Bài 2: Không phải trả giá đắt nếu… kiến nghị được thực thi nghiêm túc
'Nếu thực hiện đúng những nội dung HĐND kiến nghị, yêu cầu, có lẽ giờ này địa phương không phải trả giá đắt' - trăn trở, day dứt của vị đại biểu dân cử địa phương là câu chuyện để lại nhiều suy tư nhất đối với chúng tôi. Cùng với đó là những chờ đợi mỏi mòn, khắc khoải của người dân đằng sau câu chuyện những kiến nghị sau giám sát của HĐND vẫn chưa hoặc chậm được giải quyết thấu đáo, tiếp tục gây bức xúc trong Nhân dân.
Nếu thực hiện đúng những kiến nghị, yêu cầu...
Năm 2017, HĐND tỉnh X giám sát chuyên đề về công tác khai thác và phát triển quỹ đất - một nội dung được xem là quan trọng khi tỉnh X nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế. Đây cũng là nơi cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được ưu tiên chú trọng đầu tư, nhiều tuyến đường trọng điểm đã góp phần tăng sức hút đầu tư, nhiều dự án lớn được triển khai, nhất là khu vực vùng Đông của tỉnh, khu vực các đô thị; nhu cầu đất để mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ ngày càng cao, hoạt động khai thác và phát triển quỹ đất diễn ra khá sôi động. Qua giám sát, Đoàn đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về khai thác, phát triển quỹ đất.
Trong đó, hạn chế lớn nhất là tình trạng nhiều diện tích đất đã được giao cho nhà đầu tư nhưng việc triển khai cầm chừng, kéo dài, phải gia hạn nhiều lần, thậm chí sau nhiều năm triển khai vẫn nằm trên… giấy gây lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn, buộc phải thu hồi để chuyển cho chủ đầu tư khác. Một số dự án chưa quan tâm xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: cấp điện, nước thải, thông tin... chưa được chú trọng khớp nối hạ tầng giao thông đối ngoại cũng như các hạ tầng công cộng, xã hội; không ít nhà đầu tư, sàn giao dịch lợi dụng dự án chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu cơ đất, chưa tính toán phương án hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân khi bị thu hồi đất.
Từ thực tế trên, HĐND tỉnh X đã ban hành nghị quyết về kết quả giám sát, yêu cầu UBND tỉnh X rà soát tất cả các dự án khai thác quỹ đất (dự án bất động sản, nhà ở, khu dân cư, đô thị, thương mại dịch vụ) đang thực hiện trên địa bàn, từ khâu quy hoạch, thiết kế, dự toán, chất lượng công trình, nghiệm thu, bàn giao, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, tiến độ thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công cộng, nhất là dự án trên địa bàn khu đô thị, khu kinh tế để có giải pháp quản lý tốt hơn và biện pháp xử lý dứt điểm những hạn chế của từng dự án. Tuy nhiên, đến cuối nhiệm kỳ 2016 - 2021, khi đánh giá lại thì nhiều nội dung HĐND tỉnh đề ra vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Điều này khiến các hạn chế đã được chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt còn phức tạp hơn, số vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan chuyển nhượng, góp vốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các dự án khai thác quỹ đất diễn biến phức tạp.
“Nếu thực hiện nghiêm túc những nội dung HĐND kiến nghị, yêu cầu, có lẽ giờ này địa phương không phải trả giá đắt” - vị đại biểu dân cử địa phương trăn trở.
Bao giờ có nước sạch cho dân?
Tăng tỷ lệ sử dụng, bảo đảm chất lượng nước sạch cho người dân là nội dung HĐND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị qua nhiều kỳ họp. Thế nhưng qua tái giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay cho thấy, mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa hoàn thiện để lắp đặt cho các hộ dân. Theo đó, dự án nước sạch được triển khai tại 4 xã Hồng Lộc, Ích Hậu, Phù Lưu, Bình An của huyện Lộc Hà nhưng tiến độ và việc hoàn trả mặt bằng quá chậm. Nguyên nhân được HĐND huyện chỉ ra trong báo cáo kết quả giám sát do vướng công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường Thạch Kênh - Hồng Lộc.
Đi sâu tìm hiểu vấn đề này cho thấy, việc cấp nước sạch cho các hộ dân thuộc các xã của huyện Lộc Hà thuộc Tiểu dự án nước sạch cho một số xã thuộc huyện Lộc Hà, Can Lộc nằm trong Dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được triển khai từ năm 2020 với tổng mức đầu tư trên 215,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc như HĐND huyện đã chỉ ra đến nay, mặt bằng chưa thể bàn giao nên dự án sẽ không hoàn thành theo đúng tiến độ và việc đưa nguồn nước phục vụ cho người dân sẽ bị chậm trễ. Mặc dù tiểu dự án nước sạch cho một số xã thuộc huyện Lộc Hà, Can Lộc đã được gia hạn đến ngày 31.3.2023.
Tại cuộc TXCT giữa đại biểu HĐND huyện với cử tri xã Ích Hậu, cử tri Nguyễn Văn Nam chia sẻ: “Từ trước tới nay, người dân xã Ích Hậu đều sử dụng nước mưa và nước giếng khoan, giếng đào để sinh hoạt và sản xuất, tuy nhiên hiện nay nguồn nước ngày một bị nhiễm phèn nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau nhiều năm khấp khởi khi huyện có chủ trương đưa nước sạch về, đến nay người dân vẫn phải mỏi mòn chờ nước sạch để sử dụng. Đề nghị HĐND cấp huyện có ý kiến với chủ đầu tư và các ngành liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc để nước sạch về với bà con”. Tại các diễn đàn, cử tri huyện Lộc Hà liên tục phản ánh, kiến nghị vấn đề này thế nhưng đáp lại cũng chỉ là: “sẽ quan tâm xử lý trong thời gian tới”, còn thời gian tới là khi nào thì cũng chưa rõ ràng bởi cơ quan chịu trách nhiệm thi công chính ngoài Ban Quản lý dự án tỉnh, Tổng Công ty nước Hà Tĩnh, HĐND huyện cũng chỉ biết… kiến nghị
Giải pháp nào bớt khổ cho “con đường đau khổ”
Về đích nông thôn mới năm 2018 với 1 tiêu chí nợ vì tuyến đường liên xã chưa được xây dựng. Từ đó đến nay, việc trả nợ tiêu chí này vẫn ì ạch, sau 5 năm đạt chuẩn, người dân xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vẫn phải vất vả đi lại trên con đường “huyết mạch” đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn. Chỉ tay về phía cuối con đường giao nhau với đường sắt bắc ngang, không có rào chắn, bà Phạm Thị Chiến - nhà sát đường chia sẻ: mấy vụ tai nạn đường sắt xảy ra ở đây. Rất thương tâm. Tôi không sao quên được vụ tai nạn năm 2018, chiếc ô tô chở 4 người khi băng qua đường sắt từ chính con đường này đã bị tàu hỏa tông, kéo lê khoảng 300m, khiến 2 người tử vong tại chỗ, 2 người còn lại nguy kịch. Hiểm nguy vẫn luôn rình rập nếu như không có sự đầu tư xây dựng đồng bộ và có rào chắn khi tàu đến thì đường này vẫn rất… đau khổ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết HĐND xã Hưng Mỹ đã giám sát và kiến nghị từ nhiệm kỳ 2016 - 2021, thế nhưng do không đủ thẩm quyền nên chỉ biết gửi kiến nghị lên cơ quan cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Nội dung này cũng từng được nguyên đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2016-2021,Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Như Mai chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh năm 2020, nhưng kiến nghị vẫn chỉ… nằm trên giấy. Theo lý giải của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, do khó khăn về nguồn vốn nên dự án vẫn chưa thể thi công.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Như Mai cho biết: tuyến đường liên xã này đã xuống cấp nhiều năm nay. Là người đứng đầu cấp ủy, HĐND xã, tôi cùng các đại biểu HĐND xã đã giám sát và kiến nghị nhiều lần. Kể cả đại biểu HĐND huyện về TXCT, qua bức xúc của người dân đã khảo sát và kiến nghị lên tỉnh nhưng vẫn vướng mắc chưa được giải quyết. Tại diễn đàn HĐND tỉnh, tôi cũng từng đưa vấn đề này ra để chất vấn, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư lúc ấy khẳng định đã có nguồn vốn cho dự án này, Sở đang hoàn tất hồ sơ để tiến hành đấu thầu và dự kiến sẽ triển khai việc đền bù, giải phóng mặt bằng, sẽ được khởi công trong quý II.2020. Thế nhưng sau đó lãnh đạo sở nghỉ hưu, dự án đến đầu năm 2023 mới có thông tin là khởi công. Tuy nhiên, hơn 6 tháng thi công thì tiến độ cũng khá chậm.
“5 năm nay, chính quyền và người dân xã Hưng Mỹ chúng tôi vẫn phải “sống chung với lũ”. Chúng tôi đã đeo bám từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác. Giờ tôi đã nghỉ công tác nhưng cấp ủy, chính quyền xã Hưng Mỹ vẫn tiếp tục kiến nghị, hy vọng cấp có thẩm quyền quyết liệt, đồng hành cùng người dân đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, để người dân xã Hưng Mỹ chúng tôi không phải đi trên “con đường đau khổ” nữa” - ông Nguyễn Như Mai trăn trở.