Bài 3: Có nên mở phố đi bộ tràn lan?
(Chinhphu.vn) - Việc hình thành và phát triển phố đi bộ tại mỗi địa phương rất cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng ở nhiều góc độ về văn hóa, kinh tế và đặc biệt là tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Có phương án giải quyết được những vấn đề này thì mới nghĩ đến việc triển khai.
Một địa phương mở nhiều phố đi bộ có cần thiết khi những tuyến phố đó không có điểm vui chơi, không có nhiều di tích lịch sử hay không gian văn hóa; hoặc khoảng cách các tuyến phố đi bộ ở mỗi quận huyện gần nhau, không có điểm đặc trưng và ảnh hưởng đến đi lại của người dân… Đây không chỉ là trăn trở của mỗi địa phương mà còn là của các doanh nghiệp lữ hành, du khách và ngay cả người dân.
Hà Nội đang có kế hoạch mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ mới nhằm thu hút khách du lịch và kích cầu tiêu dùng cho địa phương. Tuy nhiên khi được hỏi về vấn đề này, anh Trần Trung (phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, việc mở quá nhiều phố đi bộ lại gần nhau sẽ tạo cảm giác nhàm chán, nhất là khi hầu hết các phố đi bộ thiếu những sản phẩm, hoạt động đặc trưng. Mặt khác phố đi bộ mở ra không được đầu tư, không có ý tưởng cho những hoạt động sôi nổi, đặc sắc, không trở thành không gian văn hóa tiêu biểu thu hút người dân và du khách thì không nên mở thêm.
"Thực tế việc mở thêm các phố đi bộ tại Hà Nội như phố Trần Nhân Tông, Ngọc Khánh là những địa điểm không có không gian nổi trội, không có di tích văn hóa lịch sử nổi bật; thậm chí việc quận, huyện nào cũng muốn mở phố đi bộ có thể sẽ gây cản trở việc đi lại của người dân", anh Trung chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Hải-Giám đốc Công ty Du lịch La Palanche cho rằng, việc mở các phố đi bộ cần có những quy định cụ thể.
"Chỉ đơn giản, nếu các quận, huyện của Hà Nội đều làm phố đi bộ thì rất thừa mà chỉ nên tập trung vào một điểm thật đặc sắc. Đối với các tỉnh, thành phố cũng như vậy, xây dựng phố đi bộ rất tốt, làm cho du lịch địa phương phát triển, nhất là du lịch về đêm luôn vui, sinh động thay vì về nhà không có điểm vui chơi, không thu hút được du khách, và lấy được tiền từ túi du khách", ông Nguyễn Xuân Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Hải cho rằng, khi kéo dài thời gian du lịch thì khách sẽ tiêu tiền nhiều hơn, kinh tế tăng trưởng. Lấy ví dụ về khách du lịch Pháp của công ty mình, ông Hải cho biết, công ty ông thích đón khách vào cuối tuần, vì có điểm vui chơi, đưa khách vào phố đi bộ, chỉ cho họ những chỗ hay, đặc sắc và lí thú của Hà Nội. Tuy nhiên ông Hải đề xuất, Hà Nội có thể xây dựng phố đi bộ Hoàn Kiếm không chỉ cuối tuần mà làm cả tuần để phát triển du lịch. Có không gian đi bộ như vậy thì các đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành phố thay phiên nhau đến biểu diễn, các ban nhạc trẻ chưa có cơ hội trên sân khấu thì có thể tìm đến địa điểm này. Đây cũng là nơi để khách du lịch tìm hiểu về đặc trưng văn hóa địa phương.
Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm (đơn vị tham gia ý tưởng và phát triển không gian phố đi bộ) cho biết, thực tế cho thấy là thời gian qua, một số quận trên địa bàn thành phố Hà Nội đã mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ và sau một thời gian hoạt động hiện nay thường xuyên ở trong tình trạng vắng vẻ, ít khách đến vào dịp cuối tuần.
"Thực ra mỗi địa phương có một cách làm riêng, với kinh nghiệm triển khai ở Sơn Tây, hay nhìn vào thành công trong xây dựng thương hiệu không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, tôi nghĩ rằng, điều cơ bản thu hút sự hấp dẫn là do những đặc thù như dư địa khách du lịch, những giá trị vốn có của di sản văn hóa với những đặc trưng, giá trị riêng như ở Hoàn Kiếm có khu phố cổ, có hồ Gươm hay Sơn Tây có di tích Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm. Những nơi này từ trước đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến vui chơi, sinh hoạt... Nếu biết khai thác, các giá trị văn hóa, các lợi thế đó chính là những tiền đề lớn để phát triển không gian đi bộ ở đây", ông Thạo phân tích.
Ông Nguyễn Đăng Thạo cho biết thêm, Sơn Tây hiện nay còn khó khăn về kinh phí đầu tư cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, không thể thường xuyên tổ chức được các sự kiện lớn, thu hút nhiều nghệ sĩ có tên tuổi về biểu diễn như các đơn vị khác thì Sơn Tây chọn cách phát triển bằng nội lực, khuyến khích thành lập, phát triển các câu lạc bộ, hội nhóm, hạt nhân văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đầu tư cho các câu lạc bộ này về chuyên môn, về nghệ thuật để chính những câu lạc bộ này sẽ là lực lượng biểu diễn chính tại các không gian sân khấu của phố đi bộ hằng tuần. Hay với đặc thù có nhiều đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn, Thị xã Sơn Tây cũng thường xuyên mời các đơn vị mang những chương trình văn nghệ ra phố đi bộ biểu diễn, giao lưu, tạo nên màu sắc phong phú trong các hoạt động. Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn cũng là đơn vị được Thị xã mời đưa các chương trình văn nghệ đặc trưng của các dân tộc ra biểu diễn tại phố đi bộ… Thị xã thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa mang tính chất các cuộc thi, lễ hội ra phố đi bộ tạo sức hút nhân dân và du khách như tổ chức chương trình đêm Trung thu Thành cổ, lễ hội Mít, giải vật quốc gia… Tất cả những hoạt động này kết hợp với sự tham gia của các đoàn thể xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức giới thiệu các trò chơi dân gian, các hoạt động tuyên truyền cũng góp phần làm phong phú thêm hoạt động của Phố đi bộ.
Ông Nguyễn Đăng Thạo cho rằng, việc mở ra phố đi bộ góp phần phát triển du lịch, tạo không gian văn hóa, trải nghiệm cho người dân đồng thời cũng gắn với phát triển kinh tế đêm là một hướng đi đúng và phù hợp trong xu thế hiện nay. Tuy nhiên việc hình thành và phát triển phố đi bộ tại mỗi địa phương rất cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng ở nhiều góc độ về văn hóa, kinh tế và đặc biệt là tránh gây ra những bất cập ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Có phương án giải quyết được những vấn đề này thì mới nghĩ đến việc triển khai.
Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, cũng rất cần chú ý đến việc tổ chức các không gian văn hóa với không gian vui chơi giải trí, ẩm thực cho phù hợp, thuận lợi cho người dân, đảm bảo phát triển lâu dài. Như tại phố đi bộ Sơn Tây, sau thời gian triển khai, rút kinh nghiệm, các hoạt động ẩm thực không bố trí trong không gian đi bộ mà hướng phát triển sang các tuyến phố lân cận để góp phần phát triển kinh tế khu vực xung quanh, giảm thiểu ảnh hưởng vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.
Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/bai-3-co-nen-mo-pho-di-bo-tran-lan-102230831104332113.htm