Bài 2: 'Lanh Trắng' - điểm tựa cho những phụ nữ bất hạnh

Rời xã Cao Bồ (Vị Xuyên), đoàn công tác đến xã Sà Phìn (Đồng Văn) của tỉnh Hà Giang, nơi nổi tiếng với các địa danh như: Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú... Đặc biệt, đến dinh thự họ Vương đôi lần nhưng nhiều người trong đoàn bây giờ mới biết Hợp tác xã (HTX) Lanh Trắng nằm ngay trong khu di tích này là 'mái ấm' của 20 chị em có hoàn cảnh éo le, bất hạnh.

Làm sống lại nghề truyền thống bị mai một

Trước đây, do khó khăn trong canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều người Mông từ Sà Phìn đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc để kiếm kế sinh nhai. Tiền làm thuê ít, rủi ro lại cao nên nhiều người phải bỏ trốn, trở về quê. Cái khó, cái nghèo cứ bám dai dẳng theo họ. Nhiều người đàn ông bất lực trước số phận đã trút giận lên đầu vợ con. Tình trạng bạo hành gia đình có lúc tăng đột biến.

Trước thực trạng trên, các cấp, ban, ngành địa phương, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đồng Văn đã quyết liệt vào cuộc, giúp đỡ các chị em vượt qua hoàn cảnh bất hạnh để thoát nghèo. Với phương châm “xã hội muốn tiến lên thì phụ nữ phải có việc làm”, chính quyền huyện Đồng Văn đã đồng hành cùng HTX Lanh Trắng hỗ trợ phụ nữ có việc làm.

Gỡ sợi lanh, một trong những công đoạn làm vải lanh.

Gỡ sợi lanh, một trong những công đoạn làm vải lanh.

HTX Lanh Trắng do chị Vàng Thị Cầu, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn thành lập. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sà Phìn, ngay từ khi còn nhỏ, chị Cầu đã được mẹ truyền dạy cách làm váy áo trắng của người Mông bằng sợi lanh. Tuy nhiên, nghề dệt lanh truyền thống ở Sà Phìn đang bị mai một do phần lớn váy áo của phụ nữ Mông hiện được sản xuất công nghiệp từ dưới xuôi hoặc từ Trung Quốc buôn về. Nỗi lo mất nghề truyền thống cứ canh cánh trong lòng những người già và lớp trẻ như chị Vàng Thị Cầu.

Với mong muốn tạo việc làm cho phụ nữ và giữ gìn truyền thống quê hương, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, như: Bố trí 200ha đất để trồng cây lanh và vay vốn từ Chương trình 135, tháng 3-2018, chị Vàng Thị Cầu tổ chức các lớp dạy nghề dệt lanh cho chị em trong huyện, đồng thời sáng lập HTX Lanh Trắng.

Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, hội viên của HTX Lanh Trắng đã làm ra hơn 70 dòng sản phẩm thổ cẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Sản phẩm làm ra được bày bán ngay tại chỗ, phục vụ nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của du khách, nhất là khách nước ngoài. Không dừng lại ở đó, hiện nay, HTX bắt đầu liên kết hợp tác sản xuất với các cơ sở du lịch, thời trang trong nước và xuất khẩu sản phẩm sang Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản...

Ngôi nhà không có sự phân biệt giới

Trong số 10 thành viên ban đầu của HTX Lanh Trắng, ngoài chị Vàng Thị Cầu, 9 người còn lại đều là nạn nhân của bạo lực gia đình, trong đó, chị Sùng Thị Si là một trường hợp đặc biệt. Gia đình chị Si sống ngay sau cơ sở làm việc của HTX Lanh Trắng. Trước đây, chồng chị Si thường xuyên say rượu, hay đánh chửi vợ con. Của nả trong nhà chị Si cứ theo ma men mà bay đi hết. Chán đời, anh sang Trung Quốc lao động trái phép nhưng bị chủ quỵt tiền công nên đành trở về nước với hai bàn tay trắng. Túng quẫn, anh càng đánh, chửi vợ con nhiều hơn…

 Dệt lanh ngay tại cơ sở của HTX Lanh Trắng ở Sà Phìn.

Dệt lanh ngay tại cơ sở của HTX Lanh Trắng ở Sà Phìn.

Thương cảm cho hoàn cảnh của chị Si, chị Cầu đã nhiều lần đến tận nhà thuyết phục vợ chồng chị Si cùng tham gia HTX. Sự kiên trì của chị Cầu cuối cùng đã có kết quả khi vợ chồng chị Si đồng ý về làm việc ở HTX. Với mức lương từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng/người, vợ chồng chị Si đã trang trải được nợ nần, dần dần có của ăn của để. Có việc làm và thu nhập ổn định, chồng chị Si-người đàn ông duy nhất trong HTX Lanh Trắng-đã bớt uống rượu, không còn đánh, chửi vợ con và trở thành thành viên tích cực nhất trong HTX. Còn chị Sùng Thị Si được bổ nhiệm là Giám đốc điều hành của HTX Lanh Trắng. Mới đây, chị Si vừa cùng HTX Lanh Trắng bảo vệ thành công Đề án "Phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên”, là một trong 5 đề án khởi nghiệp xuất sắc được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ vốn mức cao nhất (100 triệu đồng) để tiếp tục phát triển.

Từ 10 thành viên ban đầu, HTX Lanh Trắng hiện có 20 thành viên chủ chốt, với thu nhập trung bình từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng/người. Chỉ trong hơn một năm, đến nay đã có 4 hộ thành viên thoát nghèo, trong đó có gia đình chị Sùng Thị Si, Sùng Thị Ly.

Ngoài ra, Lanh Trắng còn thực hiện mô hình liên kết, hỗ trợ sản xuất với các hộ gia đình trong 15/19 xã, thị trấn thuộc huyện Đồng Văn trồng cây lanh nguyên liệu. Đối tượng thực hiện liên kết được HTX ưu tiên với những gia đình thuộc diện đói nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị em là nạn nhân của bạo lực gia đình và của bọn buôn bán người. Tham gia liên kết với HTX, chị em có thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng, giúp họ vượt qua đói nghèo, chủ động trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng. “Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2020, toàn bộ 19 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn tham gia mô hình liên kết này”, chị Vàng Thị Cầu cho biết.

Theo ông Dinh Chí Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn: Tham gia hoạt động của HTX Lanh Trắng, phụ nữ địa phương phát huy được năng lực, vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội, có nguồn thu nhập ổn định, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới, giảm bớt tình trạng bạo lực gia đình. Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để HTX Lanh Trắng phát triển hơn nữa, đồng thời nhân rộng mô hình này ra nhiều nơi.

(còn nữa)

Bài và ảnh: LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-lanh-trang-diem-tua-cho-nhung-phu-nu-bat-hanh-592979