Bài 2: Khổ luyện thành tài

Nhiều người cứ nghĩ Ánh Viên xuống bể là có huy chương vàng (HCV). Nhưng có ra biển lớn mới thấy toàn 'ngọa hổ tàng long'. Chưa nói đến việc giành quyền vào lượt thi chung kết, giành huy chương ở đấu trường châu lục, thế giới, chỉ riêng việc Ánh Viên đàng hoàng giành vé dự Olympic cũng là cột mốc của thể thao Việt Nam.

Đĩnh đạc giành quyền dự Olympic

Ánh Viên đi Mỹ tập huấn trong thời gian dài 9 năm có sự chung tay hỗ trợ đắc lực của thể thao Quân đội, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT). Nhưng có nghe thầy trò HLV Đặng Anh Tuấn-Ánh Viên kể chuyện, mới vỡ lẽ chuyến tập huấn đó đầy khó khăn, có những lúc tưởng như hai thầy trò va vào “đá ngầm”.

Đầu năm 2012, một đoàn gồm 2 huấn luyện viên (HLV), 5 kình ngư Việt Nam sang Mỹ tập huấn ở trường Bolles (Florida). Tổng cục TDTT ra chỉ tiêu rõ ràng: Trong 3 tháng phải có VĐV đạt chuẩn B Thế vận hội để được xét dự Olympic 2012, khai mạc vào ngày 27-7 tại London (Anh).

Ở Thế vận hội, mỗi nước chỉ được cử tối đa 2 kình ngư tham dự một nội dung cá nhân. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đặt ra chuẩn A, chuẩn B ở bơi, điền kinh... để sàng lọc VĐV tinh hoa. Tuy nhiên, nhằm thúc đẩy phong trào Olympic nên với những quốc gia có nền thể thao chưa phát triển, IOC bao trọn gói mọi chi phí cho 6 thành viên dự Olympic, gồm 2 lãnh đạo ủy ban Olympic quốc gia, 2 VĐV điền kinh và 2 VĐV bơi.

 Ánh Viên là một trong những kình ngư giàu thành tích nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: THIÊN THANH.

Ánh Viên là một trong những kình ngư giàu thành tích nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: THIÊN THANH.

Trở lại chuyến tập huấn của thầy trò Đặng Anh Tuấn-Ánh Viên ở Mỹ. Ngày 27-3-2012, thầy Tuấn lái xe vượt 1.400km từ Jacksonville đến Indianapolis để Ánh Viên dự giải Grand Prix có tính chuẩn Olympic. Ánh Viên đăng ký 3 nội dung: 100m ngửa, 200m ngửa và 200m hỗn hợp. Vài ngày trước khi thi đấu, Ánh Viên bất ngờ bị đau lưng dữ dội, HLV Đặng Anh Tuấn lặng người. Không lẽ công sức hai thầy trò đổ xuống sông xuống biển. Ông Tuấn vội massage, chườm đá cho Ánh Viên. Ở chỗ đau, một nhóm cơ nổi lên, ông Tuấn ấn mạnh. Ánh Viên la lớn: “Hết rồi thầy ơi!”. “Thật không?”. “Thật ạ!”. Đi bệnh viện mới hay Ánh Viên có một chân dài hơn, khó nhận ra bằng mắt thường, gây chèn ép thần kinh. Vậy là bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình ở Mỹ phải mất 5 tháng để chữa trị dứt điểm cho Ánh Viên.

Ở hai nội dung 100m ngửa và 200m hỗn hợp, Ánh Viên đều không đạt chuẩn B; thi 200m ngửa xếp hạng 6/100 VĐV, với thông số 2 phút 15 giây 15, đạt chuẩn B (2 phút 15 giây 52) dự Olympic London 2012. Trên khán đài, HLV Đặng Anh Tuấn và ông Đinh Việt Hùng (Trưởng bộ môn bơi Tổng cục TDTT) ôm nhau mắt nhòe lệ. Nếu ngày đó Ánh Viên không đạt chuẩn B dự Thế vận hội thì làm gì có “tiểu tiên cá”, làm gì có thành tích đáng tự hào ở SEA Games, ASIAD, lại càng không có chuyện cả đội tiếp tục tập huấn ở Mỹ. Sẽ là mọi người về Việt Nam, rút kinh nghiệm và giải tán.

Sau khi Ánh Viên giành chuẩn B Thế vận hội ở Indianapolis, mấy thầy trò tiếp tục tập huấn ở Mỹ, sang Singapore dự giải vô địch Đông Nam Á vào tháng 5-2012. Giải này, Ánh Viên đoạt 5 HCV, đạt thêm 2 chuẩn B Thế vận hội nữa ở nội dung 100m ngửa và 400m hỗn hợp. Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA) xét cho Ánh Viên dự tranh Olympic London 2012 ở hai cự ly 200m ngửa và 400m hỗn hợp. Vậy là tuyển thủ Quân đội Ánh Viên trở thành VĐV bơi đầu tiên của thể thao Việt Nam tranh tài ở đấu trường Olympic sau khi đạt chuẩn. Một thành tích đáng nể và tự hào của “tiểu tiên cá”.

Tới kỳ Olympic Rio de Janeiro 2016, Ánh Viên suýt chút nữa đã lọt vào chung kết nội dung 400m hỗn hợp cá nhân khi xếp hạng 9 ở vòng loại. Người xếp hạng 8 vào chung kết là Emily Overholt (Canada) với thông số 4 phút 36 giây 54, nhanh hơn 0,31 giây so với Ánh Viên. Thế mới lại càng thấy chiến công giành 1 HCV, 1 HCB, phá kỷ lục Thế vận hội của Hoàng Xuân Vinh cũng ở kỳ Thế vận hội 2016 thực là đỉnh cao chói lọi. Ra đấu trường Olympic, thể hiện phong độ tốt, giữ được tâm lý, vững bản lĩnh như Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh là điều cực khó.

Liên tiếp đấu tập 120 phút/trận

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định: “Những năm tháng chiến tranh khói lửa, nền thể thao cách mạng Việt Nam do Quân đội làm nòng cốt đã gây được tiếng vang. Ngày đó, các đoàn, đội TDTT Quân đội đã được các cấp quan tâm, tạo điều kiện tập huấn, thi đấu, góp phần quan trọng cho bước phát triển nền TDTT nước nhà sau này”.

Những chiến thắng của đội bóng đá Thể Công thập niên 1970, 1980 làm nức lòng người hâm mộ. Chuyên gia Vũ Mạnh Hải, cựu cầu thủ Thể Công cho hay: “Ngày đội tuyển U.23 Việt Nam giành ngôi á quân vòng chung kết U.23 châu Á 2018, về nước trong biển người hâm mộ làm tôi nhớ lại những chiến công của Thể Công năm xưa. Dịp 2-9-1970, sau trận Thể Công thắng đội tuyển Cuba 3-2, xe ô tô 40 chỗ chở chúng tôi ở cửa số 10 sân Hàng Đẫy (Hà Nội) không thể di chuyển được vì khán giả vây kín. Anh em trong đội cùng hàng nghìn người hâm mộ đi bộ về sân Cột Cờ. Đến ngã tư Nguyễn Thái Học-Hàng Bột (phố Tôn Đức Thắng ngày nay) thì không thể đi bộ được nữa vì người hâm mộ đứng kín đường chúc mừng. Chợt có tiếng hô lớn: “Hoan hô Đại tướng!”. Khi cửa kính ô tô hạ xuống, tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp vươn người ra ngoài, bắt tay những người đứng gần. Mọi người đồng thanh hô: “Chào mừng Quốc khánh 2-9! Hoan hô Đại tướng! Hoan hô Thể Công!”. Tưởng như Hà Nội không có chiến tranh... Khi đội về đến sân Cột Cờ, vào phòng họp đã thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi đợi. Đại tướng bảo: “Dù tắc đường, lại chưa ăn gì nhưng tôi rất vui, lập tức sang đây chúc mừng và khen ngợi tập thể đội bóng Thể Công. Hôm nay, các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hữu nghị và thắng lợi. Các đồng chí đã làm rạng danh hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần làm Ngày Quốc khánh thêm vui, thêm ý nghĩa”.

Để có được lứa Thể Công hào hùng ngày đó, đội trẻ Thể Công được đi tập huấn một năm ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (11-1967 / 11-1968). Đoàn gồm 30 người do Đại úy Ngô Xuân Quýnh làm trưởng đoàn. Phó trưởng đoàn kiêm HLV trưởng là Thượng úy Nguyễn Văn Tiền, khi về nước đã giới thiệu những tài năng quái kiệt như tiền đạo Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), trung vệ Nguyễn Trọng Giáp, tiền vệ Phan Văn Mỵ... Có mặt trong chuyến đi tập huấn để đời này, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhấn mạnh: “Nếu không có tinh thần khổ luyện thành tài, chúng tôi đã không thể vượt qua những buổi tập sức mạnh mà sau khi về nhà, anh em trong đội phải bò, phải lết mới lên được giường. Tập sức bền tốc độ, tập chạy dưới mưa tuyết, giá lạnh có người đã bật khóc. Chúng tôi đấu với đội bạn toàn 120 phút/trận, lại còn thi đấu mật độ 1 ngày 1 trận với không khí quyết liệt, dữ dội. Nếu không vì niềm tự hào dân tộc, Quân đội, làm sao lứa trẻ Thể Công có thể trưởng thành. 365 ngày trên đất nước Thiên Lý Mã chính là bệ phóng tài năng cho đội trẻ Thể Công”.

Bài học về thành công của đội bóng đá nam Thể Công, của Câu lạc bộ Bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin, của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, của kình ngư Nguyễn Ánh Viên... vẫn luôn được các đoàn/đội/trung tâm TDTT Quân đội thường xuyên nhắc tới, lấy đó làm tấm gương để lớp lớp HLV, VĐV rèn giũa, mong tiếp nối truyền thống vẻ vang, góp phần vào thành công chung của thể thao nước nhà.

BOX: Ánh Viên từng chia sẻ với chúng tôi: “Đề ra các kế hoạch tập luyện, mục tiêu phấn đấu là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công. Mục tiêu lớn buộc em phải nỗ lực nhiều hơn so với việc đề ra chỉ tiêu khiêm tốn”. Đỉnh cao là tại SEA Games 2015, Ánh Viên giành tới 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, thiết lập 8 kỷ lục của đại hội. Trước đó, “tiểu tiên cá” đã ghi khẩu hiệu dán trên đầu giường: “Cố gắng tập luyện giành 9 HCV ở SEA Games 2015”. Hướng tới Olympic 2016, Ánh Viên dán khẩu hiệu lên thành giường: “Phấn đấu đạt 4 phút 33 giây 50 ở 400m hỗn hợp”.

(còn nữa)

CƯỜNG HÙNG TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bai-2-kho-luyen-thanh-tai-709814