Bài 2: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp của Việt Nam (tiếp theo và hết)

Trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ĐH XIII) có đề cập rất nhiều đến việc chúng ta cần đẩy mạnh cải cách thể chế, sẵn sàng mở rộng hội nhập để nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao quy mô của nền kinh tế. Từ những kinh nghiệm nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) của một số nước trên thế giới, chúng ta có thể vận dụng linh hoạt vào thực tiễn tại Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế trong nâng cao NSLĐ

Phân tích về kinh nghiệm tăng NSLĐ của một số nước trên thế giới, ông Phạm Mạnh Thùy đã đưa ra một số kinh nghiệm quốc tế trong nâng cao NSLĐ của một số nước như Hàn Quốc và Singapore.

Điểm mấu chốt để nâng cao NSLĐ ở các nước này có thể kể đến các biện pháp thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp, một trong những nhân tố quyết định đến việc nâng cao NSLĐ quốc gia. Bên cạnh những biện pháp khác như đẩy mạnh phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, họ tập trung phát triển nhân lực lĩnh vực KHCN; thu hút, trọng dụng nhân tài kể cả người nước ngoài để phát triển đất nước.

Hàn Quốc là quốc gia có xuất phát điểm thấp vào những năm 1960, khi đó GDP của Hàn Quốc chỉ ngang bằng Việt Nam ở cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 thế nhưng họ đã có những bước phát triển thần kỳ.

Để đạt được điều đó, Hàn Quốc đã thực hiện quyết liệt kế hoạch cải tổ nền kinh tế trong 5 năm, trong đó đặc biệt khuyến khích phát triển KHCN. Họ cử nhân lực ra nước ngoài du học, đồng thời mời các chuyên gia giỏi ở nước ngoài đến làm việc. Họ thực hiện thay đổi hoàn toàn chế độ lương bổng và đãi ngộ nhân tài và đột phá vào KHCN bằng cách mở trường đào tạo chuyên về công nghệ, mời các chuyên gia hàng đầu người Hàn Quốc trên thế giới giỏi về để làm việc với mức lương cao hơn lương của Tổng thống thời đó. Một khi mức lương và môi trường làm việc được đảm bảo tối đa thì việc thu hút người tài sẽ rất thuận lợi. Và chính nhờ chính sách tốt nên Hàn Quốc đã thu hút rất nhiều các chuyên gia hàng đầu từ khắp nơi đến làm việc. Đó cũng là môi trường để hình thành và phát triển nên các tập đoàn lớn sau này như Samsung, Kia, Posco và Hyundai…

Công nhân lắp ráp ôtô tại Nhà máy Ô tô Hyundai Thành Công, Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Công nhân lắp ráp ôtô tại Nhà máy Ô tô Hyundai Thành Công, Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Có thể thấy, Hàn Quốc đã áp dụng rất triệt để chính sách phát triển kinh tế dựa trên nền tảng là KHCN, kết hợp với giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cụ thể là NSLĐ. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đã có sự hỗ trợ tối đa trong khuyến khích phát triển các doanh nghiệp. Ban đầu, Nhà nước lựa chọn tham gia đầu tư vào một số doanh nghiệp để họ phát triển, nâng cao tiềm lực thông qua đầu tư vào lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST), đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhất là những lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao… Từ đó giúp nâng dần quy mô của doanh nghiệp lên thành những tập đoàn kinh tế. Khi những tập đoàn này đã đủ lớn mạnh thì họ phát triển thêm những doanh nghiệp phụ trợ đi kèm. Kết quả là, Hàn Quốc đã phát triển và hình thành hàng loạt các doanh nghiệp quy mô toàn cầu. Chính những tập đoàn đó đã góp phần nâng cao NSLĐ cho Hàn Quốc.

Hay như Singapore, một quốc đảo không có tài nguyên, tuy nhiên họ đã xác định rất rõ sự phát triển kinh tế đất nước dựa chủ yếu vào các ngành dịch vụ. Cụ thể là dịch vụ chất lượng cao về sức khỏe, dịch vụ logistics, phát triển công nghệ cao. Để làm được điều đó, Singapore đã thu hút nhân lực chất lượng cao ở khắp nơi đến làm việc với một chế độ đãi ngộ rất tốt và chính sách nhập quốc tịch dễ dàng. Do vậy nên Singapore sở hữu được nguồn nhân lực tốt và họ đã đóng góp cho nền kinh tế của Singapore phát triển như hiện nay.

Có thể nói, NSLĐ là vấn đề liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế của một đất nước. Muốn nâng cao NSLĐ phải đẩy mạnh ứng dụng KHCN, chuyển đổi mô hình phát triển để đẩy công nghiệp dịch vụ và những ngành mang lại giá trị gia tăng cao, thực hiện quyết liệt thu hút, trọng dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao NSLĐ và Singapore là mẫu mực trong việc này.

Ngoài ra, dây chuyền công nghệ ứng dụng trong sản xuất, giáo dục đào tạo cũng là những yếu tố tạo nên NSLĐ. Hiện nay, các doanh nghiệp tại Singapore hầu hết sử dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào phát triển sản xuất kinh doanh. Nước này luôn chú trọng việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực trong nước, đồng thời thu hút sinh viên các nơi đến Singapore đào tạo. Họ luôn tạo điều kiện môi trường làm việc tốt nhất để nhân tài phát lộ, tìm đến và cống hiến.

Với việc áp dụng các chính sách mạnh, ứng dụng công nghệ cùng với con người và thể chế, cách thức quản lý nền kinh tế đã tạo ra một môi trường toàn diện cho phát triển và môi trường đó đã thúc đẩy tăng NSLĐ. Đây chính là bí quyết của các nước có NSLĐ cao.

Một số giải pháp nâng cao NSLĐ tại Việt Nam

Trước thực tiễn NSLĐ tại Việt Nam, chúng ta cần có những giải pháp linh hoạt nhằm ứng dụng những kinh nghiệm quốc tế trong nâng cao NSLĐ. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước để xác định các vấn đề trọng tâm, từ đó có những bước đi đột phá giúp tăng NSLĐ bằng con đường ngắn nhất.

Việt Nam cũng đang triển khai một số biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế quốc gia, nâng cao NSLĐ, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Cụ thể như Dự thảo nghị quyết ĐH XIII cũng đề cập nhiều đến giải pháp mang tính đột phá như: tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế; tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với ĐMST. Tiếp tục hoàn thiện và phát triển kết cấu hạ tầng. Theo ông Phạm Mạnh Thùy, để nâng cao NSLĐ cần có giải pháp tổng thể.

Giải pháp đầu tiên là cần phải nhanh chóng gia tăng quy mô nền kinh tế (quy mô GDP), duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng cao và ổn định. Cơ cấu kinh tế phải chuyển dịch nhanh theo hướng tiến bộ, theo đó cơ cấu công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong nền kinh tế phải chiếm tỷ trọng lớn hơn khu vực nông lâm thủy sản (gia tăng những ngành/lĩnh vực có giá trị gia tăng cao). Kèm theo đó, cần tạo ra nhiều việc làm và giải quyết việc làm đảm bảo toàn dụng lao động. Huy động tối đa lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia hoạt động kinh tế; giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Ông Phạm Mạnh Thùy. Ảnh: VIỆT HƯNG.

Ông Phạm Mạnh Thùy. Ảnh: VIỆT HƯNG.

Giải pháp tiếp theo đó là:Đẩy mạnh cải cách thể chế, tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động. Xây dựng Chính phủ số. Phải hình thành cho được hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm của sự phát triển. Doanh nghiệp và người dân là chủ thể chính quyết định đến vấn đề nâng cao NSLĐ. Do đó, một mặt cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, mặt khác cần khuyến khích phát triển, hình thành nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tạo giá trị gia tăng cao. Đây là đối tượng phải tiên phong, đi đầu, chủ động trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo động lực dẫn dắt sự phát triển kinh tế.

Việc chúng ta khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, là một bước đi cụ thể nhằm tạo ra một vườn ươm hệ sinh thái về ĐMST, thu hút các nhân tài doanh nghiệp Việt Nam có nghiên cứu về ứng dụng KHCN và ĐMST. Từ đó, có những chính sách hỗ trợ phát triển, tạo môi trường kết nối với nhau để nhân rộng mô hình.

Trong tham luận của mình tại ĐH XIII, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng:Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng NSLĐ, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng ĐMST, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Ở góc độ này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phân tích: Trong giai đoạn tới, khi cuộc CMCN 4.0 đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên KHCN và ĐMST. Đây là động lực để tăng NSLĐ, và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Để tăng NSLĐ, thúc đẩy nền kinh tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vào việc cần tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Còn theo ông Phạm Mạnh Thùy, việc cơ cấu lại thị trường lao động, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về thị trường lao động, hình thành thị trường lao động đầy đủ, quan hệ lao động phải được vận hành theo cơ chế thị trường cũng là giải pháp cần thiết. Theo đó, chúng ta cần gia tăng tỷ lệ lao động ở khu vực chính thức, giảm thiểu lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: ĐỨC QUANG.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: ĐỨC QUANG.

Giải pháp tiếp theo đó là cầntiếp tục đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động lành nghề trong các lĩnh vực ngành nghề. Trong đó, đặc biệt quan tâm đào tạo nhân lực khu vực công và nhân lực đóng vai trò nền tảng đối với các ngành trong cuộc CMCN 4.0. Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề, kiến thức hội nhập cho người lao động. Gắn kết đào tạo và sử dụng nhân lực đảm bảo toàn dụng lao động. “Ngoài ra, chúng ta cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, cung cấp thông tin, kết nối để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận, nhận chuyển giao, đầu tư áp dụng, ứng dụng dây chuyền, trang thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường hàng hóa, dịch vụ”, ông Thùy nhấn mạnh.

Chúng ta đang sống trong một “thế giới phẳng”, cả thế giới phụ thuộc vào nhau, “sức khỏe” của một quốc gia có thể ảnh hưởng rất nhiều đến quốc gia khác. Một vấn đề của một quốc gia có thể nhanh chóng trở thành vấn đề toàn cầu. Việt Nam có những đặc thù riêng, xong chúng ta có thể tiếp thu một số kinh nghiệm từ các nước để giảm bớt rào cản, cải cách thể chế, tăng cường hội nhập quốc tế. Phải chủ động tăng cường năng lực cho các chủ thể nhằm đảm bảo có đủ năng lực luôn chủ động, sẵn sàng nắm bắt, làm chủ và khai thác các cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 để phát triển nhanh và bền vững kinh tế, từ đó nâng cao NSLĐ để phát triển đất nước.

Từ những giải pháp trên, chúng ta thấy, Đảng ta đã sáng suốt khi tiếp tục lựa chọn và xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với ứng dụng KHCN và ĐMST là một trong 3 đột phá chiến lược trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Đây chính là hướng đi mạnh mẽ giúp chúng ta bứt phá thực hiện thành công mục tiêu “Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030…”.

TƯỜNG VY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-kinh-nghiem-quoc-te-va-giai-phap-cua-viet-nam-tiep-theo-va-het-651026