Bài 2: Kiên cường giữ vững mạch máu giao thông
Với vị trí yết hầu, Hà Tĩnh là trọng điểm đánh phá, hủy diệt của máy bay Mỹ. Song, những cây cầu bị bom đánh sập lại được dựng lên, những con đường hư hỏng được khôi phục để đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến miền Nam.


Với vị trí yết hầu, Hà Tĩnh là trọng điểm đánh phá, hủy diệt của máy bay Mỹ, nhiều tuyến đường trở thành “tọa độ lửa”. Giữa mưa bom, bão đạn, quân và dân Hà Tĩnh luôn bền gan, vững chí, dũng cảm bám đường, bám cầu với phương châm “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Những cây cầu bị bom đánh sập lại được dựng lên, những con đường hư hỏng được khôi phục để đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
“KHÔNG ĐỂ XE TẮC MỘT GIỜ, KHÔNG ĐỂ HÀNG CHỜ MỘT PHÚT”
Nằm ở vị trí chiến lược, có tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ (QL) 1, Hà Tĩnh là địa bàn trọng yếu trong đảm bảo GTVT phục vụ chiến trường miền Nam. Trong những năm chiến tranh ác liệt, đặc biệt là giai đoạn 1965-1972, các tuyến đường trên địa bàn Hà Tĩnh trở thành “tọa độ lửa”, là mục tiêu oanh tạc của không quân Mỹ nhằm cắt đứt nguồn tiếp viện của quân và dân ta.
Với tinh thần “địch phá, ta sửa; địch hủy, ta thông”, quân và dân Hà Tĩnh đã ngày đêm anh dũng chiến đấu, kiên cường bám trụ trên từng mét đường, từng cây cầu. Hàng vạn TNXP, dân công hỏa tuyến cùng hàng vạn người dân cả già trẻ, gái trai đã cùng nhau bám đường, sửa chữa cầu cống, lấp hố bom, mở đường cho xe qua.

Đường Đồng Lộc - đường Khe Giao năm 1968. (Ảnh tư liệu)
Những năm tháng này, Ngã ba Đồng Lộc trở thành điểm đánh phá ác liệt nhất của địch trên tuyến đường vận tải chiến lược Bắc - Nam và cũng chính nơi đây đã làm nên chiến công chói lọi trên mặt trận GTVT của quân và dân Hà Tĩnh. Mảnh đất nhỏ bé này đã phải chịu đựng một lượng bom đạn khổng lồ với gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân, mỗi mét vuông đất ở Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Địch đánh cả ngày lẫn đêm khiến Đồng Lộc trở thành chảo lửa, hàng nghìn cán bộ GTVT và TNXP đã xả thân quên mình. Nơi đây đã thấm máu xương của 122 liệt sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ bộ đội phòng không; 140 liệt sỹ Tổng đội TNXP 55; 341 liệt sỹ ngành GTVT, 1.226 người dân và hàng nghìn thương binh, bệnh binh.
Cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội Công binh thuộc Đại đội 557, Tổng đội 55 TNXP-P18 bồi hồi nhớ về những ngày tháng cùng đồng đội đảm bảo giao thông trên các tuyến đường huyết mạch 15A đoạn Ngã ba Đồng Lộc. “Trên ngã ba này, chúng tôi đã hy sinh tuổi thanh xuân. Những năm tháng đó, người dân địa phương đã luôn sát cánh, chia ngọt sẻ bùi cùng TNXP và các lực lượng khác. Các gia đình đã đào hầm trong vườn, nhường cả gian nhà chính cho chúng tôi ở. Nghĩa tình của bà con đã giúp chúng tôi có thêm động lực để bám trụ và kiên cường chiến đấu với ý chí “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc”.

Bà Nguyễn Thị Hòe (thứ 2 từ bên phải) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa. Ảnh tư liệu
Cùng với Ngã ba Đồng Lộc, các tuyến đường huyết mạch ngày đêm “bom cày đạn xới”, nhiều địa phương ở vị trí chiến lược đã trở thành đất lửa ghi dấu những ngày cán bộ, Nhân dân không nề hà hiểm nguy, gian khổ, bám cầu, bám đường cho xe ra tiền tuyến. Xã Kỳ Trinh - huyện Kỳ Anh (nay là phường Kỳ Trinh - TX Kỳ Anh) là một trong những mục tiêu đánh phá ở khu vực phía Nam của tỉnh, bởi nơi đây có 4 cây cầu trên QL 1: cầu Cổ Ngựa, cầu Đá Bàn, cầu Trô, cầu Ngấy và nhiều công trình giao thông trọng yếu khác. Đây cũng là nơi người dân nhường đất, nhường nhà cho các đơn vị vận tải cơ giới của quân đội đứng chân.

Bà Nguyễn Thị Mong - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Kỳ Trinh thăm lại một cây cầu trọng yếu từng bị giặc Mỹ đánh phá năm xưa.
Mỗi người dân Kỳ Trinh, không kể gái trai, già trẻ đều một lòng quyết tâm, hăng hái tham gia bám đường, giữ cầu; nhiều sáng kiến được cấp trên biểu dương, nhân rộng. Kỳ Trinh đã trở thành điển hình trong phong trào toàn dân làm GTVT trong chiến tranh, được đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ Cuba do Chủ tịch Phi-den Ca-xtơ-rô dẫn đầu ghé thăm vào tháng 11/1966. Bà Nguyễn Thị Mong (SN 1945) - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Kỳ Trinh nhớ lại: “Mang thai con gái đầu lòng những tháng cuối của thai kỳ, chồng đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam nhưng tôi vẫn cùng các đồng chí trong Đảng ủy chỉ đạo Nhân dân vừa tổ chức lực lượng bám đồng sản xuất, vừa sẵn sàng bám đường, sửa chữa cầu cống, lấp hố bom, đảm bảo giao thông thông suốt theo khẩu hiệu “không để xe tắc một giờ, không để hàng chờ một phút”.

Bà Mong bồi hồi nhớ lại những ký ức thời chiến cùng PV Báo Hà Tĩnh.
Từ năm 1965 trở đi, khi các tuyến đường chính trên địa bàn bị tàn phá, oanh tạc; quân và dân ta thực hiện chủ trương “địch đánh một ta làm mười, địch đánh đường này ta đi đường khác”. Để mở đường tránh các tọa độ bị đánh phá, người dân nhiều địa phương như: Thiên Lộc, Tiến Lộc (Can Lộc); Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)… đã tạm di dời nhà cửa, làng xóm để xe qua. Đặc biệt, Nhân dân làng Hạ Lội (xã Tiến Lộc) chỉ trong một đêm đã tháo dỡ 130 căn nhà, lấy gỗ làm vật liệu, chặt tre, vác gỗ làm tấm phên lót đường, bắc cầu cho xe qua. Từ sự quyết tâm, tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc” đó, trên 3 tuyến đường bộ chính là QL 1, QL 15 và đường 8, đã có 163 đường xế, đường tránh dài 120 km phục vụ hiệu quả công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Người dân làng Hạ Lội - nay là làng K130 dỡ nhà lát đường năm 1968. Ảnh tư liệu.
Cùng với việc mở các đường xế, đường tránh, Nhân dân Hà Tĩnh đã tích cực tham gia mở thêm nhiều tuyến đường mới nối các vùng trong tỉnh và các tỉnh bạn để “chia lửa” như: đường 28 từ Đức Thọ vào Can Lộc; đường 20, 21, 22 chạy song song đường 1 từ Thạch Hà vượt qua vùng núi Cẩm Xuyên, Kỳ Anh vào Quảng Bình; đường 70, 70A, 70B chạy song song để tránh “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc trên tuyến đường 15… Tổng chiều dài các tuyến đường được mở mới trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở Hà Tĩnh lên đến 367 km - gấp 4 lần chiều dài QL 1 đoạn chạy qua địa bàn tỉnh. Những con số đó là minh chứng hùng hồn, rõ nét nhất cho sức mạnh, quyết tâm to lớn của quân và dân Hà Tĩnh trong công cuộc giữ vững huyết mạch giao thông đường bộ.

Nhân dân Hà Tĩnh với khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc” để bảo đảm giao thông cho xe vận chuyển vũ khí vào phục vụ chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng những ngày tháng trực tiếp tham gia bảo vệ tuyến đường 21, 22 qua địa phận quê nhà luôn là kỷ niệm khó phai nhòa trong ký ức của ông Lê Anh Cúc (SN 1950, thôn Trung Long, xã Thạch Điền - nay là xã Nam Điền, huyện Thạch Hà).
Năm 1967, khi vừa tròn 17 tuổi, đang là Bí thư Phân đoàn Thanh niên của HTX Tây Điền (xã Thạch Điền), ông Cúc ngày đêm cùng ĐVTN gánh đất, thồ đá để vá đường, lấp hố bom.
“Duy trì sản xuất, bảo vệ tuyến đường 21, 22, quân và dân Thạch Điền còn đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các cơ quan trọng yếu chuyển về sơ tán trên địa bàn như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Ty Y tế, Tổng đội TNXP 53, đoàn xe vận tải của Trung đoàn 963 và vận chuyển thương binh. Vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng không ai mảy may suy tính, chỉ một lòng hướng về miền Nam ruột thịt, quyết tâm cho ngày thống nhất non sông” - ông Cúc chia sẻ.

Ông Lê Anh Cúc (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện cùng những người dân xã Thạch Điền cũ (nay là xã Nam Điền) về những ký ức lấp đường, sửa cầu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
DÒNG SÔNG, CỬA BIỂN TRỞ THÀNH CHIẾN HÀO
Cùng với đường bộ, hệ thống đường thủy của Hà Tĩnh cũng trở thành phương thức vận chuyển chiến lược và hiệu quả trong những ngày chiến tranh ác liệt. Với đường bờ biển dài và hệ thống sông ngòi dày đặc như: Sông La, Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông Nghèn, sông Rác…, Hà Tĩnh có lợi thế đặc biệt về vận chuyển hàng hóa vào Nam bằng đường thủy. Nhận thấy vai trò chiến lược đó, địch tìm cách đánh phá nhằm cắt đứt đường chi viện cho tiền tuyến. Thủ đoạn đánh phá của địch trên đường sông, đường biển cũng thâm độc, ác liệt không kém trên đường bộ. Chúng đánh vào lúc triều cường, thả bom tọa độ những nơi thuyền bè ẩn nấp dọc các dòng sông, cửa biển; đánh vào các cơ sở sửa chữa tàu thuyền của ta. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ mục tiêu, chúng tấn công cấp tập bằng nhiều loại vũ khí khác nhau như bom vỏ mỏng gây sức ép lớn, bom bi có tính sát thương cao; thả thủy lôi ở các cửa biển, ngã ba sông để khống chế hoạt động của tàu, thuyền. Các bến phà, bến sông không ngày nào ngớt tiếng bom rơi, đạn nổ.
Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Đình Ghí sinh ra và lớn lên ở thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh (nay là phường Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh). Mới 20 tuổi, ông Ghí đã được giao chỉ huy lực lượng dân quân xã với nhiệm vụ xung kích trên mặt trận vận chuyển hàng hóa. Vào một ngày đầu tháng 6/1967, ông cùng dân quân xã nhận nhiệm vụ vận chuyển 9 chuyến hàng từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình bằng thuyền an toàn, dù máy bay địch ngày đêm gầm rú khắp mặt sông. Năm 1968, khi huyện Kỳ Anh có chủ trương thành lập các tổ công binh dân quân tự vệ để rà phá bom mìn, dọn đường cho tàu chuyển hàng vào Nam, ông đã xung phong tham gia và lập được nhiều chiến công.

Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Đình Ghí bên bức tranh chân dung Bác Hồ.
Mặc dù các đội phá bom chuyên nghiệp của địa phương đã xử lý khá triệt để số bom nổ chậm và thủy lôi dọc các bến phà, cửa sông, cửa biển nhưng nan giải nhất vẫn là số bom nằm sâu dưới lòng sông, đáy biển. Vận dụng kiến thức, kỹ thuật đã được đào tạo sau khi tham gia khóa học đặt phá, chắp nối dụng cụ tháo bom mìn dưới nước, ông Ghí đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến buộc đá vào dây thả xuống sông rồi dùng 2 chiếc thuyền kéo. Chỗ nào thấy vướng, ông xung phong lặn xuống để kiểm tra. Khi xác định được vị trí bom, ông xung phong mang bộc phá xuống gắn vào bom và cho phát nổ. Với tinh thần quả cảm, từ năm 1967-1968, người chiến sỹ anh hùng ấy đã cùng dân quân xã Kỳ Ninh phá được 138 quả bom các loại, bản thân ông trực tiếp phá 28 quả.

Hải khẩu - cửa biển Kỳ Anh, nơi ghi dấu một thời lửa đạn.
Cùng với lực lượng dân quân, du kích và người dân địa phương, tập thể cán bộ, công nhân viên ngành vận tải đường biển, đường sông cũng đoàn kết, đồng lòng, hăng hái phục vụ kháng chiến. Dù mới được tập hợp, còn nhiều bỡ ngỡ về nghề nghiệp sông nước, lại gặp địch đánh phá triền miên nhưng họ vẫn tỏ rõ tinh thần quyết thắng, vượt lên bom đạn, thủy lôi, vượt cả sóng gió để đưa hàng đến đích an toàn. Nhiều chuyến vận chuyển bị địch đánh phá, phương tiện hư hỏng, người bị thương, hy sinh nhưng không khuất phục được tinh thần, ý chí kiên cường. Đối phó với tình trạng giặc Mỹ rải bom dày đặc trên biển, trên sông, các đơn vị vận tải đã quyết vượt bom đạn để khai thông luồng tuyến, mở ra phong trào “vượt bom, mở lối” sôi nổi.

Lực lượng dân quân huyện Thạch Hà tham gia khắc phục giao thông tại Cầu Phủ thời kỳ 1968 – 1970. (Ảnh tư liệu)
Được sự hỗ trợ của Trung ương, đến năm 1967, cả tỉnh đã được trang bị 6 cano, 68 xà lan máy và 8 xà lan lái; đoàn thuyền trên sông, biển có gần 200 chiếc với tổng tải trọng 1.800 tấn. Các HTX vận tải chuyên nghiệp đường sông được thành lập, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chuyển tải hàng hóa trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố. Hệ thống kênh đào Nhà Lê dài 500 km từ Ninh Bình xuyên qua Thanh Hóa, Nghệ An vào tận Cẩm Xuyên được khơi thông, góp phần đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt.
TÀU ĐI QUA VÙNG BIỂN CÁC HUYỆN THẠCH HÀ, CẨM XUYÊN, KỲ ANH… ĐỀU ĐƯỢC CÁC LỰC LƯỢNG, NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG VEN BIỂN HỖ TRỢ, GIÚP CHÚNG TÔI CÓ THÊM ĐỘNG LỰC, TINH THẦN ĐỂ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ”.
.......................................................
ÔNG ĐẶNG TRỌNG CHIẾN - thôn Trung Dương, xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên)
Có nhiều năm tham gia đoàn tàu vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ các tỉnh phía Bắc vào Nam trong chiến tranh, ông Đặng Trọng Chiến (SN 1946, ở thôn Trung Dương, xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên) chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện về tinh thần đoàn kết, khí thế của quân dân các địa phương ven biển cùng cán bộ, nhân viên ngành đường sông, đường thủy Hà Tĩnh.
Ông Chiến nhớ lại: “Mỗi lần tàu chúng tôi cập cảng biển ở Hà Tĩnh, cán bộ, công nhân đã đợi sẵn để kịp thời bốc dỡ hàng. Hàng hóa là súng đạn, thuốc nổ TNT và gạo nên rất nặng mà lực lượng vận chuyển lại chủ yếu là chị em phụ nữ. Họ vác các tải hàng trên vai, cứ thế chạy băng băng không biết mệt là gì. Dù chạy đua với thời gian nhưng các anh, các chị vẫn đảm bảo phương châm “không mất một cân, không nhầm một bao”. Tàu đi qua vùng biển các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… đều được các lực lượng, Nhân dân địa phương ven biển hỗ trợ, giúp chúng tôi có thêm động lực, tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ”.

Một trong những chiếc tàu không số chuyển vũ khí đạn dược vào miền Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu
Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, sự bổ trợ nhịp nhàng giữa mặt trận giao thông đường bộ và đường thủy đã góp phần quan trọng giữ vững tuyến chi viện từ Bắc vào Nam là minh chứng cho tinh thần sáng tạo, linh hoạt trong chiến tranh nhân dân của quân và dân ta. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những ngả đường chằng chịt hố bom, những bến phà, ngầm cầu hiểm nguy năm xưa đã bị thời gian phủ lấp, nhưng chiến công trên mặt trận GTVT của quân và dân Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Mỹ mãi mãi là bản hùng ca bất tử, mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc.
NHÓM P.V.
(Còn nữa)

Bài 1: Thành trì vững chắc từ thế trận chiến tranh nhân dân
Chiến tranh nhân dân là một di sản quý báu của dân tộc ta trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thế trận chiến tranh được Hà Tĩnh triển khai linh hoạt, hiệu quả, giúp địa phương thực hiện tốt vai trò là hậu phương của tiền tuyến miền Nam và tiền tuyến của hậu phương miền Bắc.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/bai-2-kien-cuong-giu-vung-mach-mau-giao-thong-post286785.html