Bài 2: Những giá trị còn mãi với thời gian
Cụm công trình ứng dụng công nghệ dầu khí của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) không chỉ đem lại những thành tựu về khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh, còn là bài học quý cho quản trị, thay đổi tích cực đối với địa phương, môi trường và kiểm toán năng lượng.
Có một điều ít người biết rằng, căn cứ trên việc thu thập đánh giá số liệu thực tế, BSR đã tính toán về chi phí đầu tư nghiên cứu các ứng dụng khoa học công nghệ và lợi ích thu lại được là một kỷ lục khi thu lợi tới hơn 578 lần. Cụ thể, với tổng chi phí đầu tư để thực hiện tất cả các cải hoán ban đầu phục vụ quá trình nghiên cứu là 7,4 tỷ đồng, cụm công trình đã đem lại khoản lợi ích kinh tế (tính đến tháng 12/2019) là 4.277,5 tỷ đồng. Như vậy, hiệu quả kinh tế trực tiếp mang lại từ cụm công trình trong 5 năm thực hiện là 4.270 tỷ đồng (tương đương khoảng 194 triệu USD).
Ở đây, phải nói thêm rằng, việc tính toán lợi ích kinh tế tổng thể của cụm công trình được thực hiện trên cơ sở cộng gộp lợi kinh tế của 16 giải pháp tiêu biểu sau khi đã khấu trừ các chi phí thực hiện trong quá trình vận hành và có tính đến thời gian áp dụng của từng giải pháp. Lợi ích này, dù rõ ràng góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của BSR nhưng không được tính là lợi nhuận của Nhà máy.
Bởi vậy, đánh giá về cụm công trình ứng dụng công nghệ dầu khí này, Hội đồng khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã khẳng định, đây là thành tựu đáng tự hào sau một quá trình lao động, nghiên cứu khoa học miệt mài, nghiêm túc, đầy tính sáng tạo với tinh thần dám nghĩ, dám làm, là minh chứng rõ nét cho sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ kỹ sư, công nhân có trình độ chuyên môn cao của BSR.
Công trình đã thể hiện qua việc có thể tự làm chủ hoàn toàn công nghệ nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam, khai thác được tối đa dư địa thiết kế ban đầu của Nhà máy, đồng thời linh hoạt ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực hóa - chế biến dầu khí và tự động hóa - điều khiển để cải tiến, hoàn chỉnh thiết kế tổng thể của Nhà máy phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh mới của BSR, đáp ứng các mục tiêu nghiên cứu đặt ra, đạt được mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR, đóng góp rất lớn vào hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh tổng thể của Petrovietnam.
Thành tựu của cụm công trình kết hợp với các thành tựu trước đây trong hoạt động khoa học và công nghệ của BSR từ lúc bắt đầu tiếp nhận NMLD Dung Quất là cơ sở vững chắc cho việc công nhận BSR là một doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo giấy chứng nhận do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi cấp ngày 8/11/2017. Đây là sự khẳng định uy tín của BSR trong việc làm chủ khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng thành công các kết quả nghiên cứu trong việc vận hành NMLD Dung Quất đảm bảo an toàn, ổn định, tối ưu và hiệu quả.
Cũng phải nhắc lại rằng, từ năm 2015 trở đi, thị trường dầu thô thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về giá, theo đó giá dầu thô giảm sâu từ mức trên 100 USD/thùng xuống dưới 50 USD/thùng, thậm chí có lúc dưới 30 USD/thùng kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng của giá sản phẩm xăng dầu trên thị trường quốc tế và nội địa. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tổng doanh thu và mức đóng ngân sách Nhà nước của BSR so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan trong suốt giai đoạn 2015 - 2019 đã giúp BSR duy trì vận hành NMLD Dung Quất ổn định trên công suất thiết kế với tổng lượng sản phẩm sản xuất và cung ứng ra thị trường cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Những kết quả như tổng doanh thu gộp của BSR (giai đoạn 2015 - 2019) đạt trên 468 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN trên 65 nghìn tỷ đồng, nâng tổng mức nộp NSNN của BSR kể từ khi đưa NMLD Dung Quất đi vào hoạt động đến cuối năm lên trên 160 nghìn tỷ đồng, tương đương trên 7 tỷ USD, cao gấp đôi tổng mức đầu tư xây dựng Nhà máy khẳng định sự kết tinh của hệ thống quản trị hiệu quả của BSR.
Với các thành tựu từ cụm công trình đã giúp BSR luôn hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo NMLD Dung Quất vận hành sản xuất an toàn, ổn định và hiệu quả. Đây là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh của BSR, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, khu vực miền Trung và lan tỏa ra cả nước.
Trước tiên phải kể đến việc tổng sản phẩm hóa dầu sản xuất từ NMLD Dung Quất đã đóng góp rất lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (chiếm khoảng 70% giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP của tỉnh). Thu ngân sách từ BSR chiếm khoảng 80 - 90% tổng thu cân đối ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi cũng như làm tăng nhanh chỉ số GRDP trên bình quân đầu người.
Cụ thể, nếu GRDP bình quân của Quảng Ngãi năm 2010 là 1.298 USD/người, năm 2014 đã tăng lên 2.211 USD/người, năm 2019 đã đạt 2.868 USD/người (tương đương 67,4 triệu đồng/người). Sự phát triển bền vững của BSR cũng đã đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Có thể làm một phép so sánh đơn giản, nếu so với thời điểm tái lập tỉnh năm 1989 cho đến năm 2019, tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 52,95% xuống còn 17,19%, ngược lại, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 18,18% lên đến 53,64%. Bởi vậy, nói không ngoa khi NMLD Dung Quất đã làm thay đổi hẳn cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng để Quảng Ngãi từ nông nghiệp lạc hậu đi lên con đường công nghiệp hóa. Đặc biệt, sự thành công của NMND Dung Quất đã tạo thành “thỏi nam châm” thu hút các dự án lớn đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất nói riêng và cả tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Hiện nay, tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tại Quảng Ngãi đã thu hút hơn 300 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD. Trong đó có 61 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn khoảng 1,76 tỷ USD.
Về môi trường, kết quả nghiên cứu ứng dụng của nhóm giải pháp tối ưu hóa công nghệ đã cải tiến thiết kế, nâng cao độ tin cậy của các thiết bị, hệ thống công nghệ, đảm bảo Nhà máy vận hành an toàn, ổn định và liên tục theo kế hoạch, giảm thiểu việc phát sinh một lượng lớn khí thải, nước thải chưa được xử lý ra ngoài môi trường do việc dừng khẩn cấp, ngoài kế hoạch của các phân xưởng công nghệ, đặc biệt là các phân xưởng liên quan đến các quá trình xử lý khí thải, nước thải trong Nhà máy như SWS, SRU, ETP...
Thực tế, trong các đợt kiểm tra, phân tích chất lượng môi trường bên trong và ngoài NMLD Dung Quất với tần suất 2 lần/năm, kết quả kiểm tra của Trung tâm Quan trắc Môi trường Dung Quất luôn cho thấy các thông số về chất lượng khí thải và nước thải nằm dưới giới hạn cho phép theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hiện hành về khí thải, nước thải công nghiệp. Để ghi nhận đóng góp tích cực của BSR trong hoạt động bảo vệ môi trường gắn liền với sản xuất, liên tiếp trong nhiều năm qua, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã trao tặng BSR danh hiệu Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện”.
Còn về mặt sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, các kết quả nghiên cứu ứng dụng của nhóm giải pháp tối ưu hóa năng lượng song song với việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cắt giảm đáng kể tiêu thụ năng lượng nội bộ và hao hụt cho NMLD Dung Quất, phù hợp với các nội dung của chương trình hành động Chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam, trong đó bao gồm nhóm nhiệm vụ và giải pháp “Tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất và khai thác có hiệu quả".
Theo đó, nghiên cứu các hoạt động “sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” nhằm thực hiện theo đúng quan điểm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”, được nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Có thể thấy rằng, cụm công trình ứng dụng công nghệ dầu khí tại NMLD Dung Quất được triển khai và thành công trong hơn chục năm qua là một tài sản quý báu của ngành Dầu khí Việt Nam. Đây là kết quả của sự kết tinh trí tuệ của hàng ngàn cán bộ công nhân viên BSR, là sự ủng hộ và tin tưởng trước sau như một của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Petrovietnam trên con đường chinh phục và phát triển khoa học công nghệ dầu khí - một trong những lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng hàng đầu thế giới.
Trong 5 năm qua, NMLD Dung Quất đã nhập 457 chuyến dầu thô, chế biến 36,7 triệu tấn dầu thô, sản xuất được 33,7 triệu tấn sản phẩm, đáp ứng trung bình trên 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước, góp phần đảm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bình ổn thị trường xăng dầu nội địa.