Bài 2: Nguyên nhân hiểm họa - cả 'thiên tai' và 'nhân tai'

Trong tháng 10 vừa qua, liên tục các vụ sạt lở đất, đá xảy ra ở khu vực các tỉnh miền Trung, làm thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của nhân dân. Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học để cùng tìm hiểu, phân tích, làm rõ nguyên nhân dẫn đến sạt lở liên tục xảy ra ở các tỉnh miền Trung?

Sạt lở, lũ quét dưới góc nhìn địa chất

Trước hết chúng ta phải khẳng định sạt lở đất, đất đá là hiện tượng thiên tai xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Khi bàn về các vụ sạt lở, lũ quét vừa qua trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) có nhắc đến thông tin đáng chú ý: "Tôi có xem Đại Việt sử ký toàn thư thì mấy năm có mưa lớn, lũ lớn hoặc có những năm hằng tháng không có mặt trời, cho nên chúng ta có câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, đại hồng thủy. Mưa, bão, úng, hạn, dịch bệnh là bình thường của tự nhiên".

Theo báo cáo của Ủy ban về rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc mới đây, do biến đổi khí hậu cực đoan, giai đoạn 1980-1999 chỉ có 4.212 các thiên tai được xác định là thiên tai lớn, cho đến nay, năm 2000 đến năm 2019 đã có trên 7.348 thiên tai, trong đó loại hình thiên tai xảy ra nhiều nhất là lũ 3.254 lượt chiếm 44%, bão 2.043 lượt 28%. Việt Nam đứng ở trong vòng gọi là bão của tây nam Thái Bình Dương, một trong trung tâm bão và đứng thứ 7, là một trong những quốc gia có cực đoan và rủi ro thiên tai cao nhất và đứng thứ 16 trong số các nước liên quan đến khí hậu cực đoan. Trong số 4 cơn bão gần đây thì cơn bão số 9 là mạnh nhất trong 20 năm qua, nó tạo ra lượng mưa đã vượt qua các chỉ số đo lịch sử. Trong đó có những ngày lượng mưa như ở Quảng Nam lên đến trên 500mm/1 ngày, như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà ví von thì đó là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa nên cũng là nhân tố gây ra sạt lở.

Còn nhớ, cách đây một năm, tháng 10-2019, hiện tượng sạt lở đất cũng đã xảy ra tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Vụ sạt lở đã san bằng toàn bộ bản Sa Ná với gần 100 hộ dân, làm 13 người chết và mất tích.

Dãy nhà tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bị sạt lở gây nứt toác, đổ sập. Ảnh: Khánh Hòa

Dãy nhà tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bị sạt lở gây nứt toác, đổ sập. Ảnh: Khánh Hòa

Tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng, chống bão lụt, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất đá khu vực miền Trung tháng 10-2020 do Bộ Quốc phòng tổ chức, trên cương vị là Trưởng ban Chỉ huy tìm kiếm Cứu hộ, cứu nạn, trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường thuộc Tiểu khu 67, Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Đoàn KTQP 337 xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng: Xét về góc độ địa lý thì vùng đất khu 4 vừa dài, vừa hẹp, có địa hình phức tạp, đồi núi chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, độ dốc lớn, cả 6 tỉnh đều có tuyến biên giới và biển. Chỉ riêng trong tháng 10 vừa qua, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan; địa bàn quân khu liên tiếp chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão và 2 đợt áp thấp nhiệt đới, dẫn tới hiện tượng “Bão chồng bão, lũ chồng lũ, mưa chồng mưa”. Trung tướng Nguyễn Doãn Anh cho biết: “Đây là những vị trí ổn định hơn 20 năm không xảy ra sạt lở. Tuy nhiên do bão lũ liên tục, mưa lớn cả về lượng, cường độ và thời gian, vượt mức cảnh báo và dự báo, đất đồi bị ngấm nước, tích nước dài ngày dẫn đến sạt lở gây lũ ống, lũ quét tàn phá một cách khủng khiếp”.

Tuy nhiên, PGS, TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, nguyên nhân mấu chốt gây ra trượt lở rộng khắp, tập trung trong thời gian rất ngắn ở khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở.

Nhà làm việc của chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Khánh Hòa

Nhà làm việc của chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Khánh Hòa

Ngoài nguyên nhân kích hoạt chính kể trên thì khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dày, giàu vật chất sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều về chất. Các hoạt động dân sinh cả theo quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc..., cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.

 Tuyến đường tiếp cận Nhà máy Thủy điện Rào Trăng bị sạt lở. Ảnh: qdnd.vn.

Tuyến đường tiếp cận Nhà máy Thủy điện Rào Trăng bị sạt lở. Ảnh: qdnd.vn.

GS, TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, rừng bị phá tàn khốc, thảm thực vật bị mất đi, nên lũ về miền Trung mới lớn như vậy, liên tiếp gây ra sạt lở nghiêm trọng. Nếu có thảm thực vật, nước mới ngấm xuống đất, mỗi héc-ta rừng có thể thu được 4 mét khối nước. Mưa xuống, nước sẽ chia làm mấy nhánh, một là sẽ ngấm xuống đất, vướng trên lá rồi bốc hơi, còn lại thì sẽ chảy thành lũ. Mất rừng, chẳng còn gì cả, đất không thấm nước, lá cũng không còn, lũ sẽ mạnh.

“Thiên tai” và “nhân tai”

Thời gian vừa qua, khi miền Trung phải oằn mình chống chọi với thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, gây hậu quả lớn về trước mắt và lâu dài, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phân tích, những bất thường về lũ lụt thời gian qua bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, còn có nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên giảm sút nghiêm trọng. Nhìn lại đợt lũ lụt ở miền Trung vừa qua càng thấy thấm thía cái giá phải trả cho tình trạng mất rừng. Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng ở các quy mô khác nhau; cùng với nhu cầu mưu sinh của người dân và phát triển cơ sở hạ tầng, hàng chục nghìn héc-ta rừng đầu nguồn đã biến mất.

Đường Đập Đá (TP Huế) chìm trong nước lũ. Ảnh: qdnd.vn

Đường Đập Đá (TP Huế) chìm trong nước lũ. Ảnh: qdnd.vn

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, mặc dù chỉ tiêu về độ che phủ rừng hằng năm đều tăng nhưng điều này không nói lên được điều gì khi vai trò giữ đất, giữ nước, phòng, chống thiên tai khi diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày càng giảm. Phần lớn các vùng có lũ dữ, sạt lở đất ngoài yếu tố về địa chất, phần lớn xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, diện tích rừng tự nhiên thấp. Mất rừng, mất đất, tất yếu mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn, là nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở đất cao hơn, lũ đai nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn. “Thủy điện không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng là tác nhân khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn, sẽ là quá muộn nếu Chính phủ không kiên quyết chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng rừng hiện nay, đặc biệt chất lượng rừng, khả năng thực tế về độ che phủ; tình hình thực hiện các dự án thủy điện nhỏ, nhất là ở khu vực miền Trung, Tây nguyên để có giải pháp căn cơ và lâu dài đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, các hoạt động dân sinh như phá rừng, mở đường, xây dựng công trình... đã thúc đẩy quá trình tai biến địa chất. Để làm đường, làm công trình thì phải bạt núi, xẻ taluy dẫn tới mất chân và mất ổn định sườn dốc, tạo độ dốc cao hơn, mất thảm thực vật dẫn tới nguy cơ sạt lở. Thực địa cho thấy các điểm sạt lở tập trung ở sườn núi, nơi dân cư sinh sống hoặc dọc các tuyến đường, các công trình nhân tạo.

 Các hoạt động dân sinh như phá rừng cũng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất. Ảnh: qdnd.vn

Các hoạt động dân sinh như phá rừng cũng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất. Ảnh: qdnd.vn

Mất rừng tự nhiên cũng là nguyên nhân dẫn tới sạt lở. Nhiều nơi tỉ lệ che phủ của rừng lên tới 70-80%, nhưng là rừng tái sinh hoặc rừng trồng. Khả năng giữ nước của rừng tái sinh rất hạn chế so với rừng tự nhiên. Rừng trồng đa phần là keo, sau một vài năm thu hoạch trồng cây lại mới khiến liên kết đất yếu, hệ thống rễ cây trồng không phát triển để giữ lại nước.

Trong diện tích khu vực trượt lở ở thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có sự phân bố của đứt gãy chạy theo phương Đông Bắc - Tây Nam và gần nút giao với đứt gãy Tây Bắc - Đông Nam. Các khe nứt này đã làm cho đá của khu vực bị cà nát, đập vỡ khiến kết cấu của đất yếu, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình phong hóa phát triển sâu 20 đến 30m. Vỏ phong hóa này giàu khoáng sét khi gặp nước sẽ nhanh chóng bị chảy nhão tạo thành lũ quét, sạt lở.

 Quang cảnh vụ sạt lở tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4). Ảnh: qdnd.vn.

Quang cảnh vụ sạt lở tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4). Ảnh: qdnd.vn.

Có thể nói địa chất khu vực từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Nam là vùng địa hình dốc, đất yếu. Mưa lớn thì nguy cơ trượt đất, sạt lở rất cao. Bình thường đã thế, việc mất rừng, các dự án thủy điện, cùng với đó là việc san đất, xẻ núi, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng... lại càng tác động đến kết cấu địa hình khiến nguy cơ càng lớn hơn. Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lớn bất thường, nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá là điều không tránh khỏi.

“Lỗ hổng” nhận thức và dự báo

Phải khẳng định là có! Các vụ sạt lở đất đá vừa qua đều đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. Trở lại sự cố sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3, TS Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, năm 2019, đơn vị đã tiến hành điều tra với tỷ lệ 1:50.000 và đã có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại đây. Tháng 6-2020, chúng tôi đã chuyển giao Đề án này cho Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, họ đã sử dụng như thế nào thì chúng tôi không rõ.

“Có 40 điểm trượt xảy ra trên vách, sườn taluy nhân tạo, 2 điểm trượt xảy ra trên sườn dốc tự nhiên; 12 điểm trượt xảy ra trong khu vực rừng tự nhiên, 30 điểm trượt xảy ra trong khu vực rừng trồng”, ông Hòa cho biết thêm. Riêng tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, đề án nghiên cứu cũng chỉ rõ yếu tố nguy hiểm về địa hình như: Hai bên bờ sông dốc và hẹp; mặt cắt thung lũng dạng chữ V là những yếu tố nguy cơ cao xảy ra trượt lở, đã được cảnh báo.

 Một vụ sạt lở taluy đường tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: qdnd.vn.

Một vụ sạt lở taluy đường tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: qdnd.vn.

Trong khi đó, GS, TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đánh giá, tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung có thể được cảnh báo trước.

Theo GS, TS Vũ Trọng Hồng, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã từng lập bản đồ sạt lở ở Rào Trăng 3. Các nhà khoa học đã nói, nhưng không ai nghe, không được ủng hộ. Sạt lở đất đã được cảnh báo rồi, Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản đã có báo cáo từ năm 2019, đến tháng 6-2020 đưa ra bản đồ sạt lở, nhưng tỉnh Thừa Thiên - Huế không triển khai. Từ dự báo cảnh báo của các chuyên gia, thì chúng ta phải đặt ra vấn đề chỗ nào sạt lở và bao giờ sạt lở để phòng tránh từ trước.

Lực lượng chức năng cùng máy móc, phương tiện tại hiện trường vụ sạt lở ở khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: qdnd.vn.

Lực lượng chức năng cùng máy móc, phương tiện tại hiện trường vụ sạt lở ở khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: qdnd.vn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị, Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai, phải có trách nhiệm, phải vào cuộc ngay từ đầu mùa lũ. Hơn nữa, năng lực dự báo về thủy văn còn yếu, cần phải được đầu tư để phòng chống, dự báo thật tốt trước thiên tai, chứ không chỉ nặng về cứu hộ cứu nạn như hiện nay.

Năm 2013, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã từng có mặt chứng kiến và phản ánh về vụ lũ quét kinh hoàng ở Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Bài báo đã đặt vấn đề, sớm cảnh báo về sự lơ là, chủ quan của các cấp ủy, chính quyền địa phương và cần phải rà soát lại công tác dự báo thiên tai cho người dân.

Tuy nhiên, sau 7 năm, công tác dự báo về sạt lở đất, lũ lụt của bài báo vẫn còn nguyên giá trị. Điều này cần thiết phải được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ để quy trách nhiệm, thành bài học cho các địa phương, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế; đồng thời cũng là bài học trong việc tuân thủ cảnh báo thiên tai để không xảy ra những thiệt hại có thể phòng tránh được.

Trên thực tế, hình thái thiên tai sạt lở đất ngày càng diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở Trạm kiểm lâm 67 ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế khiến 13 người trong Đoàn tìm kiếm, cứu nạn sự cố sạt lở đất Rào Trăng 3) hay sự cố sạt lở đất ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Hướng Hóa, Quảng Trị vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ) đều không nằm trong những điểm cảnh báo nguy cơ sạt trượt. Đây đều là nơi đã được khảo sát kỹ về địa chất để xây dựng trụ sở ổn định từ hàng chục năm nay, nhưng sạt lở vẫn xảy ra.

Mưa bão đã làm sạt lở núi làm 11 người dân mất tích tại thôn 3 và 2 cán bộ tại thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Ảnh: qdnd.vn

Mưa bão đã làm sạt lở núi làm 11 người dân mất tích tại thôn 3 và 2 cán bộ tại thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Ảnh: qdnd.vn

Điều này cho thấy, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” là cấp thiết; nhưng để có cảnh báo đúng thì phải điều chỉnh, bổ sung. Bên cạnh việc mới chỉ có 15/37 tỉnh, thành phố có bản đồ phân vùng cảnh báo thì với tỷ lệ bản đồ 1/20.000 là rất hạn chế.

PGS, TS Trần Tân Văn cho biết, trên các bản đồ này khoanh định các diện tích có hiện trạng và nguy cơ trượt lở theo các cấp độ rất cao, cao, trung bình và thấp; phân loại các vị trí trượt lở theo quy mô rất lớn, lớn, trung bình và nhỏ, và theo các kiểu trượt như trượt xoay, trượt nêm, trượt phẳng, trượt hỗn hợp và trượt dạng dòng...

Ngoài ra, đề án còn tiến hành điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở ở tỷ lệ 1:10.000 cho 200 xã trọng điểm có nguy cơ trượt lở cao, đến nay đã thực hiện được 64 xã. Các kết quả điều tra, đánh giá của Đề án đã và đang được chuyển giao cho các địa phương và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Cũng theo kế hoạch, đề án sẽ còn phải triển khai thực hiện một số hạng mục khác, như lập bản đồ độ nguy hiểm trượt lở, thiết lập thí điểm một số trạm quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm trượt lở...

PGS, TS Trần Tân Văn khẳng định, từ các bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo trượt lở, trong ngắn hạn, chúng ta có thể biết trước được ở cấp huyện, xã những diện tích có nguy cơ trượt lở cao hay những diện tích tương đối an toàn hơn mỗi khi mưa bão lớn, kéo dài, để trên cơ sở đó địa phương có thể thực hiện diễn tập hoặc sơ tán, di dời, thậm chí cứu hộ, cứu nạn khi trượt lở xảy ra.

Còn trong dài hạn, bản đồ được tích hợp để điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, tránh các hoạt động phát triển ở những khu vực có nguy cơ cao.

 Huy động các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: qdnd.vn

Huy động các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: qdnd.vn

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30-10, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận rằng: “Hiện nay chúng ta đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhưng tỉ lệ không cao, khoảng 1/20.000 hoặc 1/50.000 nên trong bản đồ này xã chỉ là một chấm nhỏ, vấn đề làm sao là phải đưa ra tỉ lệ 1/500. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các chuyên gia để chuyển tỉ lệ này về 1/500 thì khi đó chúng ta mới quản lý được”.

Nhưng trong khi chờ có bản đồ phân vùng cảnh báo thiên tai, làm thế nào để phòng chống sạt lở đất, lũ quét? Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, không có giải pháp công trình nhà ở nào có thể chịu được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Giải pháp phòng, chống hiệu quả nhất vẫn là lựa chọn địa điểm tránh sạt lở đất, xây dựng mới để tái định cư cho bà con.

Vấn đề mà ông Hùng đề cập trên thực tế là giải pháp đã được thực hiện có hiệu quả cao ở một số điểm có nguy cơ sạt lở đất cao. Trong đó, điểm tái định cư bản Sa Ná (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng mới sau thảm họa sạt lở đất năm 2019 là một điển hình. Nhưng cùng với giải pháp tái định cư phù hợp thì để giảm thiểu thiệt hại so sạt lở đất cần có những cơ chế, chính sách đồng bộ khác.

Theo ông Yasuhiro Tanka, cố vấn Quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản, hiện là cố vấn Quản lý rủi ro thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Nhật Bản đang có 3 ý tưởng để ứng phó sạt lở đất. Đầu tiên, Nhật Bản quan tâm đến vấn đề sử dụng đất, tùy từng vùng đất để xem lượng mưa ở khu vực đó ra sao. Sau đó, các khu vực được chia và đánh dấu thành các vùng “xanh” là vùng an toàn; vùng “đỏ” là vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và vùng “vàng” là vùng cận nguy hiểm.

Cũng theo ông Yasuhiro Tanka, để nhận biết và phát hiện các trận sạt lở đất, Nhật Bản cũng triển khai hệ thống cảnh báo sớm. Hệ thống này sẽ đưa ra cảnh báo về sạt lở đất cho người dân trong một bán kính nhất định. Khi có nguy cơ sạt lở đất xảy ra, người dân trong các phạm vi này sẽ được thông báo đi sơ tán.

Bên cạnh đó, ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, Nhật Bản cũng triển khai xây dựng các công trình để ngăn chặn sạt lở đất đá, lũ bùn, lũ đá… nhằm giảm thiểu sự tác động trực tiếp vào các khu dân cư.

Trong khi đó, GS, TS Vũ Trọng Hồng chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia Nga là khi hòn đá lăn thì chắc chắn sạt, phải hô mọi người chạy ngay. Hoặc khi con chim nó đang đậu ăn mà bay vụt đi, là đất sẽ rung chuyển. Đó là kinh nghiệm, không có sách nào viết, cán bộ của chúng ta buộc phải trau dồi kinh nghiệm đó. Dự báo được khi nào và chỗ nào sạt lở là 2 câu hỏi khó nhất. Dự báo về sạt lở đất không những đòi hỏi phải nghiên cứu về khoa học mà còn đòi hỏi cả kinh nghiệm.

Xã Phước Lộc, Phước Thành bị sạt lở cô lập có gần 3.000 người dân. Ảnh: qdnd.vn.

Xã Phước Lộc, Phước Thành bị sạt lở cô lập có gần 3.000 người dân. Ảnh: qdnd.vn.

Cũng theo GS, TS Vũ Trọng Hồng, các dấu hiệu cơ bản để nhận diện khu vực có khả năng sạt trượt như sau: Thứ nhất, nếu rừng cây nghiêng, thì đã có sự thay đổi bên trong. Thứ 2 là nhìn khe nứt, nếu khe mới thì đất đã có dịch chuyển. Thứ 3 là có nước rỉ ra tức là đất trong đó đã bão hòa nước... “Nếu thấy những đặc điểm đó, chúng ta cắm biển cấm, ngăn chặn từ đầu thì sẽ không có thiệt hại về người. Không đi kiểm tra, không nắm trước tình hình nên mới xảy ra hậu quả như vậy”, GS, TS Vũ Trọng Hồng cho hay.

Có ý kiến cho rằng, xả lũ của thủy điện là nguyên nhân gây lũ chồng lũ, làm gia tăng ngập lụt. Tuy nhiên, các phân tích khoa học cho thấy, các đập thủy điện có thể giúp giảm nhẹ lũ lụt. Mức độ giảm nhẹ lũ lụt của từng hồ tùy thuộc vào dung tích hồ và quá trình vận hành. Tất nhiên các hồ chứa chỉ có khả năng giảm lũ, lụt nhưng không có khả năng loại trừ hoàn toàn lũ, lụt. Nếu mưa lớn, hồ chứa không đủ sức điều tiết thì lũ lụt vẫn xảy ra. Các đập thủy điện có thể gây tác động đến môi trường, tuy nhiên, không làm tăng rủi ro lũ lụt.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-nguyen-nhan-hiem-hoa-ca-thien-tai-va-nhan-tai-643080