Bài 2: Vượt thách thức đạt những thành tựu quan trọng

Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu, nhưng để thực hiện có nhiều khó khăn, thách thức. Đến thời điểm này, Hà Nội đã có những nỗ lực đáng ghi nhận để đạt được nhiều kết quả tốt.

Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã làm chủ các công nghệ "lõi", phát triển khoảng 40 nền tảng "Make in Viet Nam". Ảnh: TTXVN

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã làm chủ các công nghệ "lõi", phát triển khoảng 40 nền tảng "Make in Viet Nam". Ảnh: TTXVN

Một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế số

Thực hiện chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, qua phản ánh từ các địa phương có thể thấy một số khó khăn vướng mắc, trong đó có cả Hà Nội.

Đầu tiên là khó khăn trong giám sát, đo lường do lĩnh vực kinh tế số rất mới và có sự giao thoa giữa kinh tế thực và kinh tế số. Vấn đề “trăm hoa đua nở” chưa có sự liên kết, phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng thiếu nguồn lực triển khai, thiếu mô hình thành công…

Thứ hai, môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số ở nước ta nói chung còn yếu, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo. Do sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, kinh tế số cùng các phương thức kinh doanh và các ý tưởng sáng tạo mới làm cho các cơ quan quản lý nhà nước tỏ ra khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số. Thí dụ như: vấn đề quản lý và thu thuế đối với các hoạt động thương mại trực tuyến, nhất là kinh doanh qua các mạng xã hội và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới;

Thứ ba, nguồn nhân lực cho kinh tế số chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin - nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số - còn ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng.

Theo tính toán của một số nghiên cứu thị trường và dự báo lao động, trong 15 năm tới khoảng 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa; tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam, vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động thấp so với mức trung bình thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số trở nên cấp bách.

Thứ tư, hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống dữ liệu ở Việt Nam nói riêng và của Thủ đô còn phân tán, chưa chia sẻ và kết nối liên thông như kỳ vọng. Do đó, Việt Nam đối mặt với thách thức lớn đến từ việc xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu chung của quốc gia.

Thứ năm, việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin ở nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, internet chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể tham gia kinh tế số. Vì an ninh mạng liên quan đến an toàn kinh tế, bảo mật thông tin của cá nhân, doanh nghiệp...

Nhiều doanh nghiệp bắt tay vào xây dựng công nghệ “lõi”

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển một công cụ hỗ trợ công tác tổng hợp (hệ tri thức), giám sát tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, kết nối tới các tỉnh, thành phố, tới mạng lưới chuyên gia tư vấn kinh tế số. Theo kế hoạch, trong tháng 11/2023 Bộ sẽ cung cấp công cụ này cho các địa phương.

Đến nay, Bộ đã ban hành 35 nền tảng số Quốc gia cần ưu tiên đầu tư. Bộ xác định 5 lĩnh vực chính cần tập trung thúc đẩy là công nghiệp chế biến, chế tạo; dệt may; logistics, nông nghiệp và du lịch.

Hiện nay, trên 50% các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Còn tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã làm chủ các công nghệ "lõi", phát triển khoảng 40 nền tảng "Make in Viet Nam" như Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel; Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC; VNPT Hà Nội; Công ty Công nghệ DTT; Công ty Cổ phần Công nghệ Phenikaa Maas…

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: "trong thời gian qua, các cơ quan của TP đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số. Trong xu hướng phát triển hiện nay, doanh nghiệp phải xác định cần vừa duy trì kênh bán hàng truyền thống, vừa phát triển thương mại điện tử. Một số doanh nghiệp đã nhanh nhạy và đạt được thành công bước đầu với kênh "online", nhưng nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, cần các hoạt động tập huấn, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị".

TP Hà Nội đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định thực hiện chuyển đổi số trên ba trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp số, startup, để tạo đà cho phát triển kinh tế số Hà Nội. Trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 8.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với tổng doanh thu đạt khoảng 12,57 tỷ USD, thu hút hơn 160.000 lao động.

Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông làm nền tảng cho phát triển Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội; triển khai, nâng cấp và duy trì bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp; hướng dẫn các đơn vị áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; triển khai nâng cấp và duy trì Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC)...

Để phát triển kinh tế số, Hà Nội cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và vận hành và quản lý dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, nhà ở, bảo hiểm, y tế, giáo dục, doanh nghiệp...

Hà Nội cũng cần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ; ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế. Phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, để nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.

(Còn nữa)

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-2-vuot-thach-thuc-dat-nhung-thanh-tuu-quan-trong-361694.html