Bài 2: Những 'cột mốc sống' nơi biên cương Tổ quốc
Không quản ngại nắng mưa, định kỳ hàng tháng, hàng quý, nhiều đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh) lại cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc quốc giới. Họ được ví như những 'cột mốc sống' hàng ngày sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) canh giữ biên cương của Tổ quốc.>>> Bài 1: Hành trình lên với cột mốc quốc giới'Đồn BP Làng Mô được giao quản lý, bảo vệ 43,928km đường biên giới, 16 cột mốc quốc giới, từ số 550 đến 565. Để thực hiện nhiệm vụ, hàng quý, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải thực hiện tuần tra đến tất cả 16 cột mốc quốc giới, trong đó có những cụm cột mốc ở xa, địa bàn hiểm trở, phải mất gần cả tuần đi đường vượt suối, leo núi mới tới được', thiếu tá Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn BP Làng Mô cho biết.
Một ngày đầu tháng 7/2023, khi con gà rừng bắt đầu cất tiếng gáy te te, anh Hồ Văn Vai (bản Đá Chát) và Hồ Văn Hùng (bản Bến Đường) đã thức dậy chuẩn bị đồ đạc để đến Đồn BP Làng Mô cùng thực hiện nhiệm vụ mà đối với các anh là rất thiêng liêng.
Cách đó ít hôm, được chỉ huy Đồn BP Làng Mô mời tham gia chuyến tuần tra biên giới lên với cụm mốc quốc giới từ số 556 đến 559, cả 2 anh đã thông báo với gia đình và chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi. Bởi lẽ, đây không phải là chuyến đi tuần tra cột mốc đầu tiên của 2 anh nên khi nghe thông báo sẽ đi cụm cột mốc từ số 556 đến 559, các anh đã biết chuyến đi này sẽ kéo dài khoảng 5 ngày 4 đêm.
Vậy nhưng, đối với Hồ Văn Vai và Hồ Văn Hùng, vốn sinh ra và lớn lên nơi bản làng, cuộc sống gắn chặt với nghề rừng…, những chuyến đi rừng dài ngày cũng rất đỗi bình thường. Vậy nên, nhiều năm qua, hai anh vẫn đều đặn, thường xuyên tham gia với các cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Làng Mô trong việc tuần tra, bảo vệ cột mốc biên cương.
Anh Hồ Văn Vai chia sẻ: “Mỗi chuyến tuần tra biên giới, tự tay lau sạch cột mốc biên cương, tôi cảm thấy rất tự hào. Sau những chuyến đi, tôi thường kể với anh em, bạn bè những câu chuyện thực tế bản thân đã trải nghiệm để họ hiểu về ý nghĩa, sự thiêng liêng trong việc bảo vệ cột mốc quốc giới. Nhiều người được kể, sau đó cũng tình nguyện tham gia tuần tra biên giới cùng BĐBP để góp phần bảo vệ biên cương Tổ quốc”.
Còn Hồ Văn Hùng thì tâm sự: “Lần nào cũng vậy, đứng trước cột mốc biên cương, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào. Những chuyến tuần tra biên giới đã giúp tôi thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của chiến sĩ BP, hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân đang sinh sống nơi biên cương Tổ quốc”.
Thiếu tá Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn BP Làng Mô cho biết, không chỉ có Hồ Văn Vai và Hồ Văn Hùng, từ khi triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, rất nhiều bà con dân tộc thiểu số ở xã Trường Sơn đã hăng hái tham gia bảo vệ biên cương như những người lính BP thực thụ.
Không chỉ tham gia tuần tra đường biên, mốc quốc giới cùng với BĐBP, trong những lần đi rừng lấy mật ong, tìm lá thuốc…, người dân xã Trường Sơn còn kết hợp kiểm tra, phát quang cột mốc quốc giới và cung cấp các thông tin liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho lực lượng BĐBP.
“Trước đây, công tác tổ chức tuần tra đường biên, cột mốc quốc giới, tuần tra bảo vệ an ninh trật tự mặc nhiên được coi là nhiệm vụ của riêng lực lượng BĐBP. Khi triển khai phong trào tự quản, công việc tuần tra đường biên, cột mốc quốc giới và bảo vệ biên cương đã được người dân xã Trường Sơn xác định là nhiệm vụ thiêng liêng và rất tích cực tham gia”, thiếu tá Trần Thanh Nam chia sẻ.
Ở xã Trường Sơn, bản Dốc Mây được xem là nơi xa ngái nhất, khi nằm giáp biên giới 2 nước Việt-Lào và biệt lập với thế giới bên ngoài. Để đến được với bản Dốc Mây, từ trung tâm xã Trường Sơn phải đi bộ hơn 20km đường rừng với nhiều đoạn đường dốc lởm chởm đá tai mèo, cao vút, rất nguy hiểm.
Bản Dốc Mây có 22 hộ dân/99 khẩu, 100% hộ dân là người dân tộc Bru-Vân Kiều và đều là hộ nghèo. Không có đường vào bản, nằm xa trung tâm, đời sống nhân dân ở bản Dốc Mây còn vô cùng khó khăn, đặc biệt chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt. Thấu hiểu những khó khăn của đồng bào, nhiều năm qua, chính quyền và cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Làng Mô luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến bà con bản Dốc Mây.
Năm 2022, Đồn BP Làng Mô khánh thành và đưa vào công trình “Ánh sáng vùng biên” về với bản Dốc Mây. Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực nhằm bảo đảm tốt an ninh trật tự, góp phần nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần cho bà con.
Thiếu tá Trần Thanh Nam cho biết, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng lúc nào người dân bản Dốc Mây cũng sẵn sàng giúp đỡ lực lượng BĐBP. Không "đao to búa lớn", cứ bình dị và thầm lặng, những người dân Dốc Mây mộc mạc ấy đang cùng người lính BP bảo vệ vững chắc miền biên ải.
Theo thiếu tá Trần Thanh Nam, ở bản Dốc Mây có ông Hồ Bang đã có hàng chục năm tình nguyện chăm nom cột mốc quốc giới số 552. Đây là mốc quốc giới nằm cách bản Dốc Mây hơn 5 tiếng đồng hồ đi bộ. Vậy nhưng, ngoài những lần cùng BĐBP thực hiện các chuyến tuần tra, hàng tuần, hàng tháng, ông Bang lại “cơm đùm gạo bới” một mình đi bộ lên thăm cột mốc quốc giới số 552.
“Lên đó, đứng nghiêng mình giơ tay chào cột mốc, miềng thấy tự hào lắm! Nếu cây cối mọc che đi cột mốc, miềng phát quang cho sáng. Nếu cột mốc bị hư hỏng, miềng lập tức về báo cho BĐBP”, ông Bang bộc bạch.
Nói về ông Bang, thiếu tá Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Ông Hồ Bang là người có uy tín ở bản Dốc Mây. Hàng chục năm qua, ông Bang tình nguyện trông coi cột mốc quốc giới số 552. Ông Bang cũng thường xuyên tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong bảo vệ biên giới. Nhờ ông Bang tuyên truyền, nhiều người dân bản Dốc Mây đã trở thành những thành viên cần mẫn, là “cột mốc sống”, cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia".