Bài 2: Thanh âm hy vọng

Với nhiều người, âm nhạc là nhịp cầu kết nối trái tim và là một cách để giãi bày những cảm xúc không nói được thành lời. Với những người khiếm thị, âm nhạc càng có ý nghĩa hơn, giúp họ thể hiện đam mê, được tiếp thêm niềm tin và nghị lực sống.

Tiết mục biểu diễn của hợp ca Hy vọng trong chương trình tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp.

Tiết mục biểu diễn của hợp ca Hy vọng trong chương trình tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp.

Với nhiều người, âm nhạc là nhịp cầu kết nối trái tim và là một cách để giãi bày những cảm xúc không nói được thành lời. Với những người khiếm thị, âm nhạc càng có ý nghĩa hơn, giúp họ thể hiện đam mê, được tiếp thêm niềm tin và nghị lực sống.

Bài 1: Tiệm tóc thanh xuânBài 2: Thanh âm hy vọng

Âm nhạc truyền cảm hứng

Mắt không thấy nhưng tay vẫn thoăn thoắt trên từng phím đàn, không nhìn và phải sờ bản nhạc mà tiếng ca vẫn cất lên vang dội. Chiều thứ bảy tuần nào cũng vậy suốt hơn 15 năm qua dàn hợp ca Hy vọng vẫn tranh thủ thời gian giữa những ca đi làm để tập trung tại căn phòng nhỏ phía sau khuôn viên Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu trên phố Lạc Trung, để cùng người thầy của mình Giáo sư, nghệ sĩ (GS, NS) piano Tôn Thất Triêm tập hát.

Được thành lập năm 2004 xuất phát từ ý tưởng của GS, NS Tôn Thất Triêm, dàn hợp ca Hy vọng với gần 20 ca sĩ và nhạc công khiếm thị đầy tài năng mong muốn bằng đam mê của mình, gìn giữ, phát huy nét đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Phần lớn các thành viên khi đó đều là sinh viên Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Nghệ sĩ Trần Quốc Hoàn, Trưởng nhóm nhạc Hy vọng tâm sự: “Học nhạc không chỉ cần thiên phú mà còn phải khổ luyện. Với người bình thường, việc học và luyện đã khó rồi, với người khiếm thị còn khó gấp nhiều lần. Chúng tôi không thể nhìn được nhạc phổ, từng nốt, từng câu, từng đoạn đều phải học bằng cách ghi nhớ. Trước đây, khi internet và công cụ ghi âm chưa phổ biến, chúng tôi phải học thuộc ngay tại chỗ khi thầy cô dạy. Bây giờ đỡ vất vả hơn, có thể ghi âm về nhà học dần. Nhưng học xong rồi, chúng tôi lại gặp khó khăn trong sử dụng đàn, phải lần mò đánh cho đúng nốt, đúng nhịp".

Chính vì những khó khăn đó mà không có quá nhiều nghệ sĩ khiếm thị chơi được nhạc cụ chuyên nghiệp. Hiện nay, nhóm có sáu thành viên chơi những nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo trúc, đàn thập lục, đàn nguyệt, guitar, trống.

Mặc dù luôn phải học hỏi, tập luyện để tiến kịp đời sống đương đại, song không có nghệ sĩ khiếm thị nào sống được bằng nghề, bởi việc biểu diễn chưa đem lại thu nhập. Để trang trải cuộc sống, họ phải làm nhiều công việc khác nhau. Hơn thế, dù đã hoạt động gần 16 năm nhưng hợp ca Hy vọng không có một khoản quỹ hay kinh phí hoạt động thường xuyên. Đó cũng là điều khiến các anh em nghệ sĩ trăn trở lâu nay.

"Chúng tôi mất gần chục năm học nhạc trong trường, gian nan và khó khăn, có người đã phải nghỉ học giữa chừng. Những người may mắn tốt nghiệp cũng không thể xin vào các đoàn ca nhạc. Âm nhạc có thể mang lại niềm vui, tạo nhiều cơ hội giao lưu, mở rộng quan hệ xã hội, nhưng để có cuộc sống ổn định về kinh tế thì rất khó. Chúng tôi luôn mong có một sân khấu biểu diễn thường xuyên, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa để thỏa mãn đam mê âm nhạc", nghệ sĩ Trần Quốc Hoàn mong mỏi.

Để tham gia một chương trình, các thành viên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc đi lại, có người ở cách xa điểm luyện tập và biểu diễn hàng chục, có khi cả trăm kilometer, người từ huyện Phú Xuyên (Hà Nội), người từ Phú Thọ lên, thậm chí có cả ở tỉnh Ninh Bình. Trong số thành viên, nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Văn Linh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do bị suy thận giai đoạn cuối, phải vào viện chạy thận mỗi tuần ba lần.

Giáo sư, nghệ sĩ Tôn Thất Triêm và các học sinh trong giờ luyện tập thanh nhạc.

Giáo sư, nghệ sĩ Tôn Thất Triêm và các học sinh trong giờ luyện tập thanh nhạc.

Thành viên Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: chúng tôi hầu hết là những người nghèo vì những người khuyết tật chả ai nói mình là giàu cả, hằng ngày vẫn phải bươn chải lo cho cuộc sống của mình bằng các nghề mình đang có. Nhưng chúng tôi động viên nhau vượt qua tất cả, không đơn thuần là vì nghệ thuật mà còn động viên nhau để về có thêm năng lượng mà mưu sinh tiếp. Những tràng vỗ tay tán thưởng thật dài của khán giả giúp chúng tôi yêu cuộc sống này hơn, thêm trân trọng những gì mình đang có và muốn được cống hiến nhiều hơn.

Để có thể chơi thành thạo một nhạc cụ và biểu diễn được trên sân khấu là thử thách không nhỏ với người khiếm thị. "Là sinh viên năm 6 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi là thành viên mới nhất, được biểu diễn cùng các cô chú, anh chị rất giỏi. Quá trình cùng mọi người khổ luyện đã giúp tôi thêm niềm tin và nghị lực. Chính vì không thể nhìn được các nốt nhạc trong một khuôn nhạc, tôi phải nhờ các bạn đọc và chép ra bằng chính ký hiệu của mình. Mặc dù khó khăn, song âm nhạc đã truyền cho tôi tình yêu và cảm hứng. Với tôi, không hề có khoảng cách giữa người khuyết tật và người sáng mắt. Các bạn làm được thì chúng tôi cũng làm được. Âm nhạc sẽ nói lên tất cả", thành viên nữ duy nhất, nghệ sĩ đàn nguyệt Nguyễn An Như nói.

Lan tỏa tình yêu cuộc sống

Là một người tài hoa và nhân hậu, GS, NS pianô Tôn Thất Triêm đã cùng tiếng đàn của mình biểu diễn thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tôn Thất Triêm là nghệ sĩ duy nhất đạt danh hiệu "Nghệ sĩ piano hòa tấu xuất sắc nhất" tại bốn cuộc thi âm nhạc quốc tế: Tchaikovsky (Moscow 1990), Glinka (Xmô-len 1993), Gulaev (1993), Kaliningrad (1994) và cũng là nghệ sĩ nước ngoài duy nhất được mời làm giảng viên tại Trường đại học tổng hợp văn hóa quốc gia Moscow (1992 - 1996)... Tiếng đàn tài hoa của ông đã vang khắp bốn phương trời, từ Nga, Pháp đến Italy, Mỹ...

Sau nhiều năm sống tại nước ngoài, tình cảm của GS Tôn Thất Triêm vẫn luôn dành cho quê hương. Về nước, ông đã dìu dắt dàn hợp ca Hy vọng gồm nhiều trẻ tật nguyền say mê âm nhạc. Các em có những hoàn cảnh éo le nhưng đã vượt qua gian khổ để tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông dạy nhạc, dạy văn hóa, dạy học ngoại ngữ và còn như một người cha khích lệ các em vươn lên trong cuộc sống.

Nghệ sĩ Tôn Thất Triêm đã đưa nhóm nhạc với những tài năng khuyết tật biểu diễn thành công trong nhiều sự kiện ngoại giao của đất nước như biểu diễn tại lễ Quốc khánh của đại sứ quán các nước: Hoa Kỳ, Pháp, Iran, Italy, Brunei Darussalam, Luxembourg, Kuwait, Australia, Algeria, Thụy Sĩ… và được cộng đồng quốc tế vinh danh.

GS, NS piano Tôn Thất Triêm cho biết: “Để có thể chơi thành thạo được một nhạc cụ và biểu diễn được trên sân khấu lớn không phải là điều dễ dàng với người khiếm thị. Phần lớn các em đều có năng khiếu, cảm thụ âm nhạc rất là nhanh, các em lại có giọng hát rất là tốt, dù nhóm đã được nhiều đại sứ quán mời đến biểu diễn nhưng số lượng buổi biểu diễn chưa nhiều đủ để nhóm Hy vọng có thể sống được bằng nghề. Chỉ có một số bạn may mắn trong nhóm có được việc làm ổn định, còn hằng ngày phải vật lộn kiếm sống. Nhưng họ nghị lực lắm, có cháu đã tự học được tiếng Anh, tiếng Pháp nói thành thạo”.

Theo sát nhóm vào những ngày đầu, bằng tất cả sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô bờ bến đối với những em thiệt thòi, NS Tôn Thất Triêm đã chỉ bảo, nâng đỡ các em, đưa những tài năng âm nhạc ra các sân khấu lớn, cho những đôi mắt tật nguyền chưa một lần thấy ánh bình minh có được khát vọng và niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp.

Anh Trần Văn Thương, thành viên của nhóm bộc bạch: "Dù không được như các bạn khác, nhưng chúng em rất may mắn được gặp thầy Triêm. Nhờ có thầy mà tiếng hát của chúng em được bay cao, bay xa hơn. Chúng em muốn đi hát, đi biểu diễn để chứng tỏ mình không phải là người tàn phế. Ðó cũng là cơ hội để chúng em có dịp được giao lưu với bạn bè, được hòa nhập với cộng đồng".

Có người gọi ông là "mạnh thường quân thời hiện đại". Ông chỉ cười và từ tốn tâm sự: "Tôi muốn dùng tiếng đàn của mình để xoa dịu những nỗi cô đơn, mất mát của những đứa trẻ mồ côi, làm lắng lại cơn đau của những người bệnh khi trái gió trở trời... mà thôi".

Không chỉ là người tận tình chỉ dạy cho các em tập đàn, tập hát, NS Tôn Thất Triêm còn tận dụng những mối quan hệ của mình với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán để liên hệ và đưa các em đến biểu diễn nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Những buổi biểu diễn đó đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người nghe.

GS Triêm kể cho chúng tôi nghe về một kỷ niệm của nhóm nhạc với ông Michael W. Marine, cựu Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Năm 2006, nhóm nhạc có vinh dự được biểu diễn tại tư gia của đại sứ, sau buổi biểu diễn Đại sứ Marine đã phát biểu rằng rất xúc động khi nghe những giai điệu ngọt ngào vang lên của dàn hợp ca Hy vọng. Tiết mục liên khúc các bài hát yêu nước đã thật sự rung cảm tất cả các vị khách chúng tôi... Tôi có dịp được thưởng thức hợp xướng của nghệ sĩ biểu diễn hai lần, và mỗi lần ấy tôi cảm động vô cùng khi được lắng nghe vẻ đẹp của âm nhạc mà những học sinh của nghệ sĩ đã tạo ra. Chính nghệ sĩ đã đưa các em đến cánh cửa mở ra chân trời huy hoàng của âm nhạc, những gì mà hợp ca Hy vọng thể hiện khiến ông thấy chính các em là sứ giả của văn hóa, của hòa bình và âm nhạc”.

Hợp ca Hy vọng chụp ảnh kỷ niệm sau buổi biểu diễn tại nhà thờ Cửa Bắc dịp Giáng sinh năm 2020 vừa qua.

Ngày hôm ấy, bà mẹ của cựu đại sứ lúc đó gần 90 tuổi, đã lén lấy tay lau nước mắt khi nghe bản nhạc. Sau đó, bà đi taxi đến thăm các em trong một buổi tập luyện tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, rõ ràng âm nhạc là nhịp cầu nối liền tình cảm các dân tộc, mà các em là một trong các sứ giả âm nhạc đó.

Ðã đến tuổi "xưa nay hiếm", NS Tôn Thất Triêm vẫn lặng lẽ dìu dắt hợp ca Hy vọng và luôn trăn trở trước những khó khăn trong cuộc sống mà các em gặp phải.

Ông băn khoăn khi nhiều em có năng khiếu âm nhạc nhưng lại không thể mưu sinh bằng con đường nghệ thuật. Và ông muốn, trong khả năng của mình, tiếp tục hướng dẫn, đào tạo những năng khiếu âm nhạc có cơ hội được biểu diễn, để các em vơi bớt những khó khăn, nhọc nhằn của cuộc sống, giúp các em tự tin, hòa nhập cộng đồng. “Các em đã lặng lẽ làm được những điều khiến các người bạn quốc tế hết sức cảm động. Nơi biểu diễn và luyện tập còn khó khăn nhưng các em vẫn cố gắng khắc phục để vươn lên học tập tốt. Không chỉ luyện tập và trình diễn âm nhạc Việt Nam mà còn cả bản nhạc các nước Nga, Đức, Pháp … Ở thể loại nhạc nào cũng đều cố gắng hết sức mình để truyền tình cảm, tình yêu âm nhạc, tình đoàn kết tới các bạn bè quốc tế”.

Hai lần gặp và trò chuyện cùng ông, đủ để tôi nhận ra một người nghệ sĩ tài hoa nhưng cũng thật giản dị. Ông như nốt lặng bình yên giữa bản nhạc cuộc sống muôn màu. Tiếp tôi tại nhà, lúc nào cũng thấy ông chỉn chu, lịch thiệp. Cả cái cách ông kể cho tôi nghe về quá khứ, hiện tại và những dự định tương lai cũng thật kiệm lời. Ông ít nói về mình, chỉ thích nói về người khác, về những em khuyết tật tài năng. “Nghệ thuật là sa mạc và mình chỉ là hạt cát nhỏ nhoi, chẳng có gì đáng kể so với những người chưa có cơ hội tỏa sáng”.

Có đến xem buổi tập luyện hằng ngày của các em cũng như theo chân vợ chồng ông đến với một buổi biểu diễn của dàn hợp ca Hy vọng mới thấy hết được sự vất vả của vợ chồng ông đến nhường nào. Họ chăm lo từng li từng tí cho các thành viên của mình. Những tiếng vỗ tay không ngớt của các vị khách quốc tế trong khán phòng nhà thờ Cửa Bắc dành cho hợp ca Hy vọng sau phần trình diễn chào Giáng sinh 2020 hôm ấy, cùng với ánh mắt rạng ngời và những giọt nước mắt lăn trên khóe mắt đã nói lên tất cả sự tự hào của vợ chồng ông về những người học trò của mình.

Có một người phụ nữ đã hơn ba mươi năm qua vẫn lặng lẽ song hành cùng ông trên mỗi nhịp bước cuộc đời. Đó chính là vợ ông, nghệ sĩ opera Xuân Thanh.

Thật không quá khi nói rằng vợ chồng nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm và giọng hát Xuân Thanh đã bắc nhịp cầu văn hóa Việt Nam ra thế giới và ngược lại, góp phần để khán giả trong nước hiểu thêm văn hóa, âm nhạc của một số quốc gia bạn bè. Mỗi khoảnh khắc ấy đã được lưu giữ trong những tấm ảnh treo trên tường phòng khách. Để mỗi lần thư thái bên chén trà, họ cùng nhau sống lại một thời tuổi trẻ đầy say mê. Một Xuân Thanh sô-pra-nô trong trẻo, trữ tình hòa cùng những âm hưởng mãnh liệt từ đôi tay điêu luyện của nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm. Họ dâng cho đời những tinh túy lấp lánh nhất của những người yêu nghề và sống cho nghệ thuật. Giờ đây, khi bức rèm của sân khấu khép lại, họ lặng lẽ trở về trên con đường Láng quen thuộc. Với họ, may mắn có nhau trong đời, được san sẻ cùng nhau mọi buồn vui, được mất đã là niềm hạnh phúc lớn. Bà là vợ, cũng là người bạn tâm giao của ông. Đã bước qua nửa dốc cuộc đời, đôi vợ chồng nghệ sĩ ấy vẫn tin hạnh phúc là có thật.

Nghệ sĩ opera Xuân Thanh, lĩnh xướng trong tiết mục của hợp ca Hy vọng.

Được hết mình trong công việc và gần gũi, giúp đỡ các em học sinh khuyết tật thiệt thòi là những niềm vui mà có lẽ chỉ họ mới cảm nhận rõ hơn cả. Như một cuốn tiểu thuyết chưa đến hồi kết, như một bộ phim chưa đến phút dừng lại, và như một bản nhạc chưa có nốt sau cùng, như các thành viên của dàn hợp ca Hy vọng đã chia sẻ với chúng tôi: Hợp ca Hy vọng, hy vọng vào một con đường, trên con đường đó có khi là bằng phẳng, có khi là bùn lầy, có khi đó là vực thẳm, nhưng cho dù thế nào chúng tôi cũng không bao giờ mất đi hy vọng.

Bài: TUẤN DŨNG, Ảnh: THỦY NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/phong-su-ky-su/bai-2-thanh-am-hy-vong-629667/