Bài 2: Tái cơ cấu nông nghiệp tạo sự phát triển bền vững
Những năm qua, huyện Như Thanh tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững bằng nhiều giải pháp thiết thực. Qua đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đảng bộ huyện Như Thanh: Dấu ấn một nhiệm kỳ
Huyện Như Thanh đã và đang xây dựng có hiệu quả mỗi cơ quan, gia đình sản xuất vườn rau, quả theo hướng an toàn nhằm phục vụ bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Quốc Hương
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sản phẩm tiếp cận thị trường, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, huyện Như Thanh đã ban hành 5 đề án về phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Đây được xem là hướng đi phù hợp, không chỉ khai thác tiềm năng đất đai, mà còn góp phần giúp những người dân gắn bó với nghề nông, lâm nghiệp vươn lên làm giàu. Ngoài ra, huyện đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, như: Thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; kiện toàn, đổi mới hoạt động của các HTX nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất. Cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đồng thời hỗ trợ việc xây dựng các mô hình mới, đưa cây trồng mới vào sản xuất...
Ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Những năm gần đây, huyện Như Thanh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị, chất lượng và đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp đảm bảo môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; kết nối sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi đối với các sản phẩm là lợi thế của địa phương nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.
Để sản xuất phát triển, nâng cao giá trị trên từng đơn vị diện tích, huyện đã thực hiện hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, như: Hỗ trợ máy gặt lúa, máy cấy và khay làm mạ; hỗ trợ mô hình nuôi lợn nái ngoại; mô hình trồng rau an toàn... Cùng với việc hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, huyện Như Thanh còn chỉ đạo các xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, thay thế các giống lúa, ngô kém năng suất, chất lượng bằng những giống lúa lai, ngô lai có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, vận động bà con nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ năm 2015 đến nay, huyện Như Thanh đã chuyển đổi được trên 100 ha đất lúa kém hiệu quả, không chủ động được nguồn nước sang trồng mía nguyên liệu, rau màu. Trong đó, chuyển sang trồng mía 32 ha, trồng ớt xuất khẩu 29 ha và chuyển sang các loại rau màu có giá trị kinh tế cao 36 ha, tập trung ở các xã Yên Thọ, Xuân Du, Phú Nhuận... Nhờ chú trọng triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của huyện tăng rõ rệt, năng suất lúa bình quân đạt 57,08 tạ/ha. Nhiều mô hình cây trồng mang lại giá trị thu nhập cao đã và đang được nhân rộng, như: Đào, ớt xuất khẩu, ngô ngọt, dưa chuột, riềng, nghệ vàng... Nhằm bảo đảm đầu ra cho cây ớt, nông dân trong huyện đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty gồm: Công ty Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa, Công ty TNHH Ớt Việt Nam (tỉnh Hưng Yên).
Với lợi thế về đất lâm nghiệp, huyện Như Thanh đã triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển rừng như chỉ đạo thành lập các ban phát triển rừng cấp xã và cấp thôn; có cơ chế, chính sách vay vốn hỗ trợ lãi suất cho Nhân dân; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho Nhân dân; lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ Nhân dân trồng và đầu tư chăm sóc rừng. Vì vậy số hộ tham gia trồng rừng và diện tích rừng trồng luôn tăng hàng năm. Cây lâm nghiệp, công nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh, huyện đã trồng mới được 7.028 ha rừng các loại (chủ yếu là lim xanh). Nhờ phát triển kinh tế rừng mà ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình có thu nhập cao. Giá trị ngành lâm nghiệp năm 2020 ước đạt 230 tỷ đồng, tăng 62,5 tỷ đồng so với năm 2015. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, khuyến khích phát triển các mô hình trang trại, gia trại. Theo đó, huyện đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, tập trung thực hiện các chương trình cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò. Cùng với việc vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, cán bộ huyện, xã cũng đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống; trang bị kiến thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tích lũy các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu bò; làm chuồng trại kiên cố, đưa gia súc về nuôi nhốt tại nhà, tạo thế phát triển bền vững trong chăn nuôi. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc để mở rộng quy mô các đồng cỏ phục vụ chăn nuôi; phối hợp với các địa phương trong, ngoài tỉnh mua giống trâu, bò, lợn... bảo đảm chất lượng, cung ứng cho các hộ trên địa bàn. Hàng năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức cho người dân đăng ký thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi; đồng thời, ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Vì vậy, những năm gần đây, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Toàn huyện hiện có 47 trang trại và 286 gia trại, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động và hơn 5.000 lao động thời vụ. Như Thanh cũng là một trong số ít các địa phương thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển trang trại bò sữa với quy mô trên 2.000 con - là điểm nhấn quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.
Mở hướng sản xuất mới, nâng cao thu nhập...
Lúa là một trong những loại cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện Như Thanh. Tuy nhiên, trước kia nông dân vẫn chưa chú trọng sản xuất lúa theo quy mô hàng hóa. Đây cũng là thực tế mà nhiều năm trước kia ở xã Phú Nhuận - một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất cây lúa của huyện Như Thanh gặp phải. Chỉ đến khi huyện có chủ trương ổn định diện tích lúa, áp dụng thực hiện mô hình cánh đồng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, chuyển đổi phương thức, quy trình chăm sóc, sản lượng và chất lượng lúa ở Phú Nhuận đã tăng rõ rệt trên từng ha canh tác. Không chỉ xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh còn tập trung áp dụng mô hình cánh đồng thâm canh lúa năng suất, chất lượng với tổng diện tích trên 1.000 ha tại các xã Yên Thọ, Mậu Lâm, Xuân Du, Hải Long... Việc áp dụng mô hình sản xuất hoàn toàn mới theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng từ khâu chọn giống đến kỹ thuật để nâng cao năng suất đã được Nhân dân các xã hưởng ứng tích cực, nên năng suất lúa tại các địa phương áp dụng mô hình đạt từ 60 tạ/ha trở lên.
Với lợi thế về đất đai, cùng với nhu cầu thị trường lớn, huyện Như Thanh đã và đang mở rộng diện tích trồng rau, quả an toàn theo hướng VietGAP. Ngoài việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tại xã Yên Thọ, UBND huyện Như Thanh đã chỉ đạo mỗi hộ dân bố trí 40 - 50m2 đất trong gia đình để sản xuất rau, quả theo hướng an toàn nhằm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 90 đến 100 ha rau, quả sản xuất theo hướng an toàn. Mục tiêu của huyện Như Thanh đến năm 2021, chuyển đổi khoảng 600 ha chuyên canh rau, quả sang áp dụng trồng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và các quy trình sản xuất an toàn khác. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài chính sách hỗ trợ sản xuất rau an toàn của tỉnh, huyện cũng có cơ chế riêng khuyến khích sản xuất an toàn. Theo đó, 1 ha sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh được hỗ trợ 50 triệu đồng, hỗ trợ 50 triệu đồng/1.000m2 nhà lưới, nhà kính đối với sản xuất rau an toàn, hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng năm đầu cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cá nhân, gia đình đầu tư sản xuất rau, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao; chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ rau an toàn cho người sản xuất. Cùng với việc xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, những năm qua, huyện Như Thanh cũng tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Hiện, Như Thanh đang tích cực thực hiện chuyển đổi việc trồng mía nguyên liệu từ nơi có độ dốc cao xuống nơi có độ dốc thấp và thay thế bằng các loại cây lâm nghiệp phù hợp; đồng thời chuyển đổi từ đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang trồng mía nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho cây trồng. Toàn huyện hiện chuyển đổi được 1.824,7 ha đất từ độ dốc cao, đất lúa, màu kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, cho hiệu quả năng suất cao.
Nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ của kinh tế rừng, huyện Như Thanh đã và đang ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn. Theo đó, cuối năm 2016, huyện Như Thanh đã phê duyệt Đề án “Phát triển rừng trồng gỗ lớn khoanh nuôi, phục tráng rừng lim xanh tái sinh, giai đoạn 2016-2020, định hướng năm 2030”. Đây được xem là hướng đi phù hợp, không chỉ khai thác tiềm năng đất đai, mà còn góp phần giúp những người dân gắn bó với nghề rừng trở nên giàu có. Để khuyến khích các hộ dân nhận khoán tham gia trồng rừng gỗ lớn, ngoài vận động, tuyên truyền, huyện Như Thanh còn thực hiện chính sách hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Hiện nay, huyện Như Thanh có khoảng 300 ha rừng trồng gỗ lớn. Với những kết quả ấy, cho thấy trồng rừng gỗ lớn của huyện đã có bước chuyển biến tích cực. Người dân cơ bản đã thay đổi nhận thức, chuyển từ trồng rừng quảng canh sang trồng rừng thâm canh có chăm sóc gắn với khoanh nuôi rừng gỗ lớn.
Nhờ các giải pháp hiệu quả trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, những năm qua thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn ngày càng tăng, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất tăng lên đáng kể. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp. Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo từng lĩnh vực cũng dần được hình thành, thực hiện sản xuất theo quy hoạch, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên lượng hàng hóa ngày càng tăng, chất lượng được cải thiện, dần đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho Nhân dân.
Quốc Hương
Bài cuối: Giữ vững vị trí đứng đầu các huyện miền núi trong xây dựng nông thôn mới.