Bài 2: Khổ luyện tại Lữ đoàn Đặc công biệt động 1

'Văn ôn, võ luyện', hàng năm, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đặc công Đặc biệt 1, các đơn vị đều tập trung huấn luyện các nội dung khó và nguy hiểm như kỹ thuật tụt dây chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu trong không gian hẹp, nhà cao tầng, hành lang cầu thang…

Luồn sâu, đánh hiểm, từ trong đánh ra

5h30, cán bộ Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 đã có mặt tại sân, bắt đầu một ngày tập luyện căng thẳng. Sau phần khởi động giãn cơ, họ bắt đầu chạy; tập các bài võ thuật hỗ trợ rèn luyện sức khỏe. Bên cạnh đó, là các bài tập về nhảy cao, lên, xuống… từng động tác của mỗi chiến đấu viên đều thực hiện một cách dứt khoát.

Trong quá trình này, đội ngũ cán bộ các cấp đã tận tình hướng dẫn các chiến đấu viên từng động tác. Bởi chỉ cần một động tác sai kỹ thuật như nghiêng cạnh bàn chân cũng có thể bị trượt ngã và chấn thương. Ngoài việc rèn luyện về sức khỏe… các chiến đấu viên còn phải rèn luyện kỹ năng bắn súng, leo trèo nhà cao tầng, kỹ thuật đổ bộ đường không.

Để có thể thực hiện các kỹ thuật tụt từ nhà cao tầng xuống, các chiến đấu viên phải thực hiện các bài tập bổ trợ. Việc rèn luyện đã giúp họ trở thành những chiến sĩ “mình đồng da sắt”, trước vũ khí sắc nhọn như kiếm, đao, họ luôn bình thản. Tiếp đó là các bài tập khí công với mức độ khó, có phần mạo hiểm thường xuyên được luyện tập để nâng cao bản lĩnh, trình độ…

Để có những khả năng đặc biệt đó là quá trình rèn luyện vô cùng gian khổ… Trung tá Mai Văn Tình, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 cho biết: Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 là lực lượng cơ động chiến đấu của Bộ Quốc phòng và Binh chủng Đặc công, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu; thực hiện tiến công các mục tiêu quan trọng, hiểm yếu của địch ở các thành phố, thị xã và sâu trong hậu phương chiến lược của địch. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội trên địa bàn TP Hà Nội.

Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 trong giờ huấn luyện võ thuật.

Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 trong giờ huấn luyện võ thuật.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, công tác trinh sát nắm địa bàn, mục tiêu theo kế hoạch của lữ đoàn thường xuyên được thực hiện; hằng tháng, kế hoạch trinh sát, nắm chắc địa bàn, khu vực mục tiêu được giao cũng được các chiến đấu viên thường xuyên thực hiện. Trên cơ sở đó xây dựng các phương án, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng người. Hằng năm, dưới sự chỉ đạo của Binh chủng đặc công, đơn vị đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an và Công an TP Hà Nội xây dựng kế hoạch nắm địa bàn, khu vực mục tiêu trên địa bàn Hà Nội, xây dựng một số nội dung về chiến thuật chống khủng bố…

“Văn ôn, võ luyện”, hàng năm, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đặc công Đặc biệt 1, các đơn vị đều tập trung huấn luyện các nội dung khó và nguy hiểm như kỹ thuật tụt dây chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu trong không gian hẹp, nhà cao tầng, hành lang cầu thang…

Thượng úy Phạm Việt Hà, Đại đội trưởng Đại đội 74, Đặc công Biệt động 1 cho biết: Đam mê võ thuật, tháng 9/2016, chàng trai quê Yên Mô, tỉnh Ninh Bình nhập ngũ, ban đầu, anh theo học tại Trường sĩ quan Đặc công ở thị trấn Xuân Mai, Hà Nội; sau đó, theo học chuyên ngành đặc công biệt động. Ở ngôi trường này, ngoài các môn học về thể lực, võ thuật, kỹ thuật và chiến thuật, Thượng úy Phạm Việt Hà và các học viên đồng thời được trang bị các kiến thức về chính trị, khoa học cơ bản… Quá trình 4 năm học tập đã rèn luyện cho anh tác phong công tác, trình độ chỉ huy, quản lý đối với phân đội đặc công. Ngoài ra, còn tích lũy cho anh kiến thức trong quá trình làm việc tại đơn vị, huấn luyện, công tác và chiến đấu. Sau khi ra trường, Thượng úy Phạm Việt Hà đảm nhiệm trên nhiều cương vị từ tổ trưởng đến đại đội trưởng và hiện nay anh được giao nhiệm vụ tổ chức là huấn luyện cho khoảng 48 cán bộ và chiến đấu viên…

Nói về phần việc của mình, Đại úy Nguyễn Anh Đức, Chính trị viên Đội 7, Lữ đoàn Đặc công 1 cho biết: Đội 7, Đặc công biệt động chống khủng bố là đội chiến đấu chủ lực của lữ đoàn, thực hiện nhiệm vụ trực tiếp của binh chủng và Bộ Quốc phòng. Đội 7 có nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn các mục tiêu trong khu vực trên địa bàn Hà Nội như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở Trung ương Đảng; bảo vệ an toàn các hoạt động sự kiện chính trị… Với nhiệm vụ đặc biệt đó, mỗi cán bộ, tổ viên của Đội 7, Đặc công Biệt động Chống khủng bố đều được tuyển chọn tinh nhuệ nhất của lữ đoàn. Mỗi thành viên đều phải có trình độ kỹ, chiến thuật cao, thể lực tốt; tư duy nhạy bén sẵn sàng xử lý các tình huống khó khăn, vất vả.

Một trong những kỷ niệm anh Đức ấn tượng nhất là lần tham gia tập huấn nhảy dù tại sân bay Hòa Lạc. Lần đầu tiên thực hiện nội dung khó, nguy hiểm như vậy nên anh khá lo lắng. “Nhảy dù khó nhất là điều khiển dù, nếu điều khiển sai sẽ bị chệnh hướng khi tiếp đất… gây nguy hiểm”, Đại úy Nguyễn Anh Đức nhớ lại. Lần đó, dù đã được tập huấn kỹ lưỡng nhưng do chưa có kinh nghiệm nhảy là rơi xuống ao. Sau lần thực hiện không thành công đó, với quyết tâm học, anh đã không ngừng luyện tập, khắc phục những hạn chế… Với những nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của các thầy giáo, từ lần thứ hai, anh đã có kinh nghiệm, nhảy dù được an toàn, đúng khu vực quy định.

Kế thừa truyền thống vẻ vang

Trước yêu cầu đòi hỏi của chiến trường và sự phát triển lớn mạnh của Bộ đội Đặc công, theo Chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, ngày 15/4/1968, Tư lệnh Binh chủng Đặc công ra quyết định thành lập Tiểu đoàn Đặc công Biệt động 1 (tiền thân của Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1), trực thuộc Binh chủng Đặc công.

Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, CBCS của Lữ đoàn luôn có quyết tâm cao, vượt mọi khó khăn, phấn đấu bền bỉ, lập nhiều chiến công vang dội, thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần không nhỏ xây dựng và phát huy truyền thống: "Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn" của Binh chủng Đặc công Anh hùng. Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và chiến đấu của Bộ Quốc phòng và Binh chủng Đặc công, những năm gần đây, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, lữ đoàn luôn nắm chắc nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức xây dựng và phát triển lực lượng Lữ đoàn theo hướng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về nhiệm vụ SSCĐ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, giáo dục cho CBCS có nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ SSCĐ, về âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, từ đó nâng cao được chất lượng SSCĐ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua kiểm tra khả năng SSCĐ của cấp trên, đơn vị luôn được đánh giá cao, đủ khả năng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có tình huống.

Cùng với đó, đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc và mối kết hợp trong quá trình huấn luyện; thường xuyên giáo dục cho mọi quân nhân nắm chắc phương hướng, nhiệm vụ huấn luyện trong năm và từng giai đoạn. Quá trình huấn luyện, đã quán triệt và vận dụng tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, các nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện; tập trung huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, nâng cao chất lượng toàn diện; thường xuyên đổi mới phương pháp trong huấn luyện. Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn tổ chức tốt các lớp tập huấn bồi dưỡng cán bộ, 100% đội ngũ cán bộ các cấp nắm chắc công tác tham mưu tác chiến, công tác tham mưu huấn luyện, phương pháp huấn luyện kỹ, chiến thuật, điều lệnh đội ngũ; tổ chức và tham gia các hội thi, hội thao do Binh chủng và Lữ đoàn tổ chức đều đạt kết quả cao.

Năm 2024, kiểm tra các nội dung huấn luyện 100% đạt yêu cầu, trong đó có 85% trở lên đạt khá, giỏi, Lữ đoàn đạt đơn vị huấn luyện giỏi. Thường xuyên quan tâm đời sống, vật chất tinh thần cho bộ đội; tích cực tham gia phong trào “Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới”, giúp các gia đình chính sách, gia đình khó khăn trên địa bàn đóng quân và công tác ổn định cuộc sống. Chú trọng thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và phong trào thi đua xây dựng "Đơn vị quản lý Tài chính tốt". Thực hiện có chiều sâu Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí thiết bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, chất lượng thiết bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, cháy nổ và tìm kiếm cứu nạn.

Với bề dày truyền thống, Lữ đoàn đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 13 tháng 3 năm 2008 và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bai-2-kho-luyen-tai-lu-doan-dac-cong-biet-dong-1-i753306/