Bài 2: Những cách làm hiệu quả và hạn chế cần khắc phục

Theo dõi quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 623) ngày 29-10-2012 của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) về công tác hậu cần (CTHC) quân đội trong toàn quân, chúng tôi thấy nhiều đơn vị đã lựa chọn những khâu đột phá, cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với đặc thù nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác bảo đảm hậu cần. Bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp

Tìm hiểu về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 623 tại Quân khu 1, chúng tôi được Thiếu tướng Lê Anh Tuấn, Phó tư lệnh Quân khu 1 cho biết, cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp, Đảng ủy, Bộ tư lệnh (BTL) Quân khu 1 đã tập trung đột phá vào nhiệm vụ xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ (KVPT). Đảng ủy Quân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương các cấp làm tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch, xây dựng thế trận hậu cần trong KVPT; huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng, kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng tiềm lực hậu cần KVPT và hậu cần nhân dân; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng của địa phương thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) gắn với củng cố quốc phòng, an ninh (QP, AN). Đến nay, các tỉnh trong quân khu đã đầu tư hơn 315 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình hậu cần trong những khu căn cứ, góp phần xây dựng KVPT vững chắc.

 Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra hệ thống kho, bể chứa xăng, dầu dã chiến tại hội nghị tập huấn hậu cần toàn quân. Ảnh: CHIẾN VĂN

Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra hệ thống kho, bể chứa xăng, dầu dã chiến tại hội nghị tập huấn hậu cần toàn quân. Ảnh: CHIẾN VĂN

Là địa bàn có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên phải ứng phó với bão lũ nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết 623 của Quân khu 4 được vận dụng phù hợp. Theo Đại tá Nguyễn Thanh Vân, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 4, các mặt CTHC được Quân khu chỉ đạo sát với đặc điểm địa bàn để bảo đảm hiệu quả, nhất là chú trọng duy trì dự trữ vật chất hậu cần đáp ứng với các tình huống, sẵn sàng cơ động tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Cục Hậu cần tham mưu với BTL Quân khu bố trí sẵn một số vật chất hậu cần và phân công chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm hậu cần, quân y trên các hướng để luôn chủ động phục vụ bộ đội và cả nhân dân khi xảy ra bão lũ, bị chia cắt...

Tại Quân khu 7, thời gian qua, Đảng ủy, BTL Quân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chặt chẽ việc xây dựng tiềm lực hậu cần, nhất là ở các địa bàn chiến lược, thực hiện chủ trương mỗi bước phát triển KT-XH là một bước củng cố về quốc phòng. Từ năm 2012 đến nay, BTL Quân khu 7 cùng với chính quyền các địa phương xây dựng, triển khai nhiều mô hình, đề án nhằm xây dựng thế trận, huy động tiềm lực bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đạt hiệu quả rất lớn. Tiêu biểu là Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” và kế hoạch “Xây dựng điểm dân cư liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng” đã xây dựng 32 điểm/268 căn nhà liền kề chốt dân quân biên giới và 6 điểm/30 căn nhà liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng, góp phần từng bước hình thành các thôn, ấp dọc biên giới, tạo phên giậu vững chắc bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, công tác bảo đảm hậu cần, huy động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong lúc khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn trong năm 2021 rất hiệu quả.

Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 623, các đơn vị trong toàn quân đều có những giải pháp đột phá, sáng tạo, hiệu quả để bảo đảm tốt CTHC, thiết thực nâng cao đời sống bộ đội với những cách làm phù hợp với thực tiễn. Trong đó, có một số cách làm đã trở thành bài học kinh nghiệm, như: Chủ động tạo nguồn vật chất hậu cần vững chắc và chủ động đặt hàng khi có lợi thế về giá; tổ chức các khu tăng gia sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm tập trung để nâng cao năng suất, bảo đảm sự chủ động và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; nghiên cứu vận dụng các hình thức vận tải phù hợp, linh hoạt, vận chuyển hai chiều; bám sát thực tiễn để nghiên cứu, cải tiến, đặt hàng trang thiết bị, vật chất hậu cần phù hợp với hoạt động của bộ đội và đơn vị, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm nhất; huy động, tận dụng mọi nguồn lực phục vụ công tác bảo đảm hậu cần... Thượng tá Vũ Duy Thao, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) cho biết: 10 năm qua, Sư đoàn 312 đã phát huy hiệu quả các mô hình TGSX, trạm chế biến tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên năng suất, chất lượng, hiệu quả TGSX không ngừng nâng cao... Những cách làm sáng tạo, hiệu quả trên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả CTHC quân đội.

Cần khắc phục những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được hết sức to lớn trong CTHC, theo Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ở một số đơn vị, tổ chức lực lượng của ngành hậu cần còn chưa đồng bộ; một số chuyên ngành còn mất cân đối, vừa thừa, vừa thiếu, nhất là ở cấp cơ sở; trình độ, năng lực của một số cán bộ, nhân viên hậu cần còn hạn chế; việc ứng dụng khoa học, công nghệ, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong ngành hậu cần chưa thực sự sâu rộng...

Bên cạnh đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng, Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, nhu cầu cho CTHC rất lớn, trong khi nguồn ngân sách bảo đảm còn có hạn, chưa đáp ứng ngay được một số mục tiêu, chỉ tiêu đã xác định. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song, sức thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật, chuyên môn cao vào công tác trong quân đội, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, trong ngành hậu cần còn thấp. Nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị về CTHC chưa thực sự sâu sắc, toàn diện; giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 623 của một số đơn vị đề ra chưa đồng bộ, chưa sát với đặc điểm, nhiệm vụ; việc đôn đốc, kiểm tra chưa thường xuyên...

Bộ đội Kho 186 (Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần) luyện tập phương án chữa cháy nhà kho. Ảnh: CHIẾN VĂN

Bộ đội Kho 186 (Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần) luyện tập phương án chữa cháy nhà kho. Ảnh: CHIẾN VĂN

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy, vẫn còn hiện tượng một số cấp ủy, chỉ huy chưa coi trọng quán triệt và triển khai các nghị quyết, chỉ thị về CTHC, "khoán trắng" CTHC cho cơ quan, cán bộ hậu cần nên không huy động được sự vào cuộc của toàn đơn vị; một số cơ quan quân sự địa phương chưa chủ động, tích cực trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về xây dựng hậu cần KVPT, tổ chức công tác hậu cần trong KVPT hiệu quả chưa cao. Ở một số đơn vị, hiệu quả công tác tăng gia sản xuất còn hạn chế, thậm chí nặng về hình thức, "chạy" theo phong trào. Vẫn còn đơn vị chưa thực hiện nghiêm tổng quy hoạch mặt bằng doanh trại, chất lượng xây dựng công trình doanh trại chưa cao; chưa thực hiện nghiêm hạn mức sử dụng xăng dầu. Kết quả công tác thực hành tiết kiệm trong các mặt CTHC ở một số đơn vị còn hạn chế, vẫn để xảy ra tình trạng sử dụng lãng phí điện, nước sinh hoạt. Ở cấp cơ sở vẫn có không ít cán bộ, nhân viên hậu cần chưa tích cực tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ và chưa tích cực, chủ động trong tham mưu, đề xuất triển khai những giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng CTHC của đơn vị... Những hạn chế này cần sớm được lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan hậu cần các cấp quan tâm, chỉ đạo khắc phục.

(còn nữa)

VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-nhung-cach-lam-hieu-qua-va-han-che-can-khac-phuc-711041