Bài 2: Lắng nghe, đeo bám với những kiến nghị của cử tri
Thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh luôn quan tâm, tập trung giải quyết đến cùng những kiến nghị của cử tri. Đề xuất các giải pháp để các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị của cử tri.
Lắng nghe cử tri nói
Trước và sau mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND, các tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong năm 2022, HĐND tỉnh tổ chức 4 đợt tiếp xúc cử tri, ghi nhận 309 kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, 8 kiến nghị thuộc thẩm quyền trung ương. Qua đó cho thấy cử tri luôn đặt niềm tin đối với hoạt động tiếp xúc cử tri và những vị đại biểu dân cử.
Đáp lại sự tin tưởng ấy, các đại biểu HĐND đã lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri. Với vai trò là “cầu nối” giữa người dân với các cơ quan, chính quyền các cấp, các đại biểu đã phản ánh một cách trung thực nhất những ý kiến, kiến nghị của cử tri tới HĐND, cơ quan chức năng, người có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cử tri. Đến nay, hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh, các ngành chuyên môn quan tâm trả lời, giải quyết.
Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri, HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo xử lý, giải quyết các kiến nghị của cử tri. Đối với một số kiến nghị cần có thời gian, lộ trình thực hiện, đã có thông báo với cử tri về thời gian thực hiện và hoàn thành, cần thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ đề ra.
Đeo bám những kiến nghị của cử tri
Thời gian qua, trong các đợt tiếp xúc cử tri, cử tri ở một số địa phương kiến nghị cơ quan chức năng xem xét nâng mức hỗ trợ cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách. Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xin chủ trương xây dựng nghị quyết quy định số lượng, mức phụ cấp đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Nghị quyết này đã chính thức được thông qua.
Anh Dương Thanh Hoàng, cử tri xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành cho biết: "Qua nhiều năm công tác ở địa phương, tôi thấy lực lượng dân quân, Công an xã mức phụ cấp còn thấp. Trong kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X đã quan tâm đưa ra một nghị quyết nâng phụ cấp cho anh em thì đó là điều rất mừng".
Hay như kiến nghị về nút giao thông tại ngã 5 lộ Chánh Môn – đây là nút giao thông khá phức tạp thuộc địa phận thành phố Tây Ninh, điểm giao nhau của 5 ngã đường: Cách Mạng Tháng Tám, Lạc Long Quân, Cơ Thánh Vệ và Lý Thường Kiệt (thị xã Hòa Thành). Nút giao thông này thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Sau khi nhận được ý kiến phản ánh và kiến nghị của cử tri, thông qua giám sát trực tiếp HĐND tỉnh đã yêu cầu thành phố Tây Ninh và ngành giao thông tập trung giải quyết. Hiện nay, nút giao thông này đã được lắp đặt đèn tín hiệu đèn giao thông, giúp người dân lưu thông an toàn trong sự phấn khởi tin tưởng của cử tri Tây Ninh.
Ông Nguyễn Thanh Kha, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh chia sẻ: Việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông được thực hiện cuối năm 2022. Chúng tôi rất vui vì kiến nghị của cử tri đã được cơ quan chức năng lắng nghe, tháo gỡ.
Ý kiến cử tri kiến nghị vấn đề nhiều trụ sở nhà đất công bị bỏ hoang gây lãng phí, nhiều tuyến kênh hoạt động không hiệu quả… được HĐND tỉnh ghi nhận, đề nghị ngành chức năng rà soát, có kế hoạch quy hoạch, sắp xếp lại. Đến nay, vấn đề này được giải quyết, cơ sở hạ tầng thủy lợi nhiều nơi được nâng cấp, sửa chữa.
Đây chỉ là số ít trong rất nhiều kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm, đề nghị cơ quan chức năng giải quyết. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của người dân với HĐND và chính quyền các cấp.
Tiếng nói cử tri- cầu nối giữa cử tri với các cấp chính quyền
Bên cạnh hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, thường trực HĐND tỉnh còn chủ trì phối hợp với Báo Tây Ninh, Đài phát thanh – Truyền hình Tây Ninh xây dựng chương trình “Tiếng nói cử tri”. Đây là cầu nối giữa cử tri với các cấp chính quyền; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân địa phương. Đồng thời phản ánh kịp thời những yêu cầu, nguyện vọng chính của cử tri, những vấn đề còn hạn chế, bất cập đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Năm 2022, Tây Ninh “nóng” lên về tình hình “xẻ” đất nông nghiệp, quá tải hồ sơ tách thửa đất ở các văn phòng đăng ký đất đai. Qua ghi nhận kiến nghị của cử tri, chương trình Tiếng nói cử tri, Báo Tây Ninh đã có nhiều bài phản ánh về nội dung này.
Trước tình hình đó, HĐND tỉnh có nhiều buổi khảo sát, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai; UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương siết chặt kỷ cương về đất đai trước việc lợi dụng kẽ hở trong quy định tách thửa để phân lô đất nông nghiệp.
Đến cuối năm 2022, các hồ sơ đề nghị tách thửa đất nông nghiệp đã giảm mạnh, hồ sơ trễ hạn cũng cải thiện rõ rệt. Đến tháng 12.2022, số hồ sơ đề nghị tách thửa đất nông nghiệp chỉ còn khoảng 1.000 hồ sơ; hồ sơ trễ hạn chiếm hơn 2%. Tuy nhiên, sau nỗ lực của cơ quan chức năng, đến tháng 11.2022 tình trạng quá tải đã giảm.
Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Tài Chính cho biết: “Chương trình Tiếng nói cử tri là một chương trình trong cả nước mà rất hiếm tỉnh nào có. Tôi cho rằng Ban biên tập tiếp tục phát huy trong nhiều lĩnh vực, nghiên cứu đào sâu vào lĩnh vực nổi bật của tỉnh nhà để cử tri thấu hiểu được những khó khăn của tỉnh nhà, cũng như phản ánh những khó khăn của người dân để cơ quan quản lý nhà nước thấy được mà điều chỉnh hoặc ra tham mưu UBND tỉnh để người dân tốt hơn. Hy vọng, chương trình Tiếng nói cử tri vẫn sẽ là diễn đàn, cầu nối giữa cử tri với cơ quan chức năng, chính quyền các cấp”.
Còn nữa…