Bài 2: Truyền thông 'bẩn'

Ảo tưởng về quyền lực, vượt qua hay bất chấp các quy định của pháp luật, thậm chí thời gian qua có không ít trường hợp nại rằng muốn tăng nhanh lượng người truy cập vào kênh mà xem thường sự thật, cố tình đưa tin sai sự thật, tạo ra 'sự cố' giật gân câu khách là hết sức nguy hiểm. Cần phải vừa có tâm cũng như thể hiện cái tầm của bản thân người làm truyền thông.

Con dao hai lưỡi

Thực hiện loạt bài này, chúng tôi muốn chuyển tải đến bạn đọc những chính kiến dưới đây của một chuyên gia về kinh tế và cũng là một luật sư tại TPHCM (xin không nêu tên).

Vị chuyên gia cho rằng: Truyền thông là quá trình đưa các thông điệp một cách có chủ ý từ người tạo lập thông tin tới người tiếp nhận thông tin thông qua các kênh truyền tải. Các doanh nghiệp dùng truyền thông đưa sản phẩm, dịch vụ đến cho khách hàng, Nhà nước dùng truyền thông đưa các chủ trương, chính sách đến với dân chúng, nghệ sĩ dùng truyền thông để xây dựng hình ảnh...

Tại Việt Nam, khi kênh truyền tải chỉ có báo chí chính thống thì truyền thông bị lệ thuộc vào khuôn khổ, quy định của báo chí. Khi các kênh truyền tải mới xuất hiện như mạng xã hội, YouTube.. thì truyền thông không còn bị bó buộc, phát triển đa dạng và sáng tạo không ngừng. Hiện nay các doanh nghiệp, các cá nhân có thể chủ động sử dụng nhiều kênh truyền tải để truyền thông theo mục tiêu của mình.

Mặt trái, các kênh truyền thông có thể được sử dụng để tiêu diệt đối thủ, xúc phạm, tấn công người khác, đưa tin và bình luận sai sự thật, ác ý. Lúc này các kênh truyền thông như con dao được dùng để đi cướp, giết người chứ không phải dùng để làm bếp.

Các đối tượng muốn tấn công, tiêu diệt người khác qua truyền thông "bẩn" không thể đạt được mục đích của mình nếu không có người ủng hộ, nếu các thông tin đưa ra không có nhiều người tiếp nhận. Họ gây ảnh hưởng, lôi kéo nhiều người ủng hộ, nhiều người theo dõi thông qua các thông điệp tốt đẹp, to tát như từ thiện, chống tham nhũng, chống tiêu cực, tấn công quan chức, đại gia, nghệ sĩ nổi tiếng.

Việt Nam có đủ luật lệ cùng các quy định để xử lý các hành vi đưa tin sai sự thật, xúc phạm, bôi nhọ người khác, không thể cực đoan vì ngăn chặn các sai phạm này mà hạn chế quyền tự do ngôn luận của dân chúng, không thể vì vài kẻ dùng dao đi cướp mà bắt buộc toàn dân xin giấy phép dùng dao hoặc cấm dùng dao. Nhưng cũng không thể để cho các hành vi công khai đưa tin sai sự thật, xúc phạm, bôi nhọ người khác kéo dài mà phải xử lý nghiêm ngay khi phát hiện vi phạm.

Từ trái qua: Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc, Huấn Hoa Hồng

Từ trái qua: Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc, Huấn Hoa Hồng

Do các ràng buộc bởi khuôn khổ và một phần sự hạn chế chủ quan, dân chúng ít được tiếp cận các thông tin đa chiều, "đằng sau", "chưa công bố" của báo chí chính thống, hay vì lý do bí mật đang trong quá trình điều tra, chưa thể công khai trên các phương tiện báo chí truyền thông. Thế nhưng tâm lý xã hội phổ biến là hả hê với thông tin về sai phạm của các quan chức, đại gia, vạnh trần mặt trái của người nổi tiếng nên các thông tin này được tiếp nhận và lan truyền rất nhanh như thời gian qua.

Việc đưa thông tin chưa hề được kiểm chứng, chứng thực hay điều tra rõ ràng của các cơ quan chức năng, mà cụ thể là của Cơ quan CSĐT chưa công bố đúng - sai, thì các loại thông tin như: nghệ sĩ ăn tiền từ thiện, người đẹp có con với đại gia, doanh nhân X. sắp bị bắt...; thậm chí chỉ là những đoạn video chửi bới, nhục mạ người khác lại xuất hiện nhan nhản.

Cần các chế tài xử lý vi phạm

Truyền thông "bẩn" có tác dụng vì các cảm xúc, phản hồi của người tiếp nhận. Tại các quy trình tố tụng hình sự còn có nguyên tắc "suy đoán vô tội", nhưng trên mạng xã hội, chỉ cần một Status không hay về một đại gia nào đó, không cần kiểm chứng, sẽ có ngay hàng trăm, hàng ngàn các bình luận không hay, tin về đời sống riêng tư, gia đình của đại gia này, một ca sĩ nổi tiếng nọ...

Rồi trường hợp gần đây nhất về một cậu bé tự tử, không cần cân nhắc hệ quả với gia đình cậu bé ra sao, tâm tư nỗi đau của gia đình mất con, hay vì đạo đức người đưa tin, mà đã có ngay hàng loạt bình luận phân tích nguyên nhân và lan truyền video sự việc, bất chấp tất cả.

Có trường hợp một người phụ nữ tố cáo bị hiếp dâm, chưa cần suy xét, đợi các cơ quan có thẩm quyền kết luận, đã có hàng loạt bình luận nghi ngờ, xúc phạm người phụ nữ tố cáo. Ở chiều ngược lại thì có ngay hàng loạt bình luận xúc phạm người bị tố cáo, ngay lập tức coi tố cáo là đúng. Có nhiều người chủ ý đưa tin, bình luận nhằm mục đích xấu, nhưng cũng có rất nhiều người vô tình, bị ảnh hưởng bởi cảm xúc thiên vị mà lan truyền tin sai sự thật, bình luận xúc phạm người khác, vô tình tạo nên dư luận xã hội độc ác, sai lệch. Mỗi người dùng bàn phím chỉ gõ vài chữ, nhưng có thể làm nhiều gia đình trong đó có trẻ em, phụ nữ... đau khổ.

Bà Nguyễn Phương Hằng và Youtuber Bùi Thanh Quỳnh Như

Bà Nguyễn Phương Hằng và Youtuber Bùi Thanh Quỳnh Như

Dư luận xã hội kết án người khác không cần chứng cứ, không cần tranh luận trước khi tòa kết án. Bản án của dư luận còn nặng nề hơn bản án của tòa án. Chắc nhiều người không quên trường hợp con gái của một cựu sĩ quan công an chỉ bị phạt cảnh cáo trong vụ án Đường Sơn Quán đã phải tự vẫn từ những năm 1990 vì không chịu nổi sức ép của dư luận về bố của mình, dù khi đó mạng xã hội còn chưa phát triển.

Xử lý truyền thông "bẩn", tẩy đám bụi trần ảo tưởng về cái gọi là cho mình "quyền lực", không chỉ là sự kiên quyết của các cơ quan pháp luật, mấu chốt là thái độ công bằng của người tiếp nhận thông tin, sự thận trọng, cân nhắc của mỗi người trước khi gõ bàn phím và hãy đừng quên về nhân cách đạo đức của chính mình. Nên nhớ dòng tin, bình luận của mỗi người có thể ảnh hưởng đến một doanh nghiệp, đến một thương hiệu, đến nhiều người lao động, đến danh dự, sinh mạng và cuộc sống của người khác.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên ban hành các văn bản yêu cầu sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc lan truyền các thông tin xấu, độc, tin sai sự thật, các cơ quan báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng các vụ việc, không lan truyền các thông tin sai sự thật, xúc phạm đến uy tín tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông vào ngày 17-6-2021 đã có Quyết định số 874/QĐBTTTT về "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội". Nội dung "Bộ Quy tắc" có 3 chương, 9 điều nhằm quy định rất chi tiết và cụ thể về các hành vi ứng xử, nhằm chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên không gian mạng, khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

"Bộ Quy tắc" thể hiện tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội trong nước, nhưng vẫn đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ, các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Sử dụng mạng xã hội nên có những ứng xử chuẩn mực Ảnh: Thế Lâm

Sử dụng mạng xã hội nên có những ứng xử chuẩn mực Ảnh: Thế Lâm

"Bộ Quy tắc" xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh trên không gian mạng internet. Trường hợp những ai để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định luật pháp.

Điều quan trọng là không những các chế tài xử lý vi phạm, mà nhắm đến tạo được ý thức cho người dùng mạng xã hội, đừng vội vã, hãy suy nghĩ chín nhắn, như ông bà ta có câu "uốn lưỡi bảy lần", đừng để một lời bình, một câu nói của mình mà làm tổn hại, ảnh hưởng, thậm chí "giết" chết cả cuộc đời, hại cả một nhân cách mà người khác phải tạo dựng trong suốt thời gian dài trưởng thành phấn đấu...

Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định rất rõ ràng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực "bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử", các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Đối với trường hợp tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Chưa hết, người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, như buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm. Tại Khoản 2, Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội, người phạm tội có thể bị phạt tù... Bên cạnh đó, trường họp vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị xúc phạm, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

(Còn tiếp...)

Nhóm PV

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/bai-2-truyen-thong-ban_130091.html