Bài 2: Người gieo khát vọng ấm no trên vùng lũ A Lù
Ngải Thầu tiếng Mông nghĩa là 'mũi đá', trước đây là một xã độc lập nhưng hiện nay đã được sáp nhập vào xã A Lù, huyện Bát Xát. Ở mảnh đất biên giới cheo leo trên sườn núi ấy, ông Sùng A Siềng (dân tộc Mông) là đại biểu HĐND xã A Lù, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Chải 1 đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tích cực tuyên truyền di chuyển các hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm và hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai sau cơn bão số 3.
Sau những ngày mưa lũ, nắng đã bừng lên trên đỉnh núi Ngải Thầu, xã A Lù, huyện Bát Xát. Trên mỏm đồi ở thôn Phìn Chải 1, mấy hôm nay bà con trong thôn tập trung giúp gia đình ông Lù A Tính san nền nhà mới. Cách đây hơn 2 tháng, trận sạt lở đất sau bão số 3 đã vùi lấp hoàn toàn ngôi nhà của ông Tính. Thật may mắn, trước khi xảy ra sạt lở đất, gia đình ông Tính cùng các hộ khác đã di chuyển đến khu trường học của xã để tránh trú nên không có thiệt hại về người.
Ông Tính bảo: Nhà bị lũ vùi lấp hết, tôi lo lắng lắm, không biết cuộc sống gia đình sẽ ra sao. Trong lúc gia đình tôi khó khăn nhất, ông Sùng A Siềng, đại biểu HĐND xã A Lù, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Chải 1 đến nhà thăm hỏi, động viên, thông báo sẽ có các cơ quan, đơn vị hỗ trợ để làm ngôi nhà mới. Tuy nhiên, khu nhà cũ của tôi đã bị sạt lở không thể ở được nữa, phải tìm mảnh đất mới để làm nhà. Nhờ ông Siềng tư vấn, hướng dẫn, gia đình tôi đã chọn được mảnh đất có vị trí an toàn để san nền nhà mới.
Đưa tôi đến xem mảnh đất mới san gạt của gia đình ông Tính, ông Sùng A Siềng bảo, đây là lần thứ 3 ông đến kiểm tra vị trí khu đất này. Lần đầu là cùng gia đình đi chọn đất để làm nhà, sau đó cùng cán bộ địa chính xã đến xác định tọa độ, vị trí, mục đích sử dụng đất, khảo sát tính an toàn. Lần thứ 3 ông trở lại xem hộ dân có san nền nhà có đúng vị trí không, động viên bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
Sau bão số 3, không chỉ gia đình ông Tính, mà trong thôn Phìn Chải 1 có 6 hộ có nhà bị sập hoàn toàn cần có nơi ở mới. Là Bí thư Chi bộ thôn, cũng là người đại biểu HĐND xã, ông Siềng luôn gần gũi, thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiên tai, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, vận động các hộ tìm mảnh đất phù hợp để an cư.
Nơi “mũi đá” Ngải Thầu, địa hình cheo leo, thường xuyên xảy ra sạt lở đất, đá, rất ít vị trí có thể làm nhà ở an toàn, trong khi đó thôn không có quỹ đất dự trữ có thể làm nhà ở cho bà con. Nỗ lực không ngừng trong 2 tháng, cùng người dân đi khắp các sườn đồi, thung lũng, khảo sát từng vị trí, đến nay ông Siềng đã vận động, giúp đỡ 5/6 hộ ở thôn Phìn Chải 1 tìm được mảnh đất mới an toàn để làm nhà.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Siềng chia sẻ: Do địa hình nhiều núi cao, vực sâu, quỹ đất hạn hẹp, ruộng nương sinh kế ít nên bà con trong thôn quý đất hơn vàng, thường giữ lại mảnh đất đẹp, an toàn cho con, cháu. Trước hoàn cảnh một số hộ bị thiên tai chưa có đất ở, tôi đến tuyên truyền, giải thích để bà con trong thôn, trong các dòng họ tương trợ lẫn nhau, chia sẻ với nhau mảnh đất an toàn để làm nhà. Ban đầu khó khăn lắm, nhưng khi giải thích cặn kẽ, khơi dậy được tinh thần đoàn kết trong Nhân dân thì bà con đều hưởng ứng. Là người đại biểu dân cử, phải luôn gần dân, hiểu dân thì bà con mới tin tưởng, nghe theo, làm theo.
Sau cơn bão số 3 vừa qua, trên địa bàn huyện Bát Xát có nhiều xã vùng cao bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, trong đó xã A Lù thiệt hại nặng nề nhất. Trận sạt lở đất lúc 2 giờ ngày 9/9/2024 tại thôn Phìn Chải 2, xã A Lù đã vùi lấp hoàn toàn 4 ngôi nhà, khiến 7 người dân trong 3 gia đình bị tử vong. Khi xảy ra vụ sạt lở đất, ông Sùng A Siềng là thành viên trong Tổ trực bão lũ của xã đã kịp thời nắm thông tin, cùng một số cán bộ bất chấp mưa gió, tiếp cận hiện trường vụ sạt lở.
Trời tối, sương mù dày đặc, mưa xối xả và đất đá tiếp tục sạt lở từ trên đồi cao xuống. Không thể vào khu 4 nhà dân bị vùi lấp nên tổ công tác đã quay trở lại điểm trực tìm cách cứu dân. Sinh ra và lớn lên trên núi đá Ngải Thầu, ông Siềng biết rõ từng nhà dân, từng cụ già, trẻ nhỏ, ai đi đâu, làm gì nên cùng mọi người rà soát các gia đình bị thiệt hại, huy động các lực lượng tại chỗ, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn huyện Bát Xát có phương án hỗ trợ xã tìm kiếm người bị mất tích.
Điều đáng nói là sau khi xảy ra trận sạt lở đất kinh hoàng, các tuyến giao thông kết nối với thôn Phìn Chải 2 đều bị ách tắc, mất điện trên diện rộng, thông tin liên lạc như điện thoại, internet bị mất hoàn toàn trong suốt 1 tuần. Do đó, thôn Phìn Chải 2 bị cô lập, công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích gặp vô vàn khó khăn. Mặc dù không phải là người dân thôn Phìn Chải 2 nhưng ông Sùng A Siềng đã vận động bà con trong thôn Phìn Chải 1 đến hỗ trợ thôn Phìn Chải 2 tìm kiếm, cứu nạn. Bản thân ông Siềng không quản khó khăn, 4 ngày dầm mưa cùng các lực lượng đào bới đất đá để tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích trong đống bùn đất dày tới 3 mét.
Trở lại câu chuyện ở thôn Phìn Chải 1, mưa lũ trong đêm 8/9 cũng gây ra những trận sạt lở đất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của người dân. Ông Siềng nhớ lại: Sau bão số 3, mưa rất to và kéo dài. Nhận định tình hình có thể xảy ra sạt lở đất, từ chiều 8/9 tôi đã cùng với các cán bộ xã và thôn tuyên truyền, vận động 35 hộ ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất di chuyển xuống Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Ngải Thầu gần đó để tránh trú. Rạng sáng 9/9, đất đá trên đồi sạt xuống từ nhiều vị trí làm 6 ngôi nhà bị sập. Thật may mắn, tất cả các hộ đã kịp thời di chuyển đến điểm tránh trú nên đảm bảo an toàn tính mạng.
Trở lại thôn Phìn Chải 1, Phìn Chải 2, xã A Lù sau khi bão số 3 đã qua hơn 2 tháng, chúng tôi thấy Tỉnh lộ 158 đã thông tuyến nhưng vẫn ngổn ngang đất đá, có những vị trí mặt đường bị sụt lún một nửa, vết nứt dài hàng mét hở ra sâu hoắm, có thể sạt lở bất cứ khi nào. Nơi “tâm lũ” xã A Lù, khung cảnh yên tĩnh vốn có đã trở lại, bà con tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. Trong 2 tháng qua, nhiều tổ chức, cá nhân từ khắp mọi miền đất nước đã chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ A Lù, giúp bà con vơi bớt khó khăn, những đau thương, mất mát đã dần nguôi ngoai.
Nhìn ngôi nhà và khu chuồng gia súc bị đổ sập hoàn toàn sau bão lũ, chị Sùng Thị Sinh (thôn Phìn Chải 1) không còn lo buồn như trước nữa. Chị Sinh bảo, vừa qua, ông Siềng cùng cán bộ xã đến thăm, động viên gia đình tôi, thống kê các thiệt hại, rồi kết nối với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ gia đình 1 con nghé để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Với người dân vùng cao, “con trâu là đầu cơ nghiệp” nên đó là tài sản rất lớn. Chị Sinh cũng rất vui vì thời gian tới sẽ được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây ngôi nhà mới. “Nếu cán bộ nào cũng nhiệt tình, gần gũi, tích cực giúp đỡ Nhân dân như đại biểu Sùng A Siềng thì bà con sẽ có cuộc sống ấm no hơn” - chị Sinh chia sẻ.
Không chỉ đối với chị Sinh, mà nhiều người dân cũng như các cán bộ, lãnh đạo xã A Lù đều dành tình cảm quý trọng ông Sùng A Siềng vì sự nhiệt tình giúp đỡ bà con và tinh thần trách nhiệm với công việc. Ông Lồ A Sính, Bí thư Đảng ủy xã A Lù cho biết: Trong những năm qua, là Bí thư Chi bộ thôn, cũng là người được bà con gửi gắm niềm tin, bầu làm đại biểu HĐND xã, ông Siềng luôn trăn trở làm thế nào để giúp người dân thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hơn như lời hứa trước cử tri.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy, ông Siềng vận động đồng bào Mông khu vực Ngải Thầu chuyển từ trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây Hoàng sin cô (sâm đất), chè, cây lê Tai nung với diện tích hàng chục héc-ta, đem lại nguồn thu không nhỏ. Ông còn tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia, vận động nhiều hộ ở thôn Phìn Chải 1, Phìn Chải 2, Cán Cấu trồng cây trúc sào lấy nguyên liệu phát triển nghề đan lát, đồng thời tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; định hướng cho bà con cùng nhau bảo vệ rừng, bảo tồn ruộng bậc thang, biến di sản của cha ông để lại thành tài sản của mỗi dòng họ, mỗi gia đình để phát triển du lịch.
Ngược dốc lên núi Ngải Thầu, ông Siềng chỉ cho chúng tôi những vết sạt lở khổng lồ trên sườn núi cuốn trôi những nương sâm đất của bà con trồng và chăm sóc suốt một năm chưa kịp thu hoạch, nhìn thật xót xa. Là đại biểu HĐND xã, ông Siềng được giao phụ trách thôn Phìn Chải 1, Phìn Chải 2 là 2 thôn người Mông còn nhiều khó khăn, cách xa trung tâm xã, nhìn đâu cũng thấy núi đá, tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau thiên tai, một số hộ trong thôn vốn đã nghèo, lại bị mất nhiều ruộng, nương. Hệ thống mương, đường ống dẫn nước cũng bị hư hỏng hoàn toàn. Ở nơi “tâm lũ” của huyện Bát Xát, bà con mong được các cấp, các ngành hỗ trợ tu sửa các công trình, hỗ trợ cây con giống, phân bón, khôi phục sản xuất.
“Đây là lúc thôn bản gặp nhiều khó khăn, bà con đang cần mình giúp đỡ hơn bao giờ hết. Là người đại biểu của Nhân dân, được Nhân dân gửi gắm niềm tin, kỳ vọng, tôi không thể thờ ơ trước khó khăn của đồng bào. Tôi sẽ làm hết sức để ghi nhận kịp thời, phản ánh đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề xuất các cấp, các ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp người dân vùng lũ A Lù có cuộc sống ấm no hơn” - ông Siềng tâm sự.
Nội dung: Tuấn Ngọc - Quỳnh Trang
Trình bày: Khánh Ly
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-2-dai-bieu-nguoi-mong-o-vung-lu-a-lu-post393482.html