Bài 3: Bám sát thực tiễn, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị (tiếp theo và hết)
Gần 3 năm qua, mặc dù việc triển khai thực hiện Đề án 1371 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên thực tế còn không ít khó khăn, vướng mắc, cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Từ việc tham mưu, trực tiếp triển khai thực hiện Đề án 1371, Bộ CHQS các tỉnh biên giới Sơn La, Lào Cai và Lai Châu đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Đề án trong thời gian tới.
Chú trọng nâng chất lượng báo cáo viên pháp luật
Lai Châu, Lào Cai và Sơn La là các tỉnh miền núi, biên giới, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân còn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, tình hình dân tộc, tôn giáo, an ninh trật tự trên địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường... Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án 1371 luôn được Đảng ủy, Bộ CHQS các tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng kế hoạch, nội dung, chương trình, với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao. Kết quả đạt được góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tuy nhiên thực tế tại các địa phương này, đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi; ít được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nên trình độ chuyên sâu về pháp luật còn hạn chế; nhất là kỹ năng, phương pháp tuyên truyền chưa cuốn hút được người nghe, khả năng sử dụng tiếng dân tộc trong công tác vận động quần chúng chưa thực sự hiệu quả... Trong khi đó, một bộ phận người dân chưa tự giác tìm hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật.
Đại tá Đặng Hồng Hải, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lào Cai cho rằng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là những hạt nhân trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, do đó cần quan tâm xây dựng đội ngũ này đủ về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng. Phát huy vai trò là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1371, hằng năm Bộ CHQS tỉnh Lào Cai chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo duy trì nền nếp hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật; nhất là tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật có trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để nâng cao chất lượng thực hiện Đề án 1371, Đại tá Thào A Pinh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lai Châu nêu quan điểm: Các cơ quan, đơn vị cần bám sát tình hình, điều kiện thực tế, phong tục, tập quán ở địa phương, từ đó xác định nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp. Đặc biệt, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp cần tích cực nghiên cứu, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, các phong trào thi đua, các đề án, cuộc vận động ở địa phương, đơn vị. Nhất là, cần phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn.
Cùng bàn về giải pháp này, theo Đại tá Vũ Đức Tú, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, muốn chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc xây dựng, ban hành kế hoạch, hướng dẫn hằng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương cần cụ thể, chi tiết; nội dung các tài liệu, đề cương, tờ rơi, tờ gấp cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Các địa phương cần chú trọng phát huy vai trò người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ, quần chúng tiêu biểu trong tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn. Đại tá Phó Đức Tú cho rằng, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần được bố trí kinh phí để hoạt động, bởi hiện hệ thống máy tính, máy chiếu của các đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh cơ bản hỏng và xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả.
Đẩy mạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Qua khảo sát thực tế việc triển khai thực hiện Đề án 1371 tại các tỉnh biên giới Tây Bắc cho thấy, đại đa số cấp ủy, chính quyền các địa phương đều quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội trong triển khai thực hiện Đề án.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo 1371 các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án của một số cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị và cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt; chưa lồng ghép hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kỹ năng, phương pháp tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên còn hạn chế; một bộ phận người dân chưa tự giác tìm hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật.
Để khắc phục bất cập này, Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, cho rằng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị Quân đội cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội địa phương trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn với việc nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống cho nhân dân; trang bị cho người dân thói quen tự tìm hiểu, học tập và áp dụng các quy định của pháp luật một cách đúng đắn, phù hợp.
Đại tá Nguyễn Văn Hưng cũng chia sẻ thực tế việc triển khai thực hiện Đề án 1371 tại khu vực biên giới, hải đảo đã và đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Trước hết là do đặc thù của khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại hết sức khó khăn; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, dễ bị ảnh hưởng, hư hỏng bởi thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp có lúc chưa thường xuyên, chưa lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với các chương trình, kế hoạch khác.
Để khắc phục những khó khăn, bất cập này, cần chú trọng phát huy vai trò các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng củng cố, kiện toàn các tổ, đội tuyên truyền pháp luật; duy trì nền nếp hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật có trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nhất là phải bám sát vào tình hình và điều kiện thực tế, phong tục, tập quán ở địa phương, đơn vị, xác định nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phù hợp; nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Chủ động huy động các nguồn lực, bảo đảm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đồng bộ, thuận lợi; cần phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật...
Theo đồng chí Giàng Thị Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Hội đồng Phổ biên, giáo dục pháp luật tỉnh Lào Cai, để đồng bào nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong phổ biển, giáo dục pháp luật. Ví như cách làm của Lào Cai, các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định bám sát nhu cầu của từng nhóm đối tượng cụ thể. Phụ nữ được chú trọng phổ biến các quy định về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, phòng chống mua bán người, đăng ký hộ tịch, dạy nghề...; đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được phổ biến các quy định liên quan thiết thực tới cuộc sống của đồng bào... Có như thế, Đề án 1371 mới thực sự phát huy được hiệu quả.