Bài 2: Tình người trên đỉnh đồi Sim
'Làng Nủ thay da đổi thịt', 'làng Nủ tái sinh', 'làng Nủ khoác áo mới',… đó là những gì người ta đang nói về làng Nủ. Trong đau thương, mất mát mới thấy thấm tình người, tình đồng đội, tình quân dân. Quả thật, làng Nủ có bộ mặt mới như ngày hôm nay, không thể không nhắc tới đóng góp to lớn của Công an xã Phúc Khánh và lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh cơ sở.
Điểm tựa của bà con làng Nủ
Đưa chúng tôi đi tham quan, gặp gỡ người dân làng Nủ ở khu tạm cư và tái định cư, Trung tá Triệu Văn Sính, cán bộ Công an xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai nhận được rất nhiều tình cảm mến yêu của bà con nơi đây. Với người dân làng Nủ, các anh Công an xã không khác gì người thân trong gia đình, bởi suốt khoảng thời gian xảy ra thảm họa kinh hoàng cho đến lúc bàn giao nhà mới, hầu như ngày nào các anh cũng có mặt đồng hành cùng bà con làng Nủ.
Với phương châm xuống làng giúp dân, Công an xã Phúc Khánh đã thường xuyên có mặt tại khu tạm cư, tái định cư của làng Nủ để hỗ trợ bà con. Vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống các loại tội phạm các đồng chí còn tranh thủ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời hỗ trợ… nếu có những vướng mắc, hay mâu thuẫn có thể giải quyết từ sớm, từ xa… không để phát sinh những tình huống phức tạp.
Trung tá Sính kể rằng, chỉ trước khi cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, ngày 6/9/2024, các anh vẫn miệt mài làm căn cước công dân cho bà con trong xã đến tận chiều tối và bắt đầu trực bão từ ngày hôm ấy. Thậm chí không có thời gian về nhà chuẩn bị quần áo, đồ đạc, đồ ăn cho những ngày ứng trực.
Đến ngày hôm sau, khi bão đổ bộ thì cả trụ sở Công an xã và các khu vực xung quanh đều bị ngập lụt và bị cô lập 5 ngày liền. “Mất điện, mất sóng, đồ ăn cũng không có nhiều, anh em gần như bị cô lập. Sáng sớm ngày 10/9, chúng tôi lội nước ra khỏi trụ sở thì giật mình phát hiện con suối gần đó có rất nhiều bình ga đang trôi. Anh em bảo nhau, “chết rồi, chắc có làng nào bị lũ cuốn rồi”, Trung tá Sính nhớ lại.
Quả đúng như dự đoán của các anh, làng Nủ đã bị lũ xóa sổ từ sáng sớm ngày 10/9. Và cũng trong buổi sáng hôm ấy, Trung tá Sính cùng đồng đội và người dân xung quanh vớt được nhiều thi thể trôi về gần đó. Bản thân gia đình 5 cán bộ Công an xã Phúc Khánh cũng đều bị ảnh hưởng không nhỏ từ cơ bão. Thế nhưng suốt thời gian xảy ra sự việc đau lòng, các anh không có thời gian trở về nhà để lo cho gia đình. Như nhà Trung tá Sính gần như mất hết tài sản. Ngôi nhà ven sông của anh bị bùn đất tràn vào cao đến 2m, long móng, vườn tược bị sạt lở trôi, sập hết xuống sông sau nhà. Khi ấy may mắn vợ anh và hai đứa con lớn được hàng xóm giúp đỡ nên kịp chạy thoát thân lên đồi cao.
Còn nhà Trung tá Hoàng Đức Khoa, Trưởng Công an xã Phúc Khánh ở thị trấn cách đó hơn chục cây, nhưng phải nửa tháng sau, anh mới tranh thủ về nhà để xem xét hậu quả của cơn bão rồi lại vội vã quay lại trụ sở.
Sau khi các lực lượng cứu nạn cứu hộ rút khỏi hiện trường vụ sạt lở, Công an xã Phúc Khánh và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở vẫn cùng người dân vừa miệt mài tìm kiếm các nạn nhân mất tích, vừa cùng bà con khắc phục hậu quả cơn bão. Không chỉ vậy, các cán bộ, chiến sĩ của Công an xã Phúc Khánh còn phải làm cả nhiệm vụ “canh chừng” các Youtuber. Theo Trung tá Sính chia sẻ, thời điểm đó có đến cả trăm Youtuber đổ về làng Nủ, quay ngày chưa đủ, họ còn ra các ngôi mộ quay đêm. Nhiều người còn thêu dệt chuyện tâm linh, ma quỷ khiến tình hình trở nên phức tạp.
Những ngày cuối năm 2024 dương lịch, ngày nào các anh cũng xuống khu tái định cư để cùng bà con chung tay dọn dẹp vệ sinh, trồng cây ăn quả, làm hàng rào, trồng vườn hoa, trồng rau. Ngoài ra, các cán bộ, chiến sĩ Công an xã Phúc Khánh còn chở đồ, chuyển đồ cho bà con về nhà mới.
Không chỉ vậy, để lễ bàn giao và khánh thành khu tái định bảo đảm an ninh, an toàn, thông suốt phục vụ công tác bảo vệ các đoàn đại biểu và du khách, Công an xã Phúc Khánh cũng đã phối hợp với Công an huyện Bảo Yên tổ chức khảo sát, xây dựng các phương án phân luồng giao thông. Cùng với đó là các biện pháp đảm bảo an ninh nghiêm ngặt tại các khu vực diễn ra các sự kiện.
Tuyến đường liên xã từ Quốc lộ 70 vào khu tái định cư mới được mở rộng. Qua khảo sát của Đội CSGT và trật tự Công an huyện Bảo Yên những điểm cong cua hay những điểm trước đây sạt lở đã được đơn vị thi công dọn dẹp nhưng để đảm bảo an toàn tại những điểm này sẽ có lực lượng giao thông cử cán bộ ứng trực và cảnh báo tới các phương tiện tham gia trên tuyến vào thời điểm diễn ra sự kiện.
Công tác tuần tra của lực lượng cũng được thực hiện 24/24h nhằm đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống có thể phát sinh trên tuyến.Bên cạnh đó, tại những điểm đưa đón đại biểu sẽ có lực lượng làm nhiệm vụ điều phối phương tiện.
Cùng với công tác đảm bảo ATGT, Đội CSGT trật tự đã cùng Công an xã Phúc Khánh xây dựng các phương án đảm bảo an ninh an toàn triển khai với phương án đảm bảo an ninh nhiều lớp, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ.
Tấm lòng người dân làng Nủ
Khu tái định cư mới được bàn giao cho bà con làng Nủ trong niềm hân hoan, phấn khởi. Thế nhưng có 3 hộ dân đã viết đơn xin từ chối nhận nhà để nhường cho những người khó khăn hơn khiến ai cũng xúc động.
Bà Bùi Hiệp Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh cho biết, ba người đại diện cho 3 hộ dân viết đơn xin không nhận nhà tái định cư ở Làng Nủ, gồm: chị Nguyễn Thị Sành (SN 2000 là con gái của ông Nguyễn Văn Trần); anh Nguyễn Xuân Dương (SN 1997, con trai ông Nguyễn Văn Dóng); chị Sầm Thị Nhiên (SN 1998, con dâu của ông Nguyễn Văn Sử).
Cả ba trường hợp từ chối không nhận nhà vì lý do cả gia đình đã mất hết, mặc dù theo tiêu chuẩn đã được các cấp có thẩm quyền tỉnh Lào Cai họp bàn, thẩm định, cả 3 trường hợp trên đều có tiêu chuẩn nhà tái định cư. Tuy nhiên, các con của họ đã có đơn xin không nhận nhà. Những lá đơn của chị Sành, anh Dương, chị Nhiên khiến ai đọc đều cảm phục.
“Tôi xin không nhận nhà tái định cư vì bố mẹ đều đã mất trong vụ lũ quét tại Làng Nủ hồi tháng 9”, dòng chia sẻ trong đơn gửi UBND xã của chị Nguyễn Thị Sành.
Chị Sành là người con duy nhất của vợ chồng ông Nguyễn Văn Trần. Năm 2017, chị lập gia đình, chuyển đến nhà chồng sinh sống. Một năm sau, vợ chồng chị Sành về xây căn nhà cấp 4 cạnh bố mẹ đẻ.
Trận lũ quét lịch sử hồi tháng 9 cướp đi tính mạng của bố mẹ và con trai khiến chị suy sụp, tưởng chừng không vượt qua nổi. Hôm đó, chồng đi làm thuê, chị đưa con gái 3 tuổi đi khám bệnh, để con trai ở nhà nhờ bố mẹ chăm sóc. Khi trở về, cả ngôi làng bị xóa sổ. Chị Sành như chết lặng khi chứng kiến cảnh tượng tan hoang.
Sau biến cố, chị Sành được chính quyền hỗ trợ lo hậu sự cho bố mẹ và con trai. Vợ chồng chị và bố mẹ đều đăng ký hộ khẩu tại thôn Làng Nủ nên được cấp nhà tái định cư theo tiêu chuẩn. Chị đã nhận một căn nhà tái định cư. Phần của bố mẹ, chị viết đơn xin nhường lại cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Chị Sành cũng chia sẻ thêm, con gái đi lấy chồng không được đưa bát hương bố mẹ về nhà chồng để thờ cúng. Do đó, khi chính quyền xây dựng Nhà bia tưởng niệm cho những nạn nhân thiệt mạng trong trận lũ quét vừa qua, chị Sành cảm thấy được an ủi phần nào vì bố mẹ, người thân đã có nơi hương khói.
Còn anh Nguyễn Xuân Dương (SN 1997, con trai của ông Dóng) trình bày trong đơn, lý do không nhận nhà vì cả gia đình đã mất do lũ quét. Anh Dương đã có gia đình, ra ở riêng nên sẽ thờ tự bố mẹ, người thân tại gia đình mình. Tương tự chị Sầm Thị Nhiên cũng viết đơn xin không nhận nhà vì gia đình bố chồng mình đã mất cả nhà trong trận lũ lịch sử.
Ông Hoàng Văn Diệp, trưởng thôn Làng Nủ cho biết, những lá đơn xin không nhận nhà tái định cư của 3 hộ dân Nguyễn Thị Sành, Hoàng Xuân Dương và Sầm Thị Nhiên thể hiện đức tính thật thà, chất phác, nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa tinh thần, lối sống tích cực.
Trong tổng số 40 căn nhà tái định cư tại thôn Làng Nủ, hiện có 33 căn đã có người ở. Bảy căn còn lại chưa được bàn giao. Ba hộ dân ở Làng Nủ đã từ chối nhận nhà, 4 hộ khác chưa đủ điều kiện.
Theo thống kê ban đầu, 4 hộ này được đưa vào danh sách nhận nhà tái định cư. Tuy nhiên, đến nay, khi đối chiếu với hướng dẫn của tỉnh Lào Cai thực hiện chính sách hỗ trợ gia đình bị thiệt hại về nhà do ảnh hưởng của bão số 3, các hộ này không mất nhà, nằm ngoài phạm vi sạt lở.
Đối với 7 căn nhà chưa bàn giao, ông Diệp cho biết, chính quyền địa phương sẽ tiếp quản, bảo vệ tài sản 7 công trình trên. Về lâu dài, sẽ xin ý kiến của tỉnh, huyện bố trí nhà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng hoặc các hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt không thể tiếp tục sinh sống ở nơi ở cũ, phải bố trí tái định cư.
Đối với 4 dãy nhà tạm cư được xây dựng làm chỗ ăn nghỉ cho các hộ dân làng Nủ trong thời gian xây dựng khu tái định cư, địa phương có chủ trương sẽ sử dụng trong trường hợp bố trí làm nơi ở cho các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tại, lũ lụt, sạt lở đất… Hiện tại, trên địa bàn xã Phúc Khánh còn nhiều khu vực, địa điểm chịu ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét; nhiều công trình nhà dân bị xuống cấp, nứt… rất nguy hiểm.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/bai-2-tinh-nguoi-tren-dinh-doi-sim-i754071/