Bài 3: Để bảo hiểm trở thành 'người bạn' cho nông dân
Trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Để thực hiện mục tiêu này, cần hội thụ nhiều yếu tố kinh tế-xã hội, trong đó thực hiện tốt bảo hiểm rủi ro ho người nông dân sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu an sinh xã hội mà dự thảo nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Vậy làm thế nào để người nông dân và các tổ chức tài chính trở nên 'mặn mà' hơn với các sản phẩm dịch vụ này luôn là vấn đề mà nhiều người quan tâm.
Cần sự hỗ trợ từ Nhà nước
Từ nhiều năm nay, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), tạo chỗ dựa cho nông dân đã được Nhà nước ta quan tâm. Ngay từ năm 2010, nhằm giúp nông dân bớt thiệt hại khi gặp rủi ro, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2010- 2013. Điểm quan trọng trong Đề án là khi nông dân mua bảo hiểm liên quan đến sản xuất nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm.
Để tạo điều kiện cho nông dân nghèo, đặc biệt các hộ, vùng còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất chia nhóm đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể đối với nông dân nghèo, nông dân bình thường và tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Từ đề án này, Nhà nước đã hỗ trợ 80 - 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo; 60% cho hộ nông dân không thuộc diện nghèo; 50% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Theo đề án, có 3 đối tượng được bảo hiểm gồm cây trồng là cây lúa; vật nuôi trâu, bò, heo, gia cầm; thủy sản (gồm cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng)... Cũng theo đề án này, các loại thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong nông nghiệp như: bão, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá... và dịch bệnh như cúm đối với gia cầm; dịch tai xanh đối với heo; bệnh lở mồm long móng đối với gia súc; bệnh thủy sản đối với tôm, cá tra; dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá đối với cây lúa... sẽ được ưu tiên bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm được phép thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có trách nhiệm áp dụng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về BHNN như một công cụ quan trọng để người nông dân yên tâm lao động sản xuất trên cánh đồng của mình. Trong đó, Nghị định chỉ rõ: Chính sách hỗ trợ BHNN phải đáp ứng một số điều kiện, yêu cầu sau:
Một là, được triển khai nghiệp vụ BHNN theo Giấy phép thành lập và hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về vốn, khả năng thanh toán theo quy định, có quy trình của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) về khai thác, giám định, bồi thường BHNN, quy trình kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ theo quy định pháp luật; có chương trình tái BHNN bảo đảm an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định pháp luật.
Hai là, DNBH đứng đầu hoặc DNBH được chỉ định làm đầu mối thực hiện hợp đồng bảo hiểm có trụ sở chính hoặc chi nhánh đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi triển khai chính sách hỗ trợ BHNN.
Hiện nay, BHNN đang được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn, đã thu hút được khá nhiều hộ dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp tham gia. Có 7 tỉnh được hỗ trợ phí BHNN đối với cây lúa gồm: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; 8 tỉnh, thành được hỗ trợ phí BHNN đối với trâu, bò gồm: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương; 5 tỉnh được hỗ trợ phí BHNN đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. UBND các tỉnh, thành thuộc các địa bàn trên tổ chức lựa chọn địa bàn được hỗ trợ BHNN theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.
Thời gian thực hiện hỗ trợ phí BHNN từ ngày Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg có hiệu lực (26-6-2019) đến hết ngày 31-12-2020. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí BHNN là tối đa theo quy định tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020 và các quy định sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
UBND các tỉnh, thành thuộc địa bàn: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ phí BHNN theo quy định tại Quyết định 22/2019/QĐ-TTg. Hiện nay, tất cả các tỉnh này đã tham gia BHNN đối với cây lúa, trâu, bò, tôm sú và tôm thẻ chân trắng...
Hiện nay, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiệm (DNBH) và tái bảo hiểm phối hợp thực hiện BHNN nhằm tạo điều kiện cho người dân chủ động khắc phục, bù đắp thiệt hại tài chính do không may gặp phải trong sản xuất nông nghiệp như thiên tai, dịch bệnh. Khi người dân yên tâm sản xuất thì hiệu quả sản xuất mang lại luôn được tối ưu nên Nhà nước khuyến khích người dân tham gia và tái tham gia để các vấn đề thiên tai, dịch bệnh không còn là nỗi lo lớn.
Khyến khích nông dân tham gia BHNN
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Trường Đại học Duy Tân TP Hồ Chí Minh, việc tham gia BHNN sẽ giúp người dân yên tâm tham gia sản xuất nông nghiệp, giảm bớt các lo lắng nếu gặp phải các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh thì sẽ được bảo hiểm hỗ trợ, không phải bị mất trắng như trước nay.
Hiện nay, mức hỗ trợ phí BHNN, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ đến 90%; cá nhân sản xuất nông nghiệp khác là 20%; các tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể về hợp tác, liên kết, quy mô lớn có ứng dụng công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường là 20%.
Là người trực tiếp tham gia sản xuất, ông Nguyễn Văn Thạch, Thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bưởi da xanh tỉnh Bến Tre chia sẻ, sản xuất nông nghiệp ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thiên tai và bất ổn thị trường.
Hơn nữa, đa phần nông dân đều chỉ tập trung vào sản xuất, không có chuyên môn về xây dựng thương hiệu và thương mại sản phẩm nên vẫn ở thế yếu, phụ thuộc vào các thương lái. Những thiệt hại đó người nông dân phải gánh chịu như một phần quy luật tự nhiên chứ chưa có bất cứ giải pháp nào để kiểm soát.
Theo ông Nguyễn Văn Thạch, nếu có chương trình bảo hiểm nông nghiệp chấp nhận chia sẻ rủi ro với người sản xuất trong việc đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh thì hầu hết nông dân đều sẵn sàng tham gia.
Ông Jean Yves Drolet, cố vấn quản lý rủi ro trong nông nghiệp của Socodevi (Tổ chức phi lợi nhuận của Canada nhằm phát triển quan hệ quốc tế được thành lập tại Việt Nam từ năm 2002) bày tỏ, tại Việt Nam, những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh chủ yếu được Chính phủ hỗ trợ theo sự vụ, trong khi người sản xuất nông nghiệp và các bên liên quan chưa chủ động tham gia các biện pháp quản trị rủi ro như tham gia bảo hiểm cho sản xuất.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sớm triển khai các chương trình, sản phẩm bảo hiểm trong nông nghiệp nhằm chia sẻ rủi ro cho người sản xuất. Bà Melanie Dumont, Chuyên gia Bộ Kinh tế và Sáng tạo Quebec, Canada nhấn mạnh, tham gia bảo hiểm là giải pháp kiểm soát rủi ro, giảm thiểu thiệt hại hiệu quả ở nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kể cả nông nghiệp.
Cụ thể, xây dựng chiến lược kết nối và chia sẻ rủi ro giữa tổ chức tài chính với nông dân trên cơ sở thực hành quản lý tốt, phát triển tín dụng nông nghiệp, quỹ bảo lãnh cho vay, bảo hiểm mùa màng và xây dựng năng lực quản trị rủi ro cho người sản xuất.
Khi đó, người nông dân được đảm bảo thu nhập và lợi nhuận ổn định ngay cả khi xảy ra rủi ro về thiên tai hay biến động thị trường.
Huy động đoàn thể chính trị xã hội tham gia
Nhằm hỗ trợ người nông dân ổn định sản xuất và giảm bớt rủi ro, vừa qua, một số tỉnh, thành trong cả nước đã có những chủ trương, giải pháp hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân, thông qua bảo hiệm những cây trồng vật nuôi có giá trị. Điển hình là UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-UBND về công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò cho 57 xã, thị trấn thuộc tám huyện, thành phố. Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc được coi là chỗ dựa để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Bà Đinh Thị Hoa, Phòng Giảm Nghèo và An sinh xã hội nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, nhưng do BHNN chưa thực sự hấp dẫn đối với nông dân. Đến nay Nghệ An là tỉnh duy nhất đã ký được hợp đồng bảo hiểm với người dân cho cây lúa vụ Hè – Thu năm 2020 (cho 7.291 hộ với diện tích 1.465 ha thuộc 102 xã của 8 huyện. Trong đó, có 927 hộ nghèo, 3891 hộ cận nghèo và 2473 hộ thường). Tổng giá trị bảo hiểm là 39.107 triệu đồng, số phí bảo hiểm là 2.007 triệu đồng (trong đó: Phần người mua bảo hiểm nộp là 674 triệu đồng, phần NSNN hỗ trợ là 1.333 triệu đồng). Tuy vậy, vụ sản xuất đã hết, song tỉnh vẫn đang thực hiện thẩm định hồ sơ và chưa chi trả hỗ trợ phí bảo hiểm cho doanh nghiệp. Người dân vẫn phải chờ đợi!
Kết quả sản xuất của các hộ tham gia bảo hiểm vụ hè thu vừa qua đã phát sinh thiệt hại do sụt giảm năng suất. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ viễn thám để xác định năng suất lúa còn chưa được người mua tin tưởng do có sự chênh lệch so với năng suất thực tế. Hiện tại, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đang phối hợp với các bên để thống nhất việc xác định thiệt hại, bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm.
Đối với phương thức BNHH thương mại theo hình thức tự nguyện (Nhà nước không hỗ trợ phí), một số công ty hiện đang triển khai như ABIC, MIC. Trong đó, việc gắn BHNN với vay vốn tín dụng trong sản xuất nông nghiệp bước đầu cho kết quả khả quan.
Tổng hợp giai đoạn 3 năm 2018-2020, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) đã triển khai ở 17 tỉnh, thành. Trong đó, bảo hiểm vật nuôi (bò sữa, trâu bò thịt, trâu bò giống) với 182 hộ, 20 tổ chức tham gia số lượng 18.192 con, doanh thu bảo hiểm đạt 2.653,62 triệu đồng, giá trị bảo hiểm là 516.352,22 triệu đồng. Bảo hiểm cây trồng (chủ yếu cho cây cao su, keo) với diện tích được bảo hiểm là 5.706,73 ha của 10 hộ, 13 tổ chức tham gia. Giá trị bảo hiểm cho cây trồng đạt 253.934,31 triệu đồng và doanh thu bảo hiểm là 998,54 triệu đồng.
Việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo hình thức trên tạo nhân tố bước đầu để triển khai nhân rộng thời gian tới, đặc biệt là cho đối tượng là những tổ chức, doanh nghiệp sản xuất lớn, hướng tới các sản phẩm hàng hóa chủ lực có giá trị kinh tế cao.
Tuy vậy, bà Đinh Thị Hoa cũng nhìn nhận một thực tế khiến việc thực hiện BHNN còn gặp một số khó khăn như: Sản phẩm bảo hiểm chưa hấp dẫn. Các sản phẩm bảo hiểm áp dụng chính sách hỗ trợ phí đối với lúa, trâu bò, tôm hiện nay còn chưa đa dạng, điều khoản quy tắc chưa hấp dẫn người nông dân như phí bảo hiểm cao; với bảo hiểm cây lúa không có bảo hiểm theo từng hộ hoặc thôn mà chỉ bảo hiểm theo năng suất lúa trung bình theo xã; mức khấu trừ cao (30-40% giá trị bảo hiểm); quy trình, thủ tục xác định thiệt hại, bồi thường còn phức tạp và chưa minh bạch như việc ứng dụng công nghệ viễn thám để xác định năng suất lúa mà không dựa vào năng suất thực thu nên người sản xuất, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo khó tiếp cận và dễ gây tranh chấp.
Về phía doanh nghiệp, BHNN có tính thời vụ, rủi ro cao khó kiểm soát việc tuân thủ quy trình sản xuất của nông dân, thủ tục để tham gia chính sách hỗ trợ còn phức tạp; nhiều thu thập số liệu về sản xuất nông nghiệp để thiết kế sản phẩm bảo hiểm khó nên không nhiều doanh nghiệp đăng ký (chỉ có Công ty Bảo Việt, Bảo Minh). Về phía người dân, chưa nhận thức đầy đủ về bảo hiểm nông nghiệp nên chưa sẵn sàng tham gia; số lượng hộ nông dân đăng ký tham gia không nhiều, người dân nghèo sản xuất nhỏ (diện tích, số lượng nuôi trồng ít) nên giá trị tham gia thấp, không đủ đảm bảo theo nguyên tắc số đông bù số ít của bảo hiểm...
Do vậy, thời gian tới, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP cần được xem xét, bổ sung để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách. Đồng thời mở rộng địa bàn, lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế trong sản xuất hàng hóa lớn, lựa chọn loại rủi ro cấp thiết cần được hỗ trợ bảo hiểm phù hợp với thực tế và nhu cầu của người sản xuất; khuyến khích các địa phương tự bố trí ngân sách để hỗ trợ việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Xây dựng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của người dân.
Cùng với đó là khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng các sản phẩm bảo hiểm mới theo hướng tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và các rủi ro cấp thiết tại các vùng miền (các loại thiên tai, dịch bệnh thường gặp, có tác động lớn đến sản xuất) phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của chính sách BHNN cần được đẩy mạnh, đặc biệt trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo chuỗi, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Đóng vai trò rất quan trọng là tăng cường chỉ đạo thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, huy động các đoàn thể chính trị, xã hội cùng tham gia thực hiện bảo hiểm nông nghiệp. Khuyến khích thực hiện bảo hiểm nông nghiệp tự nguyện, gắn bảo hiểm nông nghiệp với các chuỗi liên kết và gắn bảo hiểm nông nghiệp với việc vay vốn từ ngân hàng. Có như vậy, BHNN mới từng bước đi vào cuộc sống, gắn bó và đảm bảo đời sống sản xuất cho người nông dân một cách thiết thực, hiệu quả.