Bài 2: Những giải pháp khắc phục

Nếu như Trung ương công bố Chỉ số CCHC cấp tỉnh chỉ ra những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực CCHC, thì tỉnh cũng có Chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị, sở, ngành và các huyện thành phố. Việc khảo sát, đánh giá của tỉnh đối với các cơ quan, đơn vị nhằm chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị, để từ đó mỗi cơ quan đơn vị phải có những giải pháp khắc phục kịp thời.

>>Bài 1: Kết quả ấn tượng và những điểm trừ

Tiếp nhận hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu điện công ích tại Bưu điện thành phố Tuyên Quang.

Tiếp nhận hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu điện công ích tại Bưu điện thành phố Tuyên Quang.

Trách nhiệm của người đứng đầu

CCHC là quá trình khắc phục mọi lực cản trong hệ thống tổ chức bộ máy, trong cơ chế vận hành và những hạn chế, yếu kém về năng lực quản lý điều hành của bộ máy nhà nước. Những lực cản đó bắt nguồn từ cơ chế, chính sách chồng chéo, không phù hợp và đặc biệt là từ chính bản thân những con người nằm trong bộ máy đó. Cái đích của CCHC là xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội, của chế độ. Thông qua đó, nền hành chính tác động tích cực đối với đời sống kinh tế và đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, bất kỳ cơ quan, đơn vị nào cũng cần đến những người làm tốt công việc của mình với kiến thức, kỹ năng, thái độ đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc. Vì thế, để CCHC hiệu quả việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là công tác cán bộ mà điều này đòi hỏi có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Qua kết quả khảo sát chỉ số DCI của tỉnh cũng đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân hàng đầu chính là nhận thức về công tác CCHC của người đứng đầu cùng với đó là việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức còn hạn chế về nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ.

Đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia thực hành
đánh giá điểm Chỉ số CCHC trên phần mềm
do Sở Nội vụ tổ chức.

Trong báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện công tác CCHC (2016 - 2018) của tỉnh cũng đã nêu rõ, nguyên nhân hàng đầu của những tồn tại, hạn chế chính là công tác chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát và quyết liệt; cán bộ, công chức tham mưu về CCHC chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về trình độ, chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã chỉ ra một nguyên nhân khác đó là chưa có hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công một cách hiệu quả.

Ở góc độ người dân, ông Hoàng Văn Bình, tổ dân phố 16, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho rằng, người dân khi đến các cơ quan nhà nước chưa cần biết cán bộ ở đây làm việc có hiệu quả hay không, nhưng chỉ cần nhìn qua cách thức bố trí phòng, ban làm việc, tinh thần thái độ của cán bộ cũng đã thể hiện được mức hài lòng của người dân. Một cơ quan mà bước vào đã thấy sự lộn xộn, bẩn thỉu, nhà vệ sinh hôi hám cho thấy đến bản thân nơi làm việc của mình đã không được gọn gàng, sạch sẽ thì làm sao có được sự hài lòng của người dân. Điều này thể hiện ở sự nền nếp, văn hóa, ý thức, trách nhiệm của những cán bộ ở đây, thực tế vẫn có nhiều cơ quan, đơn vị như vậy.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước

Để đẩy mạnh công cuộc CCHC, vấn đề ưu tiên hàng đầu là nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, bởi cốt lõi của CCHC là cải cách về tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn tại Hội nghị sơ kết công tác CCHC giai đoạn 2016 - 2018 đã dành phần lớn nội dung nói về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác CCHC. Đồng chí đã chỉ ra 7 nội dung mà người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phải triển khai thực hiện ngay các giải pháp CCHC trong thời gian tới, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là phải tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu đối với công tác CCHC; đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.

Cũng tại Hội nghị trên, nhiều đại biểu cho rằng, đối với người đứng đầu của từng sở, ngành, địa phương và mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện CCHC có trách nhiệm rất lớn. Qua công bố kết quả chỉ số CCHC của tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế trong CCHC ở cơ quan, đơn vị mình và bày tỏ quyết tâm khắc phục bằng được.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MSA - YB thuộc Khu Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị
Long Bình An. Ảnh: Lý Thịnh

Sở Công Thương là đơn vị có điểm số Chỉ số CCHC thấp nhất trong các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh năm 2018. Sau khi có kết quả công bố, Sở đã tiến hành họp đánh giá, phân tích những chỉ số thấp điểm để tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã có báo cáo giải trình về những điểm trừ trong Bộ Chỉ số CCHC của tỉnh; chấn chỉnh nâng cao ý thức, trách nhiệm kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức. Cũng trong vị trí thấp nhất về điểm Chỉ số CCHC đối với cấp huyện, huyện Chiêm Hóa ngay lập tức họp bàn để khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa đã thẳng thắn nêu ra những điểm hạn chế trong công tác CCHC của huyện cụ thể như chưa có hình thức tuyên truyền cải cách hành chính phong phú, chưa có sáng kiến, giải pháp, cách làm mới trong triển khai thực hiện CCHC; còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm phải xử lý kỷ luật, tỷ lệ TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trong năm chưa đạt yêu cầu quy định. Đồng chí đã yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời huyện cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính, phấn đấu từ nay đến năm 2020 huyện sẽ có 30% số xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001.

Đồng chí Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thực tế hiện nay vẫn còn yếu về hạ tầng CNTT, khung kiến trúc Chính quyền điện tử vẫn đang trong quá trình triển khai. Việc thực hiện kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản, văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước dưới dạng điện tử còn thấp. Việc triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 còn nhiều bất cập do hệ thống hạ tầng CNTT của tỉnh chưa đảm bảo, tổ chức và cá nhân có nhu cầu giao dịch khó tiếp cận. Hiện tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hình thành trục kết nối từ cơ sở tới Trung ương, tích hợp tất cả các phần mềm quản lý, các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Đây sẽ là bước tiến mạnh trong công tác CCHC của tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/bai-2-nhung-giai-phap-khac-phuc-121593.html