Bài 2: Nghèo tiền không nghèo giải pháp

Tuyên Quang là địa phương triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm nhất trên cả nước, bắt đầu từ năm 2021. Trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế, sức dân có hạn thì sự linh hoạt trong huy động vốn; sự sáng tạo trong cách làm của mỗi địa phương là lời giải an cư cho hộ nghèo.

Làng Hun có 36 hộ, 100% đồng bào dân tộc Dao đỏ. Bà con ở đây có truyền thống dựng nhà gỗ 3 gian. Đến nay, đời sống nâng cao, đã có một số hộ chuyển sang xây nhà từ 1 đến 2 tầng. Để xây được nhà, vừa tiền công, nguyên liệu khá tốn kém, người dân làng Hun nghĩ ra cách tự học xây, người biết nhiều dạy người chưa biết, cứ thế đến nay đàn ông cả thôn đều biết xây nhà, hộ nào xây nhà chỉ mất tiền mua vật liệu, không cần phải thuê thợ. Đàn ông thì thiết kế, xây, lợp mái. Chị em phụ nữ hỗ trợ đào móng, phụ vữa... Chuyện đổi công xây nhà đã tạo thành nếp trong làng.

Từ điểm sáng của làng Hun, đến nay nhiều địa phương, nhiều tổ chức chính trị - xã hội đã có cách làm sáng tạo trên tinh thần vướng đâu, gỡ đó; có gì hỗ trợ đấy. Tinh thần người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện cứ thế nhân rộng.

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Na Hang: Na Hang là huyện miền núi, cách trung tâm tỉnh Tuyên Quang hơn 100km. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Cái khó nhất của Na Hang khi triển khai làm nhà cho hộ nghèo là địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn. Các nhà nghèo hầu hết sống ở đồi núi, xa đường quốc lộ. Vì vậy, quá trình làm nhà đều phải huy động sự giúp đỡ lớn về ngày công vận chuyển nguyên vật liệu.

Đồng chí nhớ lại, năm 2022 khi triển khai làm nhà cho gia đình ông Triệu Văn San, thôn Bản Khẻ, xã Thượng Nông, cả làng, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từ đường quốc lộ đến nhà ông San khoảng 3km nhưng chỉ đi được xe máy. Vì thế, xe ô tô chở vật liệu đến đường, sau đó việc vận chuyển nguyên liệu đều dùng sức dân. Nhà có xe máy chở xi măng bằng xe máy; nhà có xe bò, xe kéo thì tăng bo chở gạch, cát sỏi. Thanh niên khỏe mạnh thì khiêng, vác từng bao xi măng. Nếu không được giúp đỡ về ngày công thì gia đình ông San không thể hoàn thiện được ngôi nhà mới. Sức nước gặp lòng dân nên đến nay huyện đã hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

Chuyện cán bộ cơ sở đứng ra tín chấp cho các hộ nghèo ứng trước nguyên vật liệu cát, sỏi, xi măng để xóa nhà ở tạm là thực tế đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Theo chia sẻ của cán bộ cơ sở, việc này xuất phát từ thực tế các hộ kinh tế quá khó khăn, chưa thể lo đủ tiền để làm nhà ngay trong năm. Vì thế, đây là cách để giúp các hộ nghèo nắm bắt cơ hội, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng. Có mái ấm an cư, các hộ nghèo sẽ có động lực vươn lên, thoát nghèo và lo trả nợ.

Ở xã Thượng Nông, huyện Na Hang, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Cướng kể không hết những cách làm khi vận động hộ nghèo làm nhà, xóa nhà ở dột nát. Khi vận động gia đình ông Nguyễn Văn So, thôn Nà Ta làm nhà, ông So cứ lăn tăn mãi. Bởi gia đình quá nghèo, lại có người bị khuyết tật.

Để tìm thêm nguồn tiền hỗ trợ, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Cướng đã đến nhà anh trai của ông So để kêu gọi giúp đỡ. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ tiền làm nhà. Ông Cướng lại đứng ra tín chấp cho hộ ông So vay vật liệu để làm nhà trước, trả tiền sau. Ông Cướng bảo, những ngôi nhà này nếu chần chừ không làm thì có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đứng trước tình cảnh ấy, cán bộ xã phải linh hoạt, dùng mọi phương pháp vận động, giúp đỡ để người dân có mái ấm an cư.

Gia đình bà Ma Thị Lực, thôn Nà Đổng, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa khi được xét hỗ trợ xóa nhà tạm, đã khởi công nhà ngay. Nhưng ngặt nỗi, gia cảnh khó khăn, nhà bà bán một con trâu để có thêm tiền làm nhà nhưng chưa đủ, trong khi tiền hỗ trợ chưa giải ngân. Nhà bà Lực ở xa trung tâm xã, chi phí vận chuyển vận liệu cũng cao hơn, công việc hoàn thiện căn nhà của bà tưởng chừng sẽ dang dở, khi gia đình không thể mua nợ vật liệu khi chờ giải ngân tiền hỗ trợ.

Nắm được tình hình, ông Nông Văn Chiến, Chủ tịch MTTQ xã Trung Hà không chỉ động viên thường xuyên mà còn đích thân đến các cửa hàng vật liệu xây dựng ở xã đứng ra mua nợ giúp bà Lực tiếp tục làm nhà. “Sắp được ở nhà mới rồi, gia đình mừng lắm, nếu không có cán bộ giúp đỡ không biết bao giờ gia đình mới có nhà mới để ở” – bà Lực nghẹn ngào nói..

Để giúp hộ nghèo an cư, nhiều cán bộ xã đã đứng ra tín chấp vay vật liệu để hộ nghèo làm nhà trước, trả tiền sau.

Để giúp hộ nghèo an cư, nhiều cán bộ xã đã đứng ra tín chấp vay vật liệu để hộ nghèo làm nhà trước, trả tiền sau.

Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khơi dậy được lòng trắc ẩn trong cộng đồng, nhờ đó có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Để đề án có được kết quả bước đầu như hôm nay là có sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành, bám sát thực tiễn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và người đứng đầu các cấp, các ngành.

Trong chuyến đi cơ sở vào tháng 11/2022 tại thôn Khởn, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đã gặp gỡ lãnh đạo thôn, người dân và nhận được nhiều ý kiến đề xuất về hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Đề xuất đó đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chấp thuận ngay, giao cho Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện nhanh chóng.

Ông Hoàng Văn Hoan, Trưởng thôn Khởn: có 9 hộ nghèo được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo hỗ trợ làm nhà mới đã hoàn thành ngay trong năm 2022. Mỗi nhà được tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, còn lại là kinh phí từ mỗi gia đình, anh em dòng họ, các nhà hảo tâm giúp đỡ làm nên ngôi nhà mới trị giá gần 400 triệu đồng/nhà.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng quà cho các gia đình xã Thái Sơn (Hàm Yên) được hỗ trợ làm nhà ở.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng quà cho các gia đình xã Thái Sơn (Hàm Yên) được hỗ trợ làm nhà ở.

Trong các buổi làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố, các tổ chức trong và ngoài nước tại tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng “tranh thủ” kêu gọi và nhận được sự quan tâm, ủng hộ nguồn kinh phí làm nhà ở cho hộ nghèo.

Chủ tịch nước Tô Lâm trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo hỗ trợ Tuyên Quang làm mới nhà ở cho 1.400 hộ nghèo, tổng kinh phí 70 tỷ đồng.

Bộ Công an phối hợp với tỉnh Tuyên Quang thực hiện chương trình hỗ trợ làm nhà cho 1.400 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 70 tỷ đồng.

Bộ Công an phối hợp với tỉnh Tuyên Quang thực hiện chương trình hỗ trợ làm nhà cho 1.400 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 70 tỷ đồng.

Trung ương MTTQ Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực đồng hành cùng người nghèo cả nước và quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử. Tại Hội nghị biểu dương người có uy tín và người dân tộc thiểu số tiêu biểu lần thứ nhất tỉnh Tuyên Quang (tháng 4/2022), đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trao 70 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 3,5 tỷ đồng từ Quỹ Vì người nghèo Trung ương cho tỉnh Tuyên Quang. Hai năm sau (4/2024), đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các nhà tài trợ tiếp tục trao kinh phí 10 tỷ đồng hỗ trợ làm 200 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Sơn Dương với mong muốn góp phần cùng huyện Sơn Dương hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 và về đích nông thôn mới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chứng kiến bàn giao hỗ trợ kinh phí 200 nhà Đại đoàn kết của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masterise cho huyện Sơn Dương.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chứng kiến bàn giao hỗ trợ kinh phí 200 nhà Đại đoàn kết của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masterise cho huyện Sơn Dương.

Năm 2023 về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, đồng chí Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trăn trở khi biết nhiều hộ nghèo ở đây còn rất khó khăn về nhà ở. Đồng chí đã phát động các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ 20 hộ nghèo tại thôn Chương và thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi làm mới và sửa chữa nhà ở. Qua đó, các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã ủng hộ 950 triệu đồng để hỗ trợ 18 hộ xây dựng nhà ở mới với mức 50 triệu đồng/nhà; hỗ trợ 2 hộ sửa chữa nhà ở với mức 25 triệu đồng/nhà.

Sự vào cuộc, đồng hành, bám sát cơ sở của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo thành phong trào nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua làm nhà, sửa nhà cho hộ nghèo.

Vì vậy, kế hoạch năm 2022 và năm 2023 tỉnh xác định hỗ trợ 2.857/3820 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở. Tuy nhiên, được sự hưởng ứng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp, thống nhất với các ngành, đơn vị và các huyện, thành phố bổ sung 2.606 hộ vào Đề án năm 2023.

Tăng thêm nguồn lực giúp hộ nghèo an cư, tỉnh Tuyên Quang thực hiện hiệu quả Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang (ngày 23/5/2021) về Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Trong đề án này có nội dung là hằng tháng tổ chức cho cán bộ cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã về thôn, bản thực hiện "ba cùng" với nhân dân, trong đó nổi bật là giúp hộ nghèo làm nhà, sửa nhà.

Tỉnh linh hoạt lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2022 hỗ trợ cho 597/597 hộ, kinh phí 24.636/kế hoạch 29.850 triệu đồng, đạt 82,5%; năm 2023 hỗ trợ cho 432/679 hộ, kinh phí 13.754/33.950 triệu đồng, đạt 40,5%. Về chính sách tín dụng ưu đãi giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, đến ngày 31/10/2023, đã giải ngân với tổng dư nợ là 39.645 triệu đồng cho 992 đối tượng là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo là dân tộc kinh đang sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Dự án 5 hỗ trợ về nhà ở, đã giải ngân hỗ trợ cho 360 nhà/425 nhà (xây mới 167 nhà; sửa chữa 193 nhà). Kinh phí giải ngân hỗ trợ (theo tiến độ làm nhà của hộ gia đình) là 10.222 triệu/15.425 triệu đồng, đạt 66,27% (ngân sách Trung ương 8.392 triệu đồng; ngân sách địa phương 1.830 triệu đồng).

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bai-2-ngheo-tien-khong-ngheo-giai-phap-195751.html