Bài 2: Ngăn chặn 'tín dụng đen' từ gốc
Từ hoạt động 'tín dụng đen' đã dẫn tới nhiều tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác, để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Giải pháp nào để ngăn chặn, loại bỏ 'tín dụng đen' từ gốc?
Phát sinh nhiều hành vi phạm pháp
Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn - Phó trưởng Công an quận (CAQ) Sơn Trà cho biết, do mất khả năng thanh toán nên các vụ vỡ nợ “tín dụng đen” liên tiếp xảy ra, kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội, làm phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật như hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản, xâm hại sức khỏe, chỗ ở của người khác,… Các băng, nhóm đối tượng cho vay lãi nặng được tổ chức chặt chẽ, tập hợp nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ, sẵn sàng dùng các thủ đoạn trái pháp luật với con nợ và gia đình họ để thu hồi các khoản tiền lãi và nợ gốc. “Tín dụng đen” đã gây ra những rủi ro và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với cả người cho vay và người đi vay, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm… của công dân. Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn kể, vừa qua khi lực lượng Công an tuần tra trên đường Trần Hưng Đạo đã phát hiện Trần Ngọc Nam (1999) điều khiển xe máy chở theo Trương Việt Hoàng (1999) và Đinh Viết Nam (1997) đều trú Nghệ An có hành vi vi phạm giao thông nên đã tiến hành kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra ĐTDĐ của các đối tượng trên phát hiện có một số tin nhắn có nội dung thể hiện việc cho vay lãi nặng và có yếu tố đòi nợ thuê. Trong ĐTDĐ của Trương Việt Hoàng có video xịt sơn vào nhà người khác với những nội dung nhằm mục đích đòi nợ.
Tương tự, tại Liên Chiểu, Trung tá Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết đã xử lý Nguyễn Đức Anh (2002, trú quận Kiến An, Hải Phòng) về hành vi cho vay lãi nặng. Cụ thể, Anh đã cho 4 người vay với mức lãi suất cao nhất gấp 237 lần so với quy định, thu lợi bất chính hơn 41 triệu đồng. Điều đáng nói, Anh cho vay với hình thức thế chấp hình ảnh khỏa thân của người vay. Khi người vay không có khả năng trả nợ thì Anh sử dụng hình ảnh khỏa thân của người vay để đe dọa đưa lên mạng xã hội…
Nhiều nhóm đối tượng từ nơi khác tới Đà Nẵng hoạt động “tín dụng đen” thường tập hợp người có tiền án, côn đồ, hung hãn sẵn sàng khủng bố bằng nhiều cách, gây áp lực đòi con nợ trả tiền. Trung tá Trần Ngọc Thành kể, có thời điểm lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) huy động tối đa nhân lực, thực hiện triệt phá cùng lúc nhiều nhóm đối tượng cho vay lãi nặng. Đơn cử, trong cùng 1 ngày, Phòng CSHS đã triệt phá 2 đường dây, bắt 9 đối tượng cho vay lãi nặng. Nhóm thứ nhất do Nguyễn Thành Thái (1989, quê TPHCM) cầm đầu đã cho 345 người trên địa bàn TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam vay với 1.435 lượt, tổng số tiền cho vay hơn 10 tỷ đồng, thu lợi bất chính gần 2 tỷ đồng. Nhóm thứ 2 do Nguyễn Duy Anh (1987 quê Hà Nội) cầm đầu cho hơn 200 người trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa vay với 1.012 lượt, tổng số tiền cho vay hơn 6 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng. Điều đáng nói, hoạt động thu hồi nợ của các nhóm đối tượng này rất manh động, khi người vay chậm trễ trả tiền, chúng khủng bố bằng các hình thức như gọi điện hăm dọa, tạt sơn, ném chất bẩn vào nhà…Cá biệt hơn, mới đây, Phòng CSHS Công an TP Đà Nẵng đã bắt giữ Trần Đình Quân (42 tuổi, quê Nghệ An) cầm đầu đường dây cho vay lãi nặng có hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Nhóm đối tượng này thực hiện cho vay lãi nặng thông qua cầm cố, thế chấp tài sản có giá trị như ô-tô, sổ đỏ. Quá trình đòi nợ, các đối tượng không từ thủ đoạn như đánh đập, uy hiếp, thậm chí đe dọa cả người thân với mục đích thu hồi nợ. Hai nạn nhân P. và Q. đã bị các đối tượng này đưa về một căn nhà trên đường Ngô Quyền đánh đập để thu hồi nợ.
Chặn “tín dụng đen” từ gốc
Trung tá Trần Ngọc Thành cho biết, hiện nay có hiện tượng đối tượng giả mạo web của các ngân hàng, tổ chức tín dụng… chạy quảng cáo cho vay, yêu cầu người vay phải đóng các khoản phí sau đó chúng chiếm đoạt. Vì thế, người dân cần cảnh giác, tìm hiểu tính chính thống của những web này. Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, CAQ Sơn Trà sẽ tập trung lực lượng nắm chắc địa bàn, nhất là các địa bàn phức tạp, dễ nảy sinh hoạt động “tín dụng đen”.
Đơn cử qua theo dõi tại địa bàn cảng cá Thọ Quang vẫn có tình trạng cho vay, mượn tiền đối với lao động hoạt động tại đây và đầu nậu thu mua cá cho chủ tàu vay tiền để đi biển. Sau khi đi biển về ưu tiên bán cá lại cho đầu nậu thu mua để trừ tiền nợ. Việc vay mượn không tính lãi, nhưng vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn diễn biến phức tạp về hoạt động “tín dụng đen”. Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, CAQ Sơn Trà sẽ tập trung rà soát, lên danh sách số đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng để đưa vào diện quản lý, trong đó đặc biệt tâp trung chú ý phát hiện số đối tượng ngoại tỉnh đến địa bàn cư trú, thành lập các công ty núp bóng để tổ chức hoạt động cho vay hoặc thông qua mạng internet để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng.
Đại tá Nguyễn Văn Tăng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn “tín dụng đen” cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT nhất là cơ sở cầm đồ, các công ty, doanh nghiệp hoạt động “tín dụng đen” núp bóng hoạt động trên không gian mạng và phương thức truyền thống để kịp thời phát hiện đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này. Bên cạnh đó cần tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen; phối hợp điều tra, mở rộng, xử lý triệt để các vụ án đã phát hiện để răn đe đối tượng.
Về lâu dài, để ngăn tận gốc “tín dụng đen” cần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay chính thống, không phải tìm đến "tín dụng đen".
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bai-2-ngan-chan-tin-dung-den-tu-goc-post292986.html