Bài 2: Học bán trú thích hơn ở nhà

Giao mùa, Cao Sơn (Mường Khương) vẫn chìm trong màn sương mù đặc quánh. Khi trời có mưa nhỏ khiến thời tiết đã lạnh lại càng thêm rét buốt. Các giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Cao Sơn rất lo lắng cho học sinh trong kiểu thời tiết này, sợ rằng tỷ lệ chuyên cần sẽ khó duy trì bởi rất nhiều học sinh nhà xa, đường đi học khó khăn. Nhưng Giàng Sinh chưa bao giờ để các thầy cô thất vọng, ngày nắng cũng như mưa, em là học sinh chăm chỉ nhất trường.

Sáng đèn đom đóm nơi đỉnh trời Tây Bắc

Đường đến trường của Giàng Sinh rất gian nan.

Đường đến trường của Giàng Sinh rất gian nan.

Thầy Long Văn Ngạn, Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi gặp Giàng Sinh, lớp 4A2, một học sinh được thầy cô và bạn bè yêu quý, cảm thông. “Giàng Sinh có hoàn cảnh đặc biệt nhất trường nhưng chúng tôi cảm phục vì khát khao đến trường học chữ của em”, thầy Ngạn cho biết.

Giàng Sinh có nước da đen đúa, người nhỏ gầy nhưng đôi mắt rất sáng. Em là người dân tộc Mông, nói tiếng phổ thông chưa được rõ ràng lắm. Ở thôn Sả Lùng Chéng, thôn xa nhất, cách trường 9 km, nhà Giàng Sinh có 7 anh em, Sinh là con thứ 4 trong gia đình. Không như những đứa trẻ khác, tuổi thơ của Giàng Sinh phải trải qua nhiều bất hạnh. Bố mất, mẹ em lấy chồng tận Si Ma Cai để 7 anh em tự rau cháo nuôi nhau. Anh cả Sinh mới 17 tuổi nhưng đã phải đi làm thuê gửi tiền về cho 6 đứa em ở nhà. Khó khăn là thế nhưng mấy anh em biết bảo nhau học hành, không em nào bỏ học.

Bữa cơm nhà Giàng Sinh khiến người ngoài nhìn vào rớt nước mắt. Chỉ có một nồi cơm to với một bát lạc rang đen sì, thế mà đứa nào đứa ấy đều ăn ba, bốn bát. Ăn xong rồi tự bảo nhau dọn, rửa bát. Mấy đứa trẻ còn biết nuôi gà, vịt. Họ hàng nhà Giàng Sinh cũng khó khăn nên thỉnh thoảng các cô, các bác chỉ có khúc cá khô hoặc chút thịt lợn cho mấy anh em cải thiện bữa ăn. 7 anh em nhà Giàng Sinh không có tính ỷ lại, không muốn dựa dẫm vào ai nên tự bàn bạc sẽ sống với nhau, anh lớn đi làm thuê nuôi các em nhỏ. Khi chúng tôi hỏi về mẹ, ánh mắt Giàng Sinh không được vui cho lắm, Giàng Sinh bảo “thỉnh thoảng mẹ có về thăm rồi đi luôn. Mẹ còn bận chăm em bé mới”. Thiếu tình cảm của cha mẹ, Giàng Sinh lớn lên như cây rừng mọc dại, bơ vơ, cô đơn chính trong bản làng của mình.

Thế nên bữa cơm bán trú ở trường đủ đầy rau, thịt luôn khiến Giàng Sinh háo hức. Nhà cách trường 9 km, chiều thứ Sáu, sau khi kết thúc một tuần học ở trường, Giàng Sinh sẽ về nhà, rồi trưa Chủ nhật lại cùng em đi bộ đến trường. Trong 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật, Giàng Sinh cùng các anh chị em trong nhà nấu cơm, giặt đồ, làm mảnh nương trước cửa. 2 ngày nghỉ, anh chị em gặp gỡ nhau nói cười rôm rả, bữa cơm tuy đạm bạc nhưng ấm áp. Mấy người hàng xóm bảo nhà Giàng Sinh đứa nào cũng ngoan, lễ phép, hiếu học, chỉ thương lũ trẻ sớm thiếu thốn tình cảm của mẹ cha.

Hôm nay, trời Cao Sơn mưa rét, con đường 9 km từ nhà Giàng Sinh đến trường nhiều đoạn trơn trượt. Sinh men theo lối tắt con đường xuyên nương, xuyên rừng nên càng khó đi. Nhưng điều đó không làm Sinh dừng bước, em muốn đến trường gặp bạn bè, thầy cô, ăn những bữa ăn bán trú đủ đầy, được ngủ trên chiếc giường êm ái, ấm áp đệm chăn. Năm học 2018 - 2019, Giàng Sinh không nghỉ buổi nào. Thầy giáo khuyên Giàng Sinh nếu ốm mệt thì cứ nghỉ, nhưng Sinh rất chăm chỉ, em học đủ tất cả các ngày trong năm học.

Nói chuyện với chúng tôi, Giàng Sinh cười vui vẻ: “Em thích đi học bán trú hơn ở nhà”. Giàng Sinh cũng cởi mở chia sẻ điều ước nhỏ với chúng tôi: “Em mong anh trai cả của em luôn mạnh khỏe, còn em sẽ học tập chăm chỉ sau này lớn lên kiếm một công việc tốt phụ giúp anh nuôi các em”.

Với những đứa trẻ khác, được bố mẹ chăm sóc từng chút một, được đưa đi đón về mỗi ngày thì những ngày mưa rét hay nắng nóng vẫn có tâm lý ngại đi học, thì với Giàng Sinh, thời tiết có khắc nghiệt đến mấy cũng không thể cản bước đến trường. Cuộc sống quá vất vả, cuộc đời lại không mấy công bằng với anh em Sinh, nhưng Sinh luôn được thầy cô, bạn bè quan tâm, yêu quý. Với Sinh, những ngày được đến trường mới thực sự hạnh phúc. Em được tiếp cận với kiến thức bao la, được chơi đùa cùng các bạn, được phụ giúp các thầy cô thu hoạch rau thêm vào bữa ăn bán trú.

Mong muốn của Sinh rất đơn giản, anh trai cả mạnh khỏe, em sẽ quyết tâm chăm chỉ học tập sau này có một công việc tốt cùng anh trai gánh vác gia đình. Chúng tôi, những người thực hiện phóng sự về Giàng Sinh đã nhiều lần rơi nước mắt, cùng nắm tay ước cho những điều Giàng Sinh ấp ủ trở thành hiện thực, 7 anh em nhà Giàng Sinh luôn mạnh khỏe, các em lớn lên sẽ có một công việc tốt không chỉ giúp đỡ gia đình mà còn góp phần xây dựng thôn Sả Lùng Chéng, xây dựng Cao Sơn ngày càng phát triển.

Mạnh Dũng - Vân Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nhip-song-tre/bai-2-hoc-ban-tru-thich-hon-o-nha-z35n20200511112720832.htm