Bài 2: Mỗi người dân tự đặt cho mình một trách nhiệm với cộng đồng

Chồng mất đột ngột trong đúng thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, bà Phạm Thị Vân (C4, tổ dân phố số 13, phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) bối rối lắm. Bao nhiêu việc của một tang gia, không ngờ những người lo chu toàn cho bà không phải là họ hàng ruột thịt, mà lại chính là hàng xóm, láng giềng trong khu tập thể bà ở.

Gia đình bà Vân sống ở khu tập thể Kim Liên này từ khi tòa nhà mới được xây dựng, ở đây không ai không rõ hoàn cảnh nhà bà. Ngày xưa là công nhân viên còn đỡ, chứ từ khi ông bà hết việc thì đúng là khó chồng khó. Nhà có hai cậu con trai thì một cậu đã sớm về với tổ tiên, còn cậu ở lại thì lông bông. Chẳng biết đi đâu mà lại quen và lấy một cô gái dân tộc Thái về làm vợ. Cả hai đều không có công ăn việc làm, chỉ có mình chị Lò Thị Dung (tên cô con dâu) đi làm thuê, làm mướn kiếm ít tiền để nuôi cả gia đình.

Ngày chồng bà Vân mất là những ngày tháng 4, khi mà Hà Nội thực hiện lệnh giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Lúc ấy chẳng biết trông chờ vào ai, bà cũng đã cầm điện thoại lên và liên hệ với anh em, họ hàng. Nhưng đổi lại sự khẩn thiết đó, bà chỉ nhận lại những lời từ chối khéo vì khó, vì Covid-19, vì giãn cách…

Đang lúc bối rối thì bà nhận được lời đề nghị giúp đỡ của bà Nguyễn Thị Kim Liên, tổ trưởng tổ dân phố số 13, phường Kim Liên. Và thế là nhanh chóng và trẹnn vẹn, bà Vân cũng đã trọn nghĩa đưa tiễn chồng đi.

Bà nhớ, bởi giãn cách nên đám tang chỉ có những người trong gia đình bà. Mọi thủ tục đều giản tiện, nhanh gọn. Và cũng muốn để cho hương hồn ông không luyến tiếc, trước khi đưa ông xuống Văn Điển hỏa táng, bà cố gắng đưa ông đi qua căn hộ mình gắn bó. Bất ngờ và vô cùng xúc động, bà chứng kiến bà con cùng khu đã xuống, đứng cách xa nhau, cúi đầu đưa cùng bà đưa tiễn ông.

“Nghĩa tử là nghĩa tận, chúng tôi cố gắng hoàn thiện tất cả không phải để cho người mất, mà để động viên người sống vững tâm. Cuộc sống của gia đình bà Vân còn vất vả, khó khăn lắm, nhưng ở khu tập thể này, bà ấy còn có chúng tôi luôn sẵn sàng chung tay giúp đỡ.” Bà Liên nói với tôi.

Cũng theo bà Liên, gia đình nhà bà Vân cũng may có cô con dâu tuy không được sắc sảo như người thành phố, nhưng cô ấy cũng rất chăm chỉ và cần mẫn. Hàng ngày cô ấy đi phụ rửa bát, bưng bê cho các quán ăn… tuy lương không cao nhưng cũng có được đồng ra đồng vào. “Gia đình bà Vân có người bị hen suyễn, mặc dù họ chẳng nhờ vả, nhưng cũng luôn được cô Thái Hằng, Phó ban công tác Mặt trận tổ 13 mang thuốc đến cho”, bà Liên nói.

Gắn kết tình nghĩa thân cận, láng giềng

Gắn kết tình nghĩa thân cận, láng giềng

Cuộc sống ở khu dân cư bây giờ cũng không còn khó khăn như cái thời bao cấp, nhưng không phải không có những hộ thực sự khó khăn. Như hộ nhà anh L.M.T, ở C4, anh làm xe ôm, chị là công nhân vệ sinh.

“Từ khi lát gạch cho sân tập thể, tôi đã đề nghị bà con dân phố để cho chị ấy hàng ngày giúp bà con quét dọn sân chung và lấy quỹ, từ tiền đóng góp của bà con, trích trả lương cho chị ấy.” bà Liên cho biết. Bởi theo bà, không cho cá mà cho họ cái cần câu, mặc dù số tiền không nhiều, nhưng cũng thêm nếm được gia đình họ một chút.

“Hay như gia đình anh L.Q.Đ, ở C11, có mụn con trai thì nghiện ngập, bỏ bê vợ con, còn hai vợ chồng cũng hì hụi kiếm ăn, chỉ trông chờ vào quán nước chè. Biết hoàn cảnh nên nhiều khi tôi cũng vận động bà con dân phố giúp đỡ, hoặc tạo điều kiện cho họ làm để mưu sinh”. Và tất cả những đóng góp, đóng quỹ… trong mọi hoạt động bà Liên đều không thu của họ. Khi có những ưu đãi chính sách của phường chuyển xuống, bao giờ cũng ưu tiên những hộ này đầu tiên, bà Liên cho biết.

Tổ dân phố số 13 bà ở có 267 hộ, và hơn 40% số hộ dân này là những hộ dân đã sinh sống ở đây đã hơn 50 năm. “Ngày xưa, được phân một căn hộ làm chỗ trú mưa, trú nắng chúng tôi vui lắm. Cũng bởi cái thời khó khăn, hết chiến tranh lại đến xây dựng lại đất nước nên ai cũng như ai. Lúc ấy người ta sống với nhau bằng tình làng nghĩa xóm, bằng sự sẻ chia vì đồng cảm. Nhưng rồi xã hội dần phát triển, sự phân cấp rõ ràng hơn, con người ta cũng không còn nhiều thời gian để nhìn nhau, để sống cho nhau nữa… cũng có những giai đoạn việc tình nghĩa dân cư bị mai một.

Thế nhưng trong thời gian gần đây, khi đã đủ mệt khi quay cuồng ngoài xã hội, tôi lại thấy người ta lại đang dần thay đổi. Thay đổi về lại những thói quen, nếp sống như ngày trước, người ta sống chân thành, để ý, hòa hoãn với nhau hơn.

Và những người đã ở đây lâu, vốn đã có những gắn bó lại là nền tảng để những người mới họ đi theo, tiếp tục xây dựng khu dân cư thành một khối vững chắc. Mà cái gắn kết là tình nghĩa thân cận, láng giềng." Bà Liên nhận định. Theo bà, nhất là sau đợt giãn cách vì Covid-19 hồi tháng 4, mọi người sống chậm hơn, dành thời gian cho nhau nhiều hơn, tình nghĩa bà con lối phố một lần nữa được đề cao hơn.

“Tình nghĩa giữa bà con lối xóm bây giờ không như ngày trước, những ngày tối lửa tắt đèn, mà tình nghĩa giữa chúng tôi bây giờ được xây dựng từ những lợi ích của một cộng đồng chung. Chúng tôi sẻ chia không chỉ cho những người xung quanh, mà cho cả những đồng bào ở xa xôi thiếu thốn, khi mà đã trọn vẹn cho những người xung quanh mình” - bà Thái Hằng, Phó ban công tác mặt trận tổ 13 phường Kim Liêm nói. Đặt cho mình một trách nhiệm với cộng đồng, tự nhiên người ta sẽ nhìn và điều chỉnh lối sống, cách cư xử của mình với người xung quanh, bà Hằng quan điểm.

(Còn nữa)

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bai-2-moi-nguoi-dan-tu-dat-cho-minh-mot-trach-nhiem-voi-cong-dong-203854.html