Bài 3: Cần sớm rà soát việc thực hiện Nghị định 67/CP

Sau khi đăng bài Đừng xem tàu vỏ thép là 'miếng bánh', Nhân Dân điện tử nhận được nhiều ý kiến liên quan việc khắc phục hậu quả do các nhà máy đóng tàu kém chất lượng gây ra. Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Bình Định, Lý Tiết Hạnh còn đề nghị Chính phủ sớm rà soát toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị định 67/CP để kịp thời chấn chỉnh. Sau đây Nhân dân điện tử trích đăng một số nội dung trao đổi.

NDĐT - Sau khi đăng bài Đừng xem tàu vỏ thép là “miếng bánh”, Nhân Dân điện tử nhận được nhiều ý kiến liên quan việc khắc phục hậu quả do các nhà máy đóng tàu kém chất lượng gây ra. Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Bình Định, Lý Tiết Hạnh còn đề nghị Chính phủ sớm rà soát toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị định 67/CP để kịp thời chấn chỉnh. Sau đây Nhân dân điện tử trích đăng một số nội dung trao đổi.

Không sửa, phải đóng mới

Luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty luật Bảo An, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật thì mọi thay đổi, bổ sung điều khoản trong hợp đồng phải được hai bên bàn bạc, thống nhất. Do vậy, việc nhà máy tự ý thay đổi vật liệu, thiết bị của tàu dẫn đến tàu hư hỏng, không sử dụng được là vi phạm hợp đồng nghiêm trọng. Việc này không những vi phạm pháp luật và còn vi phạm đạo đức doanh nghiệp. Việc lừa dối ngư dân là hành vi không thể chấp nhận.

Luật sư Vũ Tiến Vinh.

Luật sư Vũ Tiến Vinh.

Về thiệt hại, đối với những hư hỏng nhỏ, trong thời hạn bảo hành thì bên bán có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục. Đối với những thiết bị lắp không đúng chủng loại thì phải tháo gỡ rồi lắp đặt đúng thiết bị như đã thỏa thuận. Tuy nhiên, riêng đối với vỏ tàu làm bằng thép không đúng chủng loại quy định, kém chất lượng thì rõ ràng việc thay mới là không khả thi, tốn nhiều thời gian, chi phí mà cần phải đóng mới.

Thực tiễn giải quyết những tranh chấp này thì các bên có thể đàm phán mức bồi thường thiệt hại. Trường hợp đàm phán không thành thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền. Tòa án sẽ thẩm định thiệt hại và tuyên buộc người bán phải bồi thường.

Trước khi khởi kiện, người bị thiệt hại (ngư dân) cần chuẩn bị, thu thập các chứng cứ vi phạm của bên bán liên quan đến hợp đồng mà hai bên ký kết. Người dân cũng cần thống kê các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do sử dụng tàu kém chất lượng. Thiệt hại gián tiếp có thể là thu nhập bị mất, bị giảm sút do tàu không hoạt động được. Trong quá trình khởi kiện, nếu gặp khó khăn, người dân có thể liên hệ với Đoàn luật sư địa phương để được giúp đỡ.

Ngân hàng đối diện nguy cơ mất tài sản

Trước việc hai công ty đóng tàu Nam Triệu, Đại Nguyên Dương bàn giao sản phẩm kém chất lượng cho ngư dân Bình Định, luật sư Nguyễn Thành Sơn, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, các ngân hàng thương mại cho vay đóng tàu sẽ mất tài sản trong trường hợp ngư dân không có khả năng trả nợ.

Luật sư Nguyễn Thành Sơn phân tích: Theo Nghị định 67/CP thì ngư dân được vay tiền từ các ngân hàng thương mại để đóng tàu. Phía ngân hàng sẽ giải ngân theo tiến độ đóng tàu như đã thỏa thuận trong hợp đồng giữa chủ đầu tư (ngư dân) với nhà máy đóng tàu. Con tàu là tài sản bảo đảm được hình thành từ vốn vay.

Luật sư Nguyễn Thành Sơn.

Luật sư Nguyễn Thành Sơn.

Trong quá trình đóng, hai công ty Nam Triệu (Bộ Công an), Đại Nguyên Dương đã tự ý thay đổi một số vật tư, thiết bị không đúng theo hợp đồng. Nếu những vật tư, thiết bị này có giá thấp hơn loại đã được duyệt thì giá thành con tàu khi hoàn thiện cũng sẽ giảm xuống. Khoản chênh lệch này nếu doanh nghiệp không báo cho ngư dân, ngân hàng mà chiếm dụng để sử dụng riêng thì sự việc đã có dấu hiệu tội phạm, có thể khởi tố điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Riêng về con tàu - tài sản hình thành từ vốn vay, trong trường hợp ngư dân đánh bắt kém hiệu quả, không có khả năng trả nợ thì ngân hàng sẽ tiến hành thu giữ, bán để thu hồi tài sản. Với khối lượng tài sản bảo đảm có giá trị thấp hơn khoản vay thì ngay từ đầu, ngân hàng đã bị mất tiền.

Để tránh bị tổn thất, luật sư Nguyễn Thành Sơn cho rằng, các ngân hàng khẩn trương phối hợp với đối tượng vay (ngư dân), thuê các tổ chức giám định độc lập để giám định, thẩm định lại giá trị thực của toàn bộ con tàu. Từ đó buộc các doanh nghiệp đóng tàu phải sữa chữa, đóng lại tàu đúng theo hợp đồng đã ký kết để làm tài sản bảo đảm cho khoản tiền ngư dân đã vay để đóng tàu.

Cần rà soát toàn bộ các vấn đề liên quan thực hiện Nghị định 67/CP

Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Bình Định cho rằng: Sau khi phát hiện sự việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Định đã tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc xác định nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trên cần phải được làm rõ, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Bởi Nghị định 67 là chủ trương lớn, việc thực hiện không nghiêm cũng như không xử lý nghiêm những vi phạm, sẽ dẫn đến việc chính sách bị phá vỡ, tổn thất tiền của của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, đồng thời gây mất niềm tin trong dân. Vì vậy, tôi đề nghị cần xử lý nghiêm túc nếu phát hiện có sai phạm. Trước mắt, đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo sát sao các diễn biến tiếp theo để khắc phục tàu hư hỏng, giải quyết thỏa đáng, hài hòa các kiến nghị của ngư dân, sớm đưa tàu vào khai thác.

Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh.

Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh.

Tiếp đó, cũng nên xem đây là dịp để Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ các vấn đề liên quan việc thực hiện Nghị định 67/CP, bảo đảm chính sách được thực hiện đúng, phát huy hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân, hài hòa lợi ích các bên.

DƯƠNG QUANG TIẾN thực hiện

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/32860902-can-som-ra-soat-viec-thuc-hien-nghi-dinh-67-cp.html