Bài 2: Khó khăn trong phát triển đảng viên

Tăng cường sức mạnh cho “cánh tay đắc lực của Đảng” vùng biên giới:

>>>Bài 1: Vắng đoàn viên tổ chức đoàn không thể mạnh

LCĐT - Cùng với khó khăn trong việc tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động thì một nỗi lo khác là công tác phát triển đảng viên từ những đoàn viên ưu tú. Có những chi đoàn nhiều năm qua không giới thiệu được nguồn để kết nạp đảng viên mới. Vậy nguyên nhân do đâu?

Lựa chọn đoàn viên ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng gặp nhiều khó khăn.

Lựa chọn đoàn viên ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng gặp nhiều khó khăn.

Đoàn viên nhiều, đảng viên ít

Trong chuyến công tác đến xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, chúng tôi được Bí thư Đoàn xã Đặng Thái Lâm đưa đi thực tế tại một số thôn, bản. Trên đường đi, anh Lâm bộc bạch: “Hai chi đoàn khó khăn trong phát triển đảng viên là Chi đoàn thôn Phù Lao Chải và Chi đoàn thôn Pạc Tà. Chi bộ Phù Lao Chải hiện có 7 đảng viên nhưng chỉ có 2 đảng viên trong độ tuổi đoàn, Chi đoàn thôn Phù Lao Chải và Chi đoàn Pạc Tà trong 3 năm qua chưa giới thiệu kết nạp được đảng viên mới nào”.

Đoàn xã A Mú Sung có 9 chi đoàn với 210 đoàn viên, ngoài ra còn một số lượng lớn thanh niên trong độ tuổi nhưng hiện nay trong số đó chỉ có 47 người là đảng viên, chiếm 22%. Khó khăn trong phát triển đảng ở A Mú Sung không chỉ là nhiệm vụ của đoàn thanh niên mà còn là vấn đề của các chi bộ. Trở lại thời điểm trước năm 2013, có khi 2 năm liên tục xã A Mú Sung không phát triển được đảng viên mới. Cách đây 3 năm, xã A Mú Sung có 4 thôn biên giới là Pạc Tà, Lũng Pô 1, Lũng Pô 2 và Tùng Sáng, mỗi chi bộ chỉ có 4-6 đảng viên, hầu hết là đảng viên tăng cường từ nơi khác về sinh hoạt, đảng viên là người tại thôn, đảng viên trẻ rất ít. Thôn Lũng Pô 1 (nay đã sáp nhập vào thôn Lũng Pô 2) năm 2004 có đảng viên đầu tiên, 10 năm sau (năm 2014) có thêm 2 đảng viên mới, từ đó đến nay chưa có thêm đảng viên mới nào.

Câu chuyện phát triển đảng trong đoàn viên, thanh niên ở A Mú Sung cũng là câu chuyện chung đối với nhiều xã biên giới. Đến xã Nàn Sán, một trong 3 xã biên giới của huyện Si Ma Cai, đồng chí Trần Văn Kình, Bí thư Đảng ủy xã trăn trở: Đảng bộ xã có 11 chi bộ, trong đó có 8 chi bộ thôn, bản. Ở các chi bộ biên giới như Lũng Choáng, Hóa Chư Phùng, Dào Dàn Sán vốn đã ít đảng viên, đảng viên trong độ tuổi đoàn lại càng hiếm. Chi bộ Lũng Choáng trong 3 năm (từ 2015 – 2017) không kết nạp được đảng viên mới nào, đến nay có 5 đảng viên thì chỉ có 1 người trong độ tuổi đoàn.

Thêm một ví dụ nữa là Đoàn thanh niên xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương. Theo anh Sùng Seo Trang, Bí thư Đoàn xã, trong 188 đoàn viên thuộc 11 chi đoàn thì chỉ có 23 người là đảng viên, trong đó có 17 đảng viên ở các chi đoàn thôn, bản. Năm 2018, Đoàn xã giới thiệu kết nạp được 7 đảng viên, năm 2019 giới thiệu kết nạp được 4 đảng viên, hết quý 2 năm 2020 đoàn xã giới thiệu được 2 đoàn viên ưu tú đi học lớp đối tượng kết nạp Đảng. So với số lượng đoàn viên, thanh niên toàn xã thì đây là con số rất “khiêm tốn”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Long Thị Thu Hà, Bí thư Huyện Đoàn Mường Khương cho biết: Trong năm 2019, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã tập trung chỉ đạo công tác giới thiệu 248 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp (đạt 119,8% kế hoạch), qua đó đã kết nạp Đảng cho 138 đoàn viên, đạt 102,2% kế hoạch. Tuy nhiên, số lượng này tập trung chủ yếu ở khu vực thuận lợi, các xã vùng thấp của huyện, còn ở các xã biên giới, việc giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng vẫn rất khó khăn.

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng tình trạng một số chi đoàn nhiều năm không có đoàn viên được kết nạp Đảng, một số chi đoàn nhiều năm “trắng” đảng viên vẫn còn. Và điều đáng lo hơn nữa là nguồn đoàn viên ưu tú để giới thiệu kết nạp đảng đang bị “co” lại ở một số nơi. Khi chi đoàn vừa ít đoàn viên, vừa ít đảng viên, thì sức mạnh “cánh tay đắc lực của Đảng” sẽ không đủ mạnh như trước.

Thực trạng tảo hôn ở vùng biên giới diễn ra khá nhiều gây khó khăn cho việc tạo nguồn cho Đảng.

Thực trạng tảo hôn ở vùng biên giới diễn ra khá nhiều gây khó khăn cho việc tạo nguồn cho Đảng.

Đi tìm nguyên nhân

Để thay câu trả lời, anh Đặng Thái Lâm, Bí thư Đoàn xã A Mú Sung đưa chúng tôi xuống thăm thôn Phù Lao Chải, nơi 3 năm qua chi đoàn không có đoàn viên được kết nạp đảng viên mới. Thăm một ngôi nhà gỗ tềnh toàng, chúng tôi gặp hai bạn trẻ người Mông độ tuổi học sinh THPT đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Nếu anh Lâm không giới thiệu đó là vợ chồng thì chúng tôi vẫn nghĩ hai người là anh em. Thì ra từ đầu năm 2020, chàng thanh niên Sùng A Nhề (22 tuổi) nhà ở Phù Lao Chải quen em Vàng Thị Hoa (16 tuổi) nhà ở một thôn hẻo lánh của huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Dù chỉ quen nhau qua mạng Internet, nhưng mấy tuần sau Nhề đã sang Điện Biên đón Hoa về sống chung. Nhề chỉ học đến lớp 2 và không biết chữ, còn Hoa học hết lớp 5 cũng chữ biết, chữ không. Trò chuyện với chúng tôi, Sùng A Nhề bảo: Bạn em là Vàng A Lồng năm nay 20 tuổi cũng sang Điện Biên lấy vợ là Hờ Thị Dé 16 tuổi, giờ đang có em bé trong bụng rồi. Nhìn hoàn cảnh của cặp vợ chồng trẻ chúng tôi đã phần nào hiểu tại sao việc tìm đoàn viên ưu tú để giới thiệu nguồn kết nạp Đảng lại khó như vậy.

Bí thư Đoàn Đặng Thái Lâm lấy ví dụ: Năm 2019 chi đoàn thôn Phù Lao Chải giới thiệu đoàn viên Sùng A Sềnh đi học lớp đối tượng Đảng, nhưng ngay sau đó đoàn viên này tảo hôn nên không đủ điều kiện kết nạp đảng. Năm 2018, chi đoàn Pạc Tà giới thiệu đoàn viên Sùng A Tếnh, nhưng đoàn viên này vướng mắc về lý lịch, lại có người nhà thường xuyên đi làm ăn bên Trung Quốc, nên cũng không thể kết nạp Đảng. Nhiều thanh niên ở khu vực biên giới chỉ học hết tiểu học, một số tảo hôn, một số vướng mắc về lý lịch, nên nguồn kết nạp Đảng của các chi đoàn đã ít lại càng khan hiếm hơn.

Anh Sùng Seo Trang, Bí thư Đoàn xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương cho rằng: Số lượng đảng viên mới kết nạp của đoàn xã ngày càng ít là bởi có đến gần 70% đoàn viên thường xuyên đi làm ăn xa, việc quản lý, theo dõi, bồi dưỡng đoàn viên khó thực hiện. Tại Chi đoàn Lao Tô Chải có 14 đoàn viên thì có tới 10 đoàn viên thường xuyên đi Trung Quốc làm thuê, tâm lý chung là nếu kết nạp Đảng rồi việc qua biên giới làm thuê sẽ là không thể.

Khu vực biên giới của tỉnh là địa bàn đặc biệt quan trọng, công tác bảo vệ chủ quyền, đường biên, mốc giới rất cần tới vai trò xung kích của tuổi trẻ, nhất là đảng viên trẻ. Các đảng viên trẻ được đoàn giới thiệu luôn là những đoàn viên ưu tú nhất, khi được kết nạp Đảng họ sẽ trưởng thành hơn, vững vàng về tư tưởng, bản lĩnh chính trị, là những “hạt giống đỏ” của Đảng. Thiếu đảng viên trong đội ngũ khiến tổ chức đoàn thiếu ngọn cờ tiên phong, hoạt động không đạt hiệu quả như mong muốn.

Bài cuối: Để “ngọn lửa” nhiệt huyết cháy mãi

Tô Dung - Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/giai-bua-liem-vang/bai-2-kho-khan-trong-phat-trien-dang-vien-z91n20201010164139966.htm