Bài 2: Nguy cơ phá vỡ không gian văn hóa bản Hà Nhì

Không gian văn hóa của dân tộc Hà Nhì trên vùng cao Bát Xát được sáng tạo, hình thành và xây dựng hàng trăm năm qua, mang nhiều giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc… Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi trăn trở là không gian độc đáo ấy đang bị 'tấn công' bởi làn sóng đô thị hóa, phát triển du lịch.

Trăn trở bảo tồn không gian văn hóa bản Hà Nhì

>>> Bài 1: Độc đáo không gian văn hóa người Hà Nhì

Nhà xây “tấn công” bản “nhà đất”

Cũng trong chuyến đi khám phá thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, chúng tôi rất thích thú khi được ngắm và chụp ảnh bên những ngôi “nhà nấm” có mái cỏ, rêu mọc xanh rì, ngắm ruộng bậc thang đang mùa đổ nước, những khu rừng già nguyên sơ. Tuy nhiên, niềm vui ấy không khỏa lấp nổi nỗi lo khi không gian văn hóa bản Hà Nhì ở đây không còn được như trước.

Cả thôn Lao Chải có 66 hộ người Hà Nhì sinh sống, nhưng đến nay chỉ còn 4 ngôi nhà lợp mái cỏ truyền thống, còn lại đã được thay thế bằng mái tôn hoặc tấm lợp fibro xi măng. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên, người Hà Nhì đã kiên cố hóa cho ngôi nhà của mình, nhiều nhà xây tường, lợp mái kiên cố, xóa cảnh “nhà tranh, vách đất”. Một số gia đình như Lý Giá Sa, Lý Xe Suy, Lý Khờ Sứ… còn xây nhà mái bằng, nhà hai tầng như ở dưới phố. Những người trong làng chưa ra phố bao giờ, lần đầu nhìn thấy ngôi nhà xây “hoành tráng” khác hẳn nhà đất thì ngưỡng mộ lắm.

Nhà văn hóa thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường xây theo kiểu nhà cấp 4.

Nhà văn hóa thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường xây theo kiểu nhà cấp 4.

Vui trước những biểu hiện của sự ấm no ấy, nhưng tôi có gì đó luyến tiếc hình ảnh của một bản Hà Nhì nhà lợp mái cỏ xanh đẹp như tranh vẽ. Giờ đây, ngay cả nhà văn hóa thôn Lao Chải cũng được xây mới, nhưng không làm theo kiến trúc nhà trình tường của người Hà Nhì mà xây nhà cấp 4, lạc lõng giữa không gian văn hóa dân tộc. Ngoài ra, đến lán thờ ở rừng công viên trước kia mỗi năm thay mái cỏ một lần, giờ đây lợp luôn mái fibro xi măng, nhìn mà vừa tiếc, vừa buồn.

Câu chuyện ở một số thôn người Hà Nhì Y Tý như Choản Thèn, Lao Chải, Tả Dì Thàng, Mò Phú Chải… cũng có nhiều nét tương tự. Già làng Ly Hờ Suy nét mặt buồn rười rượi: Thôn Choản Thèn có 57 hộ người Hà Nhì sinh sống lâu đời. Từ năm 2016 trở về trước, thôn chỉ có nhà trình tường, nhưng từ 2017 đến nay, xuất hiện thêm nhiều nhà xây. Một số nhà thay tường đất bằng tường gạch ba vanh, gạch đỏ, tuy nhiên một số nhà bỏ hẳn kiến trúc nhà Hà Nhì để xây theo kiểu nhà người Kinh. Tôi có khuyên bảo nhưng nhiều người không nghe, ngay cả con rể tôi cũng vậy, cứ thế này sao còn giữ được bản sắc dân tộc!

Dạo quanh Choản Thèn, chúng tôi đếm sơ sơ cũng trên dưới 10 ngôi nhà xây xen lẫn những ngôi nhà đất.

Người Hà Nhì có tính cộng đồng cao, nên nhà nọ thông với nhà kia, san sát nhau, khu dân cư còn chật hẹp hơn cả ngoài phố. Thôn Lao Chải 1 bây giờ đan xen với những ngôi “nhà nấm” của người Hà Nhì là một số nhà xây không hiểu theo kiến trúc gì. Có nhà xây như lò sấy thuốc lá, lại có ngôi nhà sơn xanh đỏ “sang chảnh” kiểu thành phố lạc lõng giữa bản làng. Những bản Hà Nhì với kiến trúc nhà trình tường truyền thống nay xây dựng lô nhô, tạp nham, chẳng khác gì “xôi đỗ”.

Khó khăn bảo tồn ruộng bậc thang

Những năm gần đây, dư luận vô cùng bức xúc trước sự việc di sản quốc gia ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa, huyện Sa Pa thảm thiết “kêu cứu” khi bị xâm lấn vô tội vạ bởi các công trình nhà nghỉ, homestay, khách sạn, quán xá. Giờ đây, làn sóng đô thị hóa và phát triển du lịch đang lan dần sang xã Y Tý, nơi có tiềm năng về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đe dọa cảnh quan và ruộng bậc thang ở nơi này.

Từ khi tỉnh và huyện Bát Xát đưa ra ý tưởng xây dựng trung tâm hành chính huyện hoặc khu đô thị du lịch tại khu vực Phìn Hồ, xã Y Tý đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chưa biết ý tưởng đó bao giờ trở thành hiện thực, nhưng người ta đã đổ xô lên Y Tý tìm mua đất với nhiều dự định, tạo nên một “cơn sốt” đất ở Y Tý. Điều đáng nói là “cơn sốt” này đã và đang lan tới các bản người Hà Nhì, ảnh hưởng tới việc bảo vệ không gian văn hóa các thôn, bản Hà Nhì.

Anh Sần Hờ Lù, Trưởng thôn Choản Thèn dẫn tôi đi thăm những tràn ruộng bậc thang uốn lượn tuyệt đẹp phía cuối thôn, rồi chỉ vào hai ngôi nhà mới làm theo kiến trúc nhà Hà Nhì (một nhà tường đất, một nhà tường xây) cho biết: Đất ruộng bậc thang này của một gia đình trong thôn, nhưng chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã vội vã làm nhà, UBND xã đình chỉ không cho làm tiếp.

Tại thôn Lao Chải 1, đoạn đường bên tay phải ngay phía đầu thôn mấy năm trước là những thửa ruộng bậc thang tiếp nối nhau. Tuy nhiên, chỉ 3 năm trở lại đây, khu ruộng này được bán dần cho một số người nơi khác đến mua và trên đất ruộng “bỗng dưng” “mọc” lên một dãy nhà mới. Những ngôi nhà này cũng làm theo kiểu hỗn độn nhà cấp 4, nhà tôn, nhà gỗ… và ngày càng nhiều thêm ở ngay phía đầu thôn.

Người Hà Nhì ở Y Tý luôn tự hào là chủ nhân của công trình ruộng bậc thang đẹp như kỳ quan ở thung lũng Thề Pả và quần thể ruộng bậc thang này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2015. Tuy nhiên, nếu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương không quản lý tốt, tuyên truyền để người dân giữ gìn, bảo vệ thì trong tương lai không xa, quần thể ruộng bậc thang Thề Pả có thể rơi vào tình trạng bị xâm lấn, “xẻ thịt” như di tích ruộng bậc thang ở xã Tả Van.

Những ngôi nhà xây “mọc lên” phá vỡ không gian văn hóa bản Hà Nhì.

Những ngôi nhà xây “mọc lên” phá vỡ không gian văn hóa bản Hà Nhì.

Nhìn từ nhiều phía

Khi thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi có tìm hiểu nguyên nhân vì sao những ngôi nhà xây lại đua nhau “mọc” lên thay những ngôi nhà đất ở bản người Hà Nhì. Câu trả lời không khó tìm ra. Anh Ly Cá Sứ, người vừa xây xong ngôi nhà nhỏ ở cuối thôn Choản Thèn, xã Y Tý thành thật: Nếu làm ngôi nhà trình tường đất theo kiến trúc truyền thống của người Hà Nhì thì riêng khung nhà đã mất cả trăm triệu đồng, thời gian hoàn thành phải mất 3 -4 tháng, trong khi xây nhà gạch nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn, ngoài ra còn có ưu điểm là kiên cố, sạch sẽ, nên một số hộ chọn giải pháp xây nhà.

Nhớ lại khi đến thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, chúng tôi gặp anh Lý Có Xe đang tất bật cùng những người thợ xây ngôi nhà mới. Mấy năm trước, anh Xe cùng vợ con sống chung với bố mẹ trong ngôi nhà trình tường mái cỏ rêu xanh tuyệt đẹp. Ngôi nhà mới tuy chưa xây xong nhưng được làm theo kiểu biệt thự hai tầng cho thấy sự rộng rãi, bề thế. Với anh Xe, được sống trong ngôi nhà xây khang trang, hiện đại như dưới thành phố là niềm mơ ước từ lâu, cũng là niềm tự hào, hãnh diện với bà con trong thôn.

Rõ ràng, nhìn từ khía cạnh chất lượng cuộc sống thì việc người dân xây nhà to rộng, khang trang, hiện đại là tín hiệu vui. Nhưng đặt dưới góc nhìn về không gian văn hóa truyền thống thì những ngôi nhà xây “mọc” lên giữa ngôi làng nhà đất hàng trăm tuổi đã và đang phá vỡ, “bức tử” kiến trúc làng Hà Nhì cổ truyền.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, du khách đến Y Tý cho biết: Vẻ đẹp của bản Hà Nhì là ở những ngôi “nhà nấm” độc đáo. Không phải cứ xây nhà to rộng, hiện đại đã là đẹp, vì khi đặt không đúng chỗ sẽ trở nên lạc lõng, mất mỹ quan. Đặc biệt, với những thôn, bản có không gian văn hóa đẹp như Lao Chải, Choản Thèn được quy hoạch để phát triển du lịch cộng đồng thì càng cần phải tôn trọng bản sắc dân tộc, tuân theo kiến trúc truyền thống. Nếu cứ tự do xây nhà ở hỗn độn, thì đâu còn nét riêng, hấp dẫn du khách nữa.

Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Quản lý bền vững tài nguyên và Phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (Cirum) khi đến mở lớp tập huấn về phát triển du lịch cộng đồng cho bà con Hà Nhì ở thôn Lao Chải cũng nêu quan điểm: Không gian văn hóa của các thôn, bản người Hà Nhì ở Y Tý đẹp vậy mà đang bị phá vỡ, điều này rất đáng lo ngại. Bởi, nếu cộng đồng không giữ không gian văn hóa với nét riêng độc đáo, không bảo tồn bản sắc dân tộc thì không hấp dẫn được du khách, việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững sẽ rất khó khăn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/bai-2-nguy-co-pha-vo-khong-gian-van-hoa-ban-ha-nhi-z8n20190908110855312.htm