Bài 2: 'Người điểm tô cho sông núi bởi tấm lòng son'
'Hóa học bác âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất. Công khoa tồn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ'- đó là những câu cụ Phan Bội Châu ngợi ca nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà (1894 - 1980)- một trong số những doanh nhân đi đầu ủng hộ 'Tuần lễ Vàng' 74 năm về trước.
Bài liên quan
Bài 1: “Nhất Trịnh Văn Bô, nhì Đỗ Đình Thiện”
Tuổi trẻ tài cao
Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Quốc Oai, Hà Nội) nhưng lại thành đạt trên đất Cảng Hải Phòng. Mọi chuyện bắt đầu từ năm ông 14 tuổi, cha mất, gia cảnh khó khăn (dưới ông còn 4 đứa em thơ dại), để có tiền phụ mẹ nuôi em, ông phải bỏ học xin làm phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp, rồi do lương thấp, ông lại bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng. Sự thông minh, chuyên cần, nhanh nhẹn đã giúp nhân viên trẻ nhanh chóng được lòng ông chủ.
Cụ Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội
Nhưng đồng lương cao dường như không phải là đích đến duy nhất và lớn nhất của Nguyễn Sơn Hà. Làm thư ký cho hãng Sauvage Cottu, chàng công nhân trẻ măng lẳng lặng học nghề làm sơn dầu với quyết tâm sẽ gây dựng cuộc đời bằng nghề này. Hơn thế, “tuổi nhỏ mà chí lớn”, không biết tự lúc nào Sơn Hà còn mơ ước sẽ thành lập được hãng sơn của riêng mình, của người Việt Nam.
Nguyễn Sơn Hà âm thầm nhưng quyết liệt, bền bỉ để biến ước mơ thành hiện thực. Ngày lại ngày, ông để tâm học hỏi mọi việc lớn nhỏ, từ kỹ thuật chế tạo sơn đến tổ chức tiêu thụ sản phẩm... Không có điều kiện đến trường học cao, vốn ngoại ngữ không có, mà sách về kỹ thuật nghề sơn của ông chủ lại tuyền bằng tiếng Pháp, thế nên để có thể… đọc trộm sách, Nguyễn Sơn Hà phải đêm đêm cặm cụi học thêm Pháp ngữ.
Nhưng lập nghiệp không bao giờ là chuyện dễ dàng, nhất là với một người “thiếu đủ thứ”, đặc biệt là thiếu nguồn lực tài chính, như Nguyễn Sơn Hà. Nhưng dường như với vị doanh nhân tương lai này, chẳng có gì có thể làm khó cũng như không có gì thúc giục mạnh mẽ hơn ước mơ. Khi bản thân cảm thấy đã nắm bắt đủ kiến thức, Sơn Hà bán đi chiếc xe đạp lấy tiền làm vốn ban đầu, mở một cửa hàng nhỏ, bên ngoài chuyên nhận việc quét sơn, kẻ biển, quét vôi ve nhà cửa, bên trong âm thầm chế tạo thử sơn dầu. Sản phẩm đầu tiên được Nguyễn Sơn Hà tung ra thị trường có tên gọi là “Resistanco”, tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”. Tuy nhiên, thầy may mắn chưa mỉm cười ngay với Nguyễn Sơn Hà. “Resistanco” được khách hàng đón nhận chẳng chút mặn mà.
Bại không nản. Không bỏ cuộc, Nguyễn Sơn Hà tiếp tục miệt mài nghiên cứu và cũng đến một ngày, mẫu sơn mới của ông đã chinh phục cả người tiêu dùng Pháp và Việt bằng cả chất lượng và giá cả. Thương hiệu Resistanco nhanh chóng bay xa. Năm 1920, ở tuổi 26, Nguyễn Sơn Hà chính thức có xưởng sơn Gecko của riêng mình tại Hải Phòng và sở hữu thương hiệu sơn Resistanco đủ sức cạnh tranh với các hãng sơn của người Pháp và người Hoa và xuất khẩu sang các nước Đông Dương, được ưa chuộng tới mức sản xuất không đủ bán. Nhưng cao hơn hết mọi câu chuyện tiền bạc, với cả bản thân Nguyễn Sơn Hà lẫn nhiều người Việt lúc ấy, là niềm tự hào lần đầu tiên Việt Nam có một thương hiệu sơn của riêng mình, hơn thế, thương hiệu ấy có thể cạnh tranh với sơn của người Pháp. Đáng quý hơn nữa, ông cũng chẳng bao giờ dựa vào Pháp, thân Pháp hay sợ Pháp. Mấy hãng sơn Pháp, từ chỗ ban đầu khinh rẻ sản phẩm của “dân An Nam”, sau này phải quay sang mua sơn ông làm, xin nhận làm đại lý để phân phối kiếm lời.
Phải sống giữa những năm tháng đất nước trong cảnh thuộc địa, mới có thể “thấm” hết niềm tự hào ấy. Nhà cách mạng lừng danh Phan Bội Châu lúc đó đã không đừng được niềm thán phục trước chàng trai trẻ và viết trong câu đối tặng Nguyễn Sơn Hà: "Hóa học bác âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất – Công khoa tồn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ". (Tạm dịch: Lấy hóa học người âu điểm tô cho sông núi bởi tấm lòng son sẵn có - Làm công nghệ đất Việt, đổi thay thời thế từ tay trắng làm nên).
Cụ Nguyễn Sơn Hà (ngoài cùng bên phải) tại buổi Quốc hội tặng thanh kiếm Mã đáo thành công cho Đại đoàn 308.
“Còn đất nước thì sẽ còn của cải”
Với Nguyễn Sơn Hà, Phan Bội Châu là người “se duyên” ông với cách mạng. Năm 1939, trong một lần vào miền Nam, ông cùng vợ tới thăm Phan Bội Châu đang bị Pháp quản thúc tại Huế. Chính lần gặp gỡ ấy đã tác động sâu sắc đến Nguyễn Sơn Hà. Ông quyết định ra tranh cử hội đồng thành phố, tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi hội Truyền Bá quốc ngữ.
Là nhà tư sản lớn và có uy tín, ngay cả chính quyền thực dân khi ấy cũng có phần vị nể, Nguyễn Sơn Hà đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói, đứng ra lập trường Dục Anh tại số nhà 46, phố Lạch Tray để nuôi dạy các em bé mồ côi. Năm 1939, khi biết tin quê nhà bị mất mùa do hạn hán khiến nhân dân đói kém, ông đã về quê và dùng tiền của mình để giúp đỡ bà con, chuyển hàng trăm cây dừa về trồng ở bên đường và đình làng để tạo bóng mát và thu hoạch quả. Ông còn cho người đến Hà Đông học nghề dệt vải để sau đó về mở cơ sở sản xuất tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân và mua tặng dân làng 4 máy dệt. Trong nạn đói Ất Dậu, ông đã liên lạc với bạn bè cùng chí hướng, thuyết phục những người giàu có lập Hội Cứu tế để giúp đỡ dân nghèo.
Hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, đồng bào các giới ở Hải Phòng nhiệt liệt hưởng ứng “Tuần lễ vàng” bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Trong “Tuần lễ vàng”, Nguyễn Sơn Hà rất tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch đi cùng trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình, gồm vàng bạc, đá quý cân được 10,5 kg. Riêng ông Hà không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin gắn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng. “Cha tôi từng nói: “Còn đất nước thì sẽ còn của cải, nếu mất nước tiền của cải nhiều cũng chẳng để làm gì” - họa sĩ Sơn Trúc nhớ lại lời cha mình. Họa sĩ Sơn Trúc cho biết thêm: “Trước đó, chuẩn bị tổng khởi nghĩa cha tôi ủng hộ Việt Minh bằng tiền mặt là 4,5 vạn đồng Đông Dương tương đương với khoảng 2.000 lạng vàng. Đặc biệt cha tôi hiến tiền thuê đoàn tàu chở gần 2.000 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày từ Côn Đảo trở về đất liền, trong số đó có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh…”.
Sau khi người con trai cả tên Nguyễn Sơn Lâm - Đội trưởng Tự vệ Hải Phòng hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tại mặt trận Đông Khê (Hải Phòng), Nguyễn Sơn Hà đã quyết định đi theo con đường giải phóng dân tộc: bỏ lại toàn bộ tài sản như nhà xưởng, đồn điền, tiền của... đưa toàn bộ gia đình đi theo kháng chiến, mặc dù nhận được nhiều đề nghị từ phía thực dân Pháp sẽ trả lại hoặc đền bù tài sản bị thiệt hại nếu như ông từ bỏ kháng chiến. Tại Việt Bắc, ông tích cực tham gia các hoạt động như Bình dân học vụ, lập trại tản cư… Không quên nghề cũ, ông lại cùng với anh em công nhân tìm kiếm nguyên liệu, mở xưởng sản xuất mực in li-tô, giấy than, áo mưa ba tác dụng cho quân dân. Ông còn sáng kiến chế được cả lương khô, thuốc ho cho anh em bộ đội. Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ Tịch, ông đã soạn nên cuốn sách “Công nghệ thực hành” dạy một số nghề thông thường, hướng dẫn làm giấm, xì dầu, mực in… được in và phát hành rộng rãi nơi Việt Bắc.
Sau kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Sơn Hà trở về Hà Nội và tiếp tục trúng cử vào Quốc hội Việt Nam khóa II, III, IV, V. Ông mất tại Hải Phòng năm 1980. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày 13/10/2006, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã truy tặng Nguyễn Sơn Hà cùng Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can, Trịnh Văn Bô danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.