Bài 2: Những hạn chế trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác công trình

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình đầu tư, quản lý, khai thác cũng bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới nhiều công trình nước sinh hoạt không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Theo báo cáo giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về tình hình quản lý và sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh, trong tổng số 661 công trình có 457 công trình sử dụng trên 60% công suất thiết kế, chiếm 69,14%; 100 công trình sử dụng từ 20% đến dưới 59% công suất thiết kế, chiếm 15,12%; 104 công trình không hoạt động.

Trong số công trình không phát huy hiệu quả thì nhiều xã có tới 4 - 7 công trình, như: Xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) 7 công trình; Bộc Bố (Pác Nặm) 7 công trình; Văn Lang (Na Rì) 6 công trình; Đồng Lạc (Chợ Đồn) 6 công trình; Đại Sảo (Chợ Đồn) 4 công trình…

Bể chia nước tại thôn Nà Lạn (xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn) dung tích rất lớn nhưng không có nước chảy từ sau ngày khánh thành.

Bể chia nước tại thôn Nà Lạn (xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn) dung tích rất lớn nhưng không có nước chảy từ sau ngày khánh thành.

Qua giám sát trực tiếp tại 03 huyện, Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy các công trình hoạt động tốt (đều được được thực hiện từ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”) là do có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý vận hành, có thành lập tổ quản lý, có thu tiền sử dụng nước nên các hoạt động của công trình nước sinh hoạt được duy trì.

Để quản lý vận hành hiệu quả, UNND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2019/UBND ngày 25/12/2019 quy định về quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Ban Điều hành Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” đã ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp thực hiện, trong đó có nội dung chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường quản lý sau đầu tư các công trình; duy trì hoạt động của các tổ quản lý vận hành khai thác, sử dụng nước; ghi chép sổ nhật ký vận hành đầy đủ và thu phí sử dụng nước để đảm bảo vận hành bền vững.

Các công trình nước sinh hoạt tập trung hoạt động không hiệu quả chủ yếu được xây dựng từ năm 2016 trở về trước. Thực trạng trên cho thấy, hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể như: Nguồn vốn đầu tư các công trình nước tập trung rất lớn nhưng nhiều công trình hiệu quả sử dụng rất hạn chế, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước so với thiết kế xây dựng đạt thấp; có công trình chưa bàn giao đưa vào sử dụng đã không đủ nước so với thiết kế; nhiều công trình hoàn thành nhưng không sử dụng, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Sự phối hợp giữa chủ đầu tư và UBND cấp huyện chưa thực sự chặt chẽ là nguyên nhân dẫn đến quá trình khảo sát đầu tư chưa thực sự hiệu quả.

Trong chuyến công tác tại xã Hiệp Lực (Ngân Sơn), chúng tôi đã được "mục sở thị" công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ nhu cầu sử dụng nước của trường học, khu chợ Lãng Ngâm và hàng trăm hộ dân địa phương. Tại bể chứa đầu nguồn, một nguồn nước yếu ớt chảy vào bể. Nước từ bể không đủ chảy xuống đầu thôn. Tại bể chia nước, không có nguồn nước chảy vào. Người dân thôn Nà Lạn nói vui, nước “sạch” từ ngày khánh thành công trình. Hiệu trưởng Trường THCS Lãng Ngâm Chu Thị Huệ cũng cho biết, nước chỉ về lúc thi công xong trong thời gian bảo hành, sau đó trường lại dùng nước giếng khoan. May mắn, chúng tôi gặp được cả nhà thầu thi công. Ông chủ thầu hồn nhiên cho biết là phải hết sức cố gắng để nước về trong thời hạn bảo hành, hết bảo hành, hết nước luôn!

Mặc dù UBND tỉnh đã có quy định về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung (Quyết định số 34/2019/UBND), nhưng chưa thống nhất phương án, khai thác, vận hành, giám sát việc thu, chi tài chính của các công trình cấp nước; các công trình cấp nước chủ yếu do cộng đồng quản lý, tổ quản lý vận hành không có trình độ chuyên môn, hầu hết không có thù lao hoặc thù lao chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Đồng thời chưa gắn trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, vận hành. Nhiều công trình nước sạch khi được bàn giao cho UBND các xã quản lý thiếu hồ sơ thiết kế thi công công trình, do vậy khi duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn.

Phần lớn các công trình không thu tiền nước; một số công trình thu tiền nước nhưng giá thấp, các khoản thu này được sử dụng cho chi phí tiền điện, sửa chữa thường xuyên thiết bị, trợ cấp cho tổ quản lý... nhưng thu không đủ chi. Nhiều công trình hư hỏng không có nguồn kinh phí để sửa chữa. Mức thu giữa các địa phương không thống nhất, có địa phương thu 3.000 đồng/m3, có địa phương chỉ thu 1.000 đồng/m3 .

Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác chỉ đạo quản lý, vận hành, chưa quan tâm đầu tư sửa chữa khi công trình xuống cấp. Quá trình đầu tư xây dựng, khảo sát, thiết kế, thăm dò đối với các công trình nước sinh hoạt tập trung còn nhiều bất cập; một số chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong quá trình thi công, chuyển giao quá trình vận hành; một số công trình đầu tư không đồng bộ do hạn chế nguồn vốn; nhiều công trình xây dựng đã lâu, đến nay đã xuống cấp.

Cùng với đó, những nguyên nhân khách quan như phần lớn các công trình nước sinh hoạt tập trung tại vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, ý thức bảo vệ và bảo quản công trình chưa cao; đời sống người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn nên việc vận động người dân nộp tiền nước rất khó khăn; do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thực tế hiện trạng rừng đầu nguồn và thảm phủ thực vật bị suy giảm... làm nhiều công trình nước tự chảy khô cạn, thiếu hụt nguồn nước.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu đồng bộ để thực hiện hiệu quả từ khâu khảo sát, đầu tư, quản lý, khai thác các công trình nước sinh hoạt tập trung để phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư của Nhà nước./. (Hết).

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202205/nhin-lai-cong-tac-dau-tu-quan-ly-khai-thac-cong-trinh-nuoc-sinh-hoat-nong-thon-bai-2-nhung-han-che-trong-cong-tac-dau-tu-quan-ly-khai-thac-cong-trinh-5511855/