Bài 2: Khắc phục bất cập, tăng thu hút du lịch gia đình

Năm 2020, ngành Du lịch đặt ra mục tiêu phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, góp phần đưa tổng thu từ khách du lịch lên khoảng 830.000 tỷ đồng. Đây là mục tiêu rất khả thi nếu ngành du lịch đón được xu thế du lịch gia đình đang ngày càng tăng cao trong xã hội chúng ta.

Hiện nay, thuận lợi cơ bản nhất mà ngành Du lịch có được là Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu du lịch sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và nhiều địa phương; tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng chủ động đầu tư 4 đề án khác nhằm đưa du lịch Việt Nam phát triển nhanh trong tương lai.

Chỉ tính trong năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam đã tổ chức được một số sự kiện lớn, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch, như đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2019 với hơn 50 sự kiện do Việt Nam chủ trì hoặc phối hợp. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được tiến hành chủ động, chuyên nghiệp hơn. Tổng cục Du lịch cũng tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên; tham gia 6 hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức 8 roadshow tại các nước ASEAN, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và mở văn phòng đại diện xúc tiến du lịch đầu tiên tại Hàn Quốc theo mô hình liên kết công-tư.

 Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên) là điểm du lịch được nhiều du khách trong nước lựa chọn. Ảnh: HOÀNG LAN.

Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên) là điểm du lịch được nhiều du khách trong nước lựa chọn. Ảnh: HOÀNG LAN.

Theo đánh giá của ngành Du lịch trong một hội nghị tổ chức vào cuối tháng 12 vừa qua, năm 2019, lượng khách du lịch nội địa ước đạt 85 triệu lượt, tăng hơn 6% so với năm 2018; tổng thu từ khách du lịch cả năm 2019 ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng, tăng hơn 16%. Xin lấy thêm một ví dụ về du lịch Tây Bắc trong năm 2019 để chứng minh xu thế du lịch gia đình đã góp phần đáng kể làm tăng nguồn thu về du lịch của các địa phương trong khu vực. Theo đó, trong năm 2019, lượng khách đến khu vực Tây Bắc ước đạt gần 35 triệu lượt khách, tăng 70,5% so với năm 2018, trong đó khách trong nước ước đạt 30 triệu lượt, nâng doanh thu từ du lịch ước đạt gần 53.000 tỷ đồng, tăng 30,6% so với năm 2018.

Theo các chuyên gia về du lịch, trong xu thế phát triển, hiện nay du lịch Việt Nam đang lâm vào tình trạng quá tải, nhất là trong dịp nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hè. Số lượng các gia đình tập trung đi du lịch vào một thời điểm quá lớn và cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn đã không đáp ứng kịp và gây ra nhiều hệ lụy không thể lường trước. Thực tế cho thấy hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa tạo được đặc trưng khác biệt, thương hiệu và khả năng cạnh tranh còn thấp, nhiều sản phẩm trùng lắp ở những lãnh thổ có đặc trưng tương đồng về địa lý nên dễ dẫn đến nhàm chán và kém sức hút với các gia đình. Các doanh nghiệp làm du lịch ở Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Hơn nữa, nguồn nhân lực phục vụ du lịch ở Việt Nam được đào tạo đúng chuyên môn du lịch còn thấp, còn hạn chế và nhiều yếu kém, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của ngành. Điều này đã khiến cho du lịch kém hấp dẫn đối với du khách.

Mặc dù cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch đã được chú trọng đầu tư phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng phù hợp với thúc đẩy loại hình du lịch gia đình. Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2019, cả nước có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú với 700.000 buồng/phòng các loại, trong đó có khoảng 18.800 cơ sở được xếp hạng. Với sự phát triển nhanh cộng với xu thế phát triển du lịch trong môi trường công nghệ số hiện đại thì rõ ràng là chưa thể đáp ứng được nhu cầu của du lịch gia đình có xu hướng ngày càng nâng cao.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến du lịch gia đình nói riêng và du lịch của Việt Nam chưa đạt kết quả cao đó là công tác quản lý du lịch còn nhiều yếu kém. Trước xu thế du lịch phát triển đã xuất hiện tình trạng nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch. Tình trạng quy hoạch du lịch thiếu chuyên nghiệp và khoa học đã dẫn tới hiện tượng phá vỡ môi trường tự nhiên, làm cho hình thức du lịch xanh bị hạn chế rất nhiều. Tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp xảy ra ở nhiều địa phương. Các loại hình du lịch nở rộ nhưng quản lý yếu kém, chặt chém du khách..., đã khiến cho hình ảnh về các khu du lịch, vui chơi dần xấu đi trong mắt các gia đình.

Anh Trần Mạnh Thành, một chuyên gia tư vấn về du lịch rất có kinh nghiệm cho biết, đặc điểm rất quan trọng của du lịch gia đình là sử dụng thời gian du lịch một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả thông qua sử dụng các loại hình dịch vụ du lịch có chất lượng cao. Thế nên, để đón được xu thế du lịch gia đình ngày càng nở rộ thì rõ ràng, việc khắc phục những hạn chế trong tổ chức dịch vụ du lịch ở các địa phương là hết sức cần thiết và cần tiến hành triệt để...

ĐỨC TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/bai-2-khac-phuc-bat-cap-tang-thu-hut-du-lich-gia-dinh-606431