Bài 2: Nhận diện vi phạm và giải pháp

Xu thế phát triển của thương mại điện tử là tất yếu. Tuy nhiên, sau tiện lợi là không ít những phát sinh từ thực tiễn mà Đội Quản lý thị trường số 1 TP Hà Nội đã đúc rút, tìm cách xử lý nhằm góp phần lành mạnh hóa giao dịch, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Bài 1: Xây dựng Đề án từ kinh nghiệm thực tiễn

Phương thức, thủ đoạn mới

Từ thực tế kiểm tra, giám sát thị trường và xử lý các vi phạm của Đội số 1 cho thấy, các đối tượng thường sử dụng địa điểm kinh doanh là các chung cư, tòa nhà có hệ thống an ninh cao, ra vào hoặc lên các tầng cần phải có thẻ từ riêng để hoạt động kinh doanh, gây khó khăn cho việc tiếp cận, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thiết lập, sử dụng các website có tên miền quốc tế, máy chủ hosting đặt tại nước ngoài; các thông tin đăng tải trên website về chủ sở hữu như tên, địa chỉ là giả hoặc không chính xác, không xác định được đối tượng trong quá trình thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và tổ chức kiểm tra.

Đội Quản lý thị trường số 1 TP Hà Nội kiểm tra, giám sát hàng hóa

Đội Quản lý thị trường số 1 TP Hà Nội kiểm tra, giám sát hàng hóa

Thêm hình thức tinh vi khác của đối tượng là địa điểm kinh doanh, tổ chức các buổi livestream để giới thiệu và bán hàng không gắn liền với kho hàng. Các kho hàng được đặt ở bất kỳ đâu có giá thuê rẻ, chỉ mở cửa kho khi giao nhận hàng hóa (một ngày chỉ 1 đến 2 lần) không ấn định về thời gian. Nhân viên đến làm việc tại kho chủ yếu là đóng hàng theo đơn được chuyển đến thông qua thiết bị di động. Hàng ngày không mở cửa hoạt động kinh doanh như các cửa hàng kinh doanh truyền thống. Thông tin về hàng hóa vi phạm được đăng trực tiếp thông qua các livestream trên các tài khoản xã hội sẽ bị xóa bỏ sau khi kết thúc buổi livestream, gây khó khăn cho việc thu thập thông tin. Hơn nữa, hàng hóa được đăng tải thông tin trên trên các ứng dụng Internet là hàng chính hãng nhưng khi giao thực tế đến người tiêu dùng là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Với các thủ đoạn tinh vi đó, đã gây cho lực lượng chức năng nhiều khó khăn, vướng mắc để kiểm tra và phát hiện vi phạm. Đối với các đối tượng sử dụng địa điểm kinh doanh tại các chung cư, tòa nhà không có chức năng kinh doanh thì việc kiểm tra xử lý vi phạm phải thực hiện theo hình thức khám nơi ở, nơi cất giấu tang vật. Tuy nhiên, lực lượng Quản lý thị trường lại không có thẩm quyền được ban hành lệnh khám nơi ở vì vậy gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, Thông tư 27/2020/TT-BCT ngày 30.9.2020 của Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 20/2021/TT-BCT ngày 10.12.2021 của Bộ Công Thương mới chỉ hướng dẫn hoạt động kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa offline, kinh doanh hàng hóa truyền thống, chưa có hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động kiểm tra xử lý hoạt động kinh doanh trên môi trường Internet, gây khó khăn cho lực lượng.

Hơn nữa, hoạt động thương mại điện tử dựa trên hạ tầng công nghệ, việc phát hiện hành vi vi phạm, lập vi bằng làm căn cứ xử lý để tổ chức thực hiện nhưng thực tế khi tiến hành kiểm tra xử lý đối tượng đóng website, ứng dụng di động và không thừa nhận, chống đối. Nhiều trường hợp không thể tiến hành xử lý được theo quy định. Lực lượng Quản lý thị trường cũng chưa có hướng dẫn việc chuyển hóa, củng cố và xây dựng tài liệu làm căn cứ chứng minh hành vi vi phạm đối với hoạt động thương mại điện tử.

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Để hoàn thiện hơn trong hành lang pháp lý, không còn trở ngại và rào cản trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Lực lượng Quản lý thị trường rất cần các cơ quan chức năng hoàn thiện các hành lang pháp lý có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kiểm tra xử lý đối với hành vi kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử làm căn cứ để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Cần có những hướng dẫn cụ thể cho lực lượng Quản lý thị trường trong củng cố tài liệu, chứng cứ vi vi phạm; trong kiểm tra xử lý hoạt động thương mại điện tử.

Đội Quản lý thị trường số 1 TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, giám sát hàng hóa

Đội Quản lý thị trường số 1 TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, giám sát hàng hóa

Cần có chế tài xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử như tước giấy phép hoạt động, giấy phép quảng cáo, các biện pháp hạn chế đối với các cá nhân tổ chức vi phạm nhiều lần, có tình tiết tăng nặng, hành vi vi phạm có quy mô lớn, trị giá hàng hóa vi phạm cao.

Hoạt động kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử là công việc được hình thành dựa trên quy luật phát triển của thị trường. Đây là một hoạt động mới, đòi hỏi lực lượng cán bộ, công chức thực hiện phải là người có trình độ, kinh nghiệm trong quá trình xử lý. Trong công tác tổ chức cũng cần phải có sự ổn định cao về nhân sự, đặc biệt là các cán bộ chuyên trách trên địa bàn TP Hà Nội.

Đối với hoạt động thương mại điện tử, quá trình kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng kiểm tra chống đối, không thừa nhận các hành vi vi phạm hoặc sử dụng công nghệ đánh sập website hoặc đóng các tài khoản trên các mạng xã hội nhằm trốn tránh việc kiểm tra. Trong trường hợp này, cần nghiên cứu để giao nhiệm vụ cho 1 đơn vụ cụ thể có đủ chức năng và nhiệm vụ là đơn vị xác định các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh trong quá trình hoạt động trước hoặc trong quá trình kiểm tra làm căn cứ để xử lý vi phạm.

Thực tế hiện nay, các sàn thương mại điện tử có trụ sở ở các tỉnh thành khác, chủ yếu là TP Hồ Chí Minh, việc phối hợp kiểm tra, xử lý trong các trường hợp khẩn cấp cần phải triển khai nhanh sẽ khó thực hiện. Trong trường hợp này, cần xây dựng kênh thông tin trực tiếp từ đơn vị quản lý sàn thương mại điện tử đến các cơ quan kiểm tra, kiểm soát thị trường để cung cấp ngay các thông tin cần thiết, đầy đủ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Cần có chế tài yêu cầu các sàn thương mại điện tử có quy định cụ thể và thực hiện đúng theo quy định đối với các tài khoản đăng ký trên sàn có hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử; khóa vĩnh viễn các tài khoản có hành vi cố ý vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần, tái phạm. Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông qua sàn thương mại điện tử phải công bố đầy đủ, trung thực các thông tin về tên, địa chỉ của cơ sở kinh doanh và gắn trách nhiệm kiểm tra, xác thực các thông tin này với đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử.

Đức Huy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/bai-2-nhan-dien-vi-pham-va-giai-phap-i312860/