Bài 3: DN du lịch: Sẵn sàng đón khách trở lại
Việc chính quyền các địa phương mở cửa trở lại đã tiếp lửa cho DN vào cuộc khôi phục các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ, nâng cấp, làm mới các sản phẩm để đón khách trở lại.
Xây dựng điểm đến an toàn
Đại diện Công ty Vinpearl cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 128, nhiều địa phương đã công bố là “vùng xanh”, là tiền đề quan trọng ngành du lịch các tỉnh miền Trung có thể xây dựng và triển khai lộ trình rõ ràng cho kế hoạch “du lịch xanh” đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong thời gian sắp tới.
Để chuẩn bị cho lộ trình mở cửa du lịch theo kế hoạch của Quảng Nam, Đà Nẵng và Khánh Hòa, Vinpearl đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, cũng như dịch vụ, sản phẩm để phục vụ du khách ngay khi các hoạt động du lịch được tái khởi động trong điều kiện an toàn. Về quy trình đón khách an toàn, 100% nhân viên Vinpearl trực tiếp phục vụ du khách được tiêm 2 mũi vaccine và được đào tạo về phương án bảo hộ đúng chuẩn.
Để chủ động chuẩn bị cho các tình huống phát sinh, các cơ sở Vinpearl tại miền Trung đã thành lập tổ phản ứng nhanh, xây dựng phương án phòng dịch và ban hành quy trình xử lý các tình huống khi có ca nghi mắc COVID-19, bố trí khu vực dự phòng làm điểm cách ly tạm thời.
Riêng lộ trình đón khách du lịch hộ chiếu vaccine, bên cạnh tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ Y tế, các địa phương, Vinpearl còn đưa ra bộ tiêu chuẩn an toàn nâng cao. Cụ thể, toàn bộ nhân viên đều được bố trí “3 tại chỗ”, theo dõi khai báo y tế hằng ngày.
“Chúng tôi kỳ vọng, mô hình ‘cách ly nghỉ dưỡng’ đi kèm với hộ chiếu vaccine sẽ mang lại hiệu quả và an toàn, là một trong những lời giải cho bài toán phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới”, đại diện Vinpearl chia sẻ.
Ông Steve Wolstenholme, Tổng Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch khu nghỉ dưỡng Hoiana (Quảng Nam) cho rằng, năm 2020, Việt Nam là một trong những ví dụ tiêu biểu thành công nhất trong cuộc chiến chống lại COVID-19, toàn quốc đã kiểm soát được sự lây lan của virus với các biện pháp phòng ngừa chủ động. Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng thứ 4 với biến chủng Delta, nhưng Việt Nam một lần nữa cho thấy có thể linh hoạt, thích ứng để vượt qua các tác động của đại dịch bằng cách thay đổi chiến lược từ “zero COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Động thái hướng tới sống an toàn với virus là cần thiết và rất quan trọng, đặc biệt là để phục hồi du lịch.
“Tại Hoiana, chúng tôi đã phát triển một chiến lược thích ứng với nhiều yếu tố, bao gồm cả sản phẩm, dịch vụ lẫn nhân sự. Chúng tôi cũng bắt đầu thực hiện một chương trình du lịch an toàn của riêng mình phù hợp với các quy định an toàn của Chính phủ để sẵn sàng cho giai đoạn bình thường mới và chào đón sự trở lại của khách du lịch trong và ngoài nước.
Chúng tôi tạo ra sản phẩm ‘bong bóng an toàn’ bằng cách cung cấp dịch vụ ăn nghỉ tại chỗ cho hầu hết các nhân viên tại làng Staff Village, nơi các biện pháp bảo vệ được duy trì nghiêm ngặt, bao gồm 5K và giãn cách. Nhân viên đến từ các khu vực có nguy cơ cao được yêu cầu cách ly trong phòng ở một khu vực biệt lập và tuân theo các quy tắc phòng tránh COVID-19 của Chính phủ.
Bằng cách đó, chúng tôi giảm nguy cơ tiếp xúc với virus và biến khu nghỉ dưỡng thành một môi trường an toàn cho cả khách du lịch và nhân viên. Hơn nữa, 100% nhân viên của chúng tôi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19”, ông Steve Wolstenholme chia sẻ.
Chuẩn hóa các tiêu chí để đón khách du lịch trở lại
Tại tỉnh Khánh Hòa, di tích Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng đã mở cửa đón khách tham quan trở lại. Từ ngày 29/10, VinWonders Nha Trang sẽ đón khách tham quan khu vui chơi giải trí vào 3 ngày cuối tuần. Các khu du lịch như Ba Hồ, suối Hoa Lan, Đảo Khỉ, Galina Lake View đang lên kế hoạch đón khách từ đầu tháng 11.
Hiện nay, nhiều đơn vị, DN du lịch tại Khánh Hòa đã hoàn thành việc xây dựng phương án phòng chống dịch COVID-19 sẵn sàng cho việc đón khách du lịch trở lại.
Ông Trần Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Long Phú, Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa cho biết: “Việc phục hồi hoạt động du lịch hết sức khó khăn sau gần 2 năm ‘đóng băng’. Tuy nhiên, đơn vị đã nỗ lực chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất để mở cửa lại khu du lịch Đảo Khỉ, suối Hoa Lan, tour nội tỉnh… Đồng thời triển khai biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong đón khách, an toàn y tế ở lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, vui chơi giải trí, ăn uống, lưu trú”.
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, địa phương đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch, hướng dẫn kế hoạch đón khách du lịch trong tình hình mới đến các DN du lịch, cơ sở lưu trú. Cụ thể, các cơ sở lưu trú phải đảm bảo 12 tiêu chí, DN kinh doanh lữ hành và các khu/điểm tham quan du lịch phải đảm bảo 11 tiêu chí khi đón khách nội địa có thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19. Trong đó, các tiêu chí cơ bản như 100% người lao động tại các DN du lịch phải có thẻ xanh hoặc thẻ vàng. Trong quá trình hoạt động, tất cả người lao động luôn đảm bảo quy tắc 5K, đo thân nhiệt hằng ngày, định kỳ xét nghiệm COVID-19.
Sở Du lịch cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thẩm định về đáp ứng thích ứng an toàn trong hoạt động du lịch đối với các khu, điểm du lịch, nhất là các địa điểm phục phụ đón khách quốc tế sắp tới tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, khu nghỉ dưỡng Vinpearl, khu du lịch Champa Island và một số đơn vị khác để đưa vào hoạt động…
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group Vùng miền Trung cho biết, Đà Nẵng cho phép mở cửa trở lại dịch vụ du lịch là tín hiệu đáng mừng đối với ngành du lịch nói chung và các DN du lịch nói riêng. Đây là chủ trương tích cực và cần thiết để tạo tiền đề cho sự phục hồi du lịch Đà Nẵng vốn bị “đóng băng” gần như suốt 2 năm qua.
“Tranh thủ thời gian tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch, chúng tôi đã làm mới cho các điểm du lịch bằng các hoạt động trùng tu, bảo dưỡng, trồng cây hoa mới, làm đẹp cảnh quan; nâng cao chất lượng dịch vụ, kiến tạo thêm những sản phẩm mới nhằm đem đến những trải nghiệm mới mẻ, bất ngờ cho du khách ngày trở lại”, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Còn bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc Truyền thông-marketing khu du lịch Núi Thần Tài (Đà Nẵng) cho biết: “Chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị về nhân lực cũng như chỉnh trang lại cơ sở vật chất, tạo thêm sản phẩm du lịch mới sẵn sàng phục vụ du khách khi ngành du lịch Đà Nẵng tái khởi động trong điều kiện bình thường mới. Đặc biệt, công ty chú trọng nâng cấp các biện pháp an toàn trong kiểm soát dịch tại khu du lịch theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và Thành phố.
Còn tại Thừa Thiên Huế, hoạt động du lịch đang dần được “hâm nóng”. Các điểm di tích Đại Nội, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức, lăng vua Khải Định… đã mở cửa đón khách. Nhằm đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quét mã QR tại các điểm tham quan. Hiện tại các điểm di tích thực hiện chính sách giảm 50% giá vé.
Để khởi động lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức khảo sát để xây dựng sản phẩm tour “du lịch xanh Huế” để khôi phục và quảng bá du lịch nội địa. Địa điểm khảo sát là những nơi gắn liền với lịch sử, có giá trị thu hút khách du lịch trong địa bàn tỉnh, bao gồm các địa điểm như cầu ngói Thanh Toàn, lăng Vua Gia Long, Đại Nội… Hiệp hội Du lịch cũng tích cực kêu gọi các DN du lịch hoạt động trở lại; tổ chức hoạt động, sự kiện đặc sắc, cuốn hút tại khu, điểm du lịch để thu hút khách du lịch, nhất là những ngày cuối tuần.