Bài 2: Nhờ có Đảng soi đường, chỉ lối
ĐBP - Để không lặp lại những vụ việc tương tự, ngay sau khi sự việc xảy ra, Đảng bộ, chính quyền Tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Mường Nhé nói riêng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tập trung xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; đây được xem là giải pháp có vai trò quan trọng. Nhờ đó, những người trước đây từng tham gia vụ việc hồi tháng 5/2011 ở Huổi Khon, thì nay đã thay đổi, nhận ra sai lầm,, tập trung làm ăn, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu.Bài 1: Từ chỗ tối đến nơi sáng
Những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Nậm Kè thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong việc từ bỏ tà đạo, theo đạo chính thống.
Dân vận đi trước một bước
Không phải ngẫu nhiên mà một thời gian dài, các hoạt động tà đạo ở bản Huổi Khon nói riêng và huyện Mường Nhé nói chung lại diễn ra phức tạp, gây mất an ninh, trật tự địa bàn. Ngoài lý do đời sống dân bản khó khăn, trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế, thì kinh nghiệm của một bộ phận cán bộ làm công tác tôn giáo khi giải quyết các sự vụ, sự việc còn gặp lúng túng, hiệu quả chưa cao; công tác nắm tình hình có lúc, có nơi chưa sâu, chưa kịp thời, nhất là công tác quản lý đối tượng hoạt động tuyên truyền lập “nhà nước Mông”.
Xác định để an dân, ngoài việc thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân thì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là một trong những nhân tố quyết định của sự thành công. Chính vì vậy, sau khi sự việc xảy ra, hàng trăm lượt cán bộ, đảng viên các sở, ban, ngành tỉnh và huyện về nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; qua đó tuyên truyền giải thích chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. Với phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để tuyên truyền cho dân bản bằng nhiều thứ tiếng của dân tộc, cán bộ kiên trì thuyết phục, người dân dần hiểu ra âm mưu,thủ đoạn của các đối tượng xấu. Đến nay, tình hình truyền đạo trái phép ở Huổi Khon hầu như không còn, cuộc sống người dân dần ổn định.
Để làm được công việc này thì phải hiểu dân, tìm những vướng mắc trong đời sống, tâm tư, tình cảm của họ để từng bước giải tỏa tâm lý, bảo đảm hoạt động bình thường theo pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. Nhiều người sau một thời gian được vận động đã nhận ra hoạt động sai trái của mình, tự điều chỉnh hành vi và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thiếu tá Hoàng Trọng Thảo, Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Kè cho biết: Trong bản có 2 điểm nhóm đạo Tin Lành. Khi tà đạo lan truyền, tổ công tác vận động quần chúng của đơn vị thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật; đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tuyên truyền, vận động xóa bỏ tà đạo. Nhằm tuyên truyền cho bà con hiểu về tôn giáo chính thống, chúng tôi thường xuyên đến gặp gỡ các đối tượng theo tà đạo để vận động chuyển sang theo đạo chính thống. Với phương châm “mưa dầm, thấm lâu” và bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng Mông với đồng bào, tổ công tác cùng chính quyền địa phương vào cuộc ngày đêm; nhờ vậy, nhiều hộ đã tỉnh ngộ và ký cam kết từ bỏ tà đạo.
Mặt khác, huyện Mường Nhé đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều kế hoạch về công tác quản lý hoạt động tôn giáo; đồng thời chỉ đạo, huy động các ngành, các lực lượng cùng tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo, từng bước đưa hoạt động tôn giáo vào quản lý theo quy định của pháp luật. Đến nay, tất cả các hộ dân ở 2 bản Huổi Khon đều ký cam kết từ bỏ tà đạo. Theo thống kê, cả 2 bản Huổi Khon 1 và Huổi Khon 2 có 20 hộ được tuyên truyền bỏ tà đạo sang đạo chính thống. Lật cuốn sổ làm việc, Thiếu tá Hoàng Trọng Thảo vui mừng cho chúng tôi xem lá đơn còn chưa ráo mực của công dân Sùng A Thanh, bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè tình nguyện ra khỏi tà đạo “Bà cô Dợ”. Hay trước đó, 10 gia đình khác gồm 62 khẩu đã tự nguyện ký vào bản cam kết từ bỏ tà đạo; xã đã cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo cho 8/14 điểm nhóm. Để làm được điều này là nhờ cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho dân bản.
Một trong những nguyên nhân để xảy ra vụ việc hồi tháng 5/2011 được xác định là do hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở còn yếu kém. Vì vậy, cùng với công tác tuyên truyền, vận động thì một giải pháp căn cơ, lâu dài được địa phương thực hiện là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở của bản, xã; bởi đây chính là lực lượng gần dân, sát dân nhất. Trong đó, huyện tập trung xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng hoạt động chi bộ. Với những giải pháp thiết thực đến nay, 2 bản Huổi Khon 1 và Huổi Khon 2 đã thành lập được 1 chi bộ, trong đó có 2 đảng viên ở bản. Đồng thời, xã Nậm Kè đã cử một số đảng viên là cán bộ địa chính, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã và 1 cán bộ biên phòng sinh hoạt Đảng tại chi bộ này.
Anh Thào A Gia, Trưởng bản Huổi Khon 2 hiến đất cho bản xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Trần Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè, cho biết: Qua công tác phát triển Đảng đã làm cho vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ đảng viên là người dân tộc thiểu số am hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc mình sẽ đảm nhiệm vai trò tiên phong gương mẫu đi đầu và trở thành hạt nhân chính trị, là nòng cốt trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thông mới ở địa phương, cơ sở.
Chuyển biến về nhận thức
10 năm trước đây, khi kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền lừa bịp, một số người dân trong bản nhẹ dạ cả tin đã nghe và tin theo chúng; thậm chí, nhiều gia đình bỏ cả lao động sản xuất, bán tống bán tháo tài sản, tích trữ lương thực, thực phẩm... Tuy nhiên, nhờ cán bộ bám dân, bám bản tuyên truyền, đến nay hầu hết người dân ở địa bàn heo hút này đã nhận thức được sai lầm, quay về với phong tục tập quán của dân tộc. Như trường hợp A Sì (Giàng A Sì, thành viên trong nhóm cầm đầu vụ việc năm 2011 bị Tòa án Nhân dân tỉnh kết án 30 tháng tù giam về tội tuyên truyền chống Nhà nước - PV) chấp hành xong án tù về địa phương nay đã chăm chỉ làm ăn, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, đồng thời tích cực tham gia công việc chung của bản. Anh Giàng A Sì, cho biết: Trước đây vì nghe lời kẻ xấu xúi giục nên mình đã tin theo và bán hết đồ đạc, tài sản trong gia đình để hy vọng có cuộc sống sung sướng. Nhưng thực tế, nắng nôi, mưa gió, cuộc sống sung sướng theo như lời dụ dỗ thì chẳng thấy đâu, vào nơi tụ tập thì cơm ăn không đủ no, nước không đủ uống. Sau khi sự việc xảy ra, nhờ Đảng, Nhà nước, cán bộ tuyên truyền, giải thích nên mình đã hiểu và không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu. Giờ mình nghe, tin theo Đảng, Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, gia đình mình được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản; con trai thì được Bộ Công an hỗ trợ làm nhà. Cùng với đó, hiện nay gia đình mình canh tác hơn 2ha nương lúa, mỗi năm thu hoạch khoảng 100 bao thóc. Cuộc sống gia đình ngày càng ổn định và có của ăn của để hơn trước đây.
Hay trường hợp anh Vàng A Sình (sinh năm 1988), bản Huổi Khon 2. Không còn e dè, mặc cảm, anh Vàng A Sình thấy mình thật may mắn vì sớm nhận ra bộ mặt thật của kẻ xấu. Sình tâm sự rất cởi mở: “Năm 2017, gia đình tôi và khoảng 20 hộ dân được nhóm người lạ tuyên truyền rằng nhà nào không có tiền để làm nhà, mua trâu, bò sẽ được “Bà cô Dợ” giúp đỡ. Tôi tin là thật, nhận tiền và làm theo “Bà cô Dợ”, rủ gia đình, hàng xóm tụ tập để chuẩn bị thành lập nhà nước riêng, rồi quay phim gửi ra nước ngoài. Sau này, tôi mới biết việc làm này là xấu. Cuối năm 2018, tôi đã quay trở về với đạo cũ của mình là Tin lành Liên hữu Cơ đốc”. Đến nay, gia đình anh Vàng A Sình cũng là một trong những hộ phát triển kinh tế ổn định trong bản. Gia đình anh Sình chăn nuôi được 6 con trâu và được hỗ trợ làm nhà ở theo chương trình của Bộ Công an.
Đặc biệt, trường hợp anh Thào A Gia, trưởng bản Huổi Khon 2 là tấm gương điển hình. Trước đây, anh nghe, tin theo lời xúi giục của kẻ xấu, tham gia vụ việc tụ tập đông người. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, vận động, giải thích, anh Gia đã hiểu và quay trở lại tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân trong bản không tin theo lời của kẻ xấu. Không những vậy, anh Gia còn là tấm gương tiêu biểu của huyện Mường Nhé trong việc hiến đất làm đường, trường học. Để người dân tin và làm theo, anh Gia đã hiến gần 200m2 đất làm nhà văn hóa bản, xây dựng điểm trường mầm non. Từ những việc làm thiết thực của anh, nhiều hộ dân trong bản đã không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, mà mạnh dạn hiến đất làm đường, tập trung phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, cho biết: Có thể nói, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, từ các cấp ủy đảng, chính quyền sát cánh cùng các đơn vị quân đội, công an, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ tôn giáo và nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng. Tình hình tôn giáo trên địa bàn huyện nói chung và 2 bản Huổi Khon nói riêng dần ổn định. Các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các chức sắc và đồng bào dân tộc thiểu số có đạo được quan tâm giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật; qua đó tạo được niềm tin, sự đồng thuận cao trong nhân dân. Điều đó, thể hiện rõ nhất ở việc trước đây một số người theo tà đạo, tham gia vụ việc hồi tháng 5/2011, thì nay đã bỏ tà đạo, quay lại đạo chính thống, tập trung chí thú làm ăn, phát triển kinh tế.