Bài 2: Từ Khuổi Nặm đến con đường Nam tiến (tiếp theo và hết)

Trông vời lưng núi / Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây/ Chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo/ Kể rằng Người về đây, nhà in lưng đá/ Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà…'. Giai điệu của bài hát 'Tiếng hát giữa rừng Pác Bó' của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cứ ngân nga trong lòng chúng tôi trên đường về thăm lán Khuổi Nặm.

Lán Khuổi Nặm nằm cách hang Pác Bó khoảng 1km. Con đường vào lán ngày trước chỉ là một lối mòn heo hút, cheo leo, ngày nay đã được mở rộng hơn và lát đá để đi lại dễ dàng. Các khe núi trên con đường dẫn vào lán ngày trước rậm rạp um tùm, hoang sơ giờ đây đã được thay thế bằng những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau chạy ngược về phía rừng xa. Muốn đến lán Khuổi Nậm, du khách phải đi qua 2 di tích là hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu.

Hang Slí Điếng là một hang đá nhỏ ở gần đường đi, là nơi từng được Bác và các cán bộ sử dụng làm hòm thư liên lạc bí mật. Các công văn, chỉ thị, báo cáo, thư từ... được để ở một vị trí quy định trong hang, và cứ theo thời gian quy định trước đó thì có người đến lấy hoặc gửi tài liệu. Nhờ phương pháp này mà liên lạc luôn thông suốt, liên tục và bí mật. Gần đó khoảng 100m là hang Diêm Tiêu. Hang này tọa lạc trên một vách đá khá cao, phía trước được bao phủ bởi cây cối, cỏ dại um tùm nên rất kín đáo. Do đó, Bác Hồ đã chọn làm nơi cất giấu tài liệu bí mật trong suốt thời gian hoạt động ở đây.

Lán Khuổi Nặm nằm ngay ở cửa rừng, bên dòng suối nhỏ, dưới gốc cây sum sê. Cái tên Khuổi Nặm khá đặc biệt, theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là suối nước. Nó được đặt với ý nghĩa mô tả đặc điểm nơi dựng lán là có dòng suối chảy qua. Căn lán nhỏ làm theo phong cách nhà sàn của người Tày, rộng khoảng 12m2, mái lợp tranh, vách được ken bằng lá cáp tao (một loại cây rừng, lá gần giống lá dừa). Sàn được lát bằng những khúc cây rừng. Một tấm ván được kê trên sàn làm bàn làm việc của Bác. Theo ghi chép lịch sử, từ cuối tháng 3-1941, từ hang Pác Bó, Bác Hồ chuyển sang ở và làm việc tại lán Khuổi Nặm.

 Các đại biểu dự Hội thảo khoa học kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam tại Cao Bằng ngày 25-1-2021.

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam tại Cao Bằng ngày 25-1-2021.

Lán Khuổi Nặm đơn sơ nhưng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng có tầm chiến lược để từ đó Đảng ta vận động, đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước, tích cực chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, đón thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Lán là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo “Việt Nam độc lập”, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự, thành lập Đội du kích Pác Bó... Nhưng quan trọng nhất, từ ngày 10 đến 19-5-1941, tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Tham dự Hội nghị có các đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và đại biểu tổ chức Đảng hoạt động ở nước ngoài. Xét về tính chất và quy mô, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 giống như một Đại hội toàn quốc của Đảng bởi Nghị quyết Trung ương đã vạch ra những chiến lược căn bản cho con đường cách mạng Việt Nam và có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của đất nước.

Hội nghị xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương, cho nên tập trung vào nhiệm vụ: Đánh đuổi Pháp - Nhật làm cho xứ Đông Dương độc lập. Hội nghị khẳng định: Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được, và quyết tâm chuyển hướng chiến lược cách mạng: Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc cao hơn hết, là nhiệm vụ trước tiên, tạm gác nhiệm vụ cách mạng điền địa lại. Từ đó, Hội nghị đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy tên là “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh), nhằm đoàn kết tập hợp mọi lực lượng yêu nước, chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Về phương pháp cách mạng, Hội nghị nhận định rằng: Cuộc cách mạng Đông Dương kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị chỉ rõ, khi thời cơ đến: Với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dương Mạc Thăng kể lại những ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến hang Kéo Quảng.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dương Mạc Thăng kể lại những ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến hang Kéo Quảng.

Nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và sự thay đổi chiến lược cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng trong việc giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ trong điều kiện cụ thể của nước ta, chính là sự hoàn chỉnh nội dung các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và 7 trước đó. Sự thay đổi chiến lược một cách kịp thời, đầy sáng tạo của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc, phù hợp với bối cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam và đã mở đường cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chủ trương của Hội nghị Trung ương 8 được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản, chỉ thị nhằm tiến hành cách mạng bảo đảm thắng lợi hoàn toàn. Một cuộc vận động cách mạng rộng lớn diễn ra suốt từ Bắc vào Nam. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị, cả dân tộc bước vào thời kỳ mới, đẩy mạnh xây dựng lực lượng cách mạng, tập trung mọi lực lượng cho phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị cho khởi nghĩa từng phần giành chính quyền từng địa phương.

Trong thành công rực rỡ của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 có sự đóng góp tích cực của Đảng bộ và quần chúng cách mạng Cao Bằng. Việc thí điểm phong trào Việt Minh ở ba châu Nguyên Bình, Hòa An, Hà Quảng đã khẳng định vai trò của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng như ý kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xây dựng Cao Bằng thành một trong những căn cứ địa cách mạng của toàn quốc là đúng đắn. Với tính chất là một căn cứ địa cách mạng nên Cao Bằng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức cuộc họp lịch sử quan trọng Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Tỉnh ủy và nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự cho cả nước đã quyết tâm vượt mọi gian nguy thực hiện con đường cách mạng của Người và Trung ương Đảng lãnh chỉ đạo.

Theo hành trình lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chúng tôi đến xã Minh Tâm (huyện Nguyên Bình) nơi năm xưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã ở và làm việc lại nhà ông Dương Mạc Thạch (Xích Thắng), hang Kéo Quảng, Lũng Tàn, Lũng Dẻ, Lũng Lừa. Đồng thời cũng là nơi ở và làm việc của cơ quan in Báo Việt Nam Độc Lập - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh.

Đồng chí Dương Mạc Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng là con trai của đồng chí Dương Mạc Thạch, Bí thư chi bộ đầu tiên huyện Nguyên Bình, Chính trị viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân phấn khởi tiếp đón chúng tôi và dẫn đi thăm hang Kéo Quảng nơi Người và đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mở các lớp đào tạo cán bộ theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8.

Đồng chí Dương Mạc Thăng kể lại câu chuyện của quê hương gần 80 năm về trước: Đầu năm 1942, đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) được cử đến Nguyên Bình tổ chức 3 lớp huấn luyện cho cho những hội viên ở Gia Bằng, Kỳ Chỉ, Kim Mã, Tam Lộng tại hang Kéo Quảng. Sau đó, Tỉnh ủy Cao Bằng cử các cán bộ phụ trách công tác vận động đồng bào Mông, Dao, cùng đi với đồng chí Văn tổ chức các lớp huấn luyện cho các hội viên dân tộc Dao tại Lũng Lừa. Các lớp huấn luyện cho các hội viên vùng nam châu Nguyên Bình và châu Ngân Sơn (nay thuộc tỉnh Bắc Kạn) được tổ chức tại Roỏng Bó, Khuổi Dù, Thẩm Dầu, Sí Chắn, Vạ Phá, Roỏng Đí… (Tam Kim, Nguyên Bình). Châu Hòa An mở 6 lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh đào tạo nhiều cán bộ cho phong trào cách mạng châu Hòa An và các địa phương khác trong tỉnh. Các hội viên tham gia lớp đào tạo được giải thích cặn kẽ về phát xít Nhật- Pháp và bè lũ tay sai là nguồn gốc của mọi nỗi thống khổ, sự nghèo nàn lạc hậu; hướng dẫn về chương trình, điều lệ, chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh, tôn chỉ mục đích của tổ chức hội cứu quốc; trang sử vẻ vang của nhân dân cả nước và Cao Bằng chống giặc ngoại xâm… Nội dung các bài giảng lớp đào tạo cán bộ gieo vào trong lòng mỗi người niềm tin, ý chí quyết tâm tham gia vào các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh thúc đẩy phong trào cách mạng trong toàn tỉnh ngày càng lan rộng.

Lán Khuổi Nặm.

Lán Khuổi Nặm.

Năm 1943, tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, có lợi cho cách mạng. Nhận thấy có đủ điều kiện, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng quyết định tập trung sức thực hiện triển khai chủ trương chiến lược Nam tiến mà Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề ra, chắp nối phong trào cách mạng Cao Bằng với toàn quốc, trước hết là với khu du kích Bắc Sơn - Võ Nhai. Mùa hè năm 1943 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng, chỉ đạo 19 đội xung phong mở đường Nam tiến với 3 tuyến theo 3 hướng. Tuyến thứ nhất là Nam tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Kim Mã (Nguyên Bình)-Ngân Sơn (Bắc Kạn)-gặp Đội cứu quốc quân Bắc Sơn (tháng 11-1943) tại Nghĩa Tá (Chợ Đồn, Bắc Kạn). Tuyến thứ 2 hướng Đông tiến từ châu Thạch An- Tràng Định, Bình Gia (Lạng Sơn) nối với căn cứ Bắc Sơn- Võ Nhai và thông sang Hiệp Hòa (Bắc Giang). Tuyến thứ 3 hướng Tây tiến do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách từ Hà Quảng-Bảo Lạc (Cao Bằng)-Bắc Mê (Hà Giang)-Na Hang (Tuyên Quang). Đến tháng 11-1943, con đường Nam tiến được Tỉnh ủy Cao Bằng triển khai đã thành công nối liền căn cứ địa Cao Bằng với khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai và mở rộng xa hơn nữa tới các tỉnh trung du và đồng bằng; gắn phong trào Cao- Bắc-Lạng với phong trào toàn quốc.

Bài và ảnh: TRƯỜNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/bai-2-tu-khuoi-nam-den-con-duong-nam-tien-tiep-theo-va-het-650119