Bài 3: Cấp bách giải quyết đồng bộ và hiệu quả các mâu thuẫn nguy hiểm
TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sảnNhìn lại 10 năm gần đây, từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' gắn với chống 'diễn biến hòa bình', có thể nói, vấn đề phòng, chống, tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính đạo đức, lối sống với tẩy trừ tham nhũng, tiêu cực, cảnh giới và khắc chế hữu hiệu 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ đặt ra không ít vấn đề, mâu thuẫn cần kíp giải quyết vừa mang tầm chiến lược vừa nóng bỏng, cấp bách hiện nay.
Từ thực tiễn, có thể hình dung tối thiểu 7 loại mâu thuẫn chủ yếu.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện - phương sách tối ưu đề kháng, triệt tiêu sự suy thoái
Trước hết, mâu thuẫn giữa đòi hỏi mới về nhận thức và kiến tạo cơ sở xã hội chính trị của xã hội Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi rất nhanh, rất khác trước và hội nhập quốc tế rất mau lẹ, biến đổi phức tạp với tầm nhìn chật hẹp, tư duy ngắn hạn và quyết sách chậm chạp, bất cập của việc lãnh đạo tư tưởng, nâng cao năng lực cầm quyền, quản trị xã hội ở không ít cấp trong phòng, chống trên trận địa tư tưởng...
Công cuộc đổi mới là một cuộc cách mạng trong cách mạng đã và đang làm chấn động tất cả đời sống đất nước và tiếp tục sắp xếp lại một cách hợp quy luật của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nghĩa là một xã hội đang chuyển đổi, vật vã đoạn tuyệt quá khứ, thậm chí có mặt hủ bại cần phải kiên quyết rũ bỏ; phòng ngừa những nguy cơ mới, biến thái mới xuất hiện có thể làm rối loạn tình hình; đồng thời, tìm kiếm, thâu thái và phát triển các giá trị mới nhằm chủ động kiến tạo hệ giá trị toàn diện của đất nước mà công tác tư tưởng, lý luận giữ vai trò đi trước mở đường.
Ở bước ngoặt của sự chuyển đổi này, cùng với việc xuất hiện những động lực nhưng đồng thời cũng xuất hiện những trở lực mới, với những rủi ro và thách thức, những quyến rũ và cạm bẫy diễn ra rất nhanh, chồng lấn và phức tạp. Chúng ta sẽ trở nên rối loạn, nếu mất phương hướng hoặc phản ứng chậm chạp hoặc lảng tránh chúng vô tình hay hữu ý. Và, sự thật, ở không ít cấp, tại không ít nơi, trên không ít phương diện đang lâm vào trạng thái nguy hiểm này. Đổi mới và phát triển kinh tế là hoàn toàn đúng nhưng chưa bảo đảm sự phát triển song song văn hóa với kinh tế, thậm chí văn hóa phải đi tiên phong so với kinh tế và chính trị. Chính vì chưa coi trọng văn hóa nên lối sống chạy đua theo vật chất, coi vật chất là giá trị sống, là giá trị duy nhất đang ngày càng phổ biến, lấn át và thắng thế. Lối sống trọc phú, chủ nghĩa kim tiền, thái độ “makeno” (mặc kệ nó) đang xâm lấn, áp đảo và nguy cơ chế ngự mọi ngóc ngách đời sống chính trị và làm băng hoại đạo đức từ trên xuống dưới.
Nguy cơ thị trường hóa, tiền tệ hóa đó đang giăng bẫy và khuynh loát không ít người, chế ngự và lũng đoạn không ít lĩnh vực, kể cả những nơi “linh thiêng” nhất. Và, không ít người, trong đó từng giữ trọng trách chính trị đã gục ngã, làm vấy bẩn môi trường tư tưởng, đạo đức xã hội, làm nhiễu loạn nhiều hệ giá trị mới đang hình thành. Thậm chí điều đó gây nên ảo giác cực kỳ nguy hiểm rằng, cả xã hội cùng đi trên một con đường nhưng kỳ thực không ít bộ phận xã hội lại đi ngược chiều nhau. Vì, có thể đạt được thành quả về kinh tế nhưng lại mất môi trường, mất văn hóa, đạo đức, phong hóa bị xâm hại một cách vô hình. Mất vật chất, còn hy vọng có thể lấy lại được nhưng mất tinh thần, mất văn hóa, mất truyền thống, đạo đức xã hội rơi vào suy mạt… là mất hết. Văn hóa không chỉ soi đường cho phát triển kinh tế - xã hội, là phương tiện để phát triển kinh tế bền vững mà suy cho đến cùng, nó chính là mục đích của mọi sự phát triển kinh tế. Buông lơi văn hóa trong phát triển nhất định thất bại. Nếu coi biên giới là một khái niệm mở thì văn hóa, đạo đức cũng chính là biên giới. Mất văn hóa không chỉ mất kinh tế, mất con người, mà thậm chí nguy cơ có ngày mất nước.
Tất cả hiện trạng đó đã và đang làm phân ly sự thống nhất tư tưởng và tâm lý xã hội, thậm chí làm rối loạn không ít lĩnh vực xã hội hiện thực, trong đó có tư tưởng lý luận. Đó chính là nguy cơ xã hội chính trị và đạo đức đang bị biến thái và đe dọa chúng ta.
Vì vậy, những căn bệnh về tư tưởng trước hết phải giải quyết bằng các biện pháp tư tưởng, nhưng không thể đơn thuần giải quyết chúng chỉ bằng biện pháp tư tưởng thuần túy, cho dù có lúc cần thiết.Không có tư tưởng thuần túy, tư tưởng phi chính trị càng không có tư tưởng vị tư tưởng. Do đó, ở đây, tất cả những biến thái của tư tưởng chính trị, đạo đức dù ở cá nhân hay tổ chức… cần được nghiền ngẫm và giải quyết một cách toàn diện và đầy nghệ thuật trên cơ sở xã hội chính trị hiện thực bằng các biện pháp kinh tế, chính trị, pháp luật, đạo đức... Vì, ở đây, nếu thất bại về tư tưởng chính trị, lý luận có nguy cơ sẽ làm mất phương hướng và gây chấn động, thậm chí làm sụp đổ tất cả hiện thực mới mẻ. Nghĩa là, giải quyết những vấn đề về tư tưởng chính trị trên tầm tổng thể, đồng bộ và toàn diện mang ý nghĩa chiến lược, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng và trung tâm, lợi ích cá nhân là quan trọng mang tầm tư tưởng, văn hóa và đạo đức.
Do đó,tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, với công việc then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện là phương sách tối ưu nhằm đề kháng, triệt tiêu cơ sở xã hội và môi trường chính trị xã hội - nơi tồn tại của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực… Đồng thời, chủ động đấu tranh liên tục và triệt để với những hành động của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện thực một cách toàn diện cả về kinh tế, pháp luật và đạo đức là một bộ phận hợp thành toàn bộ công tác xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước và làm lành mạnh các quan hệ xã hội.
Đổi mới tư duy, mở tầm viễn kiến - sứ mệnh căn bản của công tác tư tưởng, lý luận
Thứ hai, mâu thuẫn giữa yêu cầu nhận thức đúng đắn và ngang tầm về cuộc đấu tranh sinh tử, thường xuyên này với sự nghểnh ngảng, do dự, hành động không tương xứng của không ít tổ chức đảng và thành viên trong hệ thống chính trị các cấp cùng sự chậm chạp, thậm chí “theo đuôi” truyền thông xã hội của không ít cơ quan báo chí, tư tưởng.
Thực tế đang cho thấy, âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam là không thay đổi; chỉ có phương thức, thủ đoạn của chúng thay đổi. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải chủ động, kiên trì, thực hiện thường xuyên, liên tục. Đây không phải là mặt trận có giới tuyến địch - ta rạch ròi, mà trận địa dùng tư tưởng, lý luận cách mạng và khoa học phải đánh bại tư tưởng, lý luận phản động; nắm lấy chính nghĩa và sự thật đánh bại sự xuyên tạc, vu cáo; là nơi sử dụng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Dân bằng cơ sở xã hội chính trị hiện thực làm nhân tố quyết định thành công trong cuộc đấu tranh gay go và ác liệt này.
Bài học từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu cho thấy, do xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin, buông lỏng cuộc đấu tranh “chống diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên phương diện tư tưởng chính trị, vô hình trung thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từ đây làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN nhanh chóng tan rã. Từ đây cho thấy, ở những bước ngoặt, không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta, trước hết nếu không suy bại về tư tưởng chính trị. Và, đồng thời thực tiễn cũng cho thấy, nếu nhiễm "hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải" về tinh thần, tư tưởng - AIDS tinh thần - cho dù là ai, nhất định mất khả năng tự đề kháng tư tưởng xấu độc và dứt khoát dẫn tới thất bại.
Do đó, đổi mới tư duy, mở tầm viễn kiến, nâng cao năng lực dự báo chiến lược, chủ động hoạch định quyết sách chính trị và hành động mang tầm chiến lược… là công việc trước hết và sứ mệnh căn bản của công tác tư tưởng, lý luận, nếu không bị động, tụt hậu và thất bại.
Thứ ba, mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh với sự tụt hậu về tư duy, tầm viễn kiến, sự sáng tạo của công tác tư tưởng, lý luận, tuyên giáo ở không ít địa phương và sự lẽo đẽo “theo đuôi thực tiễn” của không ít cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận và báo chí.
Đây là nhân tố quyết định sự thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trên lĩnh vực tư tưởng, các thế lực thù địch luôn tập trung xuyên tạc, rình rập vu cáo, mưu toan xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thực hiện ý đồ chiến lược làm chuyển hóa thể chế chính trị ở nước ta. R. Nixon, cựu Tổng thống Mỹ, trong cuốn sách: “1999 - chiến thắng không cần chiến tranh”, ông ta viết: Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất, toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù tình hình thế giới và trong nước khó khăn, phức tạp đến đâu, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn bảo vệ và giữ vững chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng XHCN. Nhưng, bảo vệ quyết không phải là sự cố thủ mù quáng “nhất thành bất biến”, là duy trì bằng mọi giá cái hiện tồn, mà trái lại cần cầu thị trước những vấn đề cần bổ sung, sáng tạo phát triển nó phù hợp theo đòi hỏi của thực tiễn với tư cách là học thuyết cách mạng khoa học nhất, tiên tiến nhất, là “vũ khí tinh thần”, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ mà trước hết nó phải đổi mới ngang tầm, công tác tư tưởng, lý luận và báo chí xứng đáng đi trước, mở đường trong việc kiên định bảo vệ và phát triển độc lập, sáng tạo chủ nghĩa Mác -Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; cổ vũ và phát triển những giá trị tốt đẹp dân tộc và những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo và thống nhất trong đời sống tinh thần xã hội.
Những bước ngoặt của cách mạng những năm 90 của thế kỷ XX cho thấy, khi khó khăn, thử thách là lúc tư tưởng dễ dao động, tâm lý hoang mang, mất phương hướng dễ nảy sinh trong một bộ phận cán bộ, đảng viên non kém, cũng là lúc nguy cơ giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng… nảy nòi. Vì vậy, hiện nay, để nâng cao công tác tư tưởng, lý luận, việc trước mắt cũng như lâu dài là, phải sàng lọc, chỉnh đốn và đổi mới thường xuyên đội ngũ làm lý luận, tư tưởng và báo chí, nhất là loại bỏ những người “tư tưởng lưỡng phân, đạo đức ba mặt”, những “ông Đông Quách” cơ hội, “đa nhân cách”, những người không có tư tưởng làm công tác tư tưởng tưởng như vô hại. Chỉnh đốn và quản lý nhà nước hệ thống báo chí và truyền thông theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn… ngõ hầu xứng đáng gánh vác trách nhiệm bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng lý luận một cách khoa học, thuyết phục là nhân tố có ý nghĩa sống còn trên mặt trận tư tưởng, lý luận, báo chí.