Bài 2: Phát triển chưa tương xứng tiềm năng - vì sao?

Với những thế mạnh riêng có, Hà Nội được mệnh danh là 'Thành phố di sản' với gần 6.000 di tích, có nền văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, nhiều tài nguyên du lịch, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu… Hà Nội đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong nước, đặc biệt là khách quốc tế. Song thực tế phát triển kinh tế ban đêm ở Hà Nội chưa tương xứng, hiệu quả chưa cao so với lợi thế. Vậy nguyên nhân do đâu?

Trung tâm thương mại Aeon Long Biên (quận Long Biên) tấp nập người dân mua sắm vào các buổi tối cuối tuần. Ảnh: Đỗ Tâm

Phù hợp để phát triển kinh tế ban đêm

Hà Nội sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng, gắn liền với lịch sử văn hóa, truyền thống dân tộc. Thành phố có tới 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố, 3.487 di tích chưa xếp hạng. Bên cạnh đó là những lợi thế thiên nhiên mà không phải thành phố nào cũng có được, với đầy đủ loại hình cảnh quan thiên nhiên đa dạng, gắn liền với nếp sống văn hóa của người dân bản địa.

Đặc biệt, với việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Hà Nội đã thực sự trở thành một Thủ đô năng động, sáng tạo, có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển và là điểm đến của các sự kiện quốc tế lớn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Kim Noel, nữ du khách đến từ Đan Mạch không giấu được sự thích thú khi được khám phá phố cổ Hà Nội ban đêm trong những ngày tham quan Hà Nội. Chị Kim Noel chia sẻ: “Khi đêm đến, các tuyến phố càng trở nên sôi động, nhộn nhịp. Ở đây dường như mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa… đều bị xóa nhòa. Tôi đã cùng các bạn của mình tận hưởng hơi thở cuộc sống Hà Nội về đêm và thưởng thức ẩm thực vỉa hè theo cách rất riêng của Hà Nội”.

Không chỉ lợi thế về văn hóa, Hà Nội còn có tiềm năng thu hút khách tham gia mua sắm về khuya tại các trung tâm thương mại lớn như: Times City, Royal City, Aeon Mall, Tràng Tiền Plaza... đáp ứng được nhu cầu giải trí, mua sắm của du khách. Chị Nguyễn Minh Hải (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, thời gian qua thành phố tổ chức tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, thí điểm bán hàng đến 2h đêm... đã giúp các hộ kinh doanh tăng thu nhập, khách du lịch lưu trú lâu hơn. Tương tự, các hộ kinh doanh trên các khu phố ẩm thực có hoạt động tấp nập ban đêm, như: Hàng Bè, Cầu Gỗ, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến… đều ủng hộ phát triển kinh tế ban đêm và mong muốn kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng hôm sau, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh doanh.

Hiệu quả khai thác chưa cao

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm xây dựng, phát triển các phố đi bộ, khu chợ đêm, phố ăn đêm, chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24... Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch hợp lý, hoạt động của các mô hình này chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ. Kinh tế ban đêm cũng đối mặt nhiều rủi ro, liên quan đến an ninh trật tự, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải…, và chưa có khung pháp lý, chính sách thúc đẩy loại hình này.

Hiện các đơn vị hành chính trên cả nước đều áp dụng quy định sau 23h các hoạt động vui chơi giải trí phải dừng. Tại quận Hoàn Kiếm cũng mới chỉ thí điểm hoạt động dịch vụ thương mại đến 2h sáng vào những tối cuối tuần. Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, tâm lý e ngại về việc khó quản lý những rủi ro của kinh tế ban đêm từ các cơ quan quản lý là nguyên nhân quan trọng khiến các sản phẩm du lịch đêm chưa được đẩy mạnh khai thác. Bên cạnh đó, quy hoạch hạ tầng chưa đồng bộ cho các khu vực tổ chức mô hình kinh tế ban đêm, thiếu sự kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ; chưa có điểm nhấn thực sự ấn tượng để thu hút du khách về đêm, công tác quảng bá, truyền thông chưa hiệu quả… cũng là những yếu tố khiến kinh tế ban đêm ở Hà Nội chưa thể “cất cánh”.

Theo Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) Phan Đình Huê, du khách nước ngoài thường coi thời gian ban đêm ở nước ta là khoảng thời gian ít xe cộ ồn ào, có thể ra phố ngắm cuộc sống bản địa về đêm. Mặt khác, rất nhiều khách du lịch đến Việt Nam không quen múi giờ (có khi lệch đến 12h) mà bắt họ phải đi ngủ sớm sẽ rất lãng phí.

Nói về nguyên nhân khiến kinh tế ban đêm chưa phát triển mạnh tại Thủ đô Hà Nội, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, có hai nguyên nhân quan trọng. Đó là: Chưa có kế hoạch tổng thể, bảo đảm tính khả thi, mang lại hiệu quả tích cực và hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực khi mở rộng các hoạt động kinh doanh về đêm; thiếu chuỗi sản phẩm hoàn thiện đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách.

(Còn nữa)

Thanh Hiền - Vĩnh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/987830/bai-2-phat-trien-chua-tuong-xung-tiem-nang---vi-sao