Bài 2: Nguy cơ tái nghèo luôn hiện hữu

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua các năm, song kết quả giảm nghèo của tỉnh Quảng Bình chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo luôn hiện hữu. Cùng với đó, một số nơi chưa tạo được ý thức chủ động trong giảm nghèo, vẫn còn tư tưởng ỷ lại; không ít địa phương và người dân vẫn mong muốn được đứng trong danh sách hộ nghèo để thụ hưởng chính sách…

Chưa tạo được đột phá

Những năm qua, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo chuyển biến rõ nét về diện mạo hạ tầng cũng như đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa bền vững; nguy cơ tái nghèo còn cao.

Cuộc sống bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình còn nhiều khó khăn

Cuộc sống bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình còn nhiều khó khăn

Đơn cử như huyện miền núi Minh Hóa, dù đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, song cuối năm 2022, toàn huyện vẫn còn 2.546 hộ nghèo (chiếm 17,99%) và 2.629 hộ cận nghèo (chiếm 18,58%)… Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Bắc Việt, toàn huyện có những khó khăn đặc thù trong công tác giảm nghèo. Đó là: điều kiện địa lý khó khăn, ảnh hưởng đến việc bố trí đất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phong tục tập quán lạc hậu, mặt bằng dân trí thấp; việc tiếp cận thông tin còn chậm, ứng dụng kỹ thuật mới vào công việc còn hạn chế… “Sau những đợt thiên tai bão lũ, trên địa bàn huyện tiếp tục có nhiều hộ tái nghèo”, lãnh đạo UBND huyện chia sẻ.

Tương tự với Tuyên Hóa, năm 2021, toàn huyện có 1.263 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm 5,07%); cận nghèo 1.439 hộ (chiếm 5,78%). Còn theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025, huyện có 2.192 hộ nghèo (chiếm 8,78%); 1.591 hộ cận nghèo (chiếm 6,37%)... Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Vũ Thường cho biết, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn không ít khó khăn: một số xã chưa phát huy tốt nội lực và tiềm năng thế mạnh, chưa chủ động lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo; chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều... Do đó, chưa tạo được sự đột phá, dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao.

Tại xã biên giới Thượng Trạch - địa phương được xem là “lõi nghèo” của huyện Bố Trạch hiện cũng đang “loay hoay” với với mục tiêu giảm nghèo, khi tỷ lệ hộ nghèo của địa phương chiếm tới 77,25%... Theo lãnh đạo UBND xã Thượng Trạch, lộ trình giảm nghèo của xã đang gặp phải nhiều vướng mắc, như: điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp, không có nguồn thu, khả năng huy động nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế…

Còn với huyện Lệ Thủy, một bộ phận người dân chưa hiểu tầm quan trọng của việc tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo nên còn tình trạng khai báo chưa trung thực. Theo số liệu rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, toàn huyện có 2.922 hộ nghèo (chiếm 6,98%); 1.909 hộ cận nghèo (chiếm 4,56%). Một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, như: Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy…

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng: mặc dù chính sách giảm nghèo thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực, song vẫn còn tình trạng vừa trùng lặp vừa dàn trải, phân tán với mức hỗ trợ thấp... Từ đó, làm giảm hiệu quả của các chính sách. Nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp làm phát sinh tư tưởng ỷ lại của các cấp và của bản thân người nghèo; vẫn còn nhiều địa phương và người dân mong muốn được đứng trong danh sách hộ nghèo để thụ hưởng chính sách…

Thiếu nguồn lực

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 của tỉnh Quảng Bình cho thấy, toàn tỉnh có 4.045 hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS (chiếm 31,47%); 1.249 hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS (chiếm 10,2%); có 5.656 hộ nghèo không có khả năng lao động (chiếm 44%); 3.403 hộ cận nghèo không có khả năng lao động (chiếm 27,78%)… Các hộ nghèo và cận nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, giáp ranh biên giới; khu vực thành thị có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo thấp hơn; hộ nghèo và cận nghèo không có khả năng lao động (bảo trợ xã hội) cũng chiếm tỷ lệ cao…

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, khoảng cách chênh lệch này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, năng lực và trình độ nhận thức, tập quán sinh sống của đồng bào DTTS; việc giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện chương trình của tỉnh chưa bảo đảm đúng tiến độ của Trung ương đề ra... Cùng với đó, tâm lý ỷ lại, trông chờ, chưa nỗ lực vươn lên tự thoát nghèo của người dân cũng là rào cản ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo của địa phương.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Bình, ngân sách địa phương đầu tư cho giảm nghèo còn hạn chế; việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo còn thiếu nguồn lực; kết cấu hạ tầng tại các địa bàn đặc biệt khó khăn chưa đồng bộ; một bộ phận người dân chưa chủ động vươn lên thoát nghèo… Công tác tuyên truyền, phối hợp vận động trong thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo sinh kế bền vững để thoát nghèo, phần lớn tại địa bàn đặc biệt khó khăn chưa được quan tâm, nhân rộng; nhiều mô hình sản xuất chưa đem lại hiệu quả…

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và cơ quan chủ quản chương trình có lúc chưa chặt chẽ nên quá trình tổng hợp, báo cáo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình còn chưa chủ động về tiến độ…; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn nghèo để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiêu thụ, chế biến sản phẩm và cải thiện thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; chất lượng giáo dục, y tế tại các xã khó khăn chưa được cải thiện… dẫn đến tình trạng mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua các năm, song kết quả giảm nghèo của tỉnh Quảng Bình chưa thực sự bền vững, đòi hỏi trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá hơn nữa.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-in/bai-2-nguy-co-tai-ngheo-luon-hien-huu-i327734/