Bài 2: Lấy phong trào để 'nuôi' phong trào

Để Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) đạt hiệu quả cao nhất, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, các đơn vị trong Binh chủng Công binh (BCCB) đã triển khai nhiều biện pháp, phần việc thực hiện các chỉ tiêu thi đua đề ra...

Khéo kết hợp các phong trào thi đua

Qua khảo sát thực tế ở nhiều đơn vị thuộc BCCB, như Lữ đoàn 249, Lữ đoàn 239, Tiểu đoàn 93 (Bộ Tham mưu), Nhà máy Z49... Phong trào TĐQT luôn được gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua (PTTĐ) của các cấp, các ngành, địa phương và các cuộc vận động lớn. PTTĐ được các đơn vị triển khai toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng tập trung đột phá làm chuyển biến những khâu yếu, mặt yếu ở đơn vị; đồng thời, kết hợp giữa thi đua thường xuyên với tổ chức các đợt thi đua cao điểm, thi đua đột kích; lấy thành tích các đợt thi đua cao điểm, đột kích làm động lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu các đợt thi đua thường xuyên.

Kíp phà đưa xe tăng vượt sông, Lữ đoàn 249 phổ biến quyết tâm trong diễn tập thực binh. Ảnh: TƯ HUY

Kíp phà đưa xe tăng vượt sông, Lữ đoàn 249 phổ biến quyết tâm trong diễn tập thực binh. Ảnh: TƯ HUY

Tại mỗi đơn vị, căn cứ vào nhiệm vụ, đặc thù, cấp ủy, chỉ huy đều có những mô hình, PTTĐ phù hợp, ví như: Phong trào “Chất lượng mỹ thuật công trình” ở Lữ đoàn 229; “Giờ máy an toàn”, “Ca bê tông an toàn”, “Bí mật hàng đầu, an toàn trên hết, chất lượng tiên phong” ở Lữ đoàn 279, Lữ đoàn 293; “Tổ công binh trinh sát tinh nhuệ”, “Tổ dò gỡ bí mật”, “Đội phá bom nhanh”, “Đội tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả sập đổ” ở Tiểu đoàn 93 (Bộ Tham mưu)... Các phong trào, đợt thi đua được tổ chức liên tục, kế tiếp nhau, lồng ghép với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cuộc vận động lớn, nhất là với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Cuộc vận động 50... Từ đó ra đời các PTTĐ, như: “Giữ tốt, dùng bền”, “Nhà xe thanh niên”, “Khu kỹ thuật thanh niên tự quản”, “Thanh niên làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “Tuần làm việc kiểu mẫu”, “Đơn vị làm việc kiểu mẫu” mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Tiểu đoàn 93 (Bộ Tham mưu) là phân đội thường trực SSCĐ, quân số phân tán, tiểu đoàn thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, khi tham gia phục vụ các sự kiện chính trị-xã hội lớn của Đảng, Nhà nước, phân đội luôn ở tuyến đầu, sẵn sàng nhận lệnh khi có tình huống. Những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong tiểu đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức thi đua, kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua đột kích, thi đua cao điểm với nội dung phong phú, sát đối tượng. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Văn Xương, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn 93 chia sẻ: Đảng ủy, chỉ huy tiểu đoàn luôn xác định thi đua là động lực rất quan trọng để đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp như trực SSCĐ; trực phòng, chống khủng bố; cứu hộ, cứu nạn... Từ đầu năm 2020 đến nay, thực hiện Phong trào TĐQT gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, phân đội đã có nhiều đỉnh cao mới trong thực hiện nhiệm vụ. Tiểu đoàn được Bộ Tham mưu binh chủng đánh giá hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.

Bộ đội Lữ đoàn 249 bảo dưỡng phương tiện nâng cao hệ số kỹ thuật. Ảnh: TƯ HUY

Bộ đội Lữ đoàn 249 bảo dưỡng phương tiện nâng cao hệ số kỹ thuật. Ảnh: TƯ HUY

Khắc phục tâm lý “ngại” phấn đấu

Các đơn vị trong BCCB hầu hết đều thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện lực lượng phân tán, thường xuyên hoạt động độc lập dài ngày, ở những nơi khó khăn, nguy hiểm, nhiều khi phải đối mặt với những mất mát, hy sinh. Bởi vậy, từng đơn vị đã có nhiều hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện Phong trào TĐQT phù hợp với đặc thù của đơn vị mình. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác TĐKT và Phong trào TĐQT đối với việc thực hiện nhiệm vụ, xây dựng con người và tổ chức vững mạnh, nội dung, chỉ tiêu các PTTĐ đều được các đơn vị phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ thông qua các buổi sinh hoạt quán triệt nhiệm vụ, qua hệ thống truyền thanh nội bộ, bảng tin thi đua; tổ chức viết cam kết, đăng ký thi đua, lấy đó là căn cứ để ghi nhớ thực hiện thi đua giữa các cá nhân, đơn vị.

Thực hiện quy chế công tác TĐKT trong BCCB, từng tập thể, cá nhân phải đăng ký danh hiệu thi đua trong năm. Trao đổi về nội dung này, Thượng tá Đỗ Hữu Tiềm, Phó chính ủy Lữ đoàn 249 cho rằng, đối với tập thể đăng ký đạt danh hiệu: Đơn vị tiên tiến, đơn vị quyết thắng; cá nhân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu: Chiến sĩ tiên tiến, chiến sĩ thi đua ngay từ đầu năm đã góp phần quan trọng xây dựng thái độ, động cơ thi đua nghiêm túc. Cũng từ việc đăng ký thi đua mà các tập thể, cá nhân có kế hoạch, lộ trình phấn đấu rõ ràng; khắc phục tâm lý “ngại” rèn luyện, thi đua cầm chừng.

Việc triển khai đăng ký danh hiệu thi đua ở các đơn vị trong BCCB như cách làm ở Lữ đoàn 249 đã hình thành cho cán bộ, chiến sĩ phương pháp khoa học trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành chỉ tiêu thi đua; làm lan tỏa tinh thần, khí thế thi đua đến từng người, tránh tình trạng thi đua có lúc sôi nổi, khí thế, lúc thì trầm lắng, “xộc xệch”. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trong binh chủng kịp thời biểu dương, tôn vinh những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đăng ký, cam kết thi đua trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng công trình, rà phá bom mìn, vật nổ, phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, thực hiện nhiệm vụ ở nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa; tạo cho Phong trào TĐQT ngày càng hướng mạnh về cơ sở.

Nhóm PV Phòng Biên tập CTĐ, CTCT

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-lay-phong-trao-de-nuoi-phong-trao-618907