Bài 2: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua
Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan niệm về thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị. Thi đua yêu nước là cốt cách, phẩm chất đạo đức của người Việt Nam yêu nước.
Lời Người nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, ngày 1/5/1952: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất” đã là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước phát triển không ngừng.
Những người thi đua là những người yêu nước nhất
Với cách viết thiết thực, sâu sắc, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, đề cập một cách toàn diện những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là chỉ rõ mục đích của Thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói. Diệt giặc dốt. Diệt giặc ngoại xâm”, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tác động và sức thu hút vô cùng lớn.
Phong trào thi đua ngay sau thời điểm ngày 11/6/1948 đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng, phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, rộng khắp các địa phương. Chỉ sau 4 năm phát động, từ năm 1948 đến năm 1952, phong trào thi đua ái quốc đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Cũng từ kết quả thi đua tốt đẹp này, Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc hay còn gọi tóm lược là Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức từ ngày 1-6/5/1952 tại chiến khu Việt Bắc. Đại hội là một mốc quan trọng đánh dấu những thắng lợi trong các phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm và là động lực để động viên toàn dân, toàn quân ta hăng hái lập thành tích xuất sắc trên chiến trường và giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
Đại hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự với sự tham gia của 154 đại biểu. Đại hội đã tuyên dương 07 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc. 07 Anh hùng được biểu dương như: Anh hùng Cù Chính Lan, chiến sĩ La Văn Cầu, nữ Trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Giáp Văn Khương, Quang Vinh. Đây là những Anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của quân và dân ta.
Tại Đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu về công tác cán bộ trước Đại hội. Trong bài phát biểu, Người đã dạy: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Người cho rằng, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Về công tác thi đua, Người chỉ ra: “Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính…”. Thi đua lập thành tích cao nhưng bên cạnh đó vẫn phải thực hành tiết kiệm, không vì thành tích mà sử dụng nhân lực, vật lực một cách lãng phí. Thi đua phải dựa trên sự minh bạch, không chạy theo thành tích mà lấp liếm mặt xấu, khoa trương mặt tốt, báo cáo sai sự thật. Do đó, chỉ có dựa trên “cần, kiệm, liêm, chính” thì phong trào thi đua yêu nước mới có thể tiến hành liên tục và lâu dài.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Trong phong trào thi đua chung thì phải gom góp sáng kiến, rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những dòng sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”.
Cũng tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
200 bài nói, viết đề cập đến phong trào thi đua ái quốc
Quan điểm ấy của Người chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc.
Không chỉ ra lời kêu gọi, phát động phong trào thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn luôn quan tâm đến từng hoạt động, từng kết quả mà phong trào thi đua cả nước đạt được. Theo một số thống kê chưa đầy đủ, từ khi phát động phong trào thi đua ái quốc (11/61948) đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 200 bài nói, viết đề cập đến phong trào thi đua ái quốc. Người dự 4 Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc (Đại hội I, năm 1952; Đại hội II, năm 1958; Đại hội III, năm 1962; Đại hội IV, năm 1966).
Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Toàn quốc lần II năm 1958 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, trong lời khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các anh hùng và chiến sĩ thi đua cần phải luôn luôn dắt dìu, giúp đỡ những người xung quanh mình cùng tiến bộ. Mọi người đều phải cố gắng tiến kịp các anh hùng, chiến sĩ. Các anh hùng, chiến sĩ thì cần tiến mãi không ngừng”.
Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III được tổ chức năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “CNXH là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy. Muốn đạt được mục đích đó, thì nhân dân ta phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; mỗi người phải cố gắng trở thành lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động; mỗi người phải nâng cao tinh thần làm chủ nước nhà”.
Và tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước tháng 12/1966, trong bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đại hội này có đại diện của đồng bào miền Nam, có đại biểu công nhân, nông dân, có những đồng chí làm nghề đánh cá, có những đồng chí nuôi bò, có những đồng chí trí thức... Thế là có đủ tất cả trai, gái, miền xuôi, miền ngược, trẻ có, già có, Bắc có, Nam có. Như thế là tốt. Trong xã hội XHCN của chúng ta bất kỳ làm việc gì, nghề gì mà Đảng và Chính phủ giao cho đều làm tròn và làm vượt mức, làm xuất sắc đều là anh hùng”.
Người còn tham dự trên 20 Đại hội thi đua của các lực lượng, các địa phương, các ngành, các giới: Quân đội, công an, phụ nữ, thanh niên, nông nghiệp, giáo dục... đồng thời, viết thư kêu gọi, viết báo nêu gương các anh hùng chiến sĩ thi đua, những tấm gương người tốt, việc tốt... Cùng với đó, từ năm 1948 đến năm 1969 (21 năm), Đảng ta có 32 văn kiện về phong trào thi đua ái quốc. Từ những con số này, có thể nhận thấy sự coi trọng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Sau khi phát động phong trào thi đua, Bác là người theo dõi chặt chẽ, quan tâm đến cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo thi đua, chứ không chỉ là lời kêu gọi chung chung. Bác đã mời ông Hoàng Đạo Thúy, lúc đó là Cục trưởng Cục thông tin, Bộ Quốc phòng sang làm Trưởng Ban thi đua đầu tiên. Từ đó, công tác tổ chức thi đua rất chặt chẽ. Và vào năm 1952 trong điều kiện kháng chiến ác liệt, nhưng chúng ta đã tổ chức được Đại hội thi đua yêu nước đầu tiên, tuyên giương các anh hùng, chiến sĩ thi đua tiêu biểu.
Sau này cũng nền nếp đó, có thể không tổ chức được Đại hội, nhưng Ban thi đua vẫn đề xuất lên Bác để khen thưởng các tấm gương tiêu biểu. Qua đó cho thấy ngay từ đầu, thi đua đã gắn với khen thưởng. Như Bác đã nêu “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng lúc là một “đòn bẩy” thiết thực động viên phong trào thi đua” - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc nhìn nhận.
Và chính từ sự quan tâm, sát sao, động viên khuyến khích kịp thời của Bác, phong trào thi đua ngày càng lớn mạnh, trở thành động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ vượt qua những thời điểm khó khăn của đất nước, đưa đất nước ngày càng phát triển.