Bài 2: Trường tồn những giá trị lịch sử

Diễn ra trong 24 ngày (từ 4 - 27/7/1954), Hội nghị Quân sự Trung Giã đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, tạo tiền đề đến tiếp quản, giải phóng Thủ đô vào tháng 10/1954.

Đồng thời góp phần xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Mốc son lịch sử quân sự - ngoại giao

Theo TS Nguyễn Văn Biểu (Viện Sử học), trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn kết hợp khéo léo giữa “đánh” và “đàm”, giữa giành thắng lợi mang tính chiến lược trên chiến trường với giải pháp ngoại giao để bảo vệ nền độc lập và lập lại hòa bình.

Quang cảnh cuộc đàm phán tại Hội nghị Quân sự Trung Giã. Ảnh tư liệu

Quang cảnh cuộc đàm phán tại Hội nghị Quân sự Trung Giã. Ảnh tư liệu

Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneve là một sự kết hợp mẫu mực và điển hình như vậy. Sự phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận ngoại giao với mặt trận chính trị và quân sự, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển hóa những thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi về chính trị, pháp lý và đối ngoại.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật (Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, thành công của Hội nghị Quân sự Trung Giã có một ý nghĩa lịch sử to lớn, góp phần vào quá trình kết thúc chiến tranh, tiến tới hòa bình, trong đó có sự kiện giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.

Ðoàn đàm phán của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Hội nghị Quân sự Trung Giã dưới sự chỉ đạo của Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng Tư lệnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó “phải vững vàng về nguyên tắc, nhưng linh hoạt về sách lược”, mang đến thành công cho Hội nghị Geneve, góp một trang đẹp vào lịch sử đối ngoại quân sự nói riêng và pho sử vàng vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam nói chung.

Còn theo Thiếu tướng, PGS.TS Đinh Xuân Thanh, Chủ nhiệm Khoa Chiến lược (Học viện Quốc phòng), trong giai đoạn cách mạng mới, những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao nói chung, thắng lợi của Hội nghị Geneve, Hội nghị Quân sự Trung Giã nói riêng đi đến chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn còn nguyên giá trị.

PGS.TS Đinh Xuân Thanh cho rằng, để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, việc kết hợp giữa quốc phòng với hoạt động đối ngoại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả đường lối “ngoại giao cây tre”; đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế theo phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Đường lối trên gắn chặt với quan điểm “bốn không” trong đối ngoại quốc phòng, giúp tăng cường hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế; không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế, phấn đấu vì lợi ích của quốc gia, dân tộc; vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bài học cho đối ngoại quốc phòng hôm nay

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh, 70 năm đã trôi qua kể từ ngày diễn ra Hội nghị Quân sự Trung Giã, với biết bao thay đổi của tình hình quốc tế, khu vực cũng như vị thế của đối ngoại quốc phòng Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Hòa bình, hợp tác và phát triển đã trở thành xu hướng và khát vọng lớn của các quốc gia, nhưng những tác động phức tạp của tình hình thế giới đang thay đổi vẫn đặt ra những thách thức không thể xem nhẹ đối với sự phát triển của đất nước và quân đội ta. Những bài học quý giá từ Hội nghị Quân sự Trung Giã vẫn giữ nguyên giá trị đối với công tác đối ngoại quốc phòng ngày nay.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, trước hết, cần coi lợi ích quốc gia - dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc cao nhất trong đối ngoại quốc phòng. Ngày nay, khi quan hệ giữa các nước lớn vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, cuộc đấu tranh vì chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam luôn là cuộc đấu tranh cam go.

“Đối ngoại quốc phòng Việt Nam cần coi trọng lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ các lợi ích chính đáng trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, đấu tranh vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới” - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân chia sẻ thêm.

Còn theo Thiếu tướng, TS Nguyễn Hồng Thái, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an (Bộ Công an), “đánh”và “đàm” trong Hội nghị Quân sự Trung Giã thêm một lần nữa chứng minh nghệ thuật đặc sắc giá trị văn hóa quân sự của dân tộc Việt Nam. Kết quả nghệ thuật “đánh” và “đàm” trong Hội nghị Quân sự Trung Giã đã góp trí tuệ và bài học lớn cho văn hóa quân sự của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.

Lịch sử, truyền thống và hiện tại đã hòa quyện thẩm thấu vào nhau, tạo nên văn hóa quân sự giữ nước độc đáo, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” trước đây để vận dụng vào hiện nay.

Để phát huy hơn nữa truyền thống đó, Đại tá, PGS.TS Dương Hồng Anh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, cho rằng cần coi trọng xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; chuẩn bị tiềm lực đất nước để sẵn sàng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, phát huy truyền thống rất riêng, rất độc đáo của văn hóa quân sự Việt Nam, đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa.

Coi hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là định hướng chiến lược,
là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Chú trọng bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Đó là sự kế thừa và phát huy giá trị của văn hóa quân sự Việt Nam.

Ý nghĩa và giá trị lịch sử của Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam để lại những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu, phản ánh sinh động nguyên tắc, phương châm, nghệ thuật đối ngoại, sự trưởng thành và những đóng góp to lớn của nền ngoại giao Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tỏa sáng ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
TS Nguyễn Văn Biểu, Viện Sử học

70 năm đã trôi qua nhưng những dấu ấn lịch sử của Hội nghị Quân sự Trung Giã vẫn còn nguyên giá trị. Ðoàn đàm phán của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Hội nghị Quân sự Trung Giã dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giữ vững nguyên tắc chiến lược nhưng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, góp một trang sử vẻ vang cho hoạt động đối ngoại quân sự nói riêng và nền ngoại giao Việt Nam nói chung. Đó cũng là những bài học sâu sắc cần tiếp tục được nghiên cứu, quán triệt và vận dụng trong giai đoạn hiện nay…
Thượng tá, Thạc sĩ Lê Mạnh Tiến, Phó Trưởng phòng Lịch sử hậu cần -
Kỹ thuật quân sự (Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam

(Còn nữa)

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-2-truong-ton-nhung-gia-tri-lich-su.html