Bài 2: Khó vạn lần, dân liệu cũng xong (Tiếp theo và hết)

Năm 2015, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh nông thôn mới (NTM). Với phương châm 'Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ', Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã hoàn thành mục tiêu đề ra trước thời hạn.

Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, cũng như nhiều địa phương, Nam Định đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Khi đó, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân không ít người nghi ngờ và không tin rằng đến năm 2020 địa phương mình sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Thế nhưng, nhờ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là huy động sức dân, Nam Định từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thành mục tiêu đề ra sớm hơn dự kiến tới một năm rưỡi.

Quá trình triển khai xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần làm những việc người dân cần, để người dân bàn bạc, cùng làm và cuối cùng hưởng thụ những thành quả đó. Nhờ vậy đã thúc đẩy được người dân tự nguyện tham gia và huy động được mọi nguồn lực tham gia xây dựng NTM. Từ năm 2011 đến tháng 6-2019, toàn tỉnh huy động được hơn 21.900 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp gần 6.000 tỷ đồng. Đặc biệt, sau dồn điền, đổi thửa, người dân trong tỉnh đã đóng góp gần 3.000ha đất nông nghiệp để làm giao thông, thủy lợi nội đồng và đường giao thông nông thôn. Kết quả có hơn 27.500 công trình cấp xã được cải tạo, nâng cấp, xây mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,15%.

Triển khai xây dựng NTM, các địa phương ở Nam Định có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Là một trong những huyện đi đầu của tỉnh trong phong trào đoàn kết, tự nguyện hiến đất làm đường, huyện Nghĩa Hưng trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM. Bằng việc tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu được ý nghĩa quan trọng của giao thông trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, từ đó huy động được sự tham gia hiến đất cũng như hiến tiền của, ngày công lao động của hàng nghìn hộ dân. Đến nay, hàng trăm cây số đường trục xã và thôn xóm, hơn 500km đường ngõ xóm và gần 300km đường trục chính nội đồng được cứng hóa nhờ sức đóng góp của nhân dân.

Ông Sái Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Qua 9 năm xây dựng NTM, thành tựu quan trọng nhất mà Nghĩa Hưng đạt được là đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người của Nghĩa Hưng hiện nay xấp xỉ 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn khoảng 1,7%. Theo chúng tôi đánh giá, có hai điểm then chốt mang lại thành công trong quá trình xây dựng NTM. Thứ nhất, sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Thứ hai, làm tốt công tác định hướng, vận động nhân dân đồng thuận tham gia xây dựng NTM trên quan điểm xây dựng NTM là làm cho người dân, vì người dân nông thôn. Cộng đồng dân cư được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng NTM”.

Ở huyện Hải Hậu, quá trình thực hiện xây dựng NTM, Đảng bộ và nhân dân trong huyện luôn giữ phương châm “Nhà có số, phố có tên, sông không rác, đường có điện, có hoa, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận”. Đặc biệt, địa phương này đã đề ra tiêu chí NTM cấp xóm, tức là xây dựng xóm NTM, gia đình NTM. Một kinh nghiệm nữa cũng hết sức quan trọng, đó là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để chủ trương xây dựng NTM trở thành phong trào thi đua thực sự, sâu rộng giữa các thôn, xóm, các xã với nhau. Bên cạnh đó, huyện Hải Hậu còn triển khai xây dựng các mô hình điểm, từ đó tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng để các xã khác làm theo. Hiện nay, Hải Hậu đang thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu cũng tiến hành theo cách đó.

Đạt đích NTM, không chỉ giúp Nam Định đẩy nhanh quá trình sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa mà còn từng bước làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn. Ở các huyện NTM, cơ sở vật chất trường học cơ bản hoàn thiện theo chuẩn quốc gia, tạo điều kiện cho giáo dục-đào tạo phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân được đáp ứng ngày một tốt hơn nhờ hệ thống y tế nông thôn được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ. Trên lĩnh vực văn hóa, các huyện NTM đều có hơn 80% thôn, xóm, gia đình đạt danh hiệu văn hóa, phong trào thể dục thể thao ngày càng thu hút nhiều người luyện tập.

Theo ông Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, là một trong hai tỉnh cán đích NTM đầu tiên của cả nước nên Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh rất tự hào. Song, Nam Định xác định rõ đây chỉ là kết quả bước đầu, không thể chủ quan, tự mãn. Chính vì vậy, Đảng bộ và nhân dân Nam Định luôn coi xây dựng NTM là nhiệm vụ không có điểm dừng, nên không ngừng củng cố và nâng cao các tiêu chí NTM, góp phần tô đẹp bức tranh nông thôn ngày càng rực rỡ, đời sống nhân dân ngày càng ấm no.

ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-kho-van-lan-dan-lieu-cung-xong-tiep-theo-va-het-604220