công trình hai bên, tạo thành không gian văn hóa và kinh tế sông.

Hiện nay, Hà Nội đang đối mặt với vấn đề sụt giảm mực nước ngầm, ô nhiễm nước mặt, do đó, cần có những giải pháp về duy trì, tăng cường diện tích rừng, diện tích cây xanh, các giải pháp về hạ tầng xanh để bổ cập nước ngầm, kết nối chu trình tuần hoàn nước. Hình thành các giải pháp tái tạo tài nguyên nước, tái sử dụng nước, nước thải…

(Còn nữa)

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ba-i-2-hinh-thanh-cac-vung-dong-luc-phat-trien-thu-do-362786.html