Bài 2: Những chỉ dấu của thiên nhiên

Vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra vào ngày 28/10/2020. Phần lớn những ống kính đều zoom cận cảnh vào thôn 1, là điểm đổ nát, chôn vùi trong dòng thác bùn giống như nham thạch. Sau 3 năm, báo chí, các nhà địa chất và người dân nói về 3 nguyên nhân khác nhau. Nhưng dòng sông củi là vấn đề cần lưu tâm nhất.

Đi bộ trên mặt sông

Sáng 30/10/2020, trên dòng sông Leng, khu vực gần đầu cầu cũ dẫn vào xã Trà Leng hiện ra khung cảnh lạ mắt. Một vài người dân thử đi trên mặt sông Leng rộng lớn. Thoạt đầu, những bước chân có phần chới với, nhưng rồi sau đó người ra bắt đầu đi lại thoải mái. Ở khu vực này, có nơi mặt sông rộng hơn 200 mét. Địa thế của con sông nằm kẹp giữa 2 dãy núi nên mực nước sông sâu, nước chảy xiết vào mùa mưa.

Thấp thoáng bên sông có tiếng quạ kêu, người ta nói có xác chết thì quạ bu tới và nhún nhảy trên những tán rừng bên cạnh. Chị Nguyễn Thị Hiền, người dân tộc Ca Dong nhìn ra sông, nghe tiếng quạ và co rúm người. Nhiều người ở đầu làng vội vào nhà đóng cửa "vì sợ con ma nó theo, nó quấy phá”. Những người ở đầu thôn nói rằng, chưa bao giờ thấy cảnh người có thể đi được trên mặt sông. Mặt nước sông chuyển sang màu vàng rộm vì phủ đầy các loại cây và bằng mắt thường có thể đoán định, cây trôi nổi nhiều nhất là keo lai.

Nghe nói tôi từ ngoài sông Leng mới vô xóm, vài người dân lúc đầu còn ái ngại và cho biết: ngày hôm qua sạt lở ở xóm 1, nhiều người chết, hồn ma và xác sẽ trôi xuống tận ngã ba sông này, nếu không tìm được xác thì sau này sẽ khó sống vì bị quấy phá. Những người mê tín thì nói rằng, mấy năm trước đây, nếu như vậy thì phải nhảy qua đống lửa để xua đuổi tà khí, sau đó mới được vô trong nhà. Bây giờ cuộc sống mới nên đỡ mê tín, đỡ sợ, nhưng vẫn lo lắng.

Một người dân vượt qua suối Vả vào xã Trà Leng, mỗi khi nước đục ngàu là dấu hiệu núi lở. Ảnh: Văn Chương

Một người dân vượt qua suối Vả vào xã Trà Leng, mỗi khi nước đục ngàu là dấu hiệu núi lở. Ảnh: Văn Chương

Vụ sạt lở ở thôn 1 xã Trà Leng xảy ra vào trưa 28/10/2020. Sau thảm họa, trên một khu đất hẹp nằm cạnh dốc núi, hàng trăm người lính, công an, dân quân, xe cơ giới có mặt cả ngày lẫn đêm để tìm kiếm 9 người chết và 13 người mất tích. Nhưng vào giờ phút đó, cách thôn 1 khoảng 3km, khu vực ngã 3 sông Leng lại diễn ra cảnh dòng sông bị "đóng băng" vì củi và nhánh cây gỗ chất đầy mặt sông.

Sông củi là hình ảnh chưa bao giờ xảy ra ở vùng cao này. Vài ngày sau, 3 ca nô của Bộ đội biên phòng cùng một số thuyền máy của người dân được huy động để mở rộng tìm kiếm người mất tích trên sông Leng. Buổi sáng bắt đầu xuất phát từ đầu cầu và ca nô chỉ phóng nhanh được một đoạn, sau đó tất cả bị mắc cạn giữa dòng sông củi, ca nô và thuyền máy dường như chỉ đi được khoảng 1 km/giờ. Có hôm, toàn bộ thuyền và ca nô bị kẹt giữa dòng sông củi. Mọi người phải mang cơm ra san sẻ, chia chung, vì ghe chở cơm trưa không thể xuyên qua mặt sông để đến tiếp tế. Những người đồng bào ở địa phương cho biết, chưa bao giờ có cảnh sông Leng bị đóng băng. Những người già thì nhận định, sau khi bão đi qua thì mưa lớn nên rất nhiều mảng núi, cây bị lâm tặc đốn hạ sẵn, hoặc keo lai theo núi sạt và trôi về ngã 3 sông.

Ngày 12/10/2020, vụ sạt lở đất tại Trạm kiểm lâm 67 thuộc huyên Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vùi lấp 13 quân nhân và cán bộ địa phương, toàn cảnh nơi này cũng giống như dòng sông củi ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đó là từng mảng núi trồng keo lai sập xuống, tràn về con suối nhỏ, toàn bộ keo lai nằm trên đồi phía sau hiện trường đều ngã rạp.

Rừng "chảy máu"

Sau vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng, báo chí đã rà lại những vụ phá rừng ở khu vực này, vì có thể là nguyên nhân gián tiếp gây ra các vụ sạt lở đất. Trước đó 1 năm, tại địa bàn tỉnh Quảng Nam có 3 vụ phá rừng phòng hộ. Vụ phá rừng lớn nhất là ở rừng phòng hộ Đắk Mi, thuộc địa phận xã Phước Đức, huyện Phước Sơn. Tại khu vực thôn 3 xã Trà Leng cũng có một vụ phá rừng. Kiểm lâm đã phát hiện 7 cây gỗ mới bị đốn tại khoảnh 6, 7, thuộc tiểu khu 790, khối lượng gỗ khoảng 40m3. Có 3 nghi phạm là người địa phương đã tham gia phá rừng ở Trà Leng là Hồ Văn Khiến, Hồ Văn Tâm và Hồ Văn Đoàn. Các cây bị đốn hạ là gỗ chò nâu, sấu và cây chua, loại cây lâu năm.

Vụ sạt lở đã cuốn phăng nhà cửa tại xã Trà Leng, những ngôi nhà đổ sập và để lại hiện trường ngổn ngang các loại gỗ đã được cưa xẻ. Giới thạo gỗ rừng cho biết, đó là loại gỗ tốt, nếu sử dụng làm nhà thì là gỗ cao cấp, ước tính giá thành khoảng 20 triệu đồng/m3.

Tác giả ngồi trên một cây gỗ lớn giữa dòng sông Leng, phía sau lưng là 5 chiếc thuyền của lực lượng công an, dân quân đang cố chèo trên dòng sông củi. Ảnh: Văn Chương

Tác giả ngồi trên một cây gỗ lớn giữa dòng sông Leng, phía sau lưng là 5 chiếc thuyền của lực lượng công an, dân quân đang cố chèo trên dòng sông củi. Ảnh: Văn Chương

Dư luận người dân và báo chí còn đặt câu hỏi về những dự án thủy điện cũng là tác nhân gây suy giảm độ che phủ của rừng. Giai đoạn năm 2009, thủy điện Khe Diên (huyện Nông Sơn) lợi dụng việc giải phóng mặt bằng làm thủy điện đã bắt tay với lâm tặc tàn phá hàng trăm khối gỗ nhóm 1.

Gần 3 năm trôi qua, khi đọc lại báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên, kết luận về vụ sạt lở ở Trà Leng là do bề mặt đất dốc, phân cát mạnh cộng với mưa nhiều ngày (ảnh hưởng bão số 9, lượng mưa 180 mm trong 2 ngày 28 và 29/10) đã khiến đất trên sườn núi, độ dốc 45 độ lao xuống, gây ra thảm kịch. Báo cáo không nhắc tới nạn phá rừng.

Từ khóa "Trà Leng" từng nóng bỏng cách đây 3 năm, bây giờ đã nguội đi. Những ngày qua, khi xảy ra hàng loạt các vụ sạt lở, sụt lún đất ở tỉnh Đắk Nông thì cộng đồng mạng lại nhắc đến từ khóa "Trà Leng".

Như núi rùng mình

Người dân địa phương thì kể lại những câu chuyện rất lạ mà sau 3 năm vẫn không lý giải được. Cách điểm sạt lở khoảng 1km là một dòng suối nhỏ có tên là suối Vả. Nhiều người dân kể lại, trước khi xảy ra vụ sạt lở núi thì nước ở suối Vả chuyển sang đục ngàu bùn, đất. Anh Nguyễn Văn Bảy, một người dân từng nhiều lần chạm mặt với sạt núi, lũ quét chia sẻ kinh nghiệm khi xảy ra những hiện tượng lạ của thiên nhiên: "Nước suối từ trên núi nó phải trong veo, trong vắt. Nhưng mà hắn đục đục màu đất, có lẫn cây cỏ thì hãy coi chừng, núi sập tới nơi".

Thêm một câu chuyện người dân kể lại, đó là trước khi xảy ra vụ sạt lở ở thôn 1 thì cách đó vài km, nằm bên kia sông và hầu như không liên quan gì tới Trà Leng đã xảy ra hiện tượng lạ, giống như lời cảnh báo của thiên nhiên. Khu vực giáp ranh xã Trà Leng phát ra âm thanh ì ầm, tiếp đến là cây ngã và đất từ lưng núi ập xuống. Chị Nguyễn Thị Hiền, người dân tộc Ca Dong giật mình chạy ra khỏi ngôi nhà. Xóm nghèo này chỉ có vài ngôi nhà nằm biệt lập và vắng bóng đàn ông. Theo lệ thường là phải chạy thật nhanh, nhưng cái tính tò mò đã kéo bước chân chị Hiền trèo lên núi và chứng kiến cảnh một cây dầu cổ thụ đổ ngã, gác ngang qua suối.

Cách nhà chị Hiền khoảng 300 mét, anh Lê Ngọc Hà, cũng người dân tộc Ca Dong giật nảy mình vì trước nhà xuất hiện 1 dòng suối nhỏ. Suối tuôn nước ào ào và những hòn đá nhỏ lăn xuống lề đường. Nhìn cảnh tượng xảy ra trước mắt, anh đứng như chôn chân tại chỗ, vì con đường này nằm sát chân núi và cách mặt đường vài mét là vực sâu tuôn xuống sông Trà Leng. Sau này nhớ lại, anh Hà nói rằng, giống như thần núi cảnh báo cho mình hay biết sắp có tai họa.

Sau thời gian cây đổ, núi tuôn nước, tại khu vực cách nhà anh Hà và chị Hiền hơn 3km đã có một cơn địa chấn ở nóc Ông Đề, thôn 1. Một mảng núi "bửa" ra, biến thành bùn nhão, kéo theo những tảng đá lớn dồn dập tấn công ngôi làng và nuốt chửng, đè bẹp mọi thứ. Ngôi làng bị đè bẹp dưới bùn nhão, khắp nơi nghe tiếng người dân tộc Ca Dong khóc, nhắc đi nhắc lại lời thở than: "cô lan lê bây!" (người sao lại bỏ tôi ra đi)...

(Còn tiếp...)

VĂN CHƯƠNG - DUY LUÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/bai-2-nhung-chi-dau-cua-thien-nhien_152235.html